Vietnamese English
Điểm tin môi trường trong tuần

4/9/2016 8:32:00 AM

Bộ sách tứ bình về thiên nhiên Việt Nam; Đàn chim có tên trong Sách Đỏ bắt đầu di trú đến Điện Biên; Nắng nóng lịch sử, các tỉnh Tây Nguyên công bố thiên tai; Một ngày ở Bắc Kinh bằng hút 40 điếu thuốc; Biến đổi khí hậu có thể gây thiệt hại cho thế giới 2.500 tỷ USD; … là trong số những thông tin sự kiện môi trường đáng chú ý trong tuần.



VIỆT NAM

Bộ sách tứ bình về thiên nhiên Việt Nam


Có thể gọi là bộ “sách tứ bình”, viết về thiên nhiên đất nước Việt Nam, vì được lấy cảm hứng từ 4 loại địa hình chính: Biển, núi, sông, rừng. Nhưng bộ sách lại có 5 cuốn, mỗi cuốn có mỗi cái tên thấm đẫm chất thơ: “Mênh mông biển Việt”, “Kì vĩ núi đèo”, “Muôn vẻ rừng xanh”, “Dạt dào sông nước”, trong đó “Mênh mông biển Việt” có hai tập. Sau khi xuống biển với 2 tập “Mênh mông biển Việt”, tìm hiểu những thông tin quan trọng về sự hình thành của biển Việt, những gia tài chứa trong lòng biển, bạn đọc sẽ được lên núi, chiêm ngưỡng bức tranh hùng vĩ của núi đồi, khám phá những bí ẩn của núi trong “Kì vĩ núi đèo” – theo Lao Động.



Hết núi lại vào rừng, để có cái nhìn toàn cảnh về “Muôn vẻ rừng xanh”, các hệ sinh thái rừng đặc trưng, tác dụng và sản vật của rừng… và từ đó có thể hình dung di sản rừng đã có những gì và đang mất đi những gì. “Dạt dào sông nước” lại đem tới không khí tươi mát, dịu dàng với bức tranh muôn sắc về vẻ đẹp và sức sống của sông ngòi - cái nôi văn minh của người Việt, gắn với những chiến công và huyền tích lịch sử…Không chỉ thực hiện những chuyến “khám phá” theo từng đề tài, bạn đọc còn được theo dõi một hành trình khác theo chiều sâu lịch sử, được “dặm dài đất nước theo năm tháng” bởi các tác giả đã biết kết hợp khéo léo giữa địa lí với lịch sử và văn hóa.

Đàn chim có tên trong Sách Đỏ bắt đầu di trú đến Điện Biên

Những ngày gần đây, trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ cùng nhiều địa phương thuộc tỉnh Điện Biên đã xuất hiện hàng nghìn con chim di trú. Qua thông tin từ kiểm lâm địa phương đây là giống Cò Nhạn (còn có tên là Cò Ốc), có tên trong Sách Đỏ Việt Nam, thuộc bậc R- loại cực kỳ quý hiếm. Hiện nay, địa bàn có nhiều Cò Nhạn bay về kiếm ăn nhất là khu vực các cánh đồng, sông suối từ huyện Mường Chà về thành phố Điện Biên Phủ; khu vực cánh đồng Mường Thanh (huyện Điện Biên), các hồ thủy lợi lớn như Pá Khoang…; hoặc các khu rừng trong khu vực Mường Tong, Mường Nhé.

Theo thống kê sơ bộ, trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng 4-5 đàn Cò Nhạn lớn với số lượng lên tới hàng ngàn con. Chi cục Kiểm lâm tỉnh đang tiến hành điều tra, khảo sát, sau đó sẽ tham mưu cho Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành Chỉ thị để bảo vệ loài động vật quý hiếm này. Trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ, trong sáng 6/4, nhiều người có mặt tại địa bàn đã chứng kiến đàn Cò Nhạn lên tới gần 1.000 con, bay lượn trên bầu trời thành phố trước khi đi kiếm ăn – theo VietnamPlus.

Nắng nóng lịch sử, các tỉnh Tây Nguyên công bố thiên tai

Các tỉnh Gia Lai, Kon Tum và mới đây nhất là Đắk Lắk vừa chính thức công bố thiên tai do hạn hán ở cấp độ 1. Đây được xem là trận hạn hán lịch sử ở Tây Nguyên, thiệt hại do hạn cũng lập thêm nhiều kỷ lục mới. Còn tính chung các tỉnh Tây Nguyên hạn hán đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống của nhân dân. Hiện toàn vùng đã có trên 50.000 ha cây trồng bị hạn hán, gần 30.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt – theo Trí Thức Trẻ.

