Vietnamese English
Điểm tin môi trường trong tuần

9/24/2017 6:55:00 AM

Việt Nam Tái chế sẽ thu gom rác thải điện tử tận nhà tại Hà Nội; Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm 2017; Miền Trung thiệt hại trên 11.000 tỷ đồng do bão số 10; Lượng mưa kỷ lục từ siêu bão Harvey làm cong vỏ Trái Đất; Bê bối gian lận khí thải gián tiếp khiến 5.000 người tử vong mỗi năm; … là trong số những thông tin sự kiện môi trường đáng chú ý trong tuần.

 Việt Nam Tái chế sẽ thu gom rác thải điện tử tận nhà tại Hà Nội


VietnamPlus đưa tin từ ngày 16/9 và kéo dài tới hết tháng Mười, Việt Nam Tái chế sẽ tiến hành thu gom rác thải điện tử tận nhà tại 4 phường gồm Quán Thánh, Thành Công (quận Ba Đình); Nghĩa Tân, Yên Hòa (quận Cầu Giấy). Ngoài việc thu gom rác thải điện tử, các tình nguyện viên của Việt Nam Tái chế sẽ truyền đi những kiến thức hữu ích về môi trường cũng như rác thải điện tử đến người dân thủ đô, góp phần nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường tại Việt Nam. Năm 2016, Việt Nam Tái chế đã thu gom và tái chế gần 7 tấn rác thải điện tử, gồm các thiết bị như máy tính bàn, máy in, fax, scaner, server, điện thoại, tivi, đầu đĩa... tại Việt Nam.


Tình nguyện viên của Việt Nam Tái chế trên các trục đường phố nhằm nâng cao ý thức của người dân với rác thải điện tử. (Nguồn: VNTC)

Chương trình còn thực hiện nhiều hoạt động như chạy xe diễu hành trên các trục giao thông chính trong địa bàn các phường, tiếp cận, phát tờ rơi, tuyên truyền, thăm dò ý kiến và tặng quà cho các hộ gia đình. Ngoài ra, Việt Nam Tái Chế còn tham gia Ngày hội Tái chế được tổ chức vào ngày 23/9 tại vườn hoa Lạc Long Quân (Tây Hồ) với nhiều hoạt động thú vị liên quan tới thông điệp 3T (tiết giảm, tái sử dụng và tái chế). Rác thải điện tử được thu gom tại Ngày hội Tái chế sẽ được phân loại theo từng dòng thiết bị, tháo gỡ và xử lý theo đúng quy trình công nghệ kỹ thuật cao, thân thiện với môi trường nhằm đảm bảo tối đa hoá lượng tài nguyên thiên nhiên thu hồi được sau tái chế.

Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm 2017

Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm nay được tổ chức từ ngày 22 - 23 tháng 9 tại huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình với các hoạt động chính gồm: Lễ ra quân thu gom rác; Chương trình chạy bộ vì môi trường; Chương trình trồng cây và trao tặng 3.000 cây cam (tương đương 10 ha) cho bà con di dân lòng hồ Thủy điện Sông Đà; Lớp học môi trường cho học sinh trung học cơ sở và các hoạt động truyền thông, hướng dẫn cộng đồng tham gia quản lý, phân loại rác thải tại nguồn.

Năm 2017 Bộ Tài nguyên và Môi trường lựa chọn Chủ đề hưởng ứng Chiến dịch là “Quản lý rác thải vì môi trường nông thôn bền vững” nhằm nhấn mạnh vai trò quan trọng của công tác quản lý môi trường, đặc biệt là công tác quản lý chất thải tại các khu vực nông thôn trong quá trình xây dựng một đất nước Việt Nam phát triển kinh tế, an sinh xã hội và hài hòa với thiên nhiên.

Nguy cơ ô nhiễm lớn từ hơn 16,4 triệu tấn tro xỉ thải ra mỗi năm

Thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường chiều 20/9 cho biết, cả nước hiện có 26 nhà máy nhiệt điện than đang vận hành với tổng công suất 13.810 MW (tiêu thụ khoảng 47,8 triệu tấn than), mỗi năm thải ra hơn 16,4 triệu tấn tro xỉ, thạch cao. Dự kiến tới năm 2020, cả nước sẽ có thêm 15 dự án nhiệt điện than được đưa vào hoạt động (hiện đang trong quá trình xây dựng), qua đó nâng tổng công suất lên 24.370 MW và tiêu thụ khoảng 60 triệu tấn than/năm.

