Điểm tin môi trường trong tuần
3/14/2018 7:20:00 AM
Việt Nam mới có gần 40 nhà máy xử lý nước thải tập trung; Rót 102 triệu USD đầu tư công nghệ tiết kiệm năng lượng; 2018, đẩy mạnh xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; Tuyên Quang bảo vệ 90 cá thể voọc đen má trắng quý hiếm; Đức cho phép các thành phố cấm xe gây ô nhiễm;... là trong số những thông tin sự kiện môi trường đáng chú ý trong tuần.
Việt Nam mới có gần 40 nhà máy xử lý nước thải tập trung
Báo cáo tại Hội thảo Việt - Nhật về thoát nước và xử lý nước thải ngày 9/3 cho biết đến nay, Việt Nam có khoảng 37 nhà máy xử lý nước thải tập trung với tổng công suất thiết kế 890.000 m3/ngđ (ngày đêm), đến năm 2020 sẽ có thêm khoảng 50 nhà máy xử lý nước thải với tổng công suất khoảng 2 triệu m3/ngđ đi vào vận hành, nâng tỷ lệ nước thải được thu gom và xử lý đạt khoảng 20%. Bên cạnh đó, trên cả nước có 33 tỉnh, thành đã ban hành quy định quản lý thoát nước địa phương. Sau Nghị định 80/2014/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành, đã có 14 tỉnh thành ban hành mới quy định quản lý thoát nước địa phương và có 8 tỉnh rà soát, chỉnh sửa và ban hành quy định quản lý thoát nước địa phương theo Nghị định 80/2014/NĐ-CP.
Báo Kinh tế & Đô thị dẫn lời bà Mai Thị Liên Hương - Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) cho biết, thực hiện chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, Thủ tướng chính phủ đã ký quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017, trong đó mục tiêu phát triển 6.3 liên quan đến thoát nước và xử lý nước thải rất được quan tâm. Đó cũng là mục tiêu hợp tác từ cấp trung ương đến địa phương và doanh nghiệp của hai nước Việt Nam và Nhật Bản hướng tới. Thực hiện mục tiêu trên, thời gian qua hai bên đã tập trung hợp tác về một số nội dung chính như tăng cường năng lực quản lý thoát nước và xử lý nước thải; Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ; Thúc đẩy hợp tác giữa các địa phương và doanh nghiệp của hai nước trong lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải.
Rót 102 triệu USD đầu tư công nghệ tiết kiệm năng lượng
Ngày 5/3, Ngân hàng Thế giới và Bộ Công thương đã tổ chức khởi động dự án nhằm hỗ trợ cho những nỗ lực của các doanh nghiệp công nghiệp trong việc áp dụng các kỹ thuật và thông lệ về tiết kiệm năng lượng với tổng giá trị gần 102 triệu USD. Theo đó, doanh nghiệp công nghiệp sẽ được vay vốn mới để đầu tư cho các công nghệ tiết kiệm năng lượng và tối ưu hóa sản xuất, từ đó giảm tiêu thụ năng lượng, chi phí sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh tổng thể của doanh nghiệp trên thị trường trong nước và quốc tế.
Trong tổng giá trị của dự án là 158 triệu USD, 101,7 triệu USD của Ngân hàng Thế giới, còn lại của dự án đến từ Chính phủ Việt Nam, các định chế tài chính tham gia, và các doanh nghiệp công nghiệ. Với sự hỗ trợ của dự án, các định chế tài chính và doanh nghiệp công nghiệp sẽ có thể lập, đánh giá và thẩm định các dự án tiết kiệm năng lượng. Điều này sẽ tạo ra một lĩnh vực kinh doanh mới cho các định chế tài chính, đó là cung cấp các khoản vay nhằm hỗ trợ các khoản đầu tư vào tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp, từ đó có thể mở rộng quy mô cho vay vốn cho các nghiệp công nghiệp.
