Tìm kiếm ý tưởng môi trường; Hà Nội chi 30 tỷ đồng nạo vét bùn đất làm sạch Hồ Gươm; Công bố danh hiệu Năng Lượng Xanh Hà Nội năm 2017; Ô nhiễm không khí làm giảm chất lượng tinh trùng ở nam giới; Số vụ động đất trên thế giới có thể tăng gấp đôi vào năm tới; Chuyến bay xuyên đại dương đầu tiên bằng xăng sinh học; ... là trong số những thông tin sự kiện đáng chú ý trong tuần.
Đại sứ quán Đan Mạch và Mạng lưới Cựu du học sinh Việt Nam - Đan Mạch đang tìm các
ý tưởng, giải pháp tối ưu cho Cuộc thi “Nâng cao nhận thức về các giải pháp thành phố xanh ở Việt Nam”. Cuộc thi nhằm hưởng ứng chiến dịch “Các giải pháp thành phố bền vững” bao gồm một chuỗi hoạt động do Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam khởi xướng sẽ diễn ra vào tháng 12/2017. Ở mỗi thành phố, ý tưởng tốt nhất sẽ được tặng thưởng 3500 USD và ý tưởng giải Nhì sẽ được tặng thưởng 1500 USD cho việc hiện thực hóa ý tưởng – theo MONRE.
Các đơn vị tham gia cuộc thi phải có khả năng tham gia vòng chung kết tại Hà Nội, hoặc thành phố Hồ Chí Minh; đơn vị thắng cuộc cần cung cấp các tài liệu chứng minh sự hỗ trợ tài chính từ cuộc thi được sử dụng đúng với các điều khoản của dự án; đề xuất dài tối đa 1 trang và tập trung vào: Ý tưởng dự án; tác động
môi trường và xã hội; triển khai thực hiện giải pháp. Các bên tham gia có thể gửi đề xuất ý tưởng tới địa chỉ hebruh@um.dk; muộn nhất vào ngày 3-12-2017. Các đơn vị được lựa chọn sẽ được mời đến trình bày về ý tưởng của mình tại Hà Nội vào ngày12/12 tại Trường Đại học Xây dựng hoặc tại TP. Hồ Chí Minh vào ngày 14/12 tại Đại học Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh. Việc hiện thực hóa các ý tưởng thắng giải sẽ diễn ra trong vòng khoảng 6 tháng sau sự kiện chung kết.
Hà Nội chi 30 tỷ đồng nạo vét bùn đất làm sạch Hồ Gươm
TTXVN đưa tin ngày 21/11, Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thoát nước Hà Nội cho biết, Ban cán sự Đảng Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã thống nhất chủ trương về nạo vét Hồ Gươm (Hoàn Kiếm) theo đề xuất của công ty, khi hồ này bị cạn nước và
ô nhiễm môi trường. Thời gian nạo vét dự kiến cuối năm 2017. Nguồn kinh phí cho việc nạo vét dự kiến khoảng 30 tỷ đồng từ ngân sách thành phố. Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thoát nước Hà Nội thực hiện nạo vét bùn với khối lượng dự kiến khoảng 57.400m3.
Để thực hiện khối lượng công việc trên, Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thoát nước Hà Nội đưa ra phương án thi công như giữ nguyên mực nước không bơm cạn hồ, nạo vét toàn bộ lòng hồ đến cao độ +5.60m để đảm bảo không bị sạt lở kè xung quanh hồ, kè Tháp Rùa, kè đền Ngọc Sơn. Phạm vi nạo vét đảm bảo cách mép chân kè các công trình trên là 7,0m. Cùng với đó, thanh thải
phế thải trong phạm vi từ mép chân kè ra ngoài 7,0m, thanh thải toàn bộ rác, các loại phế thải.