Theo số liệu mới nhất, đến nay, toàn tỉnh Đắk Lắk có khoảng 21.000 ha cây trồng bị hạn. Thiệt hại do hạn hán gây ra ước tính khoảng 486 tỷ đồng. Theo dự kiến của ngành nông nghiệp, toàn tỉnh sẽ có khoảng 80.000 ha cây trồng bị hạn, khoảng 25.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt. Gia Lai, hiện có hơn 7.000 hộ thuộc địa bàn các huyện Chư Pưh, Chư Sê, Krông Pa, Ia Pa, Kbang, Đắk Pơ, Kông Chro, Chư Prông…. thiếu nước sinh hoạt. Toàn tỉnh có 14.695 hộ với 64.289 khẩu bị thiếu đói do hạn hán gây ra trong vụ Đông Xuân 2015-2016, trong đó các hộ đồng bào dân tộc thiểu số là 11.894 hộ với 61.186 khẩu. Theo báo cáo của UBND tỉnh Kon Tum, tính đến ngày 31/3/2016, trên địa bàn đã xảy ra khô hạn, thiếu nước tại một số khu vực với diện tích hơn 2.106 ha gồm: 1.226,38 ha lúa, 857,03 ha cây công nghiệp, và 22,75 ha rau màu các loại. Ước giá trị thiệt hại do hạn hán gây nên đối với sản xuất nông nghiệp tại thời điểm khoảng 90 tỷ đồng.

NGO quốc tế cam kết hỗ trợ Việt Nam 12,3 triệu USD chống hạn, mặn

Vietnamplus đưa tin ngày 4/4, tại Hà Nội, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã tổ chức Hội nghị cung cấp thông tin, tham vấn với các chuyên gia và các bên liên quan nhằm xây dựng kế hoạch, chiến lược ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn đang diễn ra tại 13 tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long. Trong ba năm (2016-2019), 22 tổ chức phi chính phủ nước ngoài cam kết triển khai 30 chương trình, dự án tại 13 tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam đang bị thiệt hại bởi hạn hán và xâm nhập mặn với tổng ngân sách là 12,3 triệu USD (tương đương khoảng 274 tỷ đồng).

Đợt hạn hán và xâm nhập mặn nghiêm trọng tại Việt Nam đang ảnh hưởng nặng nề đến sinh kế, an ninh lương thực và nguồn nước của gần 1,8 triệu người, trong đó có 455.000 trẻ em, tại tất cả các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long. Hạn mặn đã khiến hàng ngàn hécta lúa và hoa màu đã bị mất trắng, nhiều gia đình chịu cảnh thiếu nước sạch (nước uống và nước sinh hoạt). Người dân đối mặt với nhiều nguy cơ về sức khỏe, dinh dưỡng và an toàn vệ sinh. Cũng bởi vậy, người dân cần nhận được những sự hỗ trợ kịp thời về nước sạch, an toàn vệ sinh, y tế.

Lên tiếng vì môi trường cùng chiến dịch “Tôi không thể”

Hưởng ứng chiến “Tôi không thể”, CHANGE/ 350.org Việt Nam phối hợp cùng Liên Minh Năng lượng Bền vững (VSEA) vào ngày 4/4 đã tiếp tục công bố hai bộ ảnh: “Tôi không thể” phiên bản gia đình và bộ ảnh “Tôi không thể” phiên bản đời thường. Chiến dịch “Tôi không thể” (I’cant) ra đời mong muốn nhắc nhở mọi người quan tâm hơn về vấn đề môi trường.

Việt Nam là nước đứng thứ 3 trên thế giới trong việc xây dựng các nhà máy nhiệt điện than và mỗi năm có 4.300 người chết vì khí thải của các nhà máy này. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến ô nhiễm chính là khí thải từ các nhà máy nhiệt điện than.Những bụi siêu nhỏ PM2.5 trong khí thải của nhiệt điện than có thể gây ảnh hưởng đến mùa màng và cũng như như sức khỏe của con người. Ngoài ra, các chất khóa học được sinh ra trong quá trình đốt than phản ứng với các phân tử trong không khí sẽ tạo thành lớp sương mù độc hại. Người hít phải lớp sương này sẽ ho, tức ngực để lâu ngày sẽ dẫn đến hen suyễn, viêm phổi mãn tính.

THẾ GIỚI

Biến đổi khí hậu có thể gây thiệt hại cho thế giới 2.500 tỷ USD


Lượng tài sản tài chính toàn cầu trị giá trung bình 2.500 tỷ USD có thể bị mất đi do các ảnh hưởng tiêu cực của quá trình biến đổi khí hậu. Bản báo cáo của Trường Đại học kinh tế và khoa học chính trị London chỉ rằng, cứ mỗi 1% khả năng tăng nhiệt độ toàn cầu lên đồng nghĩa một lượng tài sản trị giá 24 tỷ USD đối mặt nguy cơ biến mất – theo Doanh Nhân Sài Gòn.

Các hiện tượng thời tiết cực đoan và ô nhiễm môi trường không chỉ gây thiệt hại lớn cho hoạt động kinh doanh mà còn làm giảm năng suất và thu nhập của người lao động. Tiếp theo Bản tin Tài chính - Kinh doanh là những tin tức đáng chú ý khác: Bộ Công thương phản hồi về việc các nhà máy sản xuất ethanol ngừng hoạt động; Thực tế đội vốn của các dự án trúng thầu giá thấp; Bê bối trốn thuế từ vụ rò rỉ thông tin Panama Papers... Mời quý vị quan tâm theo dõi.

