Vietnamese English
Điểm tin môi trường trong tuần

3/26/2016 7:47:00 AM

Nông nghiệp mất gần 6000 tỷ đồng do thiên tai; Trồng 8,5 vạn cây xanh tại Việt Nam; Khởi động dự án toàn cầu về nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu; Tốc độ xả khí CO2 nhanh kỷ lục trong vòng 66 triệu năm qua; Đầu tư vào nguồn năng lượng tái tạo đạt kỷ lục trong năm 2015; Lướt Facebook cũng gây biến đổi khí hậu; Mẹ trồng 1 triệu cây xanh vì lời hứa với con trai đã mất; … là trong số những thông tin sự kiện môi trường đáng chú ý diễn ra trong tuần.

VIỆT NAM

Nông nghiệp mất gần 6000 tỷ đồng do thiên tai


Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cho biết, con số thiệt hại đã rơi vào khoảng gần 6000 tỷ đồng và có thể tiếp tục tăng nếu thiên tai vẫn tiếp tục hoành hành. Trong đó, đợt rét đậm rét hại kéo dài tại miền Bắc gây thiệt hại khoảng 1400 tỷ đồng; hạn hán trên cả nước gây thiệt hại khoảng 400 tỷ đồng; xâm nhập mặn tại các tỉnh phía Nam gây thiệt hại khoảng 4000 tỷ đồng và có thể còn tiếp tục tăng.


Theo dự báo, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tiếp tục phải gánh chịu một đợt xâm nhập mặn thứ hai. Dự báo đợt xâm nhập mặn này có nồng độ từ 4gam/lít trở lên lấn sâu vào nội đồng hàng trăm kilomet. Đây mới thực sự là đợt xâm nhập mặn khốc liệt nhất trong vòng 100 năm qua. Thiên tai liên tiếp trên cả nước trong thời gian qua là do hệ quả của hiện tượng El Nino kéo dài từ cuối năm 2014 đến nay vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Hiện 13 tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã bị ảnh hưởng của hạn hạn và xâm nhập mặn, hiện tượng chưa từng có trong lịch sử đang cần có những hành động cụ thể và giải pháp kịp thời để đối phó với biến đổi khí hậu ở khu vực này. Theo Bộ NN&PTNT, những thiên tai liên tiếp xảy ra, đã đến lúc phải rúng lên hồi chuông cảnh báo để tất cả các cấp, các ngành cùng vào cuộc và phải hành động ngay lập tức để có những giải pháp toàn diện.

Trồng 8,5 vạn cây xanh tại Việt Nam

Tiền Phong đưa tin sáng 19/3, hơn 500 tình nguyện viên đã tham gia chương trình trồng rừng do Quỹ môi trường Aeon, Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường, ĐH Quốc gia Hà Nội và Vườn quốc gia Ba Vì phối hợp tổ chức, nâng số cây xanh do Quỹ này trồng mới tại Việt Nam lên tới 8,5 vạn cây…Quỹ Môi trường Aeon bắt đầu trồng cây tại Việt Nam vào năm 2010 và trong 3 năm (2010-2012) đã trồng tại Huế là 70.000 cây. Như vậy tổng số cây mà Quỹ phát động trồng tại Hà Nội và Huế là 85.000 cây.

Trước đó, Tập đoàn Aeon đã tổ chức trồng hàng nghìn cây quanh Trung tâm thương mại Aeon Mall Long Biên; tổ chức nhặt rác quanh khu vực Hồ Gươm… thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên, người nước ngoài tại Hà Nội góp phần tuyên truyền bảo vệ môi trường. Ông Hoàng Văn Thắng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên & Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội, nói “Chương trình trồng rừng ngày hôm nay là tiếp nối các hoạt động đã triển khai năm 2014 và 2015. Chúng tôi hy vọng sự hợp tác của chúng ta sẽ thức đẩy hơn nữa các hoạt động bảo vệ môi trường, đặc biệt là phục hồi hệ sinh thái rừng để đạt được các mục tiêu thiên niên kỷ, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển bền vững, giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu”, ông Thắng nhấn mạnh.

