Điểm tin môi trường trong tuần
4/22/2018 5:21:00 AM
Kinh hoàng cà phê tẩm nhuộm chất độc từ viên pin; Người Việt thải gần 18.000 tấn rác thải nhựa mỗi ngày; Hà Nội cấy tảo lục để lấy lại màu xanh đặc hữu của Hồ Gươm; Bãi bỏ một số loại phí bảo vệ môi trường trong thủy sản; Cả thế giới hoang mang khi Trung Quốc từ chối làm bãi rác cho toàn cầu; WWF đề xuất hiệp định toàn cầu về bảo vệ môi trường biển; ... là trong số những thông tin sự kiện môi trường đáng chú ý trong tuần.
VIỆT NAM
Kinh hoàng cà phê tẩm nhuộm chất độc từ viên pin
Chủ cơ sở khai nhận thu mua các loại
cà phê thải, phế phẩm vỏ cà phê, cà phê vụn vỡ tại các đại lý rồi dùng chất bột màu đen các cục pin hòa với nước để nhuộm cà phê, mang đi tiêu thụ. Tin từ Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Đắk Nông ngày 17-4, cho biết đơn vị vừa phối hợp cùng các lực lượng chức năng bắt quả tang một cơ sở chế biến cà phê “bẩn” bằng cách nhuộm cà phê với chất bột màu đen của cục pin. Thông tin ban đầu cho biết, vào ngày 16/4, từ nguồn tin báo của người dân, lực lượng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Đắk Nông phối hợp cùng Thanh tra Sở NN – PTNT tỉnh Đắk Nông đột nhập vào cơ sở chế biến cà phê bột của gia đình bà Nguyễn Thị Loan (ở thôn 13, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông).
Lực lượng chức năng ập vào kiểm tra cơ sở chế biến cà phê bẩn. Ảnh B.N
Vào thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện trong xưởng chế biến cà phê của bà Loan có hàng chục tấn cà phê “bẩn” đã được trộn lẫn với đất, bột đá. Ngoài ra, tại cơ sở chế biến, lực lượng chức năng cũng đã thu giữ 2 chậu chứa cục pin con ó (khoảng 35 kg) đã được đập vụn, 1 xô chứa nước màu đen (khoảng 10 kg) đã được hòa tan bằng pin, 12 tấn cà phê bột đã được chủ cơ sở cho nhuộm đen bằng pin chuẩn bị đóng gói cùng nhiều máy móc, vật dụng liên quan đến việc sản xuất cà phê “bẩn”. Để có nguồn nguyên liệu, hằng ngày bà Loan cho người đi thu mua lại các loại cà phê thải,
phế phẩm vỏ cà phê, cà phê vụn vỡ… tại các đại lý. Sau đó mua các cục pin đập dẹp, dùng chất bột màu đen của pin hòa với nước rồi đem nhuộm với cà phê. Số cà phê sau khi được nhuộm, cơ sở đem rang, xay rồi đóng gói bán ra thị trường nhằm mục đích kiếm lời. Cũng theo bà Loan, từ đầu năm 2018 đến nay, cơ sở của bà đã xuất bán ra thị trường hơn 3 tấn cà phê “bẩn” đã được nhuộm đen bằng pin con ó như trên.
Người Việt thải gần 18.000 tấn rác thải nhựa mỗi ngày
Đó là một trong những con số đáng báo động được các chuyên gia môi trường đưa ra tại sự kiện Ngày Trái đất ở TP.HCM chiều 19/4. Nếu làm tròn dân số Việt Nam là 100 triệu người thì số lượng rác thải là 120.000 tấn mỗi ngày. Trong số đó 16% là
rác thải nhựa, vị chi mỗi ngày sẽ có gần 19.000 tấn rác thải nhựa được thải ra ở Việt Nam. Còn nếu tính dân số Việt Nam là 93,7 triệu người (theo thống kê 2017 của Tổng cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình - Bộ Y tế), thì lượng rác thải nhựa thải ra là gần 18.000 tấn – theo Báo Tuổi Trẻ.