Liên tục ngập nặng, TP.HCM lại xin hủy dự án chống ngập 400 triệu USD
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc TP.HCM không muốn tiếp tục thực hiện dự án “Quản lý rủi ro ngập nước khu vực TP.HCM” vay vốn Ngân hàng Thế giới. Dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 1/2016 nhằm nâng cao năng lực quản lý, phòng chống
ngập lụt, kết hợp cải thiện môi trường TP.HCM; ngăn triều, tiêu thoát nước giải quyết ngập cho vùng trung tâm thành phố ảnh hưởng do biến đổi khí hậu. Dự án được thực hiện sẽ giúp gần 15 nghìn ha đất được bảo vệ khỏi bị các trận lụt có tần suất ngập 10 năm; khoảng 2 triệu người (tính đến năm 2020) sống ở tiểu lưu vực được tiếp cận các tiện ích vệ sinh môi trường.
Thời gian thực hiện
dự án 6 năm (từ 2016-2021). Tổng mức đầu tư của dự án lên đến 437 triệu USD. Trong đó, vốn vay Ngân hàng Thế giới là 400 triệu USD, vốn đối ứng của TP.HCM là 37 triệu USD. Tuy nhiên, vào tháng 7/2017 UBND TP.HCM đã có văn bản cho biết, trong quá trình thẩm định dự án, đại diện Ngân hàng Thế giới và các sở ban ngành của TP đã xác định có sự khác biệt rất lớn về chính sách áp dụng cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, cụ thể là cách xác định giá trị bồi thường cho từng loại đất.
Công bố danh hiệu Năng Lượng Xanh Hà Nội năm 2017
Với sự quyết tâm của các doanh nghiệp tham gia chương trình đánh giá, công nhận cơ sở sử dụng
NĂNG LƯỢNG XANH đã thúc đẩy công tác quản lý, sử dụng năng lượng hiệu quả; nhân rộng các giải pháp tiết kiệm năng lượng tiêu biểu, giảm thiểu việc tiêu thụ năng lượng trong toàn xã hội.
Lễ công bố, trao danh hiệu cơ sở, công trình xây dựng sử dụng NĂNG LƯỢNG XANH năm 2017 nhằm tôn vinh các cơ sở, doanh nghiệp sử dụng NĂNG LƯỢNG XANH được tổ chức vào lúc 09 giờ 45 ngày 25 tháng 11 năm 2017 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh – Số 19, Ngọc Hà, quận Ba Đình, TP Hà Nội.
Khánh thành Dự án tăng cường năng lực đối phó với thiên tai do biến đổi khí hậu
Chiều 22/11/2017, tại Đài khí tượng Phù Liễn, quận Kiến An, TP. Hải Phòng, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản khánh thành dự án tăng cường năng lực đối phó với thiên tai do biến đổi khí hậu. Dưới sự nỗ lực và phối hợp giữa Trung tâm Khí tượng Thủy văn (KTTV) quốc gia và các nhà thầu Nhật Bản, tháng 9/2017, hệ thống rada Vinh, Phù Liễn hoàn thành và đưa vào chạy thử, khai thác. Tuy mới ở giai đoạn chạy thử, các rada trong thời gian qua có những đóng góp tích cực trong việc quan trắc, dự báo thời tiết cho khu vực, đặc biệt là trong mùa
mưa bão năm nay.
Dự án tăng cường năng lực đối phó với thiên tai do biến đổi khí hậu gây ra là kết quả của sự hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Nhật Bản nhằm tăng cường năng lực đối phó với thiên tai tại Việt Nam, từ năm 2013. Phía Nhật Bản tích cực phối hợp với Việt Nam trong quá trình khảo sát, lựa chọn địa điểm lắp đặt và thiết kế hệ thống rada; hoàn thành việc xây dựng 2 tháp rada và lắp đặt thiết bị trạm rada Vinh, Phù Liễn đảm bảo yêu cầu tiến độ, chất lượng; cơ bản hoàn thành đào tạo vận hành, khai thác và chuyển giao công nghệ của các trạm rada cho Trung tâm KTTV quốc gia.
