Điểm tin môi trường trong tuần
4/7/2018 7:56:00 AM
Sơ tuyển nhà đầu tư cho dự án xử lý chất thải; Tiêu bản rùa Hồ Gươm sắp hoàn thiện; Lắp camera giám sát việc thải rác bừa bãi; T&T Group và Hitachi Zosen hợp tác đầu tư các dự án đốt rác phát điện; Phương tiện vận chuyển chất thải phải lắp đặt GPS; Các nước đang phát triển nghiên cứu công nghệ làm mát Trái Đất; Giày tái chế từ rác thải bãi biển bán chạy; ... là trong số những thông tin sự kiện môi trường đáng chú ý trong tuần.
Sơ tuyển nhà đầu tư cho dự án xử lý chất thải
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường TP. Hà Nội cho biết, đơn vị sẽ tiến hành đóng/mở sơ tuyển nhà đầu tư thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng Khu xử lý chất thải Đồng Ké, xã Trần Phú, huyện Chương Mỹ, Hà Nội vào sáng ngày 7/4/2018 tới đây. Dự án do Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội đề xuất, với tổng chi phí thực hiện lên tới 1.800 tỷ đồng. Mục tiêu của dự án là xây dựng khu xử lý chất thải (hạ tầng kỹ thuật chung và công trình nhà máy trên đất) phục vụ nhu cầu xử lý rác thải của trên địa bàn Thủ đô.
Nhà máy xử lý chất thải rắn theo công nghệ đốt – phát điện đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường Việt Nam, đáp ứng các chỉ tiêu quy hoạch xây dựng được duyệt. Lượng tro xỉ sau đốt 3% so với khối lượng rác đưa vào đốt. Công suất xử lý tối đa là 1.500 tấn rác thải sinh hoạt/ngày. Được biết, hình thức lựa chọn nhà đầu tư là đấu thầu rộng rãi quốc tế có sơ tuyển. Hồ sơ mời sơ tuyển của dự án đã được phát hành rộng rãi từ ngày 7/3/2018. Thời gian thực hiện đầu tư xây dựng dự kiến 30 – 36 tháng kể từ khi giao đất sạch.
Lắp camera giám sát việc thải rác bừa bãi
Bức xúc trước tình trạng ô nhiễm do một số người dân thiếu ý thức vứt rác bừa bãi dọc đường liên xã, HTX môi trường tập kết rác vào bãi không đúng quy định, chính quyền xã Đức Lĩnh (Vũ Quang - Hà Tĩnh), đã cho lắp đặt hệ thống camera ở những “điểm nóng” để giám sát. Điểm đầu tiên được lắp đặt hệ thống “mắt thần” giám sát là trục đường liên xã đi vào thôn Mỹ Ngọc, nơi có bãi tập kết rác của địa phương. Người dân cho biết, trong một thời gian khá dài, khu vực này bị ô nhiễm trầm trọng do một số người thiếu ý thức vứt rác tràn lan, đặc biệt là đoạn đường nơi giao với khu vực bãi tập kết rác của xã.
Theo thông tin trên Báo Hà Tĩnh, khu vực này đã được gắn 3 cặp “mắt thần” ở 3 điểm khác nhau để theo dõi. Điểm thứ nhất là khu vực đi vào bãi rác, điểm thứ hai là nơi vị trí đầu và cuối con đường ở thôn Mỹ Ngọc; điểm còn lại là trên đỉnh của bãi rác. Tất cả đều được bố trí theo hình tam giác nên rất tiện để quan sát. Với việc lắp đặt hệ thống camera, chúng tôi sẽ phát hiện ngay khi có người bỏ rác không đúng quy định. Từ đó, lưu vào hình ảnh để nhắc nhở hay có thể xử phạt.
T&T Group và Hitachi Zosen hợp tác đầu tư các dự án đốt rác phát điện
Tập đoàn T&T (T&T Group) và đối tác Nhật Bản Tập đoàn Hitachi Zosen vừa ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác “Đầu tư các dự án đốt rác phát điện tại Hà Nội”. Theo đó, T&T Group và Hitachi Zosen sẽ thành lập liên danh - tổ hợp nhà đầu tư để cùng nhau phát triển các dự án phát điện từ chất thải tại một số khu xử lý chất thải rắn ở Hà Nội. Các dự án này được đánh giá rất cao về ý nghĩa và tính khả thi trong việc tái sử dụng rác thải như một nguồn tài nguyên năng lượng điện; một trong những bước tiến quan trọng của nỗ lực bảo vệ môi trường, tái chế chất thải cho mục đích phát triển bền vững.