Cấp bản đồ phân bố nước ngọt dưới đất cho các vùng hạn, mặn

Trước sức ép khan hiếm nguồn nước ngọt sinh hoạt ở Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ Tài nguyên & Môi trường đã bàn giao các bản đồ phân bố nước ngọt và tài liệu kết quả điều tra đánh giá nguồn nước dưới đất theo từng tầng cho các tỉnh, thành phố trong vùng đang phải “gồng mình” chống hạn, mặn. Việc bàn giao bản đồ về thông tin nước ngọt dưới đất này nhằm giúp các tỉnh, thành phố ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long có thêm thông tin làm cơ sở cho việc khoan giếng tìm kiếm nguồn nước ngọt dưới đất, qua đó có thể cấp nước sinh hoạt tại chỗ cho người dân.

Ngoài ra, Bộ Tài nguyên & Môi trường cũng cam kết hỗ trợ các tỉnh (Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre, Kiên Giang, Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng và Cà Mau), mỗi địa phương 500 triệu đồng và giao Quỹ bảo vệ Môi trường Việt Nam tổ chức thực hiện. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đến trung tuần tháng 3/2016, đã có trên 200.000 hộ dân, với khoảng 800.000 người, nhiều trường học, bệnh viện, khách sạn, nhà máy sản xuất tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long bị thiếu nước ngọt trầm trọng. Con số này vẫn chưa dừng lại vì dự báo hạn, mặn tiếp tục khốc liệt trong thời gian tới. Cho đến nay, tại một số huyện ven biển, người dân đang phải mua nước ngọt với giá từ 60.000 đồng đến 100.000 đồng/m3 nước.

Ngư dân từ chối 300 triệu đồng, quyết thả rùa quý về biển

An Ninh Thủ Đô đưa tin ngày 18/3, anh Dương Văn Bé (SN 1981) trú xóm Đông Hồi, phường Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An, đi đánh cá thì bắt được con rùa biển rất lớn. Kéo được con rùa lên tàu anh Bé đã gọi điện báo với vợ và bảo vợ ra thuyền để xem rùa. Nhận được tin, chị Nguyễn Thị Hải – vợ anh Bé đã thông báo cho bà con hàng xóm rồi cùng kéo nhau đến cảng cá Đông Hồi để tận mắt chứng kiến rùa biển quý hiếm. Con rùa rất lớn, phần mai màu nâu đỏ và nặng khoảng 70 kg.

Biết con rùa là động vật quý hiểm nên có thương lái ngỏ ý mua với giá 300 triệu đồng. Tuy nhiên, anh Bé không đồng ý. Sau 2 giờ để rùa cho mọi người đến xem, anh Bé và vợ đã quyết định thả con rùa về lại biển. Nhiều người khâm phục tinh thần bảo vệ động vật quý hiếm của vợ chồng anh Bé. Lãnh đạo phường Quỳnh Lập xác nhận vụ việc trên và cho biết, hành động của ngư dân Bé rất hoan nghênh và đáng ghi nhận.

Khởi động dự án toàn cầu về nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu

Dự án toàn cầu “Hỗ trợ các quốc gia đang phát triển lồng ghép các lĩnh vực nông nghiệp trong kế hoạch thích ứng quốc gia” (NAPs) đã chính thức khởi động vào ngày 22/3 với tổng kinh phí khoảng 12,3 triệu USD vốn không hoàn lại với 8 quốc gia gồm: Kenya, Uganda, Zambia, Uruguay, Nepal, Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Trong số đó, kinh phí dành cho Việt Nam là 700.000 USD. Mục tiêu của dự án nhằm lồng ghép các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu có ảnh hưởng đến sinh kế dựa vào nông nghiệp trong các quy trình lập kế hoạch xây dựng ngân sách quốc gia và lĩnh vực có liên quan. Theo đó, các kết quả dự kiến của dự án sẽ góp phần nâng cao năng lực kỹ thuật và tổ chức về lồng ghép lĩnh vực nông nghiệp trong các kế hoạch thích ứng quốc gia (NAPs) đồng thời phát triển các lộ trình lồng ghép lĩnh vực nông nghiệp vào NAPs. Dự án được thực hiện trong vòng 4 năm, kể từ ngày phê duyệt (1/3/2016) và chủ dự án là Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn) – theo Vietnamplus.

Để hỗ trợ việc lồng ghép các hoạt động thích ứng liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp trong Kế hoạch thích ứng quốc gia, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn tham gia dự án toàn cầu “Hỗ trợ các quốc gia đang phát triển lồng ghép các lĩnh vực nông nghiệp trong kế hoạch thích ứng quốc gia” (NAPs), do Chính phủ Đức tài trợ thông qua Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO).