2018, đẩy mạnh xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng
Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên & Môi trường cho biết, đã có 400/439 cơ sở gây ô nhiêm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg và 209/435 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo quyết định 1788/QĐ-TTg cơ bản hoàn thành các biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để. Đến nay cả nước đã có khoảng 110 dự án chiến lược, quy hoạch đã thực hiện đánh giá môi trường chiến lược; gần 9.100 dự án đầu tư đã thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường; 1.500 dự án được cấp giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường; 57.900 dự án, hoạt động đầu tư đã được các địa phương xác nhận bản cam kết môi trường; hơn 110 dự án, đề án cải tạo, phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản được thẩm định.
Tổng cục Môi trường cho biết, trong năm 2018 sẽ đôn đốc đẩy nhanh tiến độ xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Bên cạnh đó, tập trung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ Môi trường và các luật liên quan, các nghị định, quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Tập trung triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 25/CT-TTG của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách trng lĩnh vực bảo vệ môi trường; Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Chương trình mục tiêu quốc gia về xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng giai đoạn 2016-2020.
Tuyên Quang bảo vệ 90 cá thể voọc đen má trắng quý hiếm
Tỉnh Tuyên Quang đang tích cực phối hợp với tổ chức phi Chính phủ Con người, Tài nguyên và Bảo tồn (PRCF) tuyên truyền vận động nâng cao ý thức bảo vệ loài động vật quý hiếm này. Qua khảo sát thực tế đã phát hiện khoảng 90 cá thể loài voọc đen má trắng trên địa bàn 2 huyện Na Hang, Lâm Bình. Đây là loài động vật nằm trong danh mục quý hiếm cần được bảo vệ trên thế giới - Ông Dương Văn Xy, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang, nói trên Trang Khoahocvaphattrien.
Từ năm 2010 đến nay, tổ chức PRCF đã triển khai thực hiện các dự án như: Lập kế hoạch bảo tồn sinh cảnh cho loài voọc đen má trắng tại Lâm Bình; bảo tồn dựa vào quần thể loài voọc đen má trắng lớn nhất Việt Nam có nguy cơ bị tuyệt chủng toàn cầu; dự án hỗ trợ kỹ thuật bảo tồn loài voọc đen má trắng dựa vào cộng đồng tại huyện Lâm Bình và Na Hang… tổng vốn đầu tư là 686.382 USD.
Nhật Bản giới thiệu công nghệ RPF trong xử lý rác thải
Rác thải được sử dụng để tái chế thành viên đốt RPF – nhiên liệu tạo ra lượng nhiệt tương đương than đá, vừa góp phần giải quyết vấn đề xử lý rác vừa mang lại một nguồn chất đốt thay thế than đá. Rác thải được sử dụng để tái chế thành viên đốt RPF (refuse paper and plastic fuel – nhiên liệu từ nhựa và giấy thải) – nhiên liệu tạo ra lượng nhiệt tương đương than đá, vừa góp phần giải quyết vấn đề xử lý rác vừa mang lại một nguồn chất đốt thay thế than đá. Đó là công nghệ mà công ty Ogawa Econos (Nhật Bản) giới thiệu đến Cần Thơ trong buổi làm việc với lãnh đạo thành phố ngày 8/3.
Việc dùng rác sản xuất viên đốt RPF đã được các nước tiên tiến trên thế giới ứng dụng rộng rãi, nhằm thay thế một phần nhiên liệu hóa thạch như than đá, than cốc bởi chúng rẻ hơn rất nhiều và thân thiện với môi trường. Nhiên liệu đốt RPF được sản xuất bằng cách băm nhỏ và phơi khô nguyên liệu giấy và nhựa thải, sau đó hoá rắn những gì còn sót lại. Nhiên liệu này có thể tạo ra lượng nhiệt lớn hơn 20-30% so với than đá. Việc chôn lấp gây tốn diện tích đất, trong khi những thành phần như nhựa sẽ không phân hủy, còn các thành phần phân hủy được sẽ sản sinh ra khí metal gây ô nhiễm. Việc tái chế rác thành viên đốt RPF giúp tận dụng nguồn tài nguyên lãng phí đó. Mỗi năm, công ty có thể xử lý 17.000 tấn rác cho Cần Thơ.
