385 người chết, 60.000 tỷ đồng mất trắng do thiên tai năm 2017; Khánh thành Nhà bảo tồn rùa biển tại vườn quốc gia Núi Chúa; 13 sáng kiến thích ứng biến đổi khí hậu; 17 triệu trẻ em trên toàn cầu bị ô nhiễm không khí gấp 6 lần quy định; Nhiệt độ Trái Đất có thể tăng cao hơn 0,5 độ C so với mức dự báo; LHQ cần hơn 22 tỷ USD cho hoạt động cứu trợ nhân đạo năm 2018; ... là trong số những thông tin sự kiện môi trường đáng chú ý trong tuần.
Trong 10 năm gần đây, mỗi năm thiên tai làm trên 300 người chết và mất tích; thiệt hại
kinh tế trung bình khoảng trên 17.000 tỷ đồng (tương đương 876 triệu USD) và có xu thế ngày càng gia tăng, năm 2013 là 28.000 tỷ đồng; năm 2016 là 40.000 tỷ đồng. Đặc biệt, năm 2017, thiên tai đã làm 385 người chết và mất tích, 654 người bị thương; tổng thiệt hại về kinh tế khoảng 59.300 tỷ đồng – theo Dân Trí.
Báo động ô nhiễm không khí tại Hà Nội có hại cho sức khoẻ
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng cho rằng, ô nhiễm không khí ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe con người. Mức độ
ô nhiễm không khí tại Hà Nội đã nhiều lần được báo động và ở mức cao. Lãnh đạo TP.Hà Nội cũng đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm giảm tình trạng ô nhiễm không khí này. Tuy nhiên, người dân vẫn lo lắng ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sức khỏe là có những lý do rất xác đáng.
“Ô nhiễm không khí ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của người dân. Các giải pháp hiện nay chưa giải quyết triệt để vấn đề này. Cần có những giải pháp tổng thể và thực hiện một cách quyết liệt. Ngay như việc tăng cường các phương tiện
giao thông công cộng, giảm thiểu phương tiện giao thông cá nhân cũng cần làm từng bước có hiệu quả, vì theo một số thống kê cho thấy, ô nhiễm không khí do các phương tiện giao thông gây ra là rất cao.
Khánh thành Nhà bảo tồn rùa biển tại vườn quốc gia Núi Chúa
Nhóm "Gia đình em yêu
thiên nhiên Việt Nam" vừa tổ chức khánh thành nhà Hero House - Nhà bảo tồn rùa biển tại Vườn Quốc gia Núi Chúa – Ninh Thuận (VQG Núi Chúa). Đặc biệt, Cty Mặt trời Bách Khoa (SolarBK) cũng bàn giao hệ thống năng lượng mặt trời hệ độc lập 2,08 kWp, tài trợ cho VQG Núi Chúa, góp sức vào công cuộc bảo vệ rùa biển, bảo tồn các loại động vật hoang dã. Với hệ thống điện mặt trời độc lập lưới 2,08 kWp, toàn bộ lượng điện sản sinh đã được tính toán đáp ứng đủ tải cho nhà Hero House, phục vụ chính trong công tác bảo tồn rùa biển, đặc biệt trong thời kỳ đẻ trứng của rùa.
Mỗi năm, hệ thống điện mặt trời 2,08 kWp này sẽ tạo ra khoảng 3.037 kWh, đồng thời giảm thiểu hơn 2 tấn CO2 ra ngoài
môi trường. Với hệ thống này, việc bảo tồn các động vật hoang dã tại đây không chỉ trở nên dễ dàng, thuận tiện hơn mà còn góp phần truyền đi những thông điệp tích cực về môi trường, thực hiện đúng sứ mệnh mang năng lượng sạch thông minh vào cuộc sống mà SolarBK đã cam kết và thực hiện suốt bao năm qua. VQG Núi Chúa là một trong những bãi đẻ và nơi lớn lên của quần thể rùa biển hiếm hoi còn lại của vùng ven bờ đất liền Việt Nam.
Bắt tạm giam hai đối tượng bắn chết 5 cá thể Voọc chà vá chân đen
Công an tỉnh Ninh Thuận cho biết đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam hai đối tượng để điều tra về hành vi săn bắn trái phép
động vật hoang dã Voọc chà vá chân đen (có tên khoa học là Pygathrix nigripes) thuộc Bộ Khỉ hầu, là loài động vật rừng nguy cấp, quý hiếm, thuộc nhóm I B. Hai đối tượng trên là Nguyễn Phương Tuấn, sinh năm 1974 và Nguyễn Văn Chương, sinh năm 1981, cùng trú tại thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa.