Cũng theo bà Xuân, vấn đề hiện nay là số lượng rác thải nhựa được tái chế còn rất thấp, nên số rác nhựa còn lại vẫn tồn tại trong
môi trường và đi ra đại dương. Theo nhiều nghiên cứu, nếu không hành động ngay bây giờ thì đến năm 2050, đại dương sẽ nhiều rác hơn là cá. Tại Việt Nam, biển tạo ra sinh kế cho hàng triệu con người, đồng thời cung cấp thức ăn cho cả Việt Nam. Tình trạng ô nhiễm nhựa ở Việt Nam đang rất nghiêm trọng. Nhựa đang gây ra những ‘vùng chết’ trên đại dương, gây tổn hại đến trữ lượng cá - bà Xuân báo động - Ở Việt Nam đã có trường hợp rùa biển bị chết do mắc vào lưới đánh cá hoặc ăn phải rác thải nhựa.
Hà Nội cấy tảo lục để lấy lại màu xanh đặc hữu của Hồ Gươm
Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thoát nước Hà Nội cho biết, đơn vị vừa thực hiện thả, cấy tảo lục xuống hồ Hoàn Kiếm (Hồ Gươm) nhằm tạo
màu xanh đặc hữu riêng có của hồ này. Cụ thể, công ty đã thả, cấy 22 can nước có chứa tảo lục nguyên thủy của Hồ Gươm (mỗi can là 100 lít nước chứa tảo lục), xuống các khu vực quanh hồ như đường Đinh Tiên Hoàng; Lê Thái Tổ-Hàng Khay và khu vực trung tâm hồ - theo TTXVN.
Theo Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thoát nước Hà Nội, những can nước chứa tảo lục vừa được thả xuống Hồ Gươm, vốn dĩ được lấy ở hồ này trước khi được thực hiện nạo vét vào dịp cuối năm ngoái 2017. Sau khi lấy mẫu tảo lục, công ty nuôi giữ ở phòng thí nghiệm, đảm bảo sinh trưởng tốt, khi được thả ra
môi trườngtự nhiên. Nhìn nhận về việc thả, cấy tảo lục xuống Hồ Gươm, một số nhà khoa học đánh giá, đây là việc làm tích cực giúp Hồ Gươm lấy lại được màu xanh đặc hữu. Tuy nhiên, sau khi thả, cấy tảo lục xuống hồ cũng cần có theo dõi, đánh giá để có cách làm hiệu quả hơn trong việc lấy lại màu xanh cho Hồ Gươm.
Bãi bỏ một số loại phí bảo vệ môi trường trong thủy sản
Ngày 17/4, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn và Bộ Tài nguyên & Môi trường có cuộc làm việc để tháo gỡ những rào cản, vướng mắc trong các quy định pháp luật liên quan đến quy chuẩn
môi trường trong lĩnh vực thủy sản và chăn nuôi. Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), kiến nghị loại bỏ chỉ tiêu phốt pho và giữ nguyên chỉ tiêu ni tơ trong dự thảo QCVN 11:2017 tới đây, vì DN khó đạt được các chỉ tiêu này và nếu đầu tư công nghệ sẽ làm tăng chi phí sản xuất khiến ngành thủy sản VN khó cạnh tranh với thế giới.
Thanh Niên dẫn lời Thứ trưởng Bộ TN-MT Võ Tuấn Nhân cho biết dự thảo QCVN 11:2017 sẽ giữ nguyên chỉ tiêu ni tơ như trong QCVN 11:2015 nhưng chỉ áp dụng đến năm 2020, sau đó DN phải chuyển đổi công nghệ để kiểm soát các chất thải này. Lãnh đạo Bộ TN-MT thống nhất sẽ bãi bỏ việc thu
phí bảo vệ môi trường liên quan đến 4 chỉ tiêu ô nhiễm kim loại nặng (Hg, Pb, As, Cd) ngay trong tuần này.
