100 triệu USD hỗ trợ chuyển hóa rác thành năng lượng; WB duyệt “Chương trình Giảm phát thải vùng Trung Bộ Việt Nam”; Gia Lai thành lập giải thưởng tôn vinh những người hoạt động vì môi trường; Trung Quốc thưởng tiền cho người để ô tô ở nhà; Sản xuất đồ nội thất từ phân bò; ... là trong số những thông tin sự kiện môi trường đáng chú ý trong tuần.
Hiệp định được ký kết sẽ là một mô hình mới để cải thiện hoạt động quản lý
rác thải rắn ở các đô thị, cũng như góp phần hạn chế biến đổi khí hậu thông qua giảm lượng khí mê-tan và tăng sản xuất năng lượng từ các nguồn tái chế. Mỗi năm Việt Nam tạo ra hơn 27,8 triệu tấn rác thải. Hầu hết rác thải thu gom được đổ vào các bãi chôn lấp rác theo cách thức không đảm bảo vệ sinh. Hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á sẽ giúp xây dựng và vận hành một loạt các nhà máy chuyển hóa rác thành năng lượng với các công nghệ sạch tiên tiến tại nhiều đô thị ở Việt Nam. Mỗi nhà máy chuyển hóa rác thành năng lượng sẽ xử lý rác thải đô thị và cấp điện vào mạng lưới điện địa phương.
WB duyệt “Chương trình Giảm phát thải vùng Trung Bộ Việt Nam”
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau gần 3 ngày họp, làm rõ các nội dung mà các bên quan tâm, vào lúc 15 giờ 30 ngày 1/2/2018 (tại Paris), Quỹ Cácbon thống nhất thông qua Nghị quyết số CFM/17/2018/2 đưa Chương trình giảm phát thải vùng Trung Bộ, Việt Nam vào danh mục và ủy thác cho
Ngân hàng thế giới đàm phán cụ thể Thỏa thuận tài trợ với Việt Nam theo cơ chế chi trả dựa trên kết quả. Việt Nam là nước đầu tiên của châu Á và là nước thứ 7 trên thế giới được tham gia Chương trình Đối tác Cácbon do Ngân hàng Thế giới quản lý – TTXVN đưa tin.
Quỹ Cácbon/Quỹ Đối tác cácbon trong lâm nghiệp tại trụ sở của Ngân hàng thế giới Paris, Cộng hòa Pháp tổ chức phiên họp lần thứ 17 từ 30/1 đến 2/2/2018 để xem xét các đề xuất của Việt Nam và Mozambique. Thứ trưởng thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hà Công Tuấn cho biết, hơn 30 năm qua, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã nỗ lực thoát khỏi đói nghèo, phát triển bền vững đã đạt những thành công có ý nghĩa lịch sử, về trước thời hạn hầu hết các mục tiêu Thiên niên kỷ, nhất là về xóa đói giảm nghèo,
diện tích rừng tăng liên tục từ 28% vào đầu những năm 1990 lên 41,45% năm 2017.
Gia Lai thành lập giải thưởng tôn vinh những người hoạt động vì môi trường
Nhằm ghi nhận và tôn vinh những thành tích xuất sắc trong sự nghiệp
bảo vệ môi trường, trao tặng cho các tổ chức, cá nhân và cộng đồng, UBND tỉnh Gia Lai ban hành quyết định số 17/2017/QĐ-UBND về việc quy định giải thưởng môi trường tỉnh Gia Lai. Giải thưởng Môi trường tỉnh Gia Lai là giải thưởng chính thức, duy nhất của UBND tỉnh, tổ chức trao giải 2 năm một lần. Giải thưởng có ý nghĩa động viên, khuyến khích phong trào bảo vệ môi trường, góp phần nâng cao nhận thức về phát triển bền vững đến toàn thể tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư... Qua đó, tuyên truyền giới thiệu các gương điển hình tiên tiến về bảo vệ môi trường, lan tỏa phong trào thi đua yêu nước trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Để việc xét tặng giải thưởng đảm bảo chặt chẽ, khách quan, chính xác và kịp thời, UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu các cơ quan ban ngành, đặc biệt là Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện tuyên truyền rộng rãi tới các tổ chức, cá nhân và cộng đồng trong thẩm quyền quản lý về giải thưởng; hướng dẫn các tổ chức, cá nhân và cộng đồng có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực bảo vệ môi trường lập hồ sơ tham gia xét tặng giải thưởng để gửi về cơ quan thường trực xét tặng giải thưởng là Chi cục Bảo vệ Môi trường Gia Lai.
Greenpeace đánh giá New Delhi là thành phố ô nhiễm nhất Ấn Độ
Một báo cáo vừa công bố của tổ chức Hòa bình Xanh (Greenpeace) cho hay thủ đô New Delhi là thành phố ô nhiễm nhất của Ấn Độ. Cũng theo báo cáo này, với việc có tới 15 thành phố trong tổng số 30 thành phố bị ô nhiễm trên toàn Ấn Độ, bang Uttar Pradesh là bang ô nhiễm nhất nước này – theo TTXVN.
Báo cáo của Greenpeace được đưa ra dựa trên dữ liệu thu thập về mật độ hạt bụi PM10 lơ lửng trong không khí theo số liệu cung cấp từ các ủy ban kiểm soát ô nhiễm tại các bang và trung ương của Ấn Độ. Mức độ hạt bụi PM10 ghi nhận tại thủ đô New Delhi và tất cả 15 thành phố thuộc bang Uttar Pradesh cao hơn rất nhiều so với giới hạn cho phép của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là 20 microgram/1m3 và 60 microgram/1m3 theo tiêu chuẩn của Ấn Độ.
Ô nhiễm không khí ở thủ đô của Thái Lan đã chạm mức "nguy hiểm
Trong tuần qua, cục quản lý tiếng ồn và chất lượng không khí (AQMNB) cho biết chỉ số PM2.5 (các hạt bụi nhỏ hơn 2,5 micrometre) đã vượt ngưỡng an toàn 50 microgram trên mỗi m3.
Ô nhiễm không khí ở thủ đô của Thái Lan đã chạm mức "nguy hiểm" và chính quyền khuyến cáo người dân hạn chế các hoạt động ngoài trời – theo Tuổi Trẻ.
Nguyên nhân một phần được cho là
thời tiết đứng gió trong giai đoạn chuyển mùa vừa qua khiến khói bụi từ các phương tiện giao thông tích tụ trong không khí. Khói bụi tạo ra màn sương trắng hoặc trắng nâu bao trùm lên thủ đô Bangkok suốt tuần và thậm chí gây cản trở tầm nhìn, theo tờ The Nation. Trên các mạng xã hội xuất hiện vô số phàn nàn về tình trạng ô nhiễm. Bangkok Post dẫn lời Cơ quan kiểm soát ô nhiễm (DPC) cảnh báo tình trạng có thể tồi tệ hơn vào cuối tháng sau.