Vietnamese English
Điểm tin môi trường trong tuần

1/8/2018 7:17:00 AM

TPHCM muốn thu phí thoát nước 1.800-2.000 đồng mỗi mét khối; Đà Nẵng tiếp nhận hệ thống quan trắc môi trường nước tự động; Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia gây ô nhiễm biển nhất thế giới; Trên 25% diện tích sẽ khô hạn dù nhiệt độ Trái Đất chỉ tăng 2 độ C; Trung Quốc chính thức thu thuế bảo vệ môi trường; … là trong số những thông tin sự kiện môi trường nổi bật trong tuấn.

 TPHCM muốn thu phí thoát nước 1.800-2.000 đồng mỗi mét khối


Theo nguồn tin của TBKTSG Online, dự kiến trong tháng 1 này Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước sẽ trình UBND TPHCM đề án thu phí 
dịch vụ thoát nước đối với nước sạch. Nếu chính quyền thành phố thông qua, loại phí mới này sẽ được áp dụng từ tháng 3-2018. Mức thu ban đầu ở mức khoảng 1.800-2.000 đồng/m3 và đây chỉ là mức thu dự kiến ban đầu, đơn vị đề xuất còn phải tiếp tục lấy ý kiến góp ý của các sở ngành và nhận phản biện từ nhiều phía trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt mức thu cuối cùng.


Đơn vị này cho hay, với việc áp dụng thu phí dịch vụ thoát nước nói trên, mỗi năm ngân sách thành phố có thêm 1.200-1.400 tỉ đồng. Khoản thu này sẽ dùng để chi trả cho các dịch vụ thu gom, vận hành, bảo trì hệ thống 
xử lý nước thải sinh hoạt của thành phố. Theo đó, dự kiến mức thu sẽ tăng dần theo từng năm và theo nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền, có nghĩa là người sử dụng càng nhiều nước sạch sẽ trả nhiều tiền hơn cho chi phí xử lý nước thải sinh hoạt. Song song đó, có thể chính quyền thành phố sẽ tính đến chính sách phí thấp hơn đối với hộ nghèo. Khi áp dụng phí dịch vụ thoát nước, thành phố sẽ không thu thuế bảo vệ môi trường đối với nước sạch. Hiện tại,  thuế này đang được áp ở mức 10% giá nước sạch sinh hoạt.

Đà Nẵng tiếp nhận hệ thống quan trắc môi trường nước tự động

Viettimes đưa tin sáng 6/1, đại diện Chi Cục Bảo vệ môi trường TP Đà Nẵng đã tiếp nhận hệ thống 
quan trắc môi trường nước tự động trị giá 10 tỷ đồng do Công ty CP Trung Nam tặng cho UBND TP Đà Nẵng. Trạm quan trắc môi trường nước tự động do Trung tâm Vi mạch Đà Nẵng (CENTIC) nghiên cứu, chế tạo, dưới sự tài trợ của Công ty CP Trung Nam có trị giá 10 tỷ đồng/8 trạm. Trong giai đoạn 1, sẽ có 4 trạm quan trắc đầu tiên trong hệ thống được lắp đặt tại các hồ trên địa bàn nhằm giám sát chất lượng nước và cảnh báo ô nhiễm ở sông hồ tự nhiên.

Đồng thời thiết bị sẽ giúp  đánh giá 
chất lượng nước thải công nghiệp, giám sát hoạt động xả thải cửa các cơ sở sản xuất công nghiệp,…bảo vệ môi trường nước và phòng ngừa sự cố ô nhiễm. Các trạm này sẽ hoạt động tự động, sử dụng nguồn năng lượng mặt trời và tự động truyền số liệu quan trắc về hệ thống máy tính tại Trung tâm. Trạm quan trắc được sử dụng các thiết bi điện tử, cơ khí, CNTT trong nước. Đặc biệt, các trạm quan trắc tự động này được trang bị hệ thống cảm biến độ chính xác cao của HACH (Mỹ).

Trà Vinh xây dựng thêm nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt

UBND tỉnh Trà Vinh vừa có quyết định chấp thuận cho Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Hải Vân, trụ sở số 21, đường Hoàng Minh Giám, Phường 9, quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh) thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn ấp 12, xã Long Hữu thị xã Duyên Hải. Đây là nhà máy xử lý 
chất thải rắn sinh hoạt thứ 2 ở tỉnh Trà Vinh – theo TTXVN.

Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt được xây dựng trên diện tích 7,33ha, có công suất xử lý rác 100 tấn/ngày với tổng vốn đầu tư nhà máy gần 264 tỷ đồng. Trong đó, nguồn góp vốn thực hiện dự án của doanh nghiệp hơn 105 tỷ đồng, nguồn vốn còn lại được vay từ Ngân hàng VPBank và vốn hỗ trợ của Phần Lan. Dự kiến, dự án được khởi công xây dựng vào tháng 7/2018 và hoàn thành đưa vào hoạt động sau 1 năm xây dựng. Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt này được xây dựng trên diện tích 15ha, sử dụng công nghệ lò đốt Sankio Nhật Bản, công suất xử lý rác150 tấn/ ngày. Tổng vốn xây dựng nhà máy hơn 79 tỷ đồng, do Công ty TNHH MTV Kỹ thuật công nghiệp năng lượng môi trường Việt Nam đầu tư.

