Trung ương Hội Chữ thập đỏ đã ứng trước tiền để trao tặng nước uống, dụng cụ chứa nước và viên khử khuẩn cho gần 15,000 hộ gia đình nghèo thuộc 14 tỉnh miền Trung, Tây nguyên và Đồng bằng Sông Cửu Long chịu ảnh hưởng từ hạn hán và
xâm nhập mặn. Chiến dịch phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Cổng Thông tin Nhân đạo Quốc gia 1400, Báo Tuổi trẻ TP. Hồ Chí Minh tổ chức Chiến dịch nhắn tin “Nước ngọt và sinh kế cho đồng bào bị ảnh hưởng bởi hạn hán, xâm nhập mặn” từ ngày 07/4 đến ngày 05/6/2016; Soạn tin: NC gửi 1407; giá trị 14.000đ/1 tin nhắn – theo VFEJ.
Việt Nam thuộc nhóm nước có chất lượng không khí 'đội sổ' thế giới
Theo bảng thống kê EPI 201, Việt Nam có chất lượng không khí xếp thứ 170/180 với chỉ số EPI là 54,76 điểm và nằm trong tốp 11 quốc gia có chất lượng
không khí thấp nhất thế giới. EPI là chỉ số Năng lực quản lý môi trường, đánh giá sự hiệu quả trong hoạt động bảo vệ môi trường của các quốc gia, được các nhà nghiên cứu tại Đại học Yale, Mỹ, xếp hạng hai năm một lần.
Gia Đình Việt Nam cho biết năm 2016, các nhà khoa học Mỹ xếp hạng Seychelles là quốc gia có
không khí sạch nhất thế giới. Theo thống kê EPI năm 2016, quốc đảo Seychelles gồm 115 hòn đảo ở phía tây Ấn Độ Dương có chất lượng không khí đạt 98,24 điểm, đứng đầu danh sách 180 quốc gia, theo sau là Trinidad và Tobago (97,2 điểm) và Maldives (97,1 điểm).
Hạn hán, xâm nhập mặn gây thiệt hại hơn 9.000 tỉ đồng
Theo thống kê, thiệt hại do hạn hán và xâm nhập mặn ở các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ tính đến hết tháng 4/2016 đã lên tới 9.020 tỉ đồng. Thống kê mới nhất của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống
thiên tai cho thấy, do tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn, gần 475.000 hộ dân đã bị thiếu nước sinh hoạt. Về trồng trọt, thiệt hại về lúa là gần 248.000ha; cây công nghiệp là 129.000ha, thủy sản là hơn 5.000ha, hoa màu là 19.000ha và cây ăn quả là hơn 52.000ha. Tại khu vực Nam Trung Bộ, tổng diện tích phải dừng sản xuất là 23.000ha.
Dự báo nếu hạn hán tiếp tục kéo dài, khoảng 57.000ha đất lúa phải dừng sản xuất vụ Hè Thu. Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tổng diện tích thiệt hại các vụ lúa từ cuối năm 2015 và đầu năm 2016 là 208.800ha.
Công bố chất lượng nước biển các bãi tắm miền Trung
Qua so sánh, đối chiếu kết quả quan trắc với Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước biển (QCVN 10-MT:2015/BTNMT) cho thấy, chất lượng nước biển tại các bãi tắm trên đều nằm trong giới hạn cho phép của Quy chuẩn đối với vùng bãi tắm, thể thao dưới nước. Việc lấy mẫu quan trắc chất lượng môi trường nước biển ven bờ được triển khai tại 22 bãi tắm thuộc địa bàn 4 tỉnh, gồm: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, và Thừa Thiên - Huế. Thời điểm quan trắc mẫu nước biển 2 lần/ngày vào buổi sáng và buổi chiều. Theo thông tin từ Bộ Tài nguyên & Môi trường, mẫu nước biển ven bờ được lấy ở các bãi tắm, trong phạm vi cách bờ không quá 1,5 km, nằm cách độ sâu cách mặt nước từ 0,3 m đến 0,5 m – theo VietnamPlus.
Cụ thể, tại tỉnh Hà Tĩnh có 6 bãi tắm được chọn lấy mẫu quan trắc chất lượng môi trường nước, bao gồm: Bãi tắm Xuân Thành; bãi tắm Xuân Hải; bãi tắm Thạch Hải; bãi tắm Thiên Cầm; bãi tắm Kỳ Ninh; bãi tắm Mũi Đao. Trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có 4 điểm lẫy mẫu: Bãi tắm Vũng Chùa, huyện Quảng Trạch; bãi tắm Đá Nhảy, huyện Bố Trạch; bãi tắm Nhật Lệ, thành phố Đồng Hới; bãi tắm Hải Ninh, huyện Quảng Ninh. Tỉnh Quảng Trị có 3 điểm lẫy mẫu: bãi tắm Mũi Si, huyện Vĩnh Linh; bãi tắm Gio Hải, huyện Gio Ninh; bãi tắm Mỹ Thủy, huyện Hải Lăng. Nhiều nhất là tỉnh Thừa Thiên - Huế với 9 điểm bãi tắm, bao gồm: Bãi tắm Cửa biển Lăng Cô; bãi tắm Lăng Cô; bãi tắm Cảnh Dương; cửa biển Vinh Hiền; bãi tắm Vinh Thanh; bãi tắm Thuận An; cửa biển Thuận An; bãi tắm Quảng Ngạn; bãi tắm xã Điền Lộc.
