Vietnamese English
Điểm tin môi trường trong tuần

2/25/2018 6:19:00 AM

Quảng Bình là địa phương đầu tiên ở Việt Nam cho thuê môi trường rừng; Thủ tướng yêu cầu 29 tỉnh trích ngân sách hỗ trợ nông dân chống rét; 250 tỷ đồng cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn; Thái Lan sắp đánh thuế môi trường đối với xe máy; Chiết xuất cồn và nước hoa từ không khí; Tạo ra nhiên liệu từ khí thải ô nhiễm; … là trong số những thông tin sự kiện môi trường đáng chú ý trong tuần.

 Quảng Bình là địa phương đầu tiên ở Việt Nam cho thuê môi trường rừng


Tỉnh Quảng Bình vừa đánh giá hiệu quả Dự án “Bảo tồn sinh cảnh trên núi đất thấp, rừng lá rộng thường xanh đa dạng sinh học cao” tại khu vực rừng phòng hộ Khe Nước Trong, Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng. Dự án này do Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Việt thực hiện đạt hiệu quả bước đầu. Với khoản tiền tài trợ 1,5 triệu đô la Mỹ, tổ chức này thuê 800 héc ta rừng để nghiên cứu sinh cảnh tái tạo thả về rừng. Sau khi thuê môi trường rừng, 
nghiên cứu môi trường sinh thái, xây dựng chuồng trại, tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Việt chuẩn bị thả gà lôi lam trắng, một loài đặc hữu gần như tuyệt chủng ngoài tự nhiên. Hiện số gà lôi lam trắng này đang nuôi ở vườn thú Paris, Cộng hòa Pháp để dẫn gien về vườn thú Hà Nội. Từ đây, số động vật đặc hữu này sẽ được bảo tồn ngoại vi, tập tính mới chuyển vào rừng nuôi bán chăn thả.


VOV dẫn lời ông Phạm Hồng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình, cho biết Quảng Bình là địa phương đầu tiên ở Việt Nam cho thuê 
môi trường rừng. Tỉnh Quảng Bình tạo mọi điều kiện về cơ chế chính sách, cơ sở pháp lý, tạo mọi điều kiện về các vấn đề để hỗ trợ tổ chức này sớm triển khai dự án. Mục tiêu của Dự án được Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Việt triển khai rất tốt. Và chúng tôi đánh giá cao mục tiêu, nội dung các hoạt động của dự án, góp phần giúp cho Quảng Bình bảo vệ tốt rừng phòng hộ.

Thủ tướng yêu cầu 29 tỉnh trích ngân sách hỗ trợ nông dân chống rét

Thủ tướng Chính phủ vừa có công văn số 170 gửi 29 tỉnh thành và các bộ ngành liên quan về phòng chống 
rét đậm rét hại, trong đó yêu cầu các địa phương chủ động trích ngân sách hỗ trợ bà con nông dân phòng chống rét. Để chủ động ứng phó với rét đậm, rét hại, hạn chế thiệt hại đối với sản xuất nông, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản và bảo vệ sức khỏe của người dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh thành phố tập trung chỉ đạo quyết liệt, áp dụng các biện pháp cần thiết để phòng chống đói rét, dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi nhằm giảm thiểu mức độ thiệt hại đối với sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản. Thành lập các đoàn công tác về cơ sở để hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống rét cho người, cho gia súc, gia cầm, thủy sản nuôi và cây trồng, đặc biệt chú trọng các xã vùng cao, vùng khó khăn.

Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương chủ động 
ngân sách dự phòng của địa phương để kịp thời phục vụ công tác phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho vật nuôi, thủy sản và cây trồng; hỗ trợ vật tư, kinh phí cho các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ đồng bào dân tộc để gia cố, che chắn chuồng trại, ao giống, vườn cây giống, nhất là mạ xuân và mua thức ăn tinh cho đàn gia súc ăn cỏ, phân bón, chế phẩm sinh học tăng sức chống chịu lạnh cho cây trồng. Các địa phương chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu để tình trạng vật nuôi, thủy sản và cây trồng bị chết nhiều do các nguyên nhân chủ quan, không thực hiện đầy đủ, kịp thời công tác phòng chống rét, chống dịch cho vật nuôi, thủy sản và cây trồng trên địa bàn.