Trước đó, theo VietnamPlus, chiều 30/11/2017, Đội tuần tra kiểm soát Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Núi Chúa trong lúc tuần tra tại tiểu khu 140 thuộc khu vực xã Công Hải huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận phát hiện hai đối tượng Tuấn và Chương đang dùng súng săn bắn trái phép
động vật rừng. Tại cơ quan điều tra, các đối tượng đã khai nhận toàn bộ hành vi bắn chết năm cá thể Voọc chà vá chân đen. Trước đó vào năm 2011, cũng tại Vườn quốc gia Núi Chúa Nguyễn Phương Tuấn cùng hai đối tượng khác đã giết hại 15 con Voọc chà cá chân đen; Tuấn đã bị Tòa án Nhân dân huyện Ninh Hải tỉnh Ninh Thuận xử phạt sáu năm tù giam.
13 sáng kiến thích ứng biến đổi khí hậu
Ngày 30/11, trong khuôn khổ Diễn đàn thanh niên tiên phong thích ứng với
biến đổi khí hậu (BĐKH) vùng đồng bằng sông Hồng, Ban tổ chức cuộc thi “Thanh niên tìm hiểu về sáng kiến thích ứng BĐKH khu vực đồng bằng sông Hồng” đã trao 13 giải gồm: 5 giải khuyến khích sáng tạo, 5 giải B và 3 giải A cho các bài dự thi xuất sắc. Cuộc thi được Ban quản lý khu dự trữ sinh quyển liên tỉnh đồng bằng sông Hồng phát động từ cuối tháng 8-2017, thu hút hơn 500 Đoàn viên thanh niên tham gia thi dưới hình thức trực tuyến.
Trước lễ trao giải, hơn 100 đoàn viên thanh niên thuộc các tỉnh, thành phố: Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội dự diễn đàn thanh niên tiên phong thích ứng với BĐKH. Diễn đàn là dịp để thanh niên khu vực đồng bằng sông Hồng trao đổi, học hỏi các kiến thức, kinh nghiệm về ứng phó BĐKH và bảo vệ
môi trường; đồng thời khuyến khích ĐVTN phát triển các ý tưởng sáng tạo và chủ động thực hiện các sáng kiến về BĐKH, nhân rộng các hành động thích ứng BĐKH trong thanh niên.
17 triệu trẻ em trên toàn cầu bị ô nhiễm không khí gấp 6 lần quy định
17 triệu trẻ em trên toàn cầu đang sống trong trình trạng ô nhiễm không khí gấp 6 lần so với quy định, đe dọa trực tiếp quá trình phát triển não bộ bình thường của các em. Theo báo cáo mới của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), hầu hết số trẻ em này (12 triệu trẻ) sinh sống tại khu vực Nam Á, nơi có mức độ ô nhiễm không khí ngoài trời cao hơn 6 lần so với mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Theo UNICEF, ô nhiễm không khí vượt quá giới hạn mà WHO đề ra có những tác hại tiềm ẩn với trẻ nhỏ và tác hại này biến đổi tỷ lệ thuận với mức độ ô nhiễm. Giám đốc điều hành UNICEF Anthony Lake cho rằng các chất bẩn gây ô nhiễm không khí không chỉ gây tổn hại cho quá trình phát triển hệ hô hấp mà còn hủy hoại sự phát triển não bộ về lâu dài và ảnh hưởng không nhỏ tới tương lai của các em.
Nhiệt độ Trái Đất có thể tăng cao hơn 0,5 độ C so với mức dự báo
Nhiệt độ Trái Đất vào cuối thế kỷ 21 có thể tăng cao hơn 0,5 độ C so với mức dự báo hiện nay của Liên hợp quốc, buộc chính phủ các nước phải cắt giảm khí thải mạnh mẽ hơn để hạn chế hiện tượng ấm lên toàn cầu. Đây là kết luận của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) thuộc Liên hợp quốc đưa ra trong báo cáo công bố ngày 6/12. Theo IPCC, nhiệt độ bề mặt Trái Đất tăng cao hơn sẽ cản trở nỗ lực kiềm chế mức tăng nhiệt dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, theo cam kết đưa ra trong Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu toàn cầu mà lãnh đạo của gần 200 quốc gia trên thế giới đã ký cách đây 2 năm – theo VietnamPlus.
Theo các chuyên gia, mức tăng nhiệt độ 0,5 độ C có thể kéo theo nhiều hệ quả mang tính hủy diệt, bởi chỉ với 1 độ C gia tăng tính đến nay, thế giới đã phải chứng kiến các đợt hạn hán, nắng nóng nghiêm trọng, cũng như các trận bão lớn do tác động của hiện tượng nước biển dâng. IPCC cảnh báo tới năm 2100, nếu lượng phát thải khí carbon tiếp tục gia tăng, nhiệt độ trên bề mặt Trái Đất có thể sẽ tăng 4,8 độ C so với mức dự báo 4,3 độ C của các chuyên gia Liên hợp quốc đưa ra hồi năm 2014.