Theo lãnh đạo Tập đoàn T&T, để triển khai dự án, các bên sẽ thực hiện lên thiết kế, xây dựng, huy động tài chính và vận hành một số nhà máy xử lý chất thải với công suất 1.000 tấn/ngày (2 tổ máy 500 tấn/ngày) mỗi nhà máy. Chuyển đổi chất thải rắn thành năng lượng đang và sẽ tăng lên phù hợp với xu hướng của thế giới, trong những năm gần đây động lực tăng trưởng của nó là từ các nước đã phát triển và đang dần được chú trọng hơn ở các nước đang phát triển. Chuyển đổi chất thải rắn thành năng lượng đóng góp vào việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc, như năng lượng sạch và có giá trị hợp lý, công việc phù hợp và tăng trưởng kinh tế, các thành phố và cộng đồng bền vững cũng như hoạt động bảo vệ khí hậu.
Tiêu bản rùa Hồ Gươm sắp hoàn thiện
VnExpress dẫn lời tiến sĩ Phan Kế Long (Phó giám đốc Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam) cho biết, dự kiến mùng 8/4 đơn vị sẽ chế tác xong tiêu bản rùa hồ Gươm. Sau đó tiêu bản sẽ được bảo quản và chờ Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ bàn giao cho TP Hà Nội. "Từng chi tiết nhỏ như vết bớt trên đầu, màu sắc da, đôi mắt đều được nhà khoa học làm cẩn thận, tỉ mỉ", ông Long nói và thông tin các nhà khoa Đức đã sang Việt Nam 100 ngày để giúp đỡ. Đây là lần đầu tiên họ làm mẫu vật to, nên thời gian hoàn thành bị lùi lại so với kế hoạch ban đầu. Là người theo dõi sát sao quá trình chế tác, "nhà rùa học" Hà Đình Đức cho rằng, bộ phận đầu, nhất là đôi mắt chiếm nhiều thời gian của các nhà khoa học hơn cả vì "đó là linh hồn".
Rùa hồ Gươm chết chiều 19/1, được đưa vào Bảo tàng thiên nhiên bảo quản trong phòng lạnh ở nhiệt độ - 15 độ C. Hà Nội từng đưa ra 3 phương án bảo quản gồm: bảo quản ướt, làm khô và nhựa hóa. Cuối cùng giải pháp nhựa hóa được chọn nhằm giúp bảo quản nguyên vẹn mẫu vật, từ hình thái, màu sắc, kể cả những phần khó như diềm mai (cấu tạo bằng sụn). Năm 2011, rùa được đưa lên bờ để chữa trị các vết lở loét trong hơn 3 tháng, sau đó được trả về hồ. Khi đó, chiều dài toàn thân rùa là 185 cm, chiều rộng mai 100 cm, dài đuôi 35 cm, nặng 169 kg. Nguyên nhân rùa chết được cho là già yếu, bởi con rùa sống lâu nhất thế giới 180 năm, trong khi rùa hồ Gươm ước tính 200 tuổi.
Phương tiện vận chuyển chất thải phải lắp đặt GPS
UBND TP HCM vừa ban hành quyết định nhằm triển khai đấu thầu hoặc làm cơ sở đưa vào hồ sơ mời thầu và đánh giá hồ sơ dự thầu trong công tác quét dọn, thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố. Trong quá trình triển khai thực hiện, UBND các quận - huyện căn cứ các nguyên tắc đấu thầu quét dọn, thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố nhằm mục đích quy định thời gian, hình thức triển khai đấu thầu; tiêu chuẩn đánh giá về kinh nghiệm và phương án sử dụng lao động; tính đúng, tính đủ khối lượng gói thầu làm cơ sở xây dựng đơn giá, dự toán gói thầu; các yếu tố để điều chỉnh hợp đồng; đưa ra các thứ tự ưu tiên trong hồ sơ mời thầu làm cơ sở đánh giá hồ sơ dự thầu; quy định đơn vị làm chủ đầu tư và trách nhiệm của các bên liên quan thực hiện công tác đấu thầu.