Năm 2018 tập trung kiểm soát, giảm thiểu ô nhiễm môi trường

Theo báo cáo của UBND TP HCM với Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong năm 2018, TP sẽ tăng cường kiểm tra, buộc các cơ sở chưa có hệ thống xử lý 
nước thải (đặc biệt là các ngành nghề có nguy cơ ô nhiễm cao) phải xây dựng hoàn thành hệ thống xử lý nước thải, đảm bảo đạt quy chuẩn trước khi thải ra môi trường; đôn đốc cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hoàn thành xử lý ô nhiễm triệt để; tập trung kiểm soát, ngăn chặn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí, nước mặt, nước ngầm, chất thải; cải thiện chất lượng môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; gắn tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường; góp phần xây dựng TP sạch, xanh, bền vững; đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải đô thị tập trung theo các lưu vực đã quy hoạch…

Các 
nguồn nước thải có lưu lượng từ 1.000m3/ngày trở lên sẽ được lắp đặt hệ thống quan trắc tự động và truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường để theo dõi, giám sát.

250 tỷ đồng cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn

UBND TP Hà Nội vừa phê duyệt kế hoạch phân bổ nguồn vốn ngân sách thành phố ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội TP Hà Nội cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân năm 2018 với số tiền là 250 tỷ đồng.

Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố tổ chức cho vay đúng đối tượng, đúng mục đích sử dụng vốn vay, tránh trùng lắp các chương trình hỗ trợ liên quan của trung ương và thành phố. Quản lý và sử dụng 
nguồn vốn cho vay đúng phương án phân bổ cho 18 huyện, thị xã.

New York là thành phố bẩn nhất nước Mỹ

Báo cáo do công ty dịch vụ làm sạch môi trường Busy Bee của Mỹ công bố mới đây, New York đứng đầu danh sách "Các thành phố bẩn nhất nước Mỹ". Báo cáo của Busy Bee thực hiện đối với 40 thành phố ở Mỹ, tổng hợp các số liệu của Cơ quan Khảo sát nhà ở về các loài vật gây hại và rác thải; chỉ số 
ô nhiễm không khí do Cơ quan Bảo vệ môi trường cung cấp và số liệu về dân số của Cơ quan Điều tra dân số Mỹ.

Theo TTXVN, kết quả cho thấy thành phố New York đứng đầu danh sách với 427,9 điểm, trong khi Los Angeles đứng thứ hai với 317,8 điểm về chỉ số mất vệ sinh. Theo báo cáo của Busy Bee, New York là nơi lưu trú của rất nhiều loài vật gây hại và ùn ứ 
rác thải nhiều hơn bất cứ nơi nào ở nước Mỹ. Trong năm 2017, khoảng 904.000 hộ gia đình tại New York sống gần các bãi rác thải lớn và gần 2,3 triệu hộ gia đình phải chung sống với chuột hoặc gián. Ngoài ra, New York cũng đứng đầu về mật độ dân cư, với 28.000 người cùng sinh hoạt trên 1,6km2.

Bangkok, Thái Lan: Ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhất trong lịch sử

Ngày 22/2, Tổ chức môi trường Hòa bình Xanh kêu gọi Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha giải quyết cuộc khủng hoảng ô nhiễm không khí ở thủ đô Bangkok. Lời kêu gọi được đưa ra vài tuần sau khi cơ quan kiểm soát ô nhiễm của Thái Lan cảnh báo chất lượng không khí tại Bangkok đã chạm ngưỡng nguy hiểm. Ô nhiễm không khí đang trở thành vấn đề quan tâm hàng đầu ở Bangkok, một trong những thành phố du lịch được yêu thích nhất thế giới. Trong thời gần đây, nhiều cư dân thành phố đã phàn nàn về tình trạng khói mù.

Theo tổ chức Hòa bình Xanh, từ ngày 1/1 đến ngày 21/2 vừa qua, Bangkok hứng chịu tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhất trong lịch sử. Cục Kiểm soát ô nhiễm Thái Lan cũng cảnh báo, hàm lượng hạt bụi siêu nhỏ đã chạm ngưỡng nguy hiểm và khuyến cáo trẻ em nên ở trong nhà. Nhiều ý kiến chỉ trích cho rằng, tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng ở Bangkok là do sự buông lỏng quản lý về tiêu chuẩn khí thải xe ôtô, quy hoạch đô thị yếu kém và thiếu không gian xanh.

Thái Lan sắp đánh thuế môi trường đối với xe máy

Cơ quan thuế của Thái Lan cho biết sẽ áp dụng quy định khí thải và thuế môi trường đối với xe máy như xe ô tô. Theo dự kiến xe máy tham gia lưu thông trên đường sẽ bị đánh thuế thêm từ 150-250 baht (100.000-170.000 đồng)/chiếc. Hiện tại, các loại thuế mà mỗi xe máy phải gánh trước khi đưa vào sử dụng từ 750-1.250 baht (500.000-800.000 đồng). Khoảng 80% xe máy đang lưu thông ở Thái Lan là loại dưới 150 phân khối, được bán với giá từ 30.000-50.000 baht (21-35 triệu đồng).