Gần 40 con sếu đầu đỏ quý hiếm về khu bảo tồn ở Kiên Giang
VnExpress dẫn lời ông Nguyễn Phong Vân, Giám đốc Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Phú Mỹ (huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang) ngày 18/4, cho biết hai ngày qua, có rất đông sếu đầu đỏ bay về
khu bảo tồn. "Sáng nay chúng tôi đếm được gần 40 con trưởng thành, nhiều con cao gần bằng con trâu", ông Phong nói và cho biết, đây là đợt sếu về nhiều nhất từ đầu tháng tư đến nay, lần ít nhất khoảng 5 con. Theo ông Vân, năm nay sếu về từ Campuchia trễ hơn mọi năm khoảng hai tháng, vì cánh đồng nước rút chậm. Tuy nhiên, điều kiện tự nhiên tại đây đang rất thuận lợi, nguồn thức ăn dồi dào nên khả năng sếu về nhiều hơn trong vài ngày tới và có thể kéo dài đến giữa tháng năm, khi có mưa nhiều. Năm 2017, đợt sếu về đông nhất là 46 con.
Sếu đầu đỏ còn có tên gọi là sếu cổ trụi hay sếu lớn Phương Đông (tên khoa học: Grus antigone). Loài này nằm trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới (Sách đỏ IUCN), nên được bảo vệ nghiêm ngặt. Loài chim này có màu xám bạc ánh thép; khi trưởng thành thì đầu, cổ trụi lông và có một màu đỏ rất nổi bật, đồng thời vằn trên cánh và đuôi một màu xám. Mỏ và trước đỉnh đầu của sếu có
màu xanh sừng, chân đỏ; chim non có bộ lông màu sẫm hơn. Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Phú Mỹ thành lập năm 2016, có diện tích vùng lõi khoảng 940 ha, vùng đệm hơn 1.700 ha. Đây là khu bảo tồn có hệ sinh thái đồng cỏ bàng duy nhất còn lại ở miền Tây, là địa điểm di trú theo mùa của sếu đầu đỏ.
THẾ GIỚI
Bang California đứng đầu nước Mỹ về mức độ ô nhiễm không khí
Trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tìm cách buộc bang California giảm tiêu chuẩn về khí phát thải của xe cộ, một báo cáo công bố ngày 18/4 cho thấy bang này là khu vực tập trung nhiều thành phố ô nhiễm nhất của nước Mỹ. Nghiên cứu do Hiệp hội Phổi Mỹ công bố cho thấy trong thời gian suốt từ năm 2014-2016, Los Angeles bị xếp hạng thành phố ô nhiễm tầng ozone nghiêm trọng nhất và đứng thứ tư về ô nhiễm hạt bụi mịn tính theo năm. Trong khi đó, thành phố Bakersfield đứng thứ hai về ô nhiễm tầng ozone nhưng đứng đầu về ô nhiễm hạt bụi mịn trong ngắn hạn. San Diego cùng Sacramento cũng trong tốp đầu ô nhiễm tầng ozone.
Trong khi đó, hai thành phố Fresno và Visalia là "điểm đen" về ô nhiễm khí thải từ các khu công nghiệp dầu mỏ và nông nghiệp. Theo Báo cáo "Tình trạng Không khí 2018" này, nằm ngoài bang California, các thành phố Phoenix, Las Vegas, Denver, New York và Houston là những thành phố bị ô nhiễm tầng ozone nặng nhất. Trong khi đó, Pittsburgh, Lancaster và Philadelphia, đều thuộc bang Pennsylvania, cùng Cleveland, Indianapolis và Detroit là những thành phố ô nhiễm về hạt bụi nhất tính theo năm. Theo báo cáo, số người hít thở không khí ô nhiễm ở nhiều mức độ khác nhau đã tăng lên gần 134 triệu người so với mức 125 triệu người trong nghiên cứu trước đó.