Thêm thời gian hỗ trợ khắc phục sự cố môi trường biển

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 2124/QÐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Quyết định số 12/QÐ-TTg ngày 6-1-2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án "Xác định thiệt hại để bồi thường, hỗ trợ; khôi phục sản xuất và đảm bảo an sinh xã hội cho người dân bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển (SCMTB) tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế". Quyết định 2124/QÐ-TTg sửa đổi thời gian hỗ trợ bảo hiểm y tế cho người dân thuộc hộ gia đình có cá nhân có tên trong danh sách bị thiệt hại do SCMTB được UBND cấp huyện phê duyệt.

Theo đó, thay vì hỗ trợ tối đa hai năm tính từ ngày 1-1-2017 đến hết tháng 12-2018 thì Quyết định 2124/QÐ-TTg quy định thời gian hỗ trợ là tối đa 24 tháng tính từ ngày mua bảo hiểm nhưng không quá ngày 31-12-2019. Quyết định 2124 cũng sửa đổi quy định về hỗ trợ giáo dục và đào tạo nghề nghiệp cho người dân thuộc hộ gia đình có cá nhân có tên trong danh sách bị thiệt hại do SCMTB được UBND cấp huyện phê duyệt… Người lao động thuộc hộ gia đình có cá nhân có tên trong danh sách bị thiệt hại do SCMTB được UBND cấp huyện phê duyệt cũng được hỗ trợ tạo việc làm, hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với thời gian tối đa 24 tháng nhưng không quá ngày 31-12-2019. Bên cạnh đó, gia hạn thời gian vay vốn hỗ trợ lãi suất cho khoản vay mới để khôi phục sản xuất, chuyển đổi nghề đến hết ngày 31-12-2019 (quy định cũ từ ngày 1-1-2017 đến 31-12-2017).

Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia gây ô nhiễm biển nhất thế giới

Một nhóm các nhà nghiên cứu người Mỹ và Úc được dẫn đầu bởi Jenna Jambeck, một kỹ sư môi trường làm việc tại Đại học Georgia (Mỹ), đã phân tích mức độ xả rác thải nhựa ra biển của các quốc gia trên thế giới. Theo đó, họ đã nhận thấy Trung Quốc và Indonesia là những nước đứng đầu về số lượng túi nilon, chai lọ, bao bì thực phẩm và các loại rác thải nhựa khác xả ra biển. Theo thống kê của báo Wall Street Journal, 1/3 số lượng rác thải nhựa xả ra môi trường biển của thế giới là tới từ hai nước này.

Theo VnReview, Mỹ cũng nằm trong danh sách những nước xả rác thải nhựa trái phép ra biển nhưng ở một mức độ thấp hơn nhiều so với Trung Quốc. Hàng năm, chỉ có 0,3 tấn rác thải trong biển là có nguồn gốc từ Mỹ. Đáng chú ý, Việt Nam đứng thứ 4 trong danh sách những nước xả rác thải nhựa trái phép ra biển với 1,8 triệu tấn mỗi năm. Đứng thứ 5 là Sri Lanka, Ai Cập, Thái Lan, Malaysia, Nigeria, Bangladesh, Brazil, Mỹ.

Trên 25% diện tích sẽ khô hạn dù nhiệt độ Trái Đất chỉ tăng 2 độ C

VietnamPlus cho biết hơn 1/4 diện tích đất đai trên bề mặt Trái Đất sẽ trở nên khô hạn hơn "một cách đáng kể" ngay cả khi con người có thể giữ mức tăng nhiệt độ "hành tinh Xanh" ở 2 độ C như mục tiêu đặt ra trong Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu. Cảnh báo trên được các nhà khoa học đưa ra trong một nghiên cứu được đăng trên tạp chí Nature Climate Change (Biến bổi khí hậu tự nhiên). Đồng tác giả nghiên cứu trên, nhà khoa học Su-Jong Jeong, thuộc Đại học Khoa học và công nghệ Thâm Quyến, Trung Quốc, cho biết: "Nếu nhiệt độ Trái Đất tăng 1,5 độ C, các khu vực Nam Âu, miền Nam châu Phi, Trung Mỹ, vùng duyên hải Australia và khu vực Đông Nam Á - những nơi sinh sống của hơn 1/5 nhân loại - sẽ tránh được đánh kể nguy cơ đất đai trở nên khô hạn so với trường hợp nhiệt độ Trái Đất tăng thêm 2 độ C."

