Vietnamese English
Điểm tin môi trường trong tuần

10/16/2017 7:00:00 AM

Lập đường dây nóng 24/24 để tiếp nhận, xử lý thông tin về ô nhiễm; Mỗi năm 300 người chết, thiệt hại 1,3 tỷ USD vì thiên tai; NASA phát hiện nồng độ khí thải carbon tăng mạnh vào mùa Đông; Pháp phóng vệ tinh giám sát biến đổi khí hậu; Làm mát môi trường bằng tấm màng kim loại không dùng nguồn điện; … là trong số những thông tin sự kiện môi trường đáng chú ý trong tuần.


 

Lập đường dây nóng 24/24 để tiếp nhận, xử lý thông tin về ô nhiễm

Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ lập, vận hành đường dây nóng hoạt động thông suốt 24/24 giờ, kể cả ngày nghỉ, để tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về tình trạng ô nhiễm môi trường trên cả nước. Đây là một trong những mục tiêu chính của Chỉ thị số 03 vừa được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà ký ban hành ngày 10/10, nhằm phát huy vai trò của người dân và cộng đồng trong bảo vệ môi trường, xử lý ô nhiễm.


Theo TTXVN, Chỉ thị nêu rõ trong thời gian qua, tình hình ô nhiễm môi trường và các sự cố môi trường có xu hướng ngày càng gia tăng trên phạm vi cả nước. Cùng với đó, các thông tin phản ánh, kiến nghị của người dân và báo chí đối với các vấn đề môi trường ngày một đa dạng và mang tính thời sự. Để giải quyết những tồn tại nêu trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ mở rộng đường dây nóng hoạt động thông suốt 24/24 giờ. Đường dây nóng này sẽ đi vào hoạt động trước ngày 30/10.

Lần đầu tiên có giải thưởng vinh danh người làm nghề vệ sinh môi trường

Chiều 11/10, Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam đã phối hợp với một số đơn vị, cơ quan tổ chức buổi gặp gỡ báo chí để giới thiệu về giải thưởng Cây chổi vàng. Thời gian giới thiệu và đề cử Cây chổi vàng Đinh Dậu 2017 sẽ xong trước 30/11/2017; Hội đồng xét chọn sẽ làm việc từ ngày 1/12/2017 và dự kiến dự kiến sẽ tổ chức trao giải vào ngày Chủ nhật 28/1/2018.

Cơ cấu giải thưởng mỗi năm gồm 40 giải được trao cho 40 gương mặt tiêu biểu. Ban tổ chức sẽ trao 10 giải khuyến khích trị giá mỗi giải là 1 triệu đồng + Túi quà tết; 20 Cây chổi bạc trị giá mỗi giải 1 đồng bạc trắng + 2 triệu đồng+ Quà Tết; 9 Cây chổi vàng trị giá mỗi giải 1 chỉ vàng + Túi quà Tết; 1 Cây chổi kim cương trị giá 1 cây vàng + Túi quà Tết.

90 triệu USD xây nhà máy phát điện từ rác thải

Chinhphu.vn đưa tin ngày 12/10, tại xã Trạm Thản, huyện Phù Ninh, Sở Xây dựng Phú Thọ và Công ty TNHH Năng lượng môi trường Tianyu Phú Thọ tổ chức lễ động thổ xây dựng nhà máy đốt rác thải sinh hoạt, phát điện.  Với tổng vốn đầu tư 90 triệu USD, tổng công suất 1.000 tấn/ngày, nhà máy vận hành quy trình xử lý rác thải bằng công nghệ tiên tiến, phù hợp với điều kiện rác sinh hoạt hỗn hợp, không được phân loại từ đầu nguồn, có độ ẩm cao, từ đó thu hồi năng lượng để phát điện.

Dự án khi hoàn thành và đưa vào hoạt động (năm 2019) không chỉ xử lý triệt để 100% nguồn rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh mà còn đóng góp khoảng 65 - 67 triệu kWh điện/năm cho giai đoạn đầu và gấp đôi cho cả 2 giai đoạn; khoảng 25.000 m3 gạch không nung và các sản phẩm thứ cấp từ quá trình xử lý rác... Đây là nhà máy đốt rác thải sinh hoạt - phát điện lần đầu được xây dựng ở Phú Thọ cũng như các tỉnh lân cận vùng trung du miền núi phía bắc.

Mỗi năm 300 người chết, thiệt hại 1,3 tỷ USD vì thiên tai

Chiều 13/10, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đã thông tin tới báo chí về công tác ứng phó với đợt mưa lũ từ ngày 10-12/10. Về tình hình thiệt hại do áp thấp nhiệt đới và mưa lũ, tính đến 17 giờ ngày 13/10 đã có 58 người chết, 38 người mất tích, 31 người bị thương, 189 nhà bị sập, 30.827 nhà bị ngập, 1.948 nhà phải di dời khẩn cấp.