THẾ GIỚI

Tốc độ xả khí CO2 nhanh kỷ lục trong vòng 66 triệu năm qua


Một báo cáo mới công bố trên tạp chí về biến đổi khí hậu Nature Climate change (Anh) ngày 21/3 đã chỉ ra tốc độ thải khí CO2 của loài người đang ở mức cao nhất trong vòng gần 66 triệu năm qua. Theo báo cáo, hiện tại tốc độ phát thải carbon của con người đang cao gấp 10 lần bất kỳ giai đoạn tăng nhiệt tự nhiên nào trong lịch sử 66 triệu năm qua, thậm chí còn vượt xa giai đoạn xảy ra đại hồng thủy cách đây 55,8 triệu năm. Điều này có thể đẩy con người vào giai đoạn nguy hiểm chưa từng có giống như những gì đã xảy ra trong trận đại hồng thủy kể trên mà giới khoa học gọi là PETM, trong đó nhiệt độ bề mặt Trái Đất tăng hơn 5 độ C trong vòng một vài nghìn năm khiến các sinh vật biển tuyệt chủng.

Trên thực tế, khi Trái Đất ấm lên 1 độ C trong hai thế kỷ vừa qua đặc biệt là 50 năm trở lại đây đã kéo theo một loạt hiện tượng thời tiết nguy hiểm như bão lớn gây thiệt hại khôn lường, các đợt bão gia tăng do mực nước biển dâng hay hạn hán trên diện rộng. Và với mức độ xả thải như hiện nay, tính tới năm 2100, dự đoán nhiệt độ Trái Đất sẽ tăng từ 3-4 độ C, chính vì vậy PETM đã và đang được nghiên cứu kỹ lưỡng như một kịch bản có thể xảy ra do những ảnh hưởng của ô nhiễm carbon – theo TTXVN.

Trung Quốc đi đầu về “xuất khẩu” ô nhiễm

Theo New York Times, Trung Quốc đang “xuất khẩu” khí ô nhiễm tới miền Tây nước Mỹ qua Thái Bình Dương. Nhà khoa học Steven J. Davis khẳng định trên một thông cáo báo chí của Đại học California, Irvine cho biết: “Bụi, ozone và carbon đang tích lũy trong các thung lũng và khu vực California cũng như ở các bang miền Tây khác”. Trong đó, bụi than đen là một vấn đề nghiêm trọng khi mưa không thể loại bỏ chúng ra khỏi bầu không khí. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh hen suyễn, ung thư, đau tim và bệnh phổi.

Một trong những tin tức tốt nhất trong năm qua của Trung Quốc là đã giải quyết được một phần tình trạng ô nhiễm môi trường. Sử dụng năng lượng tái tạo đang phát triển nhanh chóng trong khi sử dụng than giảm. Chỉ tiêu ô nhiễm không khí được thắt chặt, đất nông nghiệp bị ô nhiễm đã nhận được sự chú ý cao. Tuy nhiên, tất cả những gì tốt đẹp đó sẽ chẳng giúp ích được nhiều khi Trung Quốc liên tục xuất khẩu một bầu không khí ô nhiễm sang nước khác. Hoặc đơn giản là Trung Quốc có thể thành công trong việc làm sạch không khí ở trong và xung quanh các thành phố lớn, nhưng lại di chuyển bầu không khí ô nhiễm đó ra bên ngoài.

Đầu tư vào nguồn năng lượng tái tạo đạt kỷ lục trong năm 2015

TTXVN đưa tin Liên Hợp quốc ngày 24/3 công bố báo cáo “Xu hướng toàn cầu về Đầu tư cho năng lượng tái tạo năm 2016,” cho thấy việc đầu tư vào nguồn năng lượng tái tạo trong năm 2015 đã đạt mức cao kỷ lục 286 tỷ USD và đặc biệt lần đầu tiên hơn một nửa trong số đó là từ các nước đang phát triển. Theo báo cáo trên, nguồn vốn đầu tư mới dành cho năng lượng Mặt Trời, năng lượng gió, nhiên liệu sinh học và các nguồn năng lượng sạch khác đã vượt trên 2.300 tỷ USD kể từ năm 2004, trong khi tổng vốn đầu tư cho các nguồn năng lượng truyền thống chỉ chưa đầy 50 tỷ USD.