Nhóm nghiên cứu trên đã phát hiện rằng nếu nhiệt độ Trái Đất tăng thêm 2 độ C vào bất cứ thời điểm nào từ năm 2052-2070, khoảng 24-32% tổng quỹ đất trên bề mặt Trái Đất sẽ bị khô cằn và tình trạng này diễn ra ở cả 5 loại vùng khí hậu hiện nay gồm siêu khô cằn, khô cằn, bán khô cằn, khô cận ẩm, và ẩm. Nhưng nếu nhiệt độ Trái Đất tăng 1,5 độ C, tức thấp hơn mục tiêu đặt ra trong Hiệp định Paris, con số trên sẽ được giảm xuống còn khoảng 8-10%. Nhóm nghiên cứu kêu gọi cần khẩn cấp tăng cường các nỗ lực giảm mức tăng nhiệt độ Trái Đất để giảm sự lan rộng của tình trạng khô hạn đất.

Trung Quốc chính thức thu thuế bảo vệ môi trường

VTV đưa tin bắt đầu từ đầu năm 2018, Luật Thuế bảo vệ môi trường tại Trung Quốc đã chính thức có hiệu lực. Theo đó, các cục thuế địa phương sẽ chịu trách nhiệm thu thuế môi trường của doanh nghiệp hay tổ chức công. Đây là lần đầu tiên một hệ thống thuế rõ ràng được áp dụng đối với các hình thức gây ô nhiễm tại Trung Quốc. Luật mới quy định hoạt động gây ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước, thải chất thải rắn và tiếng ồn là 4 hoạt động làm ô nhiễm chính có thể bị áp thuế.

Chính quyền địa phương tại Trung Quốc đã lựa chọn tự đưa ra mức thuế đối với các loại chất gây ô nhiễm khác nhau, dựa trên điều kiện địa lý và tình trạng kinh tế. Mức giới hạn mà chính quyền trung ương đưa ra là trong khoảng từ 1,2 - 12 Nhân dân tệ cho mỗi đơn vị không khí ô nhiễm; và từ 1,4 - 14 Nhân dân tệ cho mỗi đơn vị nước ô nhiễm. Bắc Kinh đã quyết định áp dụng mức thuế cao nhất. Mức thuế cao tiếp theo là của thành phố Thiên Tân, thành phố Nam Kinh và tỉnh Sơn Đông. Theo các chuyên gia, Trung Quốc có thể thu được gần 8 tỷ USD mỗi năm từ hệ thống thuế môi trường này.

Anh ngập rác thải nhựa vì không thể xuất sang Trung Quốc

Các nước châu Âu, đặc biệt là Anh đang rất đau đầu vì vấn đề rác thải nhựa sau khi Trung Quốc đưa ra những quy định kiểm soát việc nhập khẩu các loại phế liệu. Mỗi năm, Trung Quốc nhập khẩu 7,3 triệu tấn nhựa tái chế từ Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Nhưng bắt đầu từ năm 2018, 24 loại phế liệu tái chế và phế liệu rắn sẽ bị cấm nhập khẩu.

Như vậy, 2/3 của tổng số 500.000 tấn phế liệu nhựa mỗi năm của Anh được xuất sang Trung Quốc, giờ đang bế tắc sau quy định mới của Trung Quốc.Các công ty xử lý rác thải Anh đang tìm kiếm thị trường khác như Malaysia hoặc Việt Nam, tuy nhiên cũng không thể đáp ứng như Trung Quốc. Anh giờ buộc phải thiêu hủy hoặc chôn phần lớn số phế liệu của nước này.

Florida - Tiểu bang của ánh Mặt Trời có tuyết rơi sau gần 30 năm

Ngày 3/1, lần đầu tiên trong vòng gần 30 năm qua, người dân ở khu vực phía Bắc tiểu bang Florida (Mỹ) mới lại chứng kiến cảnh tượng tuyết rơi do ảnh hưởng của đợt thời tiết lạnh sâu đang tác động tới toàn bộ khu vực Bờ Đông của quốc gia này. Cơ quan Dự báo thời tiết quốc gia Mỹ (NWS) cảnh báo gió đông mạnh mang theo tuyết dày đặc và băng giá tới các khu vực trải dài từ Florida ở phía Đông Nam ngược lên New England và khu vực Đông Bắc trong hai ngày 3 và 4/1.

Ở thành phố Tallahassee, thủ phủ phía Bắc của tiểu bang Florida, lượng tuyết đo được vào sáng 3/1 là 2,54cm. Các bản tin dự báo thời tiết đều đưa ra cảnh báo nhiệt độ ban đêm tại thành phố này có thể giảm xuống dưới 0 độ C. Vốn được mệnh danh là "tiểu bang của ánh nắng Mặt Trời" nên tuyết rơi tại Florida sau gần ba thập kỷ được xem như hiện tượng thời tiết thú vị với hầu hết người dân sinh sống trên miền đất quen thuộc hơn với những cơn bão này.

Mai Anh (moitruong.com.vn/TH)

Lượt xem : 1653