Theo Tổng cục Phòng, chống thiên tai cho biết, các loại hình thiên tai trung bình mỗi năm làm chết và mất tích hơn 300 người, thiệt hại về kinh tế từ 1 đến 1,5% GDP, tương đương 1,3 tỷ USD. Năm 2017, Chính phủ Việt Nam đã thành lập Tổng cục Phòng, chống thiên tai trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhằm tạo bộ máy chỉ đạo-quản lý phòng chống thiên tai có năng lực, thống nhất từ Trung ương tới địa phương.

Việt Nam đóng góp 3 sáng kiến giảm nhẹ rủi ro thiên tai

Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, rạng sáng 10/10 (giờ Việt Nam), Ủy ban Kinh tế và tài chính (Ủy ban 2) thuộc Đại Hội đồng Liên hợp quốc khóa 72 tổ chức phiên thảo luận chung đối với đề mục về phát triển bền vững (đề mục 19). Từ kinh nghiệm thực tế tại nước mình, Đại diện Phái đoàn Việt Nam nhấn mạnh 3 giải pháp góp phần tăng cường phòng ngừa, giảm nhẹ rủi ro thiên tai và đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu.

Theo đại diện Việt Nam, giải pháp đầu tiền là vấn đề giảm nhẹ rủi ro thiên tai phải được giải quyết trong bối cảnh tổng thể thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và cần sự tương tác đồng bộ với các vấn đề khác như khoa học-công nghệ, bình đẳng giới và tăng quyền cho phụ nữ…Đại diện Việt Nam cho rằng cần tập trung hỗ trợ phát triển bằng các khoản đầu tư cho năng lực phục hồi ở các nước thu nhập thấp và thu nhập trung bình thường xuyên chịu ảnh hưởng thiên tai. Việt Nam cũng kêu gọi chia sẻ trách nhiệm trong giảm nhẹ rủi ro thiên tai với các thành phần khác có lợi ích liên quan, cả trong khu vực nhà nước và tư nhân.

Chính phủ Anh chi hơn 3 tỷ USD cho nỗ lực giảm khí phát thải

VietnamPlus đưa tin ngày 12/10, Chính phủ Anh công bố kế hoạch trong giai đoạn từ năm 2015-2021 sẽ chi hơn 2,5 tỷ bảng Anh (hơn 3 tỷ USD) vào các lĩnh vực khoa học, nghiên cứu và đổi mới nhằm giúp giảm lượng phát thải khí CO2 nhằm đạt các mục tiêu đã cam kết trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Chính phủ Anh cũng sẽ đầu tư tới 100 triệu bảng Anh vào công nghệ hút, sử dụng và lưu trữ khí CO2, cũng như vào các phương pháp đổi mới công nghiệp nhằm giảm lượng khí thải.

Khoản ngân sách trên sẽ được phân bổ vào các chương trình liên quan đến ngành năng lượng, giao thông, nông nghiệp và xử lý chất thải theo Chiến lược tăng trưởng sạch của Anh. Trong số đó, chính phủ sẽ dành khoảng 900 triệu bảng Anh cho lĩnh vực đổi mới, bao gồm 265 triệu bảng Anh để phát triển năng lượng thông minh, 460 triệu bảng Anh hỗ trợ công nghệ hạt nhân mới và 177 triệu bảng Anh giúp hỗ trợ phát triển công nghệ tiên tiến nhằm giảm chi phí sản xuất năng lượng tái tạo, như đổi mới các cánh tuabin sản sinh điện gió.

Pháp phóng vệ tinh giám sát biến đổi khí hậu

Tập đoàn vũ trụ Arianespace của Pháp thông báo đã phóng thành công lên quỹ đạo 2 vệ tinh, trong đó có 1 vệ tinh giám sát ảnh hưởng biến đổi khí hậu đối với thảm thực vật. Hoạt động giám sát thảm thực vật và môi trường thông qua một vệ tinh mới, mang tên Venus, là một nỗ lực hợp tác chung giữa Trung tâm nghiên cứu không gian quốc gia Pháp (CNES) và Cơ quan không gian Israel – theo TTXVN.

