Đến nay, đã có 2.225 cây với 80 loài được công nhận là Cây Di sản Việt Nam trên 45 tỉnh, thành của cả nước, góp phần tạo nguồn sinh kế, phát triển du lịch; xây dựng văn hóa
môi trường tiên tiến. Trong số những cây đã được công nhận phải kể đến những “cụ” cây được coi là “thọ” nhất Việt Nam như Cây Táu Việt Trì (2.200 tuổi theo phả hệ); Cây Pơ mu Tây Giang Quảng Nam (1.500 tuổi theo phương pháp đếm vòng sinh trưởng); Cây cao nhất, thân đơn to nhất: Cây Sa mu Vườn Quốc goa Pù Mát của Nghệ An cao 73 mét, đường kính 5,5 mét; Cây rễ phụ có chu vi lớn nhất: Cây Đa Đền Thượng Lào Cai 45 mét. Báo cáo về những sự kiện đậm nét về hành trình bảo tồn Cây Di sản Việt Nam trong những năm qua, VACNE cho biết cũng đã phát hành sách “Cây Di sản Việt Nam. Tập 1” của Nhà Xuất bản Khoa học & Kỹ thuật (Hà Nội, 2015) hay phim “Cây Di sản – nét đặc sắc văn hóa Việt” (năm 2013); Cuộc thi “Viết về cây cổ thụ - Cây Di sản Việt Nam” tổ chức năm 2015.
“Lễ hội tắt đèn 2016” hưởng ứng Giờ Trái Đất
Nhằm hưởng ứng sự kiện
Giờ Trái Đất, Ban Dự án Môi trường Công ty TNHH TM BOO (BOOVironment) sẽ tổ chức “Lễ hội tắt đèn 2016” vào lúc 10h00 - 22h00 ngày 19/03 tại Indochina Plaza Hanoi với sự tham gia của các ca sĩ, nghệ sĩ, hot teen nổi tiếng như Vlogger Jvevermind, thủ lĩnh trẻ Hoàng Đức Minh, ca sĩ Mỹ Linh, ca sỹ Nhật Thủy, ca sỹ Vũ Cát Tường, ca sỹ Erik, nhóm nhảy ST319, nhóm nhảy Big Toe, MC Trần Ngọc, v.v...
“Lễ hội tắt đèn 2016” nằm trong chuỗi sự kiện “Tắt đèn bật ý tưởng 2016” không chỉ là cơ hội lớn đưa hình ảnh, sản phẩm, dịch vụ và uy tín của đơn vị tiếp cận đông đảo người quan tâm, yêu mến “Tắt đèn bật ý tưởng” mà còn giúp đơn vị nâng tầm, khẳng định vị trí, thương hiệu của mình với vai trò một doanh nghiệp quan tâm sâu sắc tới môi trường nói riêng và các vấn đề xã hội nói chung. Toàn bộ lợi nhuận từ việc bán sản phẩm gây quỹ đã được sử dụng vào việc lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường qua 6 chặng đường phát triển của Chiến dịch. Và “
Tắt đèn bật ý tưởng”đã truyền cảm hứng được tới hàng trăm ngàn người, góp phần tích cực trong việc thay đổi hành vi của con người đối với môi trường.
Nước mặn xâm nhập 13/13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long
TTXVN cho biết đến trung tuần tháng 3/2016 toàn bộ 13/13 tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã bị
nước mặn xâm nhập; trong đó có nhiều tỉnh bị mặn xâm nhập nặng nề như Bến Tre, Cà Mau, Kiên Giang... Riêng tại tỉnh Bến Tre, toàn tỉnh chỉ còn 4 xã tại địa bàn huyện Chợ Lách là chưa bị nước mặn xâm nhập, tất cả các xã còn lại của tỉnh này đã bị mặn xâm nhập sâu vào nội đồng.
Hiện nay và dự báo trong thời gian tới, thời tiết nắng nóng nên nhu cầu sử dụng nước ngọt tưới cho sản xuất
nông nghiệp lớn; đồng thời lượng bốc hơi cao, nước ngọt hao phí tự nhiên lớn. Do các yếu tố trên, kết hợp với những ngày triều cường, gió chướng mạnh nên xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long đã, đang và sẽ diễn ra nhiều bất lợi cho sản xuất và
nguồn nước phục vụ sinh hoạt. Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam dự báo, một số khu vực tại Đồng bằng sông Cửu Long từ nay đến tháng 5/2016 khi có gió chướng cấp 5, cấp 6 trở lên độ mặn sẽ tăng cao. Nếu tháng 5/2016 có mưa tại Đồng bằng sông Cửu Long và lưu vực sông Mê Kông độ mặn sẽ giảm nhiều so với dự báo.
