Từ tài trợ này, sẽ có thêm 65.872 gia đình được đấu nối với nguồn nước sạch và có tới 312.051 cư dân thành thị được hưởng lợi nhờ điều kiện
vệ sinh môi trường được cải thiện. Khoản tài trợ bổ sung bao gồm một khoản tín dụng trị giá 50 triệu USD từ nguồn IDA (Hiệp hội Phát triển Quốc tế) – nguồn vốn ưu đãi của Nhóm các Tổ chức thuộc Ngân hàng Thế giới dành cho các nước có thu nhập thấp và một khoản vay trị giá 69 triệu USD từ nguồn IBRD (Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế) – tức là nguồn vốn vay của Nhóm các Tổ chức thuộc Ngân hàng Thế giới dành cho các nước có thu nhập trung bình.
Nhật Bản hỗ trợ Hà Nội quy hoạch cây xanh
Thanh Niên đưa tin UBND TP. Hà Nội vừa yêu cầu 3 doanh nghiệp công ích của thành phố phải khẩn trương chuẩn bị các điều kiện mặt bằng, con người, vốn để sẵn sàng tiếp nhận chuyển giao công nghệ quy hoạch và trồng cây xanh đô thị từ đối tác Nhật Bản. Theo đó, trên cơ sở Quy hoạch hệ thống
cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ nước đã được phê duyệt của Hà Nội , Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Xây dựng, Viện Quy hoạch Xây dựng phối hợp cung cấp thông tin cho đơn vị tư vấn Nhật Bản. Từ đó nghiên cứu, đề xuất tư vấn tổng thể cho thành phố về việc trồng cây xanh, cây hoa theo từng tuyến đường, khu vực, tạo các điểm nhấn đô thị, khu vui chơi...
Công ty TNHH MTV Công viên Thống Nhất được giao nhiệm vụ phối hợp với Công ty TNHH MTV Vườn thú Hà Nội để cùng nghiên cứu, đề xuất vị trí đầu tư xây dựng vườn ươm cây, vị trí xây dựng xưởng sản xuất khung con giống lập thể cung cấp cho các đơn vị trên địa bàn. Công ty TNHH MTV Công viên Thống Nhất cũng được giao tuyển chọn cán bộ, công nhân để xây dựng kế hoạch đào tạo, với kinh phí do thành phố xem xét, quyết định. Còn lại, nhiệm vụ của Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội là thực hiện toàn bộ công tác
trồng cây xanh trên địa bàn thành phố.
Nhật Bản viện trợ 2,5 triệu USD khắc phục hậu quả đợt khô-mặn lịch sử
Tin từ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam ngày 24/5 cho biết, Chính phủ Nhật Bản vừa quyết định thực hiện hợp tác viện trợ không hoàn lại khẩn cấp trị giá 2,5 triệu USD giúp Việt Nam khắc phục hậu quả đợt khô-mặn lịch sử trong vòng 100 năm qua. Khoản viện trợ hợp tác trên thông qua Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc đối với thiệt hại do
hạn hán và xâm nhập mặn nghiêm trọng đang diễn ra trên diện rộng tại các khu vực cao nguyên Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long từ cuối năm 2014 do ảnh hưởng của El Nino.
Theo thông tin từ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, khoản viện trợ 2,5 triệu USD sẽ được dành để hỗ trợ cho các lĩnh vực như nước sạch, vệ sinh và dinh dưỡng... dựa vào tình hình thiệt hại do hạn hán và ngập mặn gây ra như sản lượng nông nghiệp giảm, thiếu nước và
thực phẩm, nhiều phụ nữ và trẻ em bị suy dinh dưỡng. Ngoài ra, Nhật Bản cũng sẽ hợp tác với Chính phủ Việt Nam nhanh chóng triển khai viện trợ lần này, đồng thời có quan điểm sẽ xem xét cả về hợp tác liên quan đến các biện pháp ứng phó trung và dài hạn trong thời gian tới – theo VietnamPlus.
