Vietnamese English
Điểm tin môi trường trong tuần

1/27/2018 7:27:00 AM

Làm sạch nước hồ với chi phí 5 USD; Lắp 90.000 tấm pin năng lượng mặt trời đầu tiên tại Ninh Thuận; Kiểm soát đặc biệt môi trường 28 dự án lớn; Cảnh báo nhiệt độ bề mặt toàn cầu đã tăng hơn 25% kể từ năm 1900; Lò vi sóng gây ô nhiễm môi trường như xe ôtô; Trung Quốc đẩy mạnh cải tổ ngành tái chế rác thải; ... là trong số những thông tin sự kiện môi trường đáng chú ý trong tuần.

 Làm sạch nước hồ với chi phí 5 USD


Đoàn công tác Chương trình định cư con người Liên hợp quốc (UN - Habitat) và Cty Daiken với nhóm chuyên gia Nhật Bản có chuyến làm việc tại TP Cần Thơ, giới thiệu thử nghiệm xử lý nước sạch công nghệ Aqualift của Nhật Bản. Công nghệ Aqualift có thể làm sạch được 400m3 nước, tốn chi phí 5 USD (tương đương khoảng hơn 110.000 đồng). Bà Sachoyo Hoshino, chuyên gia Nhật Bản cho biết, công nghệ Aqualift đang được sử dụng ở Nhật Bản, phù hợp xử lý nước ở vùng nông thôn hay những nơi chưa có hệ thống nước sạch và làm sạch nước ao, hồ.


(Ảnh minh họa: Báo Dân Việt)

MONRE cho biết kết quả trong 1,5 tháng sẽ giảm thiểu độ đục, mùi, giảm 80% BOD5 (Biochemical Oxygen Demand - nhu cầu oxy hóa sinh học), và COD (Chemical Oxygen Demand - nhu cầu oxy hóa học) giảm được 84%, tiêu giảm lớp bùn đáy, duy trì môi trường sống cho hệ thủy sinh trong ao, đồng thời tiết kiệm chi phí, thân thiện với môi trường và con người. Sắp tới tại trường dạy nghề cho người khuyết tật TP Cần Thơ sẽ thi công mô hình bể chứa nước 100m3 tại và thí điểm công nghệ Aqualift tại hồ Xáng Thổi, quận Ninh Kiều để theo dõi kết quả cải thiện nguồn nước (mùi, màu, độ trong...), nếu đạt kết quả tốt thành phố sẽ nhân rộng mô hình.

Lắp 90.000 tấm pin năng lượng mặt trời đầu tiên tại Ninh Thuận

Chiều 23/1, UBND tỉnh Ninh Thuận phối hợp cùng Tập đoàn BIM tổ chức lễ khởi công Nhà máy điện mặt trời dự án BIM 1 (dự án 18E) tại thôn Quán Thẻ, xã Phước Minh (Thuận Nam). Dự án Nhà máy điện mặt trời BIM 1 do Tập đoàn BIM hợp tác cùng AC Energy, một công ty thành viên thuộc Tập đoàn Ayala (Philippines), thực hiện với vốn đầu tư khoảng 800 tỷ đồng. Dự án được xây dựng trên diện tích 35 ha, hình thành trang trại năng lượng sạch lớn nhất Việt Nam.  

90.000 tấm pin năng lượng mặt trời sẽ được lắp đặt với công nghệ và thiết bị hiện đại, mang lại hiệu suất cao. Dự án cho sản lượng điện hàng năm là 50 triệu kwh và hòa lưới điện vào quý III/2018. Ninh Thuận là nơi nhận lượng lớn bức xạ mặt trời với tổng số giờ nắng trung bình 2.837,8 giờ/năm, cao nhất cả nước, phân bố tương đối điều hòa quanh năm, trên diện tích gần 80.000 ha, có tiềm năng phát triển điện mặt trời. Tỉnh này đang tận dụng lợi thế nắng gió, khô hạn để phát triển năng lượng tái tạo để trở thành trung tâm năng lượng sạch của cả nước.
 