Theo chu kỳ 2 ngày, vệ tinh Venus sẽ ghi lại hình ảnh 110 địa điểm riêng biệt trên toàn thế giới trong khoảng thời gian 2 năm rưỡi, qua đó hình thành biểu đồ về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với hệ sinh thái và nông nghiệp cũng như phục vụ nghiên cứu lượng khí carbon và sự phát triển của thực vật. Một vệ tinh khác được phóng lên quỹ đạo phục vụ nhiệm vụ trinh sát cho Bộ Quốc phòng Italy.

Thái Lan: Hút thuốc trên bãi biển có thể phải ngồi tù 1 năm

Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông địa phương, Thái Lan sẽ ban hành lệnh cấm hút thuốc ở một số bãi biển du lịch nổi tiếng nhất của đất nước, người vi phạm có khả năng bị phạt tới một năm tù. Động thái này được tiến hành theo một cuộc khảo sát gần đây về việc rác thải trên bãi biển Patong, Phuket - mỗi năm có hàng triệu khách du lịch đến thăm, trong đó có trung bình 0,76 miếng thuốc lá trên một mét vuông tại bãi biển. Phế thải thuốc lá chiếm tới một phần ba lượng rác thải.

Khi thuốc lá nằm dưới cát bãi biển trong một thời gian dài, nó sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái. Và khi các hóa chất từ mẩu thuốc lá bị nước xâm nhập, nó cũng giải phóng cadmium, chì, asen và một số axit từ thuốc trừ sâu độc hại cho chuỗi thức ăn tự nhiên. Lệnh cấm được dự đoán sẽ ảnh hưởng đến 20 bãi biển bao gồm Patong, Koh Khai Nok, Koh Khai Nai (Phuket); Hua Hin, Cha-Am, Khao Takiab (phía tây tỉnh Prachuap Khiri Khan); Pattaya, Jomtien, Bangsaen (phía đông tỉnh Chonburi) và Samila (thành phố Songkhla).

NASA phát hiện nồng độ khí thải carbon tăng mạnh vào mùa Đông

Dữ liệu thu được từ một vệ tinh của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) cho thấy nồng độ khí thải carbon trên toàn thế giới tăng mạnh, đặc biệt là vào mùa Đông, cùng nhiều bằng chứng mới về sự gia tăng các chất gây ô nhiễm khiến Trái Đất nóng lên. Các phát hiện trên có được thông qua dữ liệu từ Vệ tinh quan sát carbon 2 (OCO-2) do NASA phóng lên vũ trụ hồi năm 2014.

Các thông số do Vệ tinh OCO-2 thu thập được đã cho thấy sự thay đổi lớn trong chu trình carbon tại Bắc Bán cầu qua các mùa và tại đây vào mùa Xuân, các loài thực vật trên cạn đã hấp thụ một lượng lớn khí carbon. Trái lại, trong suốt mùa Đông, lượng khí carbon mà các loài này hấp thụ chỉ ở mức tối thiểu, song phần cây mục ruỗng lại thải carbon vào bầu khí quyển. Chu trình này cùng việc phát thải liên tục khí carbon từ quá trình đốt các nhiên liệu hóa thạch tại Trung Quốc, châu Âu và khu vực Đông Nam nước Mỹ đã khiến nồng độ carbon đạt mức cao vào tháng 4 tại khu vực Bắc Bán cầu. Kế đó, khi Xuân qua, Hè về, các loài thực vật lại bắt đầu hấp thụ khí này.

Làm mát môi trường bằng tấm màng kim loại không dùng nguồn điện

Các nhà khoa học thuộc Đại học Colorado Boulder (Mỹ) đã sáng chế ra loại tấm màng kim loại có tác dụng làm mát cho môi trường xung quanh mà không cần sử dụng nguồn điện. Được tổng hợp từ vi cầu trong suốt cùng với polimer và bạc, loại vật liệu này ứng dụng phương pháp làm mát bức xạ thụ động để tiêu tan cái nóng từ vật thể nó bao bọc. Tấm màng có khả năng loại bỏ năng lượng như bức xạ hồng ngoại cũng như phản chiếu ánh sáng Mặt trời.

Họ tạo ra một tấm màng mỏng linh hoạt có 2 lớp: Một lớp polymer trong suốt chứa các hạt vi cầu đường kính 8 micrometer silicon-dioxide (SiO2) phân tán ngẫu nhiên và một lớp phủ bạc dày 200 nanometer. Nhà nghiên cứu Yang nhận xét ưu điểm chính của công nghệ lần này là có thể hoạt động 24/7 mà không cần dùng điện hoặc nước. Đây cũng là cơ hội có thể khám phá ra các ứng dụng tiềm năng trong ngành công nghiệp năng lượng, không gian vũ trụ, nông nghiệp v- theo TTXVN…

 

Mai Anh (moitruong.com.vn/TH)

Lượt xem : 2154