Đáng lưu ý là, tro, xỉ thải tích tụ với diện tích lớn có thể rò rỉ nước thải từ bãi xỉ thải ra ngoài môi trường (trường hợp thải xỉ ướt), gây ô nhiễm môi trường đất và nước; lượng tro, xỉ phát sinh ngày càng nhiều trong khi khả năng lưu, giữ bị giới hạn. Bên cạnh đó, bụi (trong đó có nhiều thành phần bụi với kích thước nhỏ, dễ phân tán như PM2,5 và PM5) đều có thể phát sinh trong quá trình lưu giữ, vận chuyển từ nhà máy nhiệt điện đến bãi thải bằng xe tải hoặc tại khu vực bãi xỉ nếu không có biện pháp kiểm soát.

Miền Trung thiệt hại trên 11.000 tỷ đồng do bão số 10

Báo điện tử Chính phủ đưa tin ngày 19/9, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai báo cáo về thiệt hại do bão số 10 gây ra. Sau 6 tiếng đổ bộ vào Hà Tĩnh - Quảng Bình, bão làm nhiều người chết, gần 200.000 ngôi nhà tốc mái, hư hỏng, đổ sập, thiệt hại về tài sản hơn 11.000 tỷ đồng. Tại thị xã Kỳ Anh và Hương Khê (Hà Tĩnh), hai tháp truyền hình bị bão quật ngã. Trên 2.800 cột điện gãy đổ khiến 1,5 triệu hộ dân ở miền Trung bị mất điện. Đến nay, mới 1,3 triệu hộ được cấp điện trở lại.

Bão đã làm 8 tàu cá bị chìm, hơn 220 thuyền nhỏ bị hư hỏng, cuốn trôi, tập trung ở các tỉnh thành ven biển từ Nam Định tới Quảng Ngãi. Diện tích cây lâu năm bị gãy đổ là 13.000 ha, chủ yếu ở Quảng Bình và Quảng Trị. Vào 10h ngày 15/9, bão số 10 đổ bộ Hà Tĩnh, Quảng Bình với sức gió tối đa 133 km/h (cấp 12) - mạnh nhất từ năm 2014 đến nay. Các tỉnh nằm rìa tâm bão như Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị cũng chịu nhiều thiệt hại do cơn bão này.

Hội nghị các quan chức cao cấp APEC về quản lý thiên tai

Trong khuôn khổ các hoạt động của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Việt Nam năm 2017, sáng 21/9, tại thành phố Vinh (tỉnh Nghệ An) đã khai mạc Hội nghị các quan chức cao cấp APEC về quản lý thiên tai lần thứ 11. Việc tổ chức Hội nghị các quan chức cao cấp APEC về quản lý thiên tai lần thứ 11 tại thành phố Vinh (tỉnh Nghệ An), nơi vừa hứng chịu cơn bão số 10 là cơ hội để Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm trong phòng chống thiên tai, đồng thời học hỏi kinh nghiệm quý từ các nền kinh tế, làm cho năng lực quản lý rủi ro thiên tai không chỉ của Việt Nam mà các nước APEC và trên thế giới ngày càng tốt hơn.

Trong hai ngày 21-22/9, chương trình Hội nghị các quan chức cao cấp APEC về quản lý thiên tai lần thứ 11 sẽ tập trung vào các vấn đề tăng cường hợp tác và đổi mới công nghệ tiên tiến hỗ trợ hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai. Cụ thể, các đại biểu chia sẻ, trao đổi về công tác ứng dụng công nghệ, tăng cường thông tin truyền thông và hợp tác liên vùng đặc biệt là hợp tác trong lĩnh vực khoa học công nghệ để tăng cường hiểu biết chung về thiên tai “bình thường mới” (khái niệm "bình thường mới” hay "new normal" được sử dụng để phản ánh việc tình hình thiên tai hiện nay ngày càng phức tạp và không thể dự đoán trước cả về tần xuất, cường độ và mức độ tàn phá) và những rủi ro thiên tai đang diễn ra xung quanh.