Ô nhiễm không khí làm giảm chất lượng tinh trùng ở nam giới
Môi trường bị ô nhiễm sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng tinh trùng của nam giới, cụ thể là khiến cho tinh trùng dị dạng và yếu hơn, đó là kết quả nghiên cứu mới được đăng trên tạp chí chuyên ngành Occupational & Environmental Medicine. Các nhà khoa học đã thực hiện nghiên cứu trên các hồ sơ y tế từ năm 2001 - 2014, đối với hơn 6.400 nam giới trong độ tuổi 15-49 ở Đài Loan (Trung Quốc) và nhận thấy mối liên quan chặt chẽ giữa chất lượng tinh trùng và việc phơi nhiễm mật độ PM 2.5 trong không khí – theo VietnamPlus.
PM 2.5 là những hạt bụi bay lơ lửng trong không trung, có đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 2,5 micromet, nhỏ hơn 30 lần so với sợi tóc người. Người hít phải những hạt bụi này có nguy cơ lên cơn đau tim, đột quỵ, mắc bệnh ung thư phổi và các bệnh khác về đường hô hấp. Những nam giới nói trên được chia thành hai nhóm, nhóm thứ nhất phơi nhiễm PM 2.5 trong vòng 3 tháng và nhóm thứ hai phơi nhiễm trong 2 năm. Mức độ ô nhiễm được đo tại nơi ở của họ trong thời gian tiến hành nghiên cứu, dựa trên các dữ liệu vệ tinh của NASA. Các dữ liệu cho thấy mật độ PM 2.5 đã tăng 5ug/m3 mỗi năm, trong khi kích thước và chất lượng tinh trùng của những người này cũng giảm tương ứng khoảng 1,29%. Mối liên hệ này được ghi nhận ở cả hai nhóm đối tượng nghiên cứu.
Số vụ động đất trên thế giới có thể tăng gấp đôi vào năm tới
Nghiên cứu do ông Roger Bilham, giáo sư danh dự, nghiên cứu viên cao cấp thuộc trường Đại học Colorado và tiến sỹ Rebecca Bendick, thuộc Đại học Montana, công bố tại hội nghị thường niên của Hiệp hội Địa chất Mỹ (GSA), cho biết các nhà khoa học đã phát hiện sự xoay của Trái Đất và hoạt động địa chấn có mối tương quan rất mạnh. Những thay đổi vận tốc xoay của Trái Đất có thể kích hoạt các hoạt động địa chấn, đặc biệt tại những vùng xích đạo nhiệt đới, nơi mật độ dân cư rất cao, dẫn đến gia tăng số vụ động đất lớn vào năm 2018 – theo TTXVN.
Theo giáo sư Bilham, mọi thay đổi vận tốc xoay của Trái Đất đều rất nhỏ, đôi khi ở mức một phần triệu giây mà chỉ có thể đo chính xác bằng đồng hồ nguyên tử. Dù sự thay đổi vận tốc xoay rất nhỏ khiến con người khó có thể nhận biết được sự thay đổi dài ngắn của ngày, nhưng những thay đổi nhỏ này có thể khởi động một sự rung chuyển địa chấn và giải phóng một năng lượng lớn dưới bề mặt Trái Đất gây ra động đất. Các nhà khoa học nhận thấy khi Trái Đất xoay chậm lại trong thế kỷ qua, sau đó sẽ là thời kỳ của những trận động đất lớn. Thời kỳ Trái Đất xoay chậm lại thường xảy ra trong những khoảng kéo dài 5 năm và thực tế là nhân loại đang ở vào cuối của một trong những chu kỳ 5 năm xoay chậm đó.