Để khuyến khích đầu tư phương tiện vận chuyển mới nhằm nâng cao chất lượng vệ sinh trên địa bàn thành phố, UBND quận - huyện nghiên cứu để đưa vào hồ sơ mời thầu và đánh giá theo thứ tự ưu tiên, trong đó các yêu cầu đối với các phương tiện vận chuyển và các tỷ lệ % phương tiện mới trong hồ sơ mời thầu... Tất cả các phương tiện trúng thầu phải lắp đặt GPS và nhà thầu phải chuyển giao quyền truy cập quản lý cho Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND quận - huyện.
Biến đổi khí hậu: Cảnh báo về nguy cơ mất an ninh lương thực gia tăng
Theo một nghiên cứu do Đại học Exeter (Anh) công bố ngày 2/4, nhiều nước trên thế giới có thể đứng trước viễn cảnh gia tăng nguy cơ thiếu lương thực do tình trạng biến đổi khí hậu sẽ gây ra các hình thái thời tiết cực đoạn nhiều hơn. Nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát đối với 122 nước đang phát triển và kém phát triển, phần lớn ở châu Á, châu Phi và Nam Mỹ.
Kết quả cho thấy các nước đều có nguy cơ mất an ninh lương thực nếu nhiệt độ toàn cầu tăng 1,5 độ C và 2 độ C so với nhiệt độ thời kỳ tiền công nghiệp. Tác động sẽ còn trở nên nghiêm trọng hơn đối với phần lớn các nước nếu nhiệt độ Trái Đất tăng 2 độ C. Tình hình mưa nhiều hơn sẽ ảnh hưởng lớn nhất ở khu vực Nam Á và Đông Á với dự báo mực nước sông Hằng có thể tăng hơn gấp đôi nếu nhiệt độ toàn cầu ấm thêm 2 độ C. Nếu nhiệt độ Trái Đất kiềm chế ở mức 1,5 độ C thì nguy cơ được cho là ít hơn so với mức 2 độ C tại gần 76% số nước đang phát triển – theo TTXVN.
Tàu Nhật Bản giết 333 con cá voi trong mùa săn ở Nam Cực
Đoàn tàu đánh cá Nhật Bản trở về cảng hôm 31/3, kết thúc mùa săn ở Nam Cực với hơn 300 con cá voi minke mà không gặp phải sự ngăn cản từ bất cứ tổ chức chống đánh bắt cá voi nào, theo Strait Times. 5 chiếc tàu khởi hành đến Nam Đại Dương vào tháng 11 năm ngoái bất chấp chỉ trích từ nhiều nước trên thế giới. Ba tàu trong đoàn, bao gồm tàu đánh bắt chính Nisshin Maru cập bến cảng Shimonoseki ở phía tây Nhật Bản – theo VnExpress.
Trước đây, tàu săn cá voi của Nhật thường đụng độ trên biển với các nhà bảo vệ động vật, đặc biệt là tổ chức Sea Shepherd. Tuy nhiên, năm ngoái, Sea Shepherd tuyên bố không ngăn cản hoạt động săn bắt của tàu Nhật Bản ở vùng biển Nam Cực do công nghệ thua kém. Nhật Bản công khai hoạt động đánh bắt dựa vào một điều lệ của Ủy ban Cá voi Quốc tế (IWC) cho phép giết cá voi vì mục đích nghiên cứu khoa học. Các nhà hoạt động vì động vật nhấn mạnh đây là chương trình săn cá voi thương mại trá hình bởi thịt cá voi được bán ra thị trường sau nghiên cứu.
Hệ thống tạo mưa lớn nhất thế giới của Trung Quốc
VnExpress đưa tin Trung Quốc đang phát triển hệ thống tạo mưa lớn nhất thế giới với diện tích 1,6 triệu km2, bằng ba lần kích thước của Tây Ban Nha, South China Morning Post hôm 27/3 đưa tin. Hệ thống gồm hàng chục nghìn buồng đốt nhiên liệu được lắp đặt trên cao nguyên Tây Tạng, có thể làm tăng lượng mưa trong khu vực lên tới 10 tỷ mét khối/năm, tương đương 7% tổng lượng nước tiêu thụ ở Trung Quốc. Các buồng đốt nhiên liệu rắn được đặt trên đỉnh núi dốc, đón luồng gió mùa ẩm ướt từ Nam Á. Các nhà khoa học sử dụng chúng để tạo ra hạt bạc iotua, tác nhân tạo mây với cấu trúc tinh thể giống như đá. Gió mùa mang hơi ẩm sẽ kết hợp với hạt bạc iotua do buồng đốt tạo ra, hình thành nên đám mây để gây mưa và tuyết.
