Đây là con số rất ý nghĩa trong khi đầu tư vào lâm nghiệp còn hạn chế. Đây chính là nguồn kinh phí quý báu để tái đầu tư hỗ trợ người
trồng rừng và bảo vệ rừng, từ đó sẽ giúp người dân sống bằng nghề rừng ổn định hơn và gắn bó với rừng hơn. Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, DVMTR đã phát huy hiệu quả trên thực tiễn, đến nay chỉ tiêu trồng rừng sản xuất gần như đã hoàn thành 100%. Ngày càng có nhiều nhà đầu tư quan tâm đến ngành kinh tế lâm nghiệp, người trồng rừng cũng dần có cuộc sống ổn định hơn khi làm lâm nghiệp.
Xử phạt gần 18 tỷ đồng vi phạm môi trường trong năm 2017
Sáng 21/12, tại Hà Nội, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018. Theo ông Nguyễn Thế Đồng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, trong năm 2017, Tổng cục đã thanh tra công tác
bảo vệ môi trường đối với 439 cơ sở tại 21 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đến nay đã có 107 kết luận thanh tra, 104 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền xử phạt gần 18 tỷ đồng.
Báo Tin tức cho biết trong năm 2017, Tổng cục đẩy mạnh kiểm soát các dự án, nguồn thải lớn có nguy cơ gây sự cố môi trường. Việc xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đến nay có 400/439 cơ sở gây
ô nhiễm môi trườngnghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg (chiếm trên 91%). Cùng đó, 209/439 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định 1788/QĐ-TTG hoàn thành các biện pháp xử lý ô nhiễm triể để, không còn gây ô nhiễm môi trường, đạt 44%. Các cơ sở còn lại đã thực hiện các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm, góp phần giảm tác động ô nhiễm môi trường đến cộng đồng.
Thiếu tiêu chuẩn quốc gia về cảnh báo thiên tai
VTV cho biết năm 2017 có thể nói là năm mà các tỉnh vùng núi phía Bắc chứng kiến tính dị thường và trái quy luật của thời tiết. Đặc biệt, 2
cơn lũ lịch sử trong năm nay đã khiến 386 người thiệt mạng và mất tích, thiệt hại về kinh tế khoảng 60.000 tỷ đồng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của bà con. Những thiệt hại này một lần nữa đặt ra đòi hỏi ngày càng cao với công tác dự báo cảnh báo.
Hiện nay, tại Việt Nam chưa có tiêu chuẩn quốc gia về điều tra, khảo sát, thiết kế và thi công các công trình phòng chống lũ quét, sạt trượt. Trong bối cảnh
biến đổi khí hậu và mưa lũ ngày càng cực đoan, có thể thấy việc xây dựng hạ tầng nếu tính đến yếu tố đảm bảo an toàn thiên tai, hay như đảm bảo việc khai thác khoáng sản đúng quy hoạch, sẽ giảm nguy cơ bị ảnh hưởng bởi lũ quét và sạt lở đất, cũng như giảm thiểu những hậu quả không đáng có đối với người dân.
Quỹ Kuwait hỗ trợ Thái Bình 9,3 triệu USD để chống biến đổi khí hậu
Báo Hải Quan đưa tin ngày 19/12, tại trụ sở Bộ Tài chính, Chính phủ Việt Nam và Quỹ Kuwait về phát triển kinh tế Ả Rập đã ký Hiệp định vay vốn cho dự án Phát triển cơ sở hạ tầng ven biển để ứng phó với biến đổi khí hậu ở huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Hiệp định này có trị giá 2,8 triệu Đina Kuwait, tương đương 9,3 triệu USD. Phát biểu tại lễ ký, thay mặt Chính phủ Việt Nam, Thứ trưởng Trần Xuân Hà bày tỏ cảm ơn những hỗ trợ quý báu của Quỹ Kuwait dành cho Việt Nam để xóa đói giảm nghèo, góp phần nâng cao đời sống của người dân.
Thứ trưởng cho biết, tính đến nay, Quỹ đã hỗ trợ vốn vay cho Việt Nam để thực hiện 14 dự án với tổng trị giá đạt 49,7 triệu Đina Kuwait, tương đương 168,7 triệu USD. Vốn vay Quỹ Kuwait được tập trung cho các dự án cơ sở hạ tầng nông thôn như các công trình giao thông, thủy lợi nhỏ của các tỉnh nghèo. Cho đến nay, nhiều dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng có hiệu quả như thủy lợi Dầu Tiếng, thủy lợi Vân Đình, đường giao thông Đắc Tả - Ngọc Linh, đường giao thông Phủ Thông - Khang Ninh.
