Vietnamese English
Điểm tin môi trường trong tuần

10/8/2017 6:39:00 AM

Miền Bắc chuẩn bị đón đợt không khí lạnh cường độ mạnh đầu tiên; Lượng phát thải khí CO2 có thể cao gấp 3 lần vào năm 2030; Xử lý rác thải y tế bằng công nghệ hấp ướt; Thảm họa thiên tai khiến 10.800 người chết và mất tích; Ô nhiễm môi trường trở thành kẻ giết người số 1; … là trong số những thông tin sự kiện môi trường đáng chú ý trong tuần.

Miền Bắc chuẩn bị đón đợt không khí lạnh cường độ mạnh đầu tiên

Bên cạnh đợt không khí lạnh yếu sắp tràn về trong vài ngày sắp tới thì miền Bắc nước ta cũng sẽ đón một đợt không khí lạnh khá mạnh trong khoảng ngày 11 - 12/10. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, trong 2-3 ngày tới, miền Bắc chịu tác động của một đợt không khí lạnh yếu khiến trời dịu hơn. Nhiệt độ ban đêm tại Hà Nội có thể giảm 2 độ về mức 24 độ C.


Sau đó, đến khoảng ngày 11 - 12/10 một đợt không khí lạnh cường độ khá mạnh sẽ dịch chuyển xuống nước ta khiến thời tiết miền Bắc thay đổi rõ rệt. Nhiệt độ ban ngày tại Hà Nội có thể giảm còn 27 độ C, ban đêm se lạnh 22 độ, tuy nhiên trời chưa quá hanh khô. Đây sẽ là đợt se lạnh đầu tiên của mùa thu năm nay.

Lượng phát thải khí CO2 có thể cao gấp 3 lần vào năm 2030

Theo dự đoán, với tốc độ phát triển như hiện nay, lượng phát thải khí nhà kính - CO2 ở Việt Nam vào năm 2030 sẽ cao gấp ba lần so với năm 2010, nếu các nỗ lực giảm nhẹ thiên tai không được triển khai kịp thời. Thông tin trên vừa được bà Vũ Minh Hải, Chủ tịch Nhóm Công tác về Biến đổi khí hậu đưa ra tại Hội thảo “Hướng đến hội nghị COP23: Tham vọng lớn hơn nhằm giữ nhiệt độ toàn cầu tăng dưới 2 độ C” do Cục Biến đổi Khí hậu phối hợp các tổ chức phi chính phủ tổ chức tổ chức, sáng 5/10, tại Hà Nội.

Năm 2013, lượng phát thải khí CO2 đã tăng 3,5 lần so với năm 1991. Riêng trong năm 2010, tổng lượng phát thải khí nhà kính tại Việt Nam là 246,8 triệu tấn CO2 tương đương. Trong đó, lĩnh vực năng lượng chiếm tỷ trọng lớn nhất, với lượng phát thải lên đến hơn 141 triệu tấn CO2 tương đương. Với tốc độ phát triển như hiện nay, lượng phát thải khí CO2 ở Việt Nam vào năm 2030 sẽ cao gấp ba lần – theo VietnamPlus.

Thành phố Hồ Chí Minh áp dụng công nghệ chống ngập kiểu mới

VietnamPlus đưa tin ngày 2/10, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước Thành phố Hồ Chí Minh và Công ty cổ phần Tập đoàn công nghiệp cơ khí Quang Trung tiến hành ký kết hợp đồng nguyên tắc về dịch vụ xử lý chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) áp dụng công nghệ chống ngập kiểu mới. Đây là hợp đồng trọn gói với giá trị hợp đồng là giá thuê dịch vụ chống ngập đã được cấp thẩm quyền phê duyệt. Thời gian của hợp đồng từ ngày 2/10-31/12/2017 và được gia hạn theo yêu cầu của Trung tâm.

Hệ thống bơm công suất lớn áp dụng công nghệ chống ngập kiểu mới của Công ty cổ phần Tập đoàn công nghiệp cơ khí Quang Trung thực hiện trên tuyến đường này đã vận hành thử nghiệm trong các lần mưa lớn hoặc triều cường dâng cao, cơ bản giải quyết được tình trạng ngập nước. Đây là hợp đồng nguyên tắc về thuê dịch vụ nên chỉ đi sâu vào tính hiệu quả. Với công suất hệ thống bơm lên đến 96.000 m3/giờ, khi đi vào hoạt động chính thức, công ty đảm bảo tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh sẽ không còn xảy ra tình trạng ngập nước.

Xử lý rác thải y tế bằng công nghệ hấp ướt

Rác thải y tế lây nhiễm sau khi được đưa vào hệ thống xử lý bằng công nghệ hấp ướt từ 25 - 35 phút sẽ chuyển thành rác thải sinh hoạt thông thường. Ngày 5/10, Bệnh viện Lê Lợi, TP.Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu) đã đưa vào vận hành hệ thống xử lý chất thải rắn bằng công nghệ hấp ướt thân thiện với môi trường, với tổng giá trị hơn 4 tỉ đồng. Hê thống này có công suất xử lý một mẻ rác (từ 12 - 15kg) trong thời gian từ 25 - 30 phút. Một ngày, hệ thống này xử lý từ 6 - 16 mẻ.