Có tới 13 thành phố lớn trên thế giới có mức tăng nhiệt thêm 2 độ C
Theo báo cáo mới do "Mạng lưới nghiên cứu về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với các đô thị" đặt trụ sở tại Đại học Columbia (Mỹ) công bố ngày 7/3, trong 10 năm tới, mức tăng nhiệt độ tại 13 thành phố trên thế giới có thể vượt quá 2 độ C. Báo cáo cho biết trong số những thành phố này, những thành phố được dự đoán có nhiệt độ tăng cao nhất là Geneva của Thụy Sĩ (2,5 độ C), Thâm Quyến (Trung Quốc) và Tsukuba (Nhật Bản) cùng ở mức 2,3 độ C. Báo cáo nêu rõ các trận bão, lũ lụt và những hiện tượng thời tiết cực đoan khác liên quan đến biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng đến nhiệt độ tại những thành phố trên nhiều hơn so với dự đoán của giới khoa học.
Báo cáo trên được đưa ra sau khi Liên hợp quốc công bố một dự thảo báo cáo, trong đó dự báo nhiệt độ trên toàn cầu đang vượt qua mức 1,5 độ C vốn là một trong những mục tiêu được đề ra trong Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu được 194 quốc gia ký kết và có hiệu lực từ cuối năm 2016. Báo cáo nêu trên được công bố bên lề Hội nghị cấp cao toàn cầu về Biến đổi khí hậu ở thành phố Edmonton của Canada, trong đó các nhà khoa học và các chuyên gia về quy hoạch đô thị đang vạch ra một lộ trình để hỗ trợ những thành phố nói trên đối phó với những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu – theo TTXVN.
LHQ bổ nhiệm cựu thị trưởng New York làm đặc phái viên về khí hậu
Theo phóng viên TTXVN tại New York, cựu thị trưởng New York Michael Bloomberg ngày 5/3 đã được bổ nhiệm làm Đặc phái viên về khí hậu của Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. Hội nghị cấp cao Khí hậu năm 2019 sẽ huy động các quốc gia thành viên Liên hợp quốc có hành động hoài bão hơn và mạnh mẽ hơn hướng tới những mục tiêu khí hậu trong năm 2020. Ông Bloomberg sẽ làm đòn bẩy cho những nỗ lực trong những lĩnh vực chủ chốt của Hội nghị Khí hậu nhằm khuyến khích việc thực thi một cách nhanh chóng Hiệp định Paris trong bối cảnh phát triển bền vững.
Được thông qua tại Hội nghị lần thứ 21 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 21) diễn ra ở thủ đô Paris (Pháp) vào cuối năm 2015, Hiệp định khí hậu Paris quy định một loạt biện pháp để bảo vệ khí hậu nhằm giữ mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu trong phạm vi 1,5-2 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp. Ngoài ra, hiệp định đặt mục tiêu từ nay đến năm 2020, các nước phát triển sẽ huy động tối thiểu 100 tỷ USD mỗi năm để giúp các nước đang phát triển chuyển đổi sang sử dụng những nguồn năng lượng sạch và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức rút Mỹ khỏi Hiệp định khí hậu Paris, đảo ngược những bước đi tích cực trước đó của Chính quyền Barack Obama trong hồ sơ khí hậu quốc tế.
Mùa hè nắng nóng ở New Zealand phá vỡ mọi kỷ lục
New Zealand đang trải qua mùa hè nóng nhất kể từ khi nhiệt độ bắt đầu được ghi lại vào năm 1909, vượt qua kỷ lục năm 1934-1935. Viện Nghiên cứu Nước và Khí quyển Quốc gia New Zealand (NIWA) hôm 6/3 cho hay đất nước ở nam bán cầu đang trải qua mùa hè nắng nóng nhất gần 110 năm qua khi nhiệt độ ở Đảo Nam lên đến 38,7 độ C, theo AFP. Cho biết nhiệt độ trung bình ngày tại New Zealand đã tăng 2,1 độ so với bình thường, lên mức 18,8 độ C, NIWA đồng thời cảnh báo hiện tượng biến đổi khí hậu sẽ có thể tiếp tục gây ra những tác động tiêu cực.