Cả thế giới hoang mang khi Trung Quốc từ chối làm bãi rác cho toàn cầu
Trang Tân Hoa xã đưa tin theo một phần của cuộc chiến chống ô nhiễm môi trường, Trung Quốc sẽ cấm nhập khẩu 24 loại chất thải rắn vào nước này. Hơn ba tháng từ khi Trung Hoa đưa ra lệnh cấm, các nhà xuất khẩu rác thế giới vẫn chật vật tìm nơi thay thế. Trung Quốc là nơi thu nhận hơn một nửa lượng rác toàn cầu trước khi lệnh cấm có hiệu lực. Vào lúc cao điểm, nước này nhập khẩu gần 9 triệu tấn phế liệu nhựa trong một năm. Lệnh cấm nhập khẩu rác của Trung Quốc đồng nghĩa với việc cắt đứt nơi loại bỏ chất thải của nhiều quốc gia trên thế giới, khiến họ gặp phải vấn đề bất ngờ chỉ trong một thời gian ngắn. Họ chưa đưa ra được một số giải pháp hiệu quả trong ngắn hạn.
Theo thống kê Mỹ, Anh, EU và Nhật Bản là các nước quốc gia xuất khẩu phần lớn rác thải đến Trung Quốc. Theo nhiều trang báo đưa tin: Liên minh châu Âu (EU) hiện đang cân nhắc thuế lên nhựa đã sử dụng. Trong khi Anh lại tìm cách chuyển hướng một phần rác về Đông Nam Á, và yêu cầu Trung Quốc gỡ bỏ lệnh cấm. Nhiều thông tin cho biết sau khi Trung Quốc quay lưng với nhập khẩu rác, nhiều nước phát triển, đặc biệt là Mỹ, chật vật tìm cách loại bỏ rác thải. Hiện Trung Quốc đã đóng cửa hàng chục nghìn nhà máy để góp phần gây ô nhiễm, đẩy mạnh sử dụng năng lượng tái tạo môi trường.
WWF đề xuất hiệp định toàn cầu về bảo vệ môi trường biển
Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) – một trong những tổ chức phi chính phủ lớn nhất thế giới về bảo vệ thiên nhiên đã lên tiếng cảnh báo, nếu chúng ta muốn bảo vệ đại dương xanh, bảo vệ động thực vật ở các đại dương không bị đe dọa tuyệt chủng thì phải có ngay các biện pháp ngăn chặn nạn xả chất thải rắn xuống biển, trong đó chất thải nhựa chiếm tỷ lệ vô cùng to lớn. Bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Đại dương Thế giới tổ chức tại Playa del Carmen, Mexico vào ngày 11/3 vừa qua, Chủ tịch WWF đã chính thức lên tiếng kêu gọi xây dựng một Hiệp định Đại dương tương tự như Hiệp định biến đổi khí hậu Paris (COP21) về bảo vệ môi trường biển.
Bà Jenna Jambeck, kỹ sư môi trường của Đại học Georgia – trưởng nhóm nghiên cứu của WWF cho hay, hiện có 8 triệu tấn rác thải nhựa trôi ra biển mỗi năm. Bà cũng nhấn mạnh nguy cơ đến năm 2025, sẽ có tới 155 triệu tấn mỗi năm nếu không cải thiện cách thức xử lý rác hiện tại. Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới từ năm 2016 đã kết luận: Với đà tăng của các loại rác thải nhựa trên biển như hiện nay, đến năm 2050, khối lượng các loại rác thải này sẽ ngang bằng với khối lượng của các loài cá trên khắp các đại dương nếu tốc độ gia tăng vẫn “chóng mặt” như hiện nay. Một nghiên cứu mới đây của APEC ước tính, các nước thành viên của tổ chức này hằng năm phải chi trả tới 1,3 tỉ USD để xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường biển.
Wild Edens - dự án độc đáo cảnh báo mối đe dọa với hệ sinh thái
Tập đoàn
năng lượng hạt nhân nhà nước Liên bang Nga Rosatom đã phối hợp với kênh truyền hình National Geographic thực hiện dự án Wild Edens, nhằm cảnh báo biến đổi khí hậu đang là mối đe dọa đối với hệ sinh thái toàn cầu. Dự án bao gồm việc ghi hình và phát sóng trên kênh truyền hình National Geographic loạt phim tài liệu dài về các hệ sinh thái tươi đẹp, độc đáo, những loài động, thực vật quý hiếm dễ bị tổn thương trước tình trạng biến đổi khí hậu. Qua đó, dự án Wild Edens muốn thu hút sự chú ý của dư luận tới những ảnh hưởng của hiện tượng biến đổi khí hậu, kêu gọi chuyển đổi sang sử dụng năng lượng sạch, phi carbon trên phạm vi toàn cầu – theo TTXVN.