Theo Thanh Niên, một ngày Bệnh viện Lê Lợi phát sinh từ 500 - 600 kg rác thải y tế, trong đó, có đến 20% rác thải y tế lây nhiễm. Trước đây đơn vị có lò đốt rác thải. Tuy nhiên, lò này khi đốt có phát tán khói gây ảnh hưởng đến tâm lý của đội ngũ y tế trong bệnh viện và người dân. Ngoài ra, khi đốt rác thải y tế lây nhiễm, nếu lò gặp sự cố sẽ tạo ra các loại khí độc gây ô nhiễm môi trường. Chi phí để đốt rác thải y tế bằng lò đốt này cũng rất tốn kém so với hệ thống xử lý rác bằng công nghệ hấp ướt.

Thảm họa thiên tai khiến 10.800 người chết và mất tích

Theo Lao Động, trong 20 năm gần đây, thiên tai đã làm chết, mất tích khoảng 10.800 người; thiệt hại về GDP bình quân hàng năm 20.000 tỉ đồng (chiếm 1-1,5% GDP). Ngày 2-3/8/2017, mưa lũ, sạt lở đất, lũ quét tại 4 tỉnh Sơn La, Yên Bái, Điện Biên, Lai Châu đã khiến 42 người chết và mất tích; 239 ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi, 398 hộ dân phải di dời, trên 1.400 tỉ đồng, tương đương với 62 triệu USD đã bị lũ quét nhấn chìm.

Tại Sơn La, những cơn mưa lớn từ tháng 6 đến ngày 15/8/2017, đã gây sạt lở đất, lũ ống, lũ quét làm 17 người chết, 3 người mất tích, 23 người bị thương, 297 nhà bị sập đổ, 1.561 nhà bị hư hỏng, 28 điểm trường học bị thiệt hại… Tổng thiệt hại vật chất của địa phương này lên đến 905 tỉ đồng. Tại Yên Bái, lũ quét đã khiến 8 người chết, 6 người bị mất tích, 9 người bị thương, hàng trăm ngôi nhà bị cuốn trôi, hư hỏng, nhiều công trình bị tàn phá. Tổng thiệt hại vật chất lên tới trên 546,7 tỉ đồng.

Lần đầu tiên kết án vụ buôn bán 30 quả trứng rùa biển tại Côn Đảo

Ngày 27/9/2017, Toà án nhân dân huyện Côn Đảo đã đưa ra xét xử đối tượng Lâm Trường Xuân (thường trú tại thành phố Hồ Chí Minh), Đặng Hoàng Đức (nguyên quán Bến Tre, hiện đang làm việc tại một nhà hàng ở Côn Đảo) và Thái Thanh Tài (nguyên quán Sóc Trăng) về tội vi phạm các quy định về bảo vệ loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.

Các đối tượng đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự sau khi bị phát hiện có hành vi mua bán, vận chuyển 30 trứng vích. Kết thúc phiên tòa sơ thẩm, Xuân lĩnh án phạt 50 triệu đồng trong khi Đức và Tài bị tuyên cải tạo không giam giữ lần lượt 9 và 12 tháng. ENV hy vọng trong thời gian tới, các cơ quan tư pháp sẽ sớm đưa ra kết luận và có biện pháp xử lý thích đáng đối tượng Phạm Văn Tân cũng như các vụ án liên quan đến rùa biển khác để răn đe, phòng ngừa vi phạm cũng như khẳng định tính nghiêm minh của pháp luật, sự minh bạch công tâm của các cơ quan tiến hành tố tụng.

Ô nhiễm môi trường trở thành kẻ giết người số 1

Hiện nay ô nhiễm môi trường trở thành kẻ giết người số 1, gây ảnh hưởng đến hơn 100 triệu người trên toàn thế giới. Chưa dừng lại ở đó, hơn 1 triệu chim biển và 100 triệu động vật có vú đang chết dần chết mòn vì ô nhiễm mỗi năm – theo Đời Sống & Pháp Luật.

Con người đang cố gắng mang lại cho mình cuộc sống tốt đẹp hơn nhưng lại gây ra những tác động xấu đến môi trường và dẫn đến không ít thảm họa tự nhiên. Rõ ràng lúc này, sự thay đổi là cần thiết. Những bức ảnh bày tỏ sự thật về những gì đang xảy ra trên toàn cầu dưới đây sẽ thức tỉnh chúng ta phần nào.

Giảm ăn thịt giúp trái đất ít khô hạn hơn, chống biến đổi khí hậu

Nghiên cứu do Trường Oxford Martin dẫn đầu nhận thấy việc áp dụng rộng rãi chế độ ăn chay sẽ làm giảm 63% lượng khí thải liên quan đến thực phẩm và làm cho mọi người khỏe mạnh hơn. Các nhà nghiên cứu ở trường đại học Aalto – Phần Lan cũng cho biết, ăn ít thịt được xem là một giải pháp bảo vệ các nguồn nước cho các khu vực khô hạn trên khắp thế giới.