Trung Quốc chi gần 2,5 tỷ USD xử lý ô nhiễm khói bụi
Trung Quốc chi gần 2,5 tỷ USD cho xử lý
ô nhiễm khói bụi ở 13 tỉnh thành của nước này trong năm 2017. Đây là con số được Bộ Bảo vệ Môi trường Trung Quốc đưa ra ngày 23/11. Theo bộ này, đây là khoản chi nằm trong gói ngân sách 7,5 tỷ USD trong năm 2017 dùng để phòng chống ô nhiễm không khí, nước và đất đai. Trọng tâm công việc này là nhằm nghiên cứu, xử lý khói bụi từ các lò than, khói bụi hữu cơ, khí thải xe ô tô phát tán ra môi trường – theo VTV.
Đặc biệt, Bộ bảo vệ Môi trường Trung Quốc cũng dành một khoản ngân sách lớn trong đó để nghiên cứu thí điểm các loại hình khí sưởi thân thiện với môi trường dùng trong mùa Đông ở khu vực miền Bắc Trung Quốc. Ngoài ra, Chính phủ Trung Quốc cũng yêu cầu chính quyền các địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những khu công nghiệp, nhà máy, cơ sở sản xuất gây tác hại tới môi trường.
La Nina sẽ xuất hiện ở khu vực Thái Bình Dương trong năm nay
Báo cáo mới nhất của BOM mang tên "Dao động phía Nam của El Nino" công bố ngày 21/11 cho rằng nhiều khả năng La Nina sẽ "đổ bộ" vào khu vực này trong tháng 12. Tuy nhiên, đợt La Nina này sẽ "ngắn và khá yếu" và không gây mưa nhiều như các đợt La Nina thông thường. Blair Trewin, chuyên gia khí hậu cấp cao của BOM, cho biết thay vì mưa, nhiều khả năng khu vực này sẽ phải hứng chịu các đợt sóng nhiệt. Nguyên nhân là do nhiệt độ tại các vùng biển Thái Bình Dương nhiệt đới đã giảm, các khu vực như Trung và Trung - Đông Thái Bình Dương hiện có nhiệt độ bề mặt thấp hơn mức trung bình từ 0,5-0,6 độ C – theo TTXVN.
Nước biển mát hơn đồng nghĩa với việc sẽ có ít nước bốc hơi hơn và La Nina sẽ khó có thể mang nhiều mưa tới Australia. Do đó, Australia sẽ có một mùa Hè khô nóng bất chấp La Nina năm nay sẽ "hỏi thăm" Thái Bình Dương. Tuy nhiên, chuyên gia Trewin cũng cảnh báo đây chỉ là trường hợp của Australia. Tại các khu vực của thế giới vẫn sẽ phải "đón" những tác động thường thấy của hiện tượng thời tiết cực đoan này. Trong giai đoạn 2008-2009, Australia cũng từng gặp trường hợp tương tự khi miền Đông Nam Australia trải qua một đợt sóng nhiệt kỷ lục vào đúng thời điểm La Nina đang hoành hành.
Chuyến bay xuyên đại dương đầu tiên bằng xăng sinh học
Phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh dẫn nguồn Tân Hoa Xã đưa tin, hãng hàng không Hải Nam (Hainan Airlines) ngày 21/11 đã thực hiện thành công chuyến bay xuyên đại dương đầu tiên bằng xăng sinh học. Chiếc máy bay Boeing 787 của Hainan Airlines, xuất phát từ thành phố Bắc Kinh đến thành phố Chicago của Mỹ sau khi được bơm đầy xăng sinh học do Tổng Công ty Dầu khí và Hóa chất Trung Quốc (SINOPEC) tái chế từ dầu ăn thải loại.
Theo Hainan Airlines, việc sử dụng xăng sinh học có thể cắt giảm đáng kể lượng phát thải khí carbon trong khi vẫn đảm bảo được sự an toàn và hiệu quả của chuyến bay. Chuyến bay nói trên là một phần trong dự án hợp tác “hàng không xanh” giữa Trung Quốc và Mỹ. Được biết, Hainan Airlines đã thực hiện chuyến bay vận tải hành khách nội địa sử dụng xăng sinh học đầu tiên tại Trung Quốc vào năm 2015.