Nhật viện trợ gần 21 tỷ yen cho Việt Nam cải thiện môi trường nước
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida sáng nay (6/5), chứng kiến lễ ký công hàm viện trợ 20,967 tỷ Yen của chính phủ Nhật trong năm tài khoá 2015 cho giai 2 của dự án cải tạo môi trường nước TP.HCM. Hai bên cũng ký kết công hàm cho khoản viện trợ không hoàn lại trị giá 500 triệu yen hỗ trợ các nước đang phát triển và doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư ở nước ngoài.
Ngoại trưởng Kishida và Bộ trưởng Giáo dục Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cũng ký công hàm viện trợ 390 triệu yen cho dự án phát triển nguồn nhân lực cho Việt Nam. Việt Nam cảm ơn Nhật Bản cung cấp cho Việt Nam 2,5 tỷ USD cho Việt Nam trong năm tài khóa 2015 và đề nghị Nhật Bản tiếp tục viện trợ ODA mức cao cho Việt Nam trong năm 2016 cho các lính vực cơ sở hạ tầng, đào tạo nhân lực … – theo Tiền Phong.
THẾ GIỚI
Người Trung Quốc lại đổ xô đi mua không khí sạch đóng lon
Những ảnh hưởng gây suy giảm
môi trường đã mang đến nhiều vấn đề nghiêm trọng đe dọa sự tồn vong của nhân loại, nhưng cũng đem lại những cơ hội lạ lùng cho những doanh nghiệp có óc sáng tạo. Tờ Shanghaiist đưa tin nửa đùa nửa thật rằng trong khi Trung Quốc đang có ý định mua toàn bộ sữa sản xuất tại Australia cùng 1% đất đai của quốc gia này, thì người tiêu dùng Trung Quốc dường như chỉ hứng thú với bầu không khí ở đây. Mỗi lon chỉ cung cấp đủ không khí cho khoảng 130 lần hít thở sâu. Một người trung bình thực hiện khoảng 17.280 tới 23.040 lượt thở một ngày. Điều đó có nghĩa là mỗi ngày họ phải dùng tới 176 lon không khí sạch.
Đó là lý do hai doanh nhân đến từ Sydney đã đưa ra sản phẩm "không khí Australia" trong lành và sạch sẽ được đóng lon với mức giá 91 nhân dân tệ (khoảng 14 USD) một chai. John Dickinson và Theo Ruygrok đang cung cấp cho thị trường Trung Quốc một loạt các loại lon khí sạch với "hương vị" khác nhau, lấy từ những nơi như núi Blue, Bãi biển Bondi, thung lũng Yarra, New Zealand và Tasmania. Nếu bạn thích không khí có vị mặn, hãy chọn bãi biển Bondi. Còn nếu thích mùi gỗ đàn hương nhẹ nhàng, hãy chọn hương núi Blue – theo VietnamPlus.
Gây ô nhiễm, công ty ở Brazil đối mặt án phạt 43,5 tỉ USD
Các công tố viên liên bang Brazil vừa hoàn thành tập hồ sơ đòi công ty khai thác sắt Samarco cùng hai công ty mẹ là Vale và BHP Billiton phải bồi thường 43,5 tỉ USD vì gây ô nhiễm môi trường. Sự việc xảy ra vào tháng 11/2015 khi công ty khai thác sắt nội địa Samarco làm sập một con đập khiến 19 người chết và gây
ô nhiễm nghiêm trọng trên sông Gualaxo do Norte. Hãng tin RT cho biết hồ sơ đòi bồi thường của Brazil được hoàn tất sau quá trình điều tra kéo dài 6 tháng. Các công tố viên yêu cầu Samarco và hai công ty mẹ phải trả trước 2,2 tỉ USD trong vòng 30 ngày sắp tới.
Theo văn phòng công tố, mức bồi thường được tính toán dựa trên việc hãng BP bồi thường 53,8 tỉ USD sau sự cố tràn dầu ở vịnh Mexico. Công ty này cũng cho biết đã cùng với Samarco và Vale đồng ý trả số tiền 5,6 tỉ USD cho chính phủ Brazil theo một hợp đồng riêng. Tuy nhiên, hợp đồng bồi thường 5,6 tỉ USD này không được các công tố viên liên bang thừa nhận vì cho rằng thiếu biện pháp để đảm bảo các công ty có thật sự trả cho chính phủ - theo Tuổi Trẻ.