Australia trải qua mùa Đông năm 2017 nóng nhất trong lịch sử

Theo một báo cáo do Hội đồng Nghiên cứu khí hậu của Australia công bố ngày 19/9, nước này đã trải qua mùa Đông nóng nhất trong lịch sử với nhiệt độ trung bình 23,7 độ C, cao hơn 1,9 độ C so với mức trung bình kỷ lục ghi nhận trong giai đoạn 1961-1990. Báo cáo nhan đề "Khô và nóng: Mùa Đông khác thường ở Australia," cho biết nhiệt độ trung bình tối đa ở Australia trong thời gian từ tháng Sáu cho đến hết tháng Tám năm nay cao hơn 0,3 độ C so với mức kỷ lục trước đó được ghi nhận năm 2009 – TTXVN đưa tin.

Riêng trong tháng Bảy có tới 72 khu vực phá kỷ lục về nhiệt độ cao nhất trong mùa Đông, trong đó thành phố Sydney với nhiệt độ lên tới 26,5 độ C. Ngoài thời tiết nóng lên một cách bất thường, Australia cũng đã có một tháng Sáu khô nhất trong lịch sử và mùa Đông khô nhất kể từ năm 2002. Đây là lần thứ 10 kể từ năm 2000 Australia ghi nhận kỷ lục mới về nhiệt độ cao nhất trong mùa. Mùa Đông ở Australia đang trở nên ấm hơn rất nhiều do tình trạng biến đổi khí hậu, và xu hướng này sẽ còn tiếp tục do mức ô nhiễm ở nước này tiếp tục tăng. Kể từ năm 1990, 90% mùa Đông ở Australia đã ghi nhận nhiệt độ cao nhất trên mức trung bình.

Bê bối gian lận khí thải gián tiếp khiến 5.000 người tử vong mỗi năm

VietnamPlus dẫn theo nghiên cứu mới đăng tải trên Tạp chí môi trường Environmental Research Letters ngày 18/9, số ca tử vong nói trên hoàn toàn khớp với các đánh giá trước đó về tỷ lệ tử vong liên quan bê bối gian lận khí thải, trong đó Volkswagen vào năm 2015 đã thừa nhận lắp đặt phần mềm gian lận để các xe ô tô của hãng này vượt qua những cuộc kiểm tra khí phát thải. Lượng khí thải từ các dòng ôtô chạy bằng động cơ diesel liên quan vụ bê bối gian lận khí thải của nhà sản xuất ôtô Đức Volkswagen có thể là nguyên nhân khiến 5.000 người tử vong do ô nhiễm không khí mỗi năm chỉ riêng tại châu Âu.

Theo nghiên cứu, nhóm chuyên gia Na Uy, Áo, Thụy Điển và Hà Lan ước tính khoảng 10.000 người tử vong tại châu Âu mỗi năm có thể là do các phân tử ô nhiễm nhỏ được thải ra từ các phương tiện chạy bằng động cơ diesel. Tuy nhiên, nếu lượng khí nitrogen oxide (NOx) từ các ôtô chạy bằng động cơ diesel lưu thông trên đường tương ứng với các mức tiêu chuẩn được đưa ra trong phòng thí nghiệm, thì có thể giảm từ 4.000 đến 5.000 ca tử vong mỗi năm tại châu lục này. Trước đó, hồi tháng 5 năm nay, một nghiên cứu đăng tải trên Tạp chí Nature cho thấy lượng phát thải khí từ các phương tiện chạy bằng động cơ diesel vượt tiêu chuẩn cho phép có liên quan khoảng 38.000 ca tử vong sớm trên toàn cầu trong năm 2015.

Mỹ khẳng định vẫn sẽ rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu

THX đưa tin, ngày 16/9, Nhà Trắng khẳng định Mỹ không thay đổi lập trường về việc rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Trong một tuyên bố, Nhà Trắng nhấn mạnh: "Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố rõ ràng rằng Mỹ sẽ rút khỏi hiệp định này, trừ khi chúng tôi có thể tái tham gia nó với các điều khoản có lợi hơn cho đất nước chúng tôi."