Kiểm soát đặc biệt môi trường 28 dự án lớn

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chọn 16 loại hình sản xuất phổ biến ở Việt Nam có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao để đưa vào đề án kiểm soát đặc biệt về môi trường. Gồm luyện gang thép, nhiệt điện, khai thác - chế biến khoáng sản kim loại có sử dụng hóa chất độc hại, sản xuất giấy - bột giấy, nhuộm vải - sợi, mạ, chế biến mủ cao su, chế biến tinh bột sắn, sản xuất ximăng, sản xuất hóa chất - thuốc bảo vệ thực vật - phân bón hóa học, lọc hóa dầu, thuộc da, chế biến thủy sản, chế biến mía đường, sản xuất pin - ăcquy, xử lý chất thải.

Ông Hoàng Văn Thức, phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, cho biết từ 16 loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm, Bộ TN-MT đã đưa vào đề án kiểm soát đặc biệt với 28 cơ sở sản xuất, dự án, khu công nghiệp trong nhóm có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Trong 28 cơ sở sản xuất, dự án có tên danh sách, có cả những dự án đang hoạt động, đã có vi phạm như Formosa, Núi Pháo hay những dự án lớn như dự án Tổ hợp bôxit - nhôm Lâm Đồng. Điều đáng nói là trong số 28 dự án được đưa vào danh sách, có khá nhiều dự án mới đang trong giai đoạn vận hành thử nghiệm, đang xây dựng, thậm chí có cả những dự án chưa xây dựng.

Quảng Trị dành hơn 210 tỷ đồng vốn tín dụng khắc phục sự cố môi trường biển

Bnews cho biết Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh tỉnh Quảng Trị cho biết, trong năm 2018 sẽ dành trên 210 tỷ đồng vốn tín dụng cho người dân ở vùng bãi ngang, ven biển bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển vay vốn để chuyển đổi nghề nghiệp, phát triển kinh tế. Theo đó, tổng số vốn tín dụng này sẽ được giải ngân cho người dân ở các xã, thị trấn bãi ngang, ven biển thuộc 4 huyện: Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong và Hải Lăng. Từ đầu năm 2018 đến nay, Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh tỉnh Quảng Trị đã và đang phối hợp với các hội, đoàn thể tổ chức tuyên truyền rộng rãi cho người dân biết về việc được vay vốn tín dụng để khắc phục sự cố môi trường biển.

Theo thống kê, tỉnh có trên 12.800 người dân được vay vốn tín dụng với các gói vay. Hỗ trợ sản xuất kinh doanh ở vùng khó khăn có mức vay 50 triệu đồng/hộ, lãi suất 9%/năm; xuất khẩu lao động, học sinh và sinh viên được vay 100% chi phí đối với các đối tượng là hộ nghèo, đối tượng chính sách, lãi suất 6,6%/năm; 7,92%/năm đối với hộ cận nghèo, nghèo; 8,25%/năm đối với hộ mới thoát nghèo...
 
100 gian hàng tại Hội chợ xanh 2018

Sáng 25/1, Hội Chợ Xanh do Ban quản lý An toàn Thực phẩm TP HCM phối hợp Công ty TNHH Fire Phoenix tổ chức đã chính thức khai mạc tại Nhà thi đấu Quân khu 7, TP HCM. Hội chợ có sự tham gia của gần 100 gian hàng từ các nhóm công ty và sản phẩm thuộc các ngành hàng sản xuất tại Việt Nam và những thương hiệu quốc tế có uy tín trên thị trường.

Hội chợ giới thiệu và quảng bá các sản phẩm đạt chứng nhận “Chuỗi thực phẩm an toàn”, các sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, sản phẩm hữu cơ…của các hợp tác xã, trang trại, doanh nghiệp tại thành phố và các tỉnh đến người tiêu dùng. Mục đích của hội chợ là thúc đẩy và tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm “chuỗi thực phẩm an toàn”, các sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, sản phẩm hữu cơ… của các hợp tác xã, trang trại, doanh nghiệp tại thành phố và các tỉnh, thành đến người tiêu dùng; tăng cường quản lý việc sản xuất, kinh doanh và sử dụng thực phẩm đảm bảo an toàn trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.