LHQ cần hơn 22 tỷ USD cho hoạt động cứu trợ nhân đạo năm 2018
Liên hợp quốc ngày 1/12 đã kêu gọi cộng đồng quốc tế đóng góp hơn 22 tỷ USD để cung cấp các hoạt động cứu trợ nhân đạo trong năm 2018 cho những người bị tác động của các cuộc xung đột và thiên tai trên toàn thế giới. Số tiền cao kỷ lục này để cứu trợ cho khoảng 91 triệu người dễ bị tổn thương nhất trong số gần 136 triệu người cần được cứu trợ tại 26 quốc gia trên thế giới trong năm 2018. Như vậy số người cần cứu trợ trên toàn thế giới trong năm 2018 sẽ tăng hơn 5% so với con số ước tính của năm 2017.
Theo VietnamPlus, hạn hán, lũ lụt và các thiên tai khác dự kiến sẽ khiến các nhu cầu viện trợ nhân đạo gia tăng. Tuy nhiên, xung đột, đặc biệt là các cuộc xung đột kéo dài, tiếp tục là nguyên nhân chính khiến cho nhu cầu viện trợ nhân đạo tăng mạnh trong năm 2018. Trong năm 2017, các nhà tài trợ chỉ đáp ứng được hơn một nửa nhu cầu với 13 tỷ USD cho các hoạt động cứu trợ nhân đạo trên toàn thế giới.
Bắc Kinh cấm bắn pháo hoa trong thành phố nhằm giảm ô nhiễm không khí
Giới chức Bắc Kinh (Trung Quốc) ngày 1/12 đã thông qua quy định cấm bắn pháo hoa trong thành phố trong bối cảnh không khí đang bị
ô nhiễm nặng cũng như các vụ tai nạn nghiêm trọng trong những năm gần đây liên quan đến pháo hoa. Hội đồng nhân dân thành phố Bắc Kinh đã thông qua các quy định liên quan đến sự an toàn và quản lý pháo hoa. Theo đó, việc bắn pháo hoa sẽ bị cấm trong khu vực được giới hạn bởi đường vành đai thứ 5 của Bắc Kinh – theo VietnamPlus.
Ngoài ra, giới chức những quận ngoài đường vành đai này cũng có thể chủ động cấm hoặc hạn chế pháo hoa ở một số khu vực. Như vậy, cư dân trong khu vực nội đô sẽ không được đốt pháo hoa trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Chất lượng không khí tại miền Bắc Trung Quốc thường xấu đi vào cuối mùa Thu và mùa Đông hàng năm, một phần là do tại khu vực này ít gió và sự gia tăng lượng khí thải từ các nguồn phát nhiệt. Để cải thiện chất lượng không khí, Trung Quốc đã áp dụng những biện pháp như thay thế việc sử dụng than đá và phạt những người gây ra tình trạng
ô nhiễm không khí.
LHQ cam kết ngăn chặn rác thải chất dẻo trên đại dương
Tại hội nghị thượng đỉnh về môi trường do Liên hợp quốc (LHQ) tổ chức đang diễn ra tại Kenya, bộ trưởng các quốc gia tham gia đã đồng ý rằng thế giới cần chấm dứt hoàn toàn việc đổ các loại rác thải là chất dẻo ra đại dương. Dự kiến, trong ngày 7/12 các nước tham gia hội nghị sẽ thông qua một bản nghị quyết của LHQ về vấn đề này. Mặc dù bản nghị quyết này không mang tính ràng buộc pháp lý và không có khung thời gian cụ thể, nhưng các đại biểu tin rằng nó sẽ là bước khởi đầu giúp đưa ra những chính sách chặt chẽ hơn và gửi một thông điệp rõ ràng tới các doanh nghiệp.
Trước đó, một bản nghị quyết với những đề xuất mạnh mẽ hơn đã bị bác bỏ sau khi Mỹ từ chối thông qua những mục tiêu cụ thể mà các quốc gia khác đã chấp nhận. Theo bản dự thảo được đề xuất, các chính phủ sẽ thiết lập một nhóm công tác quốc tế để đưa ra những khuyến cáo trong việc chống lại cái mà các quan chức LHQ miêu tả là một cuộc khủng hoảng hành tinh. Các nhà bảo vệ môi trường nói rằng, các bộ trưởng đang bắt đầu quan tâm tới vấn đề rác thải chất dẻo một cách nghiêm túc hơn, nhưng cần phải hành động nhanh hơn.