Một ngày ở Bắc Kinh bằng hút 40 điếu thuốc

Ô nhiễm không khí đã làm 4.000 người thiệt mạng/ngày ở Trung Quốc, chiếm khoảng 17% số người tử vong của cả quốc gia, một báo cáo về tình trạng ô nhiễm không khí cho biết. Con số chỉ ra rằng, tình trạng khói mù ở Trung Quốc, đặc biệt là ở các tỉnh phía đông, thậm chí còn xấu hơn dự báo. Hít thở trong bầu không khí ô nhiễm ở Thủ đô Bắc Kinh chỉ trong một ngày tương đương với việc hút 40 điếu thuốc lá, các tác giả của bản báo cáo cho biết. Các báo cáo được phân tích bởi các nhà khoa học tại trung tâm Berkeley Earth, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Mỹ.

Cũng theo báo cáo này, Bắc Kinh phải chịu tình trạng ô nhiễm môi trường từ nhiều nguồn,  từ các khu công nghiệp lân cận như Thạch Gia Trang, cách thủ đô Trung Quốc 200 dặm về phía tây nam hay các nhà máy điện chạy bằng than... Vì vậy, việc làm sạch không khí trở nên nan giải với Bắc Kinh, nhất là khi Thế vận hội 2022 tổ chức tại đây đang đến gần. "Ô nhiễm không khí là thảm họa môi trường lớn nhất thế giới hiện nay," Richard Muller - Giám đốc khoa học của Berkeley Earth, đồng tác giả của báo cáo cho biết. "Lần cuối cùng tôi ở Bắc Kinh, ô nhiễm đã ở mức nguy hại; cứ mỗi giờ tiếp xúc, tuổi thọ của tôi giảm 20 phút, tương tự với việc mỗi người đàn ông, phụ nữ và trẻ em hút 1,5 điếu thuốc mỗi giờ", ông nói.

Sau El Nino có thể là La Nina

Hiện tượng El Niño đang yếu đi và được dự báo sẽ biến mất vào cuối mùa xuân này và La Nina có thể sẽ xảy ra vào mùa thu tới. Hiện tượng Elnino năm nay được ghi nhận là mạnh nhất trong lịch sử. Mặc dù theo quan sát Elnino đang yếu đi so với mức đỉnh điểm năm ngoái song nó vẫn đang gây ra những ảnh hưởng trực tiếp lên khu vực nhiệt đới Thái Bình Dương – theo MT&ĐS.

Theo dự báo của Cơ quan Quản lý Khí hậu và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), khu vực Bắc bán cầu có thể trở lại trạng thái bình thường trong cuối xuân và đầu hè năm nay. Sau đó hiện tượng La Nina – hiện tượng gắn với nhiệt độ mát mẻ hơn và mưa – có thể xảy ra. Hiện tượng El Nino hiện nay đang ảnh hưởng trên toàn cầu, gây lụt lội khu vực miền trung Nam Phi và hạn hán ở Nam Phi. Nếu La Nina xảy ra, xu hướng khí hậu toàn cầu có thể một lần nữa lại gây ra những thảm họa tự nhiên. Theo ghi nhận thì La Nina đã xảy ra ngay sau 11 trong số 15 đợt El Nino trong quá khứ.

WB công bố kế hoạch viện trợ chống biến đổi khí hậu

Bnews đưa tin ngày 7/4, Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố kế hoạch trợ giúp các nước phát triển đưa thêm 30 gigawatt (GW) năng lượng tái tạo vào công suất năng lượng thế giới và huy động tài chính từ các quỹ cá nhân cho năng lượng sạch. Kế hoạch "Hành động ứng phó với biến đổi khí hậu" này được WB đưa ra giúp các nước thực hiện những cam kết tại Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) tại Paris hồi cuối năm ngoái, đồng thời hỗ trợ đối phó với những tác động ngày càng mạnh mẽ của biến đổi khí hậu.

Theo đó, WB sẽ tăng gấp 4 lần vốn cho các công trình giao thông có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, đưa biến đổi khí hậu vào quy hoạch đô thị qua Chương trình toàn cầu về Thành phố bền vững, tăng cường hỗ trợ quản lý rừng và ngư trường bền vững. Theo WB, trong 15 năm tới biến đổi khí hậu có thể khiến 100 triệu người nữa trên thế giới rơi vào ngưỡng nghèo đói. Bên cạnh những nỗ lực của WB, Công ty Tài chính Quốc tế (IFC), thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới (WBG), cũng dự định mở rộng đầu tư liên quan đến khí hậu từ 2,2 tỉ USD/năm lên 3,5 tỉ USD/năm.

Minnh Cường (moitruong.com.vn)

Lượt xem : 2699