Dân số thế giới được dự đoán đạt 9 tỷ người vào năm 2050, có nghĩa sẽ bổ sung thêm 2 tỷ miệng ăn so với mức dân số hiện tại, theo báo cáo của Liên hiệp quốc. Bằng cách giảm lượng thực phẩm từ động vật trong các bữa ăn, thì mức tiêu dùng nguồn nước mưa sẽ giảm 21% trong khi nguồn nước tưới giảm 14%. Nói theo cách khác, bằng cách thay đổi khẩu phần trong bữa ăn có thể giúp bảo đảm nguồn cung lương thực cho gần 2 tỷ người trong khi không làm tăng sử dụng nguồn nước.

Chất thải con người cứu cánh ngành nông nghiệp tương lai

Chất thải con người là một nguồn hữu cơ khổng lồ, nhiều dự án nghiên cứu tái chế lượng chất thải này, trong đó có dự án của tỷ phú Bill Gates, biến chất thải thành thực phẩm. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, nó rất quan trọng để bảo đảm an ninh lương thực trong tương lai. Phốt pho trong phân người có thể được sử dụng trong việc phát triển các cây lương thực cơ bản như lúa mì. Phân người có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực trong tương lai. Giúp ngăn ngừa sự sụt giảm sản lượng lúa mì so với các loại cây lương thực khác do tình trạng thiếu hụt phốt pho gây lên.

Cơ quan cấp giấy chứng nhận chất đất lớn nhất ở Anh thuộc Hiệp Hội Thổ Nhưỡng cho biết. “ Ước tính rằng, chỉ có 10 % trong ba triệu tấn phốt pho bài tiết bởi con người trên toàn thế giới mỗi năm quay trở về với đất nông nghiệp”. Sự cung cấp đủ lượng phốt pho là rất cần thiết cho sự hình thành hạt, sự phát triển của rễ và sự trưởng thành của cây trồng. Việc cung cấp phốt pho có nguồn gốc từ đá phốt phát có thể đạt đỉnh vào năm 2033 và sau đó sẽ ngày một khan hiếm và đắt tiền hơn - báo cáo cho biết.

Món ăn ngon được làm từ rác

Các món ăn ngon sản xuất từ rác thải không còn là viễn tưởng nhờ nghiên cứu mới của các nhà khoa học công ty công nghệ hóa sinh Calysta (Mỹ) và String Bio (Ấn Độ). Cốt lõi của công nghệ chuyển hóa chất thải thành thức ăn này nằm ở quá trình chuyển đổi khí metan tại các bãi rác thành đạm. Các vi khuẩn men sống trong đất được cung cấp một dung dịch chứa khí metan nhằm thúc đẩy quá trình lên men. Thay vì trở thành rượu, quá trình lên men này cho ra đời dung dịch đạm. Các nhà khoa học sau đó sẽ sấy khô dung dịch thành bột.

Sản phẩm ban đầu này được thử nghiệm làm thức ăn cho chăn nuôi và thu được kết quả khả quan. Tuy nhiên, đây chỉ là bước đầu tiên. Các nhà nghiên cứu hi vọng có thể dùng công nghệ này giải quyết vấn đề lương thực trong bối cảnh dân số tăng nhanh như hiện nay. Dự án này được dự tính hoàn thiện trong vòng 5 năm tới. Cho tới lúc đó, Calysta tạm thời sử dụng nguồn khí tự nhiên để thay thế. Công ty này đã nhận 40 triệu USD tài trợ để có thể bắt đầu sản xuất 200.000 tấn đạm vào năm 2019.

Nước mắt có thể tạo ra điện

Một nhóm khoa học gia của Viện nghiên cứu Bernal thuộc Trường đại học Limerick, Ireland đã phát hiện ra rằng nước mắt có thể tạo ra dòng điện. Các nhà nghiên cứu nhận thấy khi đặt các tinh thể của protein lysozyme dưới áp lực, chúng sẽ sản sinh ra điện. Phát hiện này sẽ mở đường cho hàng loạt nghiên cứu và ứng dụng trong lĩnh vực điện tử mềm cho các thiết bị y sinh trong tương lai – theo Tuổi Trẻ.

Ưu thế của việc sử dụng lysozyme so với các loại vật chất khác là nó hoàn toàn không độc hại và có tính tương thích sinh học cao nên có thể thay thế các vật chất độc hại như chì trong sản xuất các thiết bị thu góp năng lượng. Do vậy, có thể ứng dụng vào lĩnh vực điện hóa (electroactive), chế tạo lớp phủ kháng khuẩn cho các thiết bị cấy ghép trong cơ thể. Hơn thế nữa, lysozyme rất dễ khai thác từ nguồn nguyên liệu thiên nhiên.
 

Mai Anh (moitruong.com.vn/TH)

Lượt xem : 2032