Lập hội đồng thẩm định quy hoạch khai thác nguồn nước sông Hồng
Tin từ Bộ Tài nguyên & Môi trường tối 23/5 cho biết, Bộ trưởng Trần Hồng Hà vừa ký ban hành quyết định thành lập Hội đồng thẩm định đề cương đồ án “Quy hoạch
tài nguyên nước lưu vực sông Hồng-Thái Bình” nhằm đưa ra những đánh giá tổng thể về hiện trạng dòng chảy, để khai thác tài nguyên nước sông Hồng. Theo Quyết định số 1130/QĐ-BTNMT vừa được Bộ trưởng Trần Hồng Hà ký ban hành, Hội đội thẩm định đề cương đồ án “Quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng-Thái Bình” do ông Chu Phạm Ngọc Hiển, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường làm chủ tịch. Hội đồng có 29 thành viên, bao gồm đại diện Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam, Hội Thủy lợi Việt Nam, Hội Đập lớn và các cơ quan quản lý, trung tâm, viện nghiên cứu thuộc các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông Thôn, Giao thông vận tải…
VietnamPlus cho biết trước đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng Quy hoạch tổng thể khai thác sông Hồng, Bộ Tài nguyên & Môi trường đã thành lập 4 nhóm chuyên gia để tập trung nghiên cứu, đánh giá hiện trạng, diễn biến tài nguyên nước và đề xuất phương án quy hoạch; đánh giá tác động của các công trình mới đến dòng chảy, hoạt động khai thác, sử dụng nước ở dưới hạ du, thoát lũ…
Việt Nam-Hoa Kỳ ra Tuyên bố chung về chống biến đổi khí hậu
Ngày 22/5, tại thủ đô Washington (sáng 23/5 theo giờ Hà Nội), Hoa Kỳ và Việt Nam đã ra Tuyên bố chung về Quan hệ Đối tác chống biến đổi khí hậu. Phóng viên TTXVN tại Washington dẫn thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đại diện cho chính phủ nước này và Bộ Tài nguyên và Môi trường đại diện cho Chính phủ Việt Nam đã thông qua Tuyên bố chung về Quan hệ Đối tác chống biến đổi khí hậu, trong đó nhất trí về sự cần thiết phải ứng phó với tình trạng
biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn cầu, một trong những thách thức lớn nhất mà nhân loại đang phải đối mặt.
Tuyên bố nhấn mạnh Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ phối hợp cùng nhau để thực thi Thỏa thuận Paris như một phần trong nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế về chống biến đổi khí hậu. Hai bên thừa nhận tầm quan trọng của các quyết định đầu tư trong vòng 5 năm tới, đặc biệt trong các lĩnh vực như năng lượng và sử dụng tài nguyên đất, trong đó có đất canh tác, để chuyển đổi sang một nền kinh tế phát thải
khí thải thấp nhằm đáp ứng các mục tiêu được đề ra trong Thỏa thuận Paris, đồng thời vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế.
THẾ GIỚI
Thiên tai khiến kinh tế toàn cầu thiệt hại 300 tỷ USD mỗi năm
"Sự tàn phá của thiên tai làm nền kinh tế toàn cầu tổn hại đến 300 tỷ USD mỗi năm", Tổng thư ký Liên Hợp quốc Ban Ki-moon cho biết. Theo Sputnik, phát biểu tại phiên họp về các
thảm họa thiên nhiên và biến đổi khí hậu tại Hội nghị nhân đạo quốc tế cấp cao ở Istanbul, Tổng Thư ký LHQ đã cho biết như vậy và ghi nhận sự thiệt hại đã có phần giảm sút.
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng "dưới ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đô thị hóa và những yếu tố khác, tần suất và cường độ của thảm họa tự nhiên sẽ tăng thêm… Chúng ta chỉ có thể giảm thiểu rủi ro, chứ không bao giờ loại bỏ được chúng", ông nói. "Trong hơn hai thập kỷ qua, mỗi năm có khoảng 218 triệu người bị ảnh hưởng bởi thảm họa tự nhiên, hậu quả của điều này mang lại tổn thất kinh tế trong khoảng 250-300 tỷ USD mỗi năm", — ông Ban Ki-moon tuyên bố.
Ấn Độ xả rác thải điện tử nhiều thứ 5 thế giới
Một nghiên cứu của Hiệp hội các Phòng Thương mại và công nghiệp Ấn Độ (ASSOCHAM) và hãng tư vấn KPMG công bố ngày 25/5 cho biết Ấn Độ đã nổi lên là nước xả rác thải điện tử nhiều thứ 5 thế giới, với xấp xỉ 1,85 triệu tấn rác thải điện tử mỗi năm, trong đó 12% từ thiết bị viễn thông. Rác thải điện tử ở Ấn Độ đã và đang là một vấn đề đặc biệt quan ngại trong những năm vừa qua. Với hơn 1 tỷ điện thoại di động đang lưu hành, hàng năm, gần 25% trong số đó sẽ hết vòng đời sử dụng và trở thành rác thải công nghiệp.
Bộ Môi trường, rừng và biến đổi khí hậu Ấn Độ đã công bố các quy định về quản lý rác thải điện tử, theo đó năm 2016 các nhà sản xuất điện tử lần đầu tiên phải có trách nhiệm thu hồi sản phẩm không còn được sử dụng do mình sản xuất ra. Các quy định này đặt mục tiêu thu gom được 30% rác thải điện tử trong hai năm đầu tiên và tăng dần lên 70% trong năm thứ 7 thực hiện. Quy định trên còn đưa ra các mức xử phạt tài chính nghiêm khắc đối với những nhà sản xuất không tuân thủ - theo VietnamPlus.