Giám đốc NIWA Chris Brandolino nói thời tiết nắng nóng xuất phát từ nhiều nguyên nhân, bao gồm việc nhiệt độ đại dương tăng cao và gió ấm từ phương bắc thổi về do tác động của một hình thái La Nina. Việc Trái Đất ấm lên do biến đổi khí hậu cũng là nguyên nhân quan trọng vì việc này làm gia tăng nhiệt độ cơ sở qua thời gian dài. Ông cho biết nhiều kỷ lục khác sẽ có thể được thiết lập trong những năm tới nếu vấn đề biến đổi khí hậu do tác động của con người không được quan tâm.
Đức cho phép các thành phố cấm xe gây ô nhiễm
Trong phán quyết ngày 27/2, tòa án hành chính liên bang ở Leipzig cho phép áp dụng ở Stuttgart và Düsseldorf, các thành phố có mức độ ô nhiễm thuộc hàng cao nhất châu Âu và là quê hương của các hãng xe nổi tiếng như Mercedes-Benz, Porsche hay trung tâm sản xuất ôtô. Phán quyết mang tính lịch sử này có thể ảnh hưởng đến 12 triệu xe. Ngay sau phán quyết, thành phố Hamburg tuyên bố sẽ hạn chế xe chạy diesel ngay từ tháng 4/2018. Dù vậy, giới chính trị gia lo ngại việc cấm xe chạy diesel có thể ảnh hưởng đến việc đi lại của hàng triệu người, đe dọa hàng trăm ngàn việc làm.
Chính quyền Thủ tướng Angela Merkel trước đó thậm chí ủng hộ các loại xe chạy diesel, cho rằng khí thải từ nhiên liệu này không tạo ra nhiều carbon dioxide gây hiệu ứng nhà kính. Đối với ngành công nghiệp xe hơi Đức, lệnh cấm có thể tạo ra cơn địa chấn, nhất là sau khi đã chịu thiệt hại sau vụ Hãng Volkswagen thừa nhận gian lận kiểm tra khí thải diesel tại Mỹ năm 2015. Trước đó, các thành phố như Paris, Madrid, Mexico City và Athens đã tuyên bố cấm xe chạy diesel lưu thông ở trung tâm từ năm 2025, trong khi các nước như Anh và Pháp sẽ cấm bán xe chạy diesel từ năm 2040.
Trường học Anh dạy học sinh dụ ong bướm đến vườn
Sau những ngày đông lạnh giá, học sinh tại trường tiểu học Evelyn Community ở Merseyside (Anh) ra ngoài trời với nhiệm vụ đếm và ghi lại số lượng loài chim khác nhau trong sân trường. Thử thách này là một phần của chương trình Quan sát chim, một sự kiện đã thu hút 73.000 học sinh và giáo viên vào năm ngoái. Theo Guardian, các em đã quan tâm đến cuộc sống hoang dã tại trường học suốt thời gian qua. Cách đây hai năm, kể từ khi một khu vườn được tạo ra trên khoảng trống của khuôn viên trường, chim chóc ghé đến ngày một nhiều. Những đứa trẻ gieo hạt giống hoa dại, làm tổ chim, học về đa dạng sinh học. Trường có một điểm quan sát, nơi trẻ có thể dùng ống nhòm để tìm kiếm và theo dõi chim quanh năm.
Hiệu trưởng Carole Arnold cho biết trẻ có vai trò quan trọng đối với đa dạng sinh học ở trường. Mỗi tuần, một nhóm 12 em sẽ dành thời gian làm vườn, sau đó đổi lượt cho nhóm mới. “Điều này thực sự đã mang đến tình yêu thiên nhiên cho trẻ. Với khu vườn này, chúng tôi muốn giúp đỡ những đứa trẻ dễ tổn thương cũng như những em đôi khi cần trở nên bình tĩnh”, bà cho biết. Số trường học sử dụng khu vườn và thế giới tự nhiên để dạy học tiếp tục gia tăng ở Anh. Chiến dịch Vườn trường, chương trình do Hiệp hội Làm vườn Hoàng gia Anh (RHS) tổ chức, hiện có 20.000 trường học thành viên, 81% trong số đó trồng cây để thu hút chim muông và côn trùng.
Mai Anh (moitruong.com.vn)
Lượt xem : 2233