Thiệt hại kinh tế do thiên tai và thảm họa tăng mạnh trong năm 2017
Hãng tái bảo hiểm Swiss Re của Thụy Sĩ ngày 20/12 cho biết tổng thiệt hại về kinh tế do thiên tai và những thảm họa do con người gây ra trên toàn cầu đã tăng 63% lên tới khoảng 306 tỷ USD trong năm 2017. Theo hãng này, Mỹ chịu thiệt hại nhiều nhất trong số những quốc gia bị thiệt hại về kinh tế do những thảm họa trên, trong đó có các cơn bão Harvey, Irma và Maria khiến cho năm 2017 trở thành mùa bão gây thiệt hại lớn thứ 2 trên thế giới sau năm 2005. Trong khi mức độ thiệt hại kinh tế gia tăng như vậy, thiệt hại về người tính trên toàn cầu là hơn 11.000 người thiệt mạng hoặc mất tích do
thiên tai và thảm họa – theo TTXVN.
Tính toán sơ bộ cho thấy thiệt hại từ những
thảm họa trên được bảo hiểm đã ở mức gần 136 tỷ USD, cao hơn so với mức trung bình hàng năm của 10 năm trước đó và là mức cao thứ 3 kể từ khi mức thiệt hại bắt đầu được ghi nhận hồi năm 1970. Người phụ trách về bảo hiểm rủi ro thảm họa của hãng Swiss Re, ông Martin Bertogg đánh giá ngành bảo hiểm đã thể hiện khả năng ứng phó tốt với những thiệt hại lớn như vậy. Tuy nhiên, nếu ngành này mở rộng hơn được phạm vi thì sẽ có nhiều hơn các doanh nghiệp và cá nhân được trang bị tốt hơn khi đối phó với các thảm họa.
Trên Trái Đất có khoảng 6,3 tỷ tấn rác thải nhựa
Nhựa bắt đầu được sử dụng cách đây 60 - 70 năm và đóng vai trò rất lớn trong cuộc sống hiện đại, ảnh hưởng đến cách thiết kế quần áo, nấu ăn, các hoạt động kỹ thuật và thiết kế sản phẩm, theo Telegraph. Vì vậy, tốc độ sản xuất nhựa ngày càng tăng, tạo ra hàng tỷ tấn nhựa trên Trái Đất.
Các chuyên gia ước tính, con người đến nay sản xuất khoảng 8,3 tỷ tấn nhựa. 6,3 tỷ tấn đã trở thành phế thải, 79% trong số đó nằm ở các bãi rác hoặc ngoài
môi trườngtự nhiên. Chuyên gia David Attenborough cảnh báo trên chương trình phim tài liệu tự nhiên Blue Planet rằng các đại dương đang bị đe dọa chưa từng thấy trong lịch sử nhân loại. Lượng nhựa dưới biển ước tính khoảng 150 triệu tấn, xấp xỉ 1/5 khối lượng cá. Với tốc độ sản xuất và tiêu dùng nhựa như hiện tại, khối lượng nhựa sẽ vượt cá năm 2050.
Pháp công bố 18 nhà nghiên cứu quốc tế về biến đổi khí hậu
PV Báo Nhân Dân thường trú tại Pháp đưa tin tại sự kiện "Công nghệ cho hành tinh" mới đây, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã công bố 18 nhà nghiên cứu quốc tế về biến đổi khí hậu được lựa chọn để thực hiện chiến dịch "Làm cho hành tinh của chúng ta vĩ đại trở lại". Các nhà nghiên cứu gồm bảy nữ, 11 nam đến từ sáu nước, được ông Macron chọn từ 1.822 nhà khoa học quốc tế, hưởng ứng lời kêu gọi của ông Macron giúp nghiên cứu chống biến đổi khí hậu và nhại lại khẩu hiệu “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại”, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi Thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu năm 2015.