Hiện tại, hơn 500 buồng đốt đã được triển khai trên đỉnh núi ở Tây Tạng, Tân Cương và một số khu vực khác để thử nghiệm. Các nhà khoa học đã thiết kế và chế tạo buồng đốt dựa trên công nghệ động cơ tên lửa tiên tiến, cho phép hệ thống có thể đốt hiệu quả nhiên liệu rắn trong môi trường thiếu oxy ở độ cao hơn 5.000 m so với mực nước biển. Sau nhiều cải tiến thiết kế, buồng đốt có thể hoạt động ở môi trường gần chân không trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm mà không cần bảo dưỡng. Chi phí phát triển hệ thống tạo mưa dưới mặt đất tương đối rẻ so với phương pháp tạo mưa bằng máy bay. Chi phí chế tạo và lắp đặt mỗi buồng đốt khoảng 8.000 USD, có thể thấp hơn nếu sản xuất hàng loạt. Trong khi đó, một máy bay tạo mưa có thể tiêu tốn hàng trăm nghìn USD và chỉ trên phạm vi nhỏ.
Các nước đang phát triển nghiên cứu công nghệ làm mát Trái Đất
Theo TTXVN, hiện tại các quốc gia giàu có và những trường đại học danh tiếng như Havard, Oxford đang chiếm lĩnh nghiên cứu công nghệ "solar geo-engineering," theo đó mô phỏng các vụ phun trào núi lửa lớn tạo một tấm mạng tro bụi che Mặt Trời, nhờ đó có thể làm mát Trái Đất. Tuy nhiên, tạp chí Nature số ra ngày 4/4 đăng một bài viết của nhóm nghiên cứu gồm 12 nhà khoa học đến từ Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ, Thái Lan, Bangladesh, Ethiopia và Jamaica cho rằng các nước nghèo dễ tổn thương nhất khi Trái Đất ấm lên, vì vậy cần tham gia nhiều hơn vào nỗ lực chống biến đổi khí hậu. Theo đó, các quốc gia đang phát triển phải đi đầu trong nghiên cứu solar geo-engineering.
Trưởng nhóm nghiên cứu Atiq Rahman, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tiên tiến Bangladesh, cho rằng ý tưởng về solar geo-engineering tương đối viển vông, nhưng công nghệ này đang dần "bám rễ" trong các nghiên cứu trên thế giới. Các nghiên cứu về solar geo-engineering có thể được hỗ trợ bởi Sáng kiến kiểm soát bức xạ Mặt Trời (SRMGI), một dự án nghiên cứu mới trị giá 400.000 USD. Quỹ này có thể giúp các nhà khoa học ở các quốc gia đang phát triển nghiên cứu tác động của solar geo-engineering trong khu vực, chẳng hạn như tình trạng hạn hán, lũ lụt hoặc gió mùa.
Giày tái chế từ rác thải bãi biển bán chạy
Hơn một triệu đôi Parley for the Oceans do Hãng sản xuất dụng cụ thể thao Adidas (Đức) sản xuất trong nỗ lực giảm rác thải bãi biển đã được bán sạch. Mục tiêu năm nay sẽ là 5 triệu đôi – Báo Thanh Niên dẫn theo Hype Beast.
Được biết hãng thể thao nổi tiếng đã cùng đồng hành với dự án cam kết bảo vệ môi trường biển Parley for the Oceans để hưởng ứng tích cực cuộc vận động bảo vệ môi trường biển. Từ dự án, mẫu giày được sản xuất với vật liệu tái chế từ biển ra đời. Mang trong mình cấu trúc dệt primeknit một mảnh vừa vặn ôm khít lấy chân như một chiếc vớ, các đôi Parley for the Oceans được làm từ chất thải nhựa tái chế thu thập từ các bãi biển và khu vực ven biển trước khi chúng bị trôi dạt ra đại dương.
Mai Anh (moitruong.com.vn/TH)
Lượt xem : 1815