Đông Nam Á nhất trí chia sẻ thông tin hạn chế khói mù
VietnamPlus đưa tin Hội nghị lần thứ 18 của Ban Chỉ đạo tiểu vùng cấp bộ trưởng (MSC) về ô nhiễm khói mù xuyên biên giới diễn ra tại Singapore đã đạt tiến bộ về vấn đề chia sẻ thông tin. Phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 4/5, Bộ trưởng Môi trường và tài nguyên nước Singapore, ông Masagos Zulkifli, cho biết cuộc họp kín trên có sự tham gia của các bộ trưởng môi trường đến từ Brunei, Indonesia, Malaysia, Singapore và Thái Lan.
Tại hội nghị, các bộ trưởng thảo luận về những vấn đề chủ chốt liên quan đến các biện pháp ngăn chặn khói mù tại 5 nước thuộc MSC, trong đó có công tác triển khai Hệ thống Giám sát khói mù tiểu vùng của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), huy động cộng đồng quốc tế trợ giúp nỗ lực dập tắt đám cháy rừng và trao đổi thông tin giữa các nước. Vấn đề khói mù tồn tại ở khu vực này trong hàng thập kỷ qua, với chất lượng không khí tiếp tục đi xuống trong những năm gần đây. Năm 2013, Chỉ số Tiêu chuẩn ô nhiễm đo được (PSI) trong 24h, đo chất lượng không khí của Singapore, lên tới mức kỷ lục hơn 400. Với
khói mù xuất hiện thường xuyên trong hơn 2 tháng do thời tiết hanh khô, năm 2015 trở thành một trong những năm bị khói mù tồi tệ nhất trong khu vực.
UAE tính xây núi nhân tạo để đối phó hạn hán
Với nhiệt độ mùa hè thường xuyên lên đến 50 độ C, các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đang xem xét xây một ngọn núi nhân tạo đồ sộ nhằm gia tăng lượng mưa. Theo Mirror, các chuyên gia đến từ Liên đoàn Nghiên cứu Khí quyển của các trường đại học ở Colorado, Mỹ, được giao tìm hiểu ảnh hưởng của núi nhân tạo đối với thời tiết, cụ thể là lượng mưa. Theo họ, những ngọn núi khiến không khí bốc lên cao, tạo thành đám mây có thể biến đổi để cung cấp lượng mưa mong muốn – theo VnExpress.
Nghiên cứu do nhà khoa học Roelof Bruintjes ở Trung tâm Nghiên cứu Khí quyển Mỹ chỉ đạo, có chi phí 400.000 USD và nằm trong giai đoạn tìm hiểu mô hình chi tiết của dự án. Vị trí ngọn núi chưa được xác nhận. Trung tâm Khí tượng và Địa chấn học của UAE chi hơn 500.000 USD cho nghiên cứu biến đổi thời tiết vào năm ngoái. Dù Bruintjes thừa nhận việc xây dựng ngọn núi rất tốn kém, ông nhấn mạnh nghiên cứu sẽ tạo tiền đề để giải quyết khủng hoảng lượng mưa ở UAE. UAE là nằm trong số những nước nóng và khô nhất hành tinh. Nhiệt độ ở đây thường xuyên chạm mốc 50 độ C vào mùa hè.
Kenya tiến hành tiêu hủy hơn 100 tấn ngà voi và sừng tê giác
Ngày 30/4, Chính phủ Kenya đã ra lệnh tiến hành tiêu hủy hàng nghìn chiếc ngà voi và sừng tê giác nhằm phát đi thông điệp rằng việc buôn bán các bộ phận cơ thể động vật hoang dã cần phải được ngăn chặn. Ước tính số lượng ngà voi và sừng tê giác nói trên lên tới 105 tấn và được lấy từ 8.000 cá thể thuộc hai loài trên. Hiện số lượng voi tại châu Phi đang sụt giảm nhanh chóng, chỉ còn khoảng từ 400.000 đến 450.000 con so với con số 1,2 triệu con hồi những năm 70 thế kỷ trước. Tình hình của loài tê giác thậm chí còn tồi tệ hơn, nay chỉ còn dưới 30.000 con.
Hồi năm 1989, tổ chức trên đã ban hành lệnh cấm mua đi bán lại nhiều lần ngà voi, tuy nhiên sau đó lại cho phép mua bán một lần mặt hàng này. Tại thị trường chợ đen, số hàng trên có giá trị lên tới 150 triệu USD. Tuy nhiên, Tổng thống nước này Kenyetta đã không đồng ý với kế hoạch trên. Dự kiến, Kenya sẽ đặt vấn đề cấm buôn bán ngà voi trên toàn thế giới trong hội nghị của Tổ chức các nước tham gia Công ước quốc tế về cấm buôn bán các loài động vật hoang dã, quý hiếm diễn ra tại Nam Phi vào cuối năm nay – theo VietnamPlus.