Cảnh báo nhiệt độ bề mặt toàn cầu đã tăng hơn 25% kể từ năm 1900

Với mức tăng kỷ lục trong giai đoạn 2014-2016, nhiệt độ bề mặt toàn cầu đã tăng hơn 25% kể từ năm 1900 đến nay. Nghiên cứu này do Đại học Arizona của Mỹ tiến hành và công bố trên tạp chí Geophysical Research Letters. Các nhà nghiên cứu đã tiến hành phân tích 15 bộ dữ liệu khác nhau, bao gồm theo dõi nhiệt độ trung bình bề mặt toàn cầu từ năm 1850-2016, nhiệt độ đại dương từ năm 1955-2016, ghi chép về mực nước biển từ năm 1948-2016 và tài liệu về chu kỳ hiện tượng El Nino... Họ đã phát hiện ra nhiệt độ trung bình bề mặt Trái Đất đã tăng khoảng 0,9 độ C từ năm 1900-2013.

Khi phân tích những số liệu ghi chép về nhiệt độ toàn cầu, các nhà khoa học phát hiện thêm rằng đến cuối năm 2016, nhiệt độ bề mặt toàn cầu đã tăng thêm 0,24 độ C. Đây là mức tăng chưa từng thấy trong thế kỷ 20 và 21. Theo Trưởng nhóm nghiên cứu Jianjun Yin thuộc Đại học Arizona, kết quả phân tích cho thấy nguyên nhân cơ bản của hiện tượng nhiệt độ toàn cầu liên tiếp bị phá kỷ lục là do tác động của khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Các nhà nghiên cứu cũng dự báo tần suất hiện tượng nhiệt độ toàn cầu tăng 0,24 độ C xuất hiện trong thế kỷ 21 này tùy thuộc vào lượng khí nhà kính phát ra môi trường từ nay đến năm 2100.

Lò vi sóng gây ô nhiễm môi trường như xe ôtô

Các nhà khoa học tại Đại học Manchester (Anh) tiến hành nghiên cứu toàn diện đầu tiên về những tác động của lò vi sóng tới môi trường sống, theo Phys.org. Họ sử dụng phương pháp đánh giá vòng đời (LCA) – bao gồm các giai đoạn sản xuất, sử dụng, và quản lý khi trở thành rác thải – để xem xét tác động của lò vi sóng. Nhóm nghiên cứu điều tra 12 yếu tố môi trường khác nhau, chẳng hạn như biến đổi khí hậu, sự cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và độc tính sinh thái (ecological toxicity). Họ phát hiện, các lò vi sóng được sử dụng trên khắp châu Âu thải ra 7,7 triệu tấn CO2 tương đương mỗi năm, ngang bằng với mức phát thải hàng năm của 6,8 triệu chiếc xe hơi.

Ngoài ra, yếu tố gây ô nhiễm môi trường cũng bao gồm các vật liệu được sử dụng để chế tạo lò vi sóng, quá trình sản xuất và quản lý chất thải sau cùng. Ví dụ, chỉ riêng quá trình sản xuất đã đóng góp hơn 20% đến biến đổi khí hậu và cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên. Tổng cộng, lò vi sóng trên khắp châu Âu mỗi năm tiêu thụ mức điện năng khoảng 9,4 TWh, đương đương với sản lượng điện hàng năm của ba nhà máy điện khí đốt lớn. Trung bình một lò vi sóng riêng lẻ sử dụng mức điện năng 573 kWh trong suốt quãng đời của nó là 8 năm.

Trung Quốc đẩy mạnh cải tổ ngành tái chế rác thải

VTV đưa tin giới chức Trung Quốc đang đẩy mạnh cải tổ ngành tái chế rác thải để có thể xử lý một cách hiệu quả lượng rác thải đang ngày càng gia tăng trong nước. Đầu năm 2018, lệnh cấm nhập khẩu 24 loại rác thải từ nước ngoài của Chính phủ Trung Quốc đã chính thức có hiệu lực, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong nỗ lực bảo vệ môi trường của nước này. Bên cạnh việc hạn chế các nguồn rác thải từ nước ngoài, giới chức Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh cải tổ ngành tái chế rác thải để có thể xử lý một cách hiệu quả lượng rác thải đang ngày càng gia tăng trong nước.