Dẫn đầu xu thế thay đổi này phải kể tới Trung Quốc và Ấn Độ - cả hai quốc gia trong thời gian gần đây đã đầu tư mạnh mẽ cho nguồn năng lượng sạch, bên cạnh việc vẫn tiếp tục duy trì đà lớn mạnh của nền kinh tế nhờ sử dụng nhiên liệu hóa thạch chứa nhiều carbon. Trong năm 2015, năng lượng tái tạo đóng góp vào quá trình sản xuất năng lượng toàn cầu nhiều hơn so với các nguồn năng lượng khác cộng lại, trong đó có năng lượng hạt nhân, than đá, khí đốt và các dự án nhiệt điện. Tốc độ phát triển nguồn năng lượng sạch năm ngoái cũng đã vượt trội hơn hẳn nhờ tận dụng nguồn quang điện mặt trời và năng lượng gió - hai nguồn này cộng lại giúp tạo thêm 118 gigawatt điện, nhiều hơn gần 1/4 lần so với các năm trước đây.

Lướt Facebook cũng gây biến đổi khí hậu

Các nhà khoa học đã công bố kết quả nghiên cứu cho thấy những hành động tưởng chừng vô hại như gửi thư điện tử và sử dụng mạng xã hội cũng góp phần làm tăng lượng khí thải cácbon. Cụ thể, trong thời đại kỹ thuật số, lượng điện năng do ngành này tiêu thụ chiếm khoảng 10% tổng số điện năng tại Pháp cũng như các nước phát triển khác. “Việc tiêu thụ điện do sự phát triển của công nghệ kỹ thuật số đang bùng nổ” - ông Alain Anglade - quan chức thuộc Cơ quan Quản lý môi trường và năng lượng Pháp - cho biết trên AFP.

Con người được cho là phát thải khoảng 40 tỷ tấn cácbon điôxít (CO2) mỗi năm và mỗi một email ngắn đóng góp khoảng 3,97g. Các nhà khoa học cho biết, 60 email như vậy từ một chiếc smartphone hay laptop sẽ tiêu tốn năng lượng tương đương với một chiếc xe ôtô trung bình hoạt động mỗi kilômét. Mỗi một tệp tin đính kèm email dung lượng 1 megabyte cũng tốn lượng điện năng tương đương với một bóng đèn công suất thấp bật liên tục trong vòng hai giờ. Theo ước tính, một tin nhắn văn bản SMS cũng phát thải khoảng 0,014g CO2. Việc đọc sách điện tử cũng không có lợi cho hệ sinh thái như đối với sách thật. Hoạt động tìm kiếm Google cũng được kể đến với lượng khí thải ra là 0,2g trên điện thoại và 4,5g trên máy tính để bàn - Theo Khoa học & Phát triển.

Mẹ trồng 1 triệu cây xanh vì lời hứa với con trai đã mất

Theo Ngôi Sao, năm 2000, con trai của bà Yi Jiefeng là Yang Ruizhe qua đời trong một tai nạn đường bộ ở Nhật Bản. Sự việc bi thảm khiến bà Yi không khỏi đau đớn, buồn bã. Cuối cùng, bà tìm ra cách để vượt qua nỗi đau đó là dành cả cuộc đời để hoàn thành ước mơ của con trai. Lúc còn sống, Ruizhe từng nói với mẹ về kế hoạch trồng cây xanh ở Nội Mông, Trung Quốc, nhằm ngăn chặn tình hình hạn hán ngày một gia tăng ở khu vực này, vì thế bà quyết định sẽ thực hiện tâm nguyện đó của con trai. Bà Yi dành 12 năm để trồng hàng triệu cây xanh ở Nội Mông, giúp giảm bớt tỷ lệ sa mạc, hạn hán do đây là mơ ước khi còn sống của con trai bà.

Yi cho biết ban đầu bà làm việc này với tư cách một bà mẹ muốn hoàn thành mong ước trước khi chết của con trai, nhưng sau đó bà nhận ra vấn đề sa mạc hóa ở Trung Quốc đang ngày càng trở nên nghiêm trọng. Nếu tình trạng đó tồi tệ hơn, bà không biết 1,3 tỷ người dân sẽ sống sót ra sao. "Do ít kinh phí nên chúng tôi chỉ thuê được một nhóm nhỏ nhân công, trong khi có rất nhiều việc cần làm", bà Yi giải thích. "Tôi 66 tuổi rồi nhưng ngày chỉ ngủ 3 đến 4 tiếng, vậy mà đôi khi tôi còn không có thời gian để ngủ nữa. Tất cả cũng bởi tôi muốn để dành tiền cho dự án trồng cây này".

Theo Minh Cường (moitruong.com.vn)

Lượt xem : 1882