18 nhà nghiên cứu, phần lớn là người Mỹ, cùng với những người khác từ Canada, Ý, Tây Ban Nha, Ấn Độ và Ba Lan, sẽ được nhận tài trợ để làm việc với Pháp về các đề tài khác nhau, nhưng đều chung chủ đề về nghiên cứu biến đổi khí hậu. Pháp đã cam kết ủng hộ ít nhất 30 triệu euro cho các chuyên gia khí hậu của quốc tế về vấn đề này. Tin từ tờ FranceInfo dẫn lời ông Macron cho biết: "Nếu chúng ta muốn hiểu điều gì đang xảy ra với môi trường, chúng ta cần khoa học. Chúng ta cần các sinh viên, các nhà nghiên cứu. Việc nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, sẽ cho phép chúng ta chiến thắng trong cuộc chiến chống lại sự nóng lên toàn cầu".
Xe đẩy em bé có thiết bị lọc sạch không khí sắp ra mắt
Nhà thiết kế Yosi Romano đã chế tạo ra thiết bị lọc không khí Brizi dành cho xe đẩy em bé, có thể lọc tới gần 50% mức độ ô nhiễm ở khu vực quanh trẻ. Nghiên cứu cho thấy, những đứa trẻ sống trong môi trường ô nhiễm khói bụi do xe cộ thải ra sẽ đối mặt nguy cơ mắc các bệnh về phổi. Chiều cao xe đẩy của trẻ nhỏ ngang bằng với ống khói xả khí của các phương tiện giao thông. Do đó, trẻ em sẽ là đối tượng phải hít thở không khí ở mức độ ô nhiễm nghiêm trọng hơn so với người lớn đẩy xe hít thở ở tầm cao hơn. Đây cũng chính là động lực để anh Yosi Romano chế tạo ra thiết bị lọc không khí Brizi dành cho xe đẩy em bé – theo VTV.
Với Brizi, các cảm biến tự động kích hoạt màng lọc không khí, cung cấp 1,5 lít khí sạch cho em bé trong mỗi 10 giây. Đặc biệt, bề mặt của bộ lọc không khí có thể loại bỏ các hạt mịn trong không khí cũng như lọc khí độc như: nitrogen dioxide, carbon monoxide. Kết quả thử nghiệm trong điều kiện thực tế cho thấy, thiết bị lọc không khí này có thể giảm 49% mức độ ô nhiễm quanh khu vực thở của trẻ. Tuy nhiên, anh Yosi Romano mong muốn, thiết bị đạt mức lọc không khí lên đến 80%. Hiện nhà sáng chế này đang kêu gọi tài trợ để có thể đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng vào tháng 8/2018.
Trung Quốc sản xuất giấy vệ sinh từ phân gấu trúc
Sản phẩm giấy vệ sinh được làm từ phân của gấu trúc và lá tre đã được một công ty giấy của tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc sản xuất và dự định bán ra thị trường với giá 43 nhân dân tệ (khoảng 6,5 USD) một hộp, đắt hơn nhiều so với các loại giấy thông thường. Công ty giấy Qianwei Fengsheng ở tỉnh Tứ Xuyên đã bắt tay hợp tác với Trung Tâm nghiên cứu bảo tồn và bảo vệ gấu trúc Giant Panda để sản xuất giấy vệ sinh, khăn ăn và các sản phẩm gia dụng khác từ phân và thức ăn thừa của gấu trúc. Các mặt hàng này sẽ sớm được đưa ra thị trường Trung Quốc, như là một phần của dòng sản phẩm “Panda Poo”, được trang trí với hình ảnh của con gấu trúc đen trắng đang ăn.
Theo chủ tịch công ty giấy Qianwei Fengsheng, Yang Chaolin, quy trình sản xuất giấy từ tre thông thường phải tách đường fructose và chiết xuất xơ thực vật để làm giấy, tuy nhiên, khi ăn, loài gấu trúc chỉ hấp thụ chất đường fructose trong tre và thải ra chất xơ của loài cây này, do đó sẽ tiết kiệm nhiều thời gian và công sức trong quá trình làm giấy. Mỗi ngày, một gấu trúc trưởng thành có thể thải ra khoảng 10 kg phân, phân gấu trúc rất giàu chất xơ. Công ty Qianwei Fengsheng sẽ thu thập chất thải gấu trúc từ 3 cơ sở nuôi gấu trúc tại Tứ Xuyên, sau đó tiến hành khử trùng và thực hiện quy trình tách sợi làm giấy.