Bắc Kinh siết mạnh quy định khí thải
Ngày 23/5, Tân Hoa Xã dẫn thông báo của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Bắc Kinh (Trung Quốc) cho biết, chuẩn bị siết chặt các quy định về nhiên liệu một cách khắt khe nhất, theo Reuters. Quy định mới về khí đốt và diesel gọi là tiêu chuẩn “Bắc Kinh 6” được đưa ra nhằm cắt giảm khí thải xuống 15-20% tại thành phố này. Ngoài ra, tiêu chuẩn khí thải “Quốc gia 5” tương đương tiêu chuẩn Euro 5 sẽ được thực thi trên toàn quốc vào tháng 1/2017. Tiêu chuẩn “Bắc Kinh 6” được nâng cấp từ tiêu chuẩn “Quốc gia 5” - hiện mới được áp dụng tại một số tỉnh kinh tế đã phát triển ở phía Đông Trung Quốc. Tiêu chuẩn “Bắc Kinh 6” sẽ hạn chế lượng tối đa lượng lưu huỳnh là 10 phần triệu (ppm), yêu cầu này bị hạ thấp hơn nữa đối với các loại khí thải khác như Benzene và PAH (polycyclic aromatic hydrocarbon) so với các tiêu chuẩn của châu Âu 5.
Chính quyền Trung Quốc khẳng định, khí thải từ xe tải sử dụng diesel và các loại khí thải khác là nguyên nhân chính gây ra vấn đề màn sương mờ đục lơ lửng trong không khí. Ngày 20/5, chính quyền TP Bắc Kinh tuyên bố sẽ loại bỏ hơn 400.000 xe tải và xe buýt nhỏ trong năm 2016 và 2017. Vì đây là những loại xe phát ra khí thải có lượng lưu huỳnh lớn – theo Báo Giao Thông Vận Tải.
Indonesia sản xuất khí đốt nấu ăn từ đậu phụ
Một ngôi làng ở Indonesia sử dụng nguồn năng lượng sáng tạo giá rẻ từ đậu phụ để cung cấp nhiên liệu cho hơn100 hộ gia đình. Theo IFL Science, ngôi làng Kalisari hẻo lánh trên đảo Java, Indonesia có khoảng 150 hộ sản xuất đậu phụ. Dù đậu phụ là nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng, việc sản xuất đòi hỏi sử dụng nhiều nước. Người sản xuất phải dùng trung bình hoảng 33 lít nước để làm ra một kg đậu phụ. Ngoài ra, người sản xuất còn bổ sung acid acetic chua vào quá trình sản xuất, sau đó thải ra các con sông gần đó – theo VnExpress.
Tuy nhiên, theo AFP, nếu được xử lý bằng một loại vi khuẩn trong thùng chứa đặc biệt, nước thải từ quá trình sản xuất đậu phụ có thể giải phóng một lượng khí sinh học đáng kể. Sau đó, khí này được dẫn trực tiếp đến các hộ gia đình để dùng làm nhiên liệu nấu ăn. Hiện tại, ngôi làng đã phát triển 5 bể chứa nước. Các bể chứa này có thể cung cấp năng lượng sạch cho hơn 100 hộ gia đình, thu hút lãnh đạo địa phương ở các làng và thị trấn lân cận đến tham quan, học hỏi. Ngoài ra, năng lượng từ sản xuất đậu phụ được kỳ vọng có thể sử dụng cho việc thắp điện trong làng. Nguồn khí sinh học này rẻ hơn so với khí gas thông thường, vốn chỉ thỉnh thoảng mới được chuyển đến các vùng nông thôn của Java.
Quần áo sẽ được sản xuất từ chai nhựa
Đây hoàn toàn không phải là lời nói đùa hay một "chiêu" quảng cáo từ công ty nào đấy. Bởi một số loại chai sau khi sử dụng được tái chế, sản sinh ra các sợi giống như polyester, có tên gọi là Repreve. Và sợi này đã được nhà máy dệt may Unifi, nằm phía Bắc California (Mỹ), chế tạo thành công. Với diện tích gần 5000 m2, trung tâm tái chế trực thuộc nhà máy Unifi trong vòng 7 năm đã biến 4 tỷ chai nhựa thành sợi Repreve. Tất cả chai nhựa dùng để tái chế, sẽ được nhà máy Unifi tiến hành phân loại và cắt thành những mảnh nhỏ xíu – theo Vnreview.
Sau đó, vo chúng lại thành từng viên nhỏ, nấu chảy và xe thành sợi, để cuối cùng trở thành chất liệu được sử dụng cho ngành may mặc. Theo CNN, Repreve có thể tạo thành từ 3 dạng khác nhau: một là 100% từ các chai nhựa tái chế, hai là sự kết hợp giữa chai nhựa và các vật liệu phế thải, ba là từ chai nhựa và các loại vải đã qua sử dụng. Sợi Repreve được dùng để tạo ra nhiều loại quần áo khác nhau từ jacket, T-shirt cho đến quần dài hay thậm chí cả vải bọc ghế xe hơi. Một số thương hiệu nổi tiếng đang sử dụng loại sợi này cho sản phẩm của họ như: Patagonia, The North Face, Levi's, Adidas, Nike và hãng xe Ford. Được biết, mỗi chiếc áo cần tới 27 chiếc chai để hoàn thành, trong khi đó chỉ cần 5 chai nhựa là đủ để sản xuất ra 1 chiếc áo T-shirt, và với 7 chai là bạn đã có 2 chiếc quần để mặc.