Tờ Wall Stree Journal đưa tin trước đó cùng ngày, tại một cuộc họp ở Canada, Ủy viên châu Âu phụ trách lĩnh vực khí hậu và năng lượng Miguel Arias Canete cho biết Mỹ sẽ không rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Quan chức của Liên minh châu Âu này cho biết Washington cho hay sẽ "không thương lượng lại hiệp định này," song thay vào đó sẽ "xem xét lại các điều khoản để Mỹ có thể tham gia hiệp định nói trên".

Lượng mưa kỷ lục từ siêu bão Harvey làm cong vỏ Trái Đất

Dữ liệu vệ tinh chỉ ra vỏ Trái Đất ở Texas, Mỹ, oằn xuống hai centimet dưới sức nặng của 125.000 tỷ tấn nước mưa siêu bão Harvey trút xuống. Siêu bão Harvey được dự đoán là một trong những thảm họa thiên nhiên gây thiệt hại nặng nề nhất trong lịch sử Mỹ. Do ẩm ướt bất thường và di chuyển đặc biệt chậm, cơn bão trút tổng cộng 125.000 tỷ lít nước mưa xuống Mỹ, chủ yếu ở bang Texas, gấp gần 4 lần lượng mưa trong bão Katrina năm 2005, theo IFL Science.

Tuần trước, nhà khoa học địa chất Chris Milliner ở Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (JPL) thuộc Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) chia sẻ trên mạng xã hội Twitter một bản đồ gây kinh ngạc cho nhiều người. Những điểm khảo sát bằng định vị vệ tinh (GPS) dọc Houston cho thấy thành phố bị lún một chút khi hứng tất cả lượng mưa từ siêu bão Harvey. Lượng mưa trên lớn tới mức vỏ Trái Đất bị võng xuống khoảng hai centimet trong vài ngày. Đây thực sự là con số đáng lưu ý bởi làm cong vỏ Trái Đất không phải việc dễ dàng. Một tính toán đơn giản của The Atlantic chỉ ra lượng mưa từ siêu bão Harvey có sức nặng lên tới 125.000 tỷ tấn, tương đương khối lượng của 155.342 chiếc cầu Cổng Vàng và chiếm khoảng 77% tổng trọng lượng ước tính của núi Everest.

British Airways biến rác thải sinh hoạt thành nhiên liệu máy bay

TTXVN đưa tin ngày 18/9, hãng hàng không British Airways thông báo có kế hoạch xây dựng một loạt nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt nhằm biến những thứ bỏ đi này thành nhiên liệu vận hành các máy bay của hãng. Theo kế hoạch, nhà máy đầu tiên mỗi năm sẽ xử lý hàng trăm nghìn tấn rác thải sinh hoạt, trong đó có các tã lót, hộp nhựa đựng thực phẩm và giấy gói sô-cô-la. Những loại rác thải này lẽ ra được chôn lấp hoặc thiêu hủy, song sẽ được biến đổi thành nhiên liệu bền vững và không sinh ra các loại bụi cũng như khí độc hại khi cháy.

Hãng British Airways dự kiến nhà máy trên sẽ sản xuất ra đủ lượng nhiên liệu để vận hành toàn bộ các máy bay Dreamliner 787 của hãng trên các tuyến bay từ London (Anh) đến các thành phố San Jose và New Orleans của Mỹ trong 1 năm. Hơn nữa, nhiên liệu được sản xuất tại nhà máy sẽ góp phần giảm 60% khí gây hiệu ứng nhà kính so với nhiên liệu hóa thạch thông thường. Sáng kiến này cũng giúp hãng thực hiện cam kết đến năm 2050 giảm 50% lượng khí thải.  Bên cạnh đó, British Airways cũng có kế hoạch gia tăng lượng nhiên liệu bền vững cung cấp cho các máy bay của hãng trong 10 năm tới.

 

Mai Anh (moitruong.com.vn/TH)

Lượt xem : 5442