Với việc hợp tác với Rosatom, National Geographic muốn thu hút sự chú ý của dư luận thế giới đến vấn đề Trái Đất nóng lên, qua đó, tác động tới ý thức của mỗi người nhằm tránh những hậu quả đáng tiếc, trong đó có sự biến mất của các loài động, thực vật quý hiếm. Các bộ phim đầu tiên đã được quay tại các vùng xa xôi và hoang dã của Nga như Altai, Kamchatka, Bắc cực... Bộ phim đầu tiên sẽ được trình chiếu giới thiệu tại Diễn đàn năng lượng Atomexpo 2018 diễn ra tại Sochi (Nga) từ ngày 14-16/5, và sau đó sẽ chiếu trên kênh truyền hình National Geographic.
Vi khuẩn 'ăn thịt' người hoành hành ở Australia
Australia đang đối mặt với một đại dịch tồi tệ từ vi khuẩn "ăn thịt" mà chưa biết giải quyết thế nào, BBC đưa tin. Trên tờ Medical Journal of Australia, các bác sĩ cho biết tại bang Victoria, số người bị loét da Buruli đã tăng 400% chỉ sau bốn năm. Riêng năm ngoái, số ca nhiễm mới lên tới 275, cao hơn 51% so với năm 2016. "Không ai hiểu chuyện gì đang diễn ra. Chúng tôi không thể đưa ra lời khuyên nào. Thật bí ẩn", bác sĩ Daniel O'Brien, chuyên gia bệnh truyền nhiễm bày tỏ lo lắng. Ông cho biết các ca bệnh mới ghi nhận đều nghiêm trọng hơn trước. Đặc biệt, loét da Buruli vốn chỉ xảy ra ở khu vực nhiệt đới như châu Phi chứ không phải nơi có khí hậu ôn hòa như bang Victoria.
Loét da Buruli gây ra bởi vi khuẩn Mycobacterium ulcerans. Chúng tiết ra các chất độc phá hủy tế bào da, các mạch máu nhỏ và mỡ dưới da từ đó gây lở loét, mất da. Căn bệnh thường xuất hiện ở tay, chân nhưng đôi khi tấn công mặt và cơ thể. Theo thời gian, vùng da bị tổn thương lớn dần lên, dẫn đến nguy cơ biến dạng vĩnh viễn hoặc tàn tật. Bệnh nhân thường mất 6-12 tháng để hồi phục, trong đó rất nhiều người cần phẫu thuật tái tạo da. Tới nay y học chưa thể xác định con người nhiễm vi khuẩn "ăn thịt" Mycobacterium ulcerans như thế nào. Vài ý kiến nhận định căn bệnh xuất phát từ các yếu tố môi trường như nước mưa, mặt đất. Số khác suy luận muỗi là thủ phạm lây truyền vi khuẩn.
Đường sạc điện đầu tiên trên thế giới
Con đường đầu tiên trên thế giới có khả năng sạc pin cho xe ô tô điện vừa được khánh thành ở gần thủ đô Stockholm của Thụy Điển. Con đường sạc điện dài khoảng 2km, được chia thành các đoạn nhỏ 50m. Các đoạn đường chỉ hoạt động khi có phương tiện đi lên – theo VTV.
Xe ô tô điện sẽ kết nối với đường ray dẫn điện qua chiếc cần động dưới gầm xe để lấy điện. Khi ắc quy đầy, cần tự động nhấc lên, ngắt kết nối. Mỗi km đường ray sạc điện có chi phí 1 triệu Euro, rẻ hơn 50 lần so với chi phí xây dựng hệ thống tàu điện đô thị.
Mai Anh (moitruong.com.vn/TH)
Lượt xem : 1845