Việc tính thuế môi trường đối với xe máy không chỉ giúp cải thiện môi trường mà còn là động lực để các nhà sản xuất cải tiến kỹ thuật, công nghệ chế tạo xe máy theo hướng thân thiện môi trường hơn. Giới chức môi trường Thái Lan cho hay cùng với ô tô lượng xe máy tham gia giao thông xả khí thải ra với lượng nhiều đáng kể, gây ô nhiễm môi trường. Hằng năm chính phủ Thái phải chi từ ngân sách để làm sạch môi trường vì vậy chủ phương tiện hoặc nhà sản xuất phải chia sẻ trách nhiệm này. Thái Lan bắt đầu đánh thuế môi trường đối với phương tiện giao thông ở nước này từ đầu năm 2016.

Google và BIG tiết lộ kế hoạch xây dựng khuôn viên công nghệ xanh

Google và BIG đã hợp tác để cùng thiết kế và xây dựng một khuôn viên to lớn và đẹp mắt ở Sunnyvale, bang California, Hoa Kỳ. Với tên gọi Moffett Park, dự án có diện tích 9,6 triệu m2 được thiết kế là nơi làm việc cho 4.500 nhân viên cùng với những tòa nhà có kiến trúc độc đáo được che phủ bởi các mái nhà xanh. Mục tiêu thiết kế khuôn viên của Google và BIG là tạo ra một không gian cộng đồng và đem lại cuộc sống lành mạnh cho mọi người ở Sunnyvale. Không khí nơi đây sẽ được làm sạch nhà không gian xanh bao gồm hệ thống cây xanh phủ kín các mái nhà.

Dự án này hướng đến tiêu chuẩn LEED Vàng và dự kiến sẽ tăng điểm nhờ vào hệ thống tưới tiêu thấp và phương tiện vận chuyển thân thiện với môi trường như đi xe đạp đến nơi làm việc. Khuôn viên rộng lớn này cũng mang lại nhiều không gian khác ngoài không gian văn phòng. Nhà ở cũng là một phần của dự án Moffett Park. Giám đốc điều hành của Google Mark Golan cho biết: Một cộng đồng đa chức năng là nơi mà bạn có thể sống và làm việc. Nhà ở và giao thông vận tải là vấn đề lớn đối với Google. Một trong những cách tốt nhất để giải quyết vấn đề này là tạo ra các cộng đồng hỗn hợp cho phép mọi người sống gần nơi làm việc.

Chiết xuất cồn và nước hoa từ không khí

Chiết xuất khí CO2, ánh sáng mặt trời và nước thành rượu hoặc nước hoa? Điều khó tin này hoàn toàn thực hiện được bởi một phát minh mới của các nhà khoa học tại Mỹ.

Các nhà khoa học tiến hành một quy trình trong đó sử dụng điện và chất xúc tác nhằm lấy CO2 từ không khí hoặc chưng cất nước ô nhiễm để tạo ra năng lượng ethanol hoặc cồn tinh khiết - thành phần chủ yếu trong nước hoa. Phương pháp này không những tạo ra các sản phẩm thân thiện với môi trường mà còn giúp giảm thiểu ô nhiễm không khí, ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu.

Tạo ra nhiên liệu từ khí thải ô nhiễm

Các nhà khoa học Mỹ đang hoàn thiện một công nghệ cho phép biến khí thải thành nhiên liệu hóa lỏng. Nghiên cứu này nhằm giảm bớt ô nhiễm không khí cũng như là tạo ra một dạng năng lượng bền vững, thân thiện với môi trường. Sử dụng các chất xúc tác và nhiệt, công nghệ mới này có khả năng biến khí thải carbon dioxide (CO2) trong không khí thành cồn ethanol. Loại cồn này được sử dụng nhiều trong xăng xe, rượu cũng như là nước hoa.

Theo VTV, nếu dự án này thành công, nó có thể là lời giải cho tình trạng ô nhiễm không khí do khí thải hiện nay. Không những vậy, chúng ta còn tái chế được một lượng nhiên liệu đáng kể cho sinh hoạt và sản xuất vì nguồn nhiên liệu từ tự nhiên cũng đang ngày càng khan hiếm.

Mai Anh (moitruong.com.vn/TH

Lượt xem : 1601