Không khí tại thị trấn Quý Dữ, tỉnh Quảng Đông - một thời từng là điểm đến của hàng triệu tấn rác thải từ trong và ngoài Trung Quốc - đang dần trở nên dễ thở hơn với người dân sau khi chính quyền địa phương mạnh tay dẹp bỏ hoạt động tái chế, nhập khẩu rác bất hợp pháp, buộc hàng trăm cơ sở phải đóng cửa. Tuy nhiên, tái chế rác vẫn đang đóng vai trò là trụ cột kinh tế của thị trấn bởi giới chức địa phương đang nỗ lực tiêu chuẩn hóa, công nghiệp hóa và kiểm soát chặt chẽ hoạt động này. "Tái chế rác thải điện tử là ngành kinh tế quan trọng của địa phương. Đây là một ngành công nghiệp cần thiết phải có, vì vậy chính quyền có nghĩa vụ tiêu chuẩn hóa và khiến ngành này hoạt động trở nên khoa học hơn" - ông Zheng Jinxiong - Phó Chủ tịch Ủy ban điều hành Khu công nghiệp tái chế Quỹ Dữ nói.
 
Từ vô gia cư thành triệu phú nhờ buôn xe phế liệu

Đối với Ron Sturgeon, sống tại Texas, Mỹ, xe phế liệu không phải là rác thải mà là một mỏ vàng. Ông đã xây dựng một đế chế kinh doanh xe phế liệu và trở nên giàu có. "Bạn có thể trả 100 USD cho một chiếc xe phế liệu, rồi bán động cơ của nó với giá 150 USD mà vẫn có phần còn lại của chiếc xe. Đây là hình thức kinh doanh khá hời", ông Sturgeon giải thích. Trước khi trở nên giàu có nhờ xe phế liệu, thời trẻ, ông Sturgeon từng sống khá cơ cực và gần như là người vô gia cư.

Năm 1978, ông Sturgeon thành lập công ty kinh doanh phế liệu AAA Small Car World và trong 2 thập kỷ tiếp đó đã mở rộng ra 6 cơ sở, thuê 150 nhân viên và có doanh thu 15 triệu USD với lợi nhuận ròng 30%. Năm 1999, công ty này được Ford mua lại với giá khoảng 15 triệu USD, nhưng theo ông Sturgeon thì hãng này đã vận hành nó không thành công. Năm 2003, Sturgeon mua lại AAA Small Car World từ Ford. Chỉ 2 năm sau đó, sau khi tái cơ cấu tài chính, ông lại bán nó Schnitzer Industries với giá 23,5 triệu USD, theo Dallas News.

Đức chi 1.000 tỷ EUR để giảm khí CO2

Liên đoàn Các ngành công nghiệp BDI của Đức vừa công bố bản thảo một nghiên cứu cho biết nước này sẽ phải chi hơn 1.000 tỷ EUR (khoảng 1.200 tỷ USD) mới có thể đạt ngưỡng dưới của mục tiêu giảm lượng phát thải khí carbon dioxide (CO2) vào năm 2050 của Liên minh châu Âu (EU). Năm 2011, Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố lộ trình xây dựng một nền kinh tế ít phát thải khí carbon vào năm 2050, với đề xuất cắt giảm tới 80%-95% lượng khí thải so với năm 1990.

Theo SGGP, Bản thảo nghiên cứu trên cho rằng việc đạt mục tiêu giảm 80% lượng khí thải vào năm 2050 là có tính khả thi về mặt kỹ thuật. Tuy nhiên, nước Đức sẽ phải đối mặt với một bài toán chi tiêu hóc búa chưa có lời giải để có thể đạt mục tiêu giảm tới 95% lượng khí CO2 gây ô nhiễm môi trường, do còn phải tính tới rất nhiều chi phí phát sinh. Bản thảo nghiên cứu do Tập đoàn Tư vấn Boston Consulting và Hãng nghiên cứu Prognos soạn thảo trong nhiều tháng.

 

Mai Anh (moitruong.com.vn)

Lượt xem : 1783