Hỗ trợ 16 tỉnh khắc hậu quả hạn hán, xâm ngập mặn
Nhằm hỗ trợ chính quyền và nhân dân các địa phương khắc phục khó khăn do hạn hán và xâm ngập mặn, BIDV đã quyết định dành 23 tỷ đồng hỗ trợ cho 16 tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất thuộc khu vực Tây Nguyên, Nam Trung bộ và các tỉnh khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, nơi đang trải qua đợt ảnh hưởng nặng nề của thiên tai hạn hán và ngập mặn.
Cụ thể, BIDV hỗ trợ 7 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Ninh Thuận và Bình Thuận 14 tỷ đồng (tương đương 2 tỷ đồng/tỉnh); hỗ trợ 9 tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang và Vĩnh Long 9 tỷ đồng (tương đương 1 tỷ đồng/tỉnh).
Gần 500 tỷ đồng xây trạm quan trắc ô nhiễm
Sở Tài nguyên & Môi trường TPHCM đề xuất xây dựng 27 trạm quan trắc tự động và 225 trạm bán tự động để ghi nhận thực trạng ô nhiễm. Việc xây dựng dự kiến bắt đầu từ nay đến năm 2020 với kinh phí khoảng 495 tỷ đồng. Hệ thống trạm này dùng để quan trắc các dữ liệu ô nhiễm nước mặt, nước ngầm và không khí đang có chiều hướng gia tăng ở thành phố. Khi có số liệu thống kê chính xác, TP.HCM sẽ có các giải pháp kịp thời nhằm giảm tải
ô nhiễm. Trước đây, thành phố có 9 trạm quan trắc không khí tự động do Chính phủ Na Uy và Đan Mạch hỗ trợ xây dựng từ năm 2003. Đến năm 2012, những trạm này bị hỏng hoàn toàn nên thành phố chuyển sang sử dụng hệ thống quan trắc bán tự động tại 16 điểm.
Thời gian thực hiện quan trắc các điểm này là 8h-9h và 15h-16h không phù hợp với điều kiện thực tế. Bởi sau những giờ này, lượng xe tải mới được phép lưu thông. Thêm nữa, kết quả dựa vào phương pháp bán tự động (nhân viên đi lấy mẫu đem về phòng thí nghiệm phân tích) nên chưa cung cấp toàn diện số liệu. Do đó, khó đánh giá hiện trạng ô nhiễm môi trường nước,
không khí của thành phố một cách chính xác, đồng bộ. Trong khi, chỉ số khí độc hại CO (cacbon mônoxit), tiếng ồn và bụi… ở thành phố đang ở mức báo động khi đã vượt số liệu giai đoạn 2010-2014. Chất lượng tại các điểm cấp nước cũng có sự thay đổi. So với năm 2014, các chỉ tiêu pH, COD, BOD, độ mặn... có xu hướng tăng tại 50-83% các điểm quan trắc. Hầu hết các tuyến kênh đều bị ô nhiễm vi sinh vật, hàm lượng Coliform cao và đều vượt quy chuẩn cho phép QCVN.
THẾ GIỚI
El Nino làm giảm mạnh sản lượng cá ở Thái Bình Dương và Trung Mỹ
Báo cáo của Tổ chức Thủy sản Trung Mỹ (Ospesca) đưa ra ngày 16/3 cho biết từ đầu năm tới nay, hiện tượng thời tiết bất thường El Nino đã khiến sản lượng cá tại Thái Bình Dương và Trung Mỹ giảm mạnh tới 25% so với cùng kỳ năm 2015. Theo phóng viên TTXVN tại Mexico City, Giám đốc của Ospesca, Mario Gónzalez, cho biết
nước biển ấm lên do ảnh hưởng từ El Nino đã cản trở việc di cư cũng như sinh sản của các loài cá.
Mức tiêu thụ hải sản bình quân đầu người hàng năm tại các nước Trung Mỹ là 8,5 kg, thấp hơn nhiều so với mức bình quân 19,2kg của thế giới. Hàng năm, ngành hải sản đã đem lại nguồn thu lên đến 2,5 tỷ USD cho các nước Trung Mỹ. Có nguồn gốc từ hiện tượng ấm lên của bề mặt nước biển tại khu vực Thái Bình Dương cận xích đạo, hiện tượng
thời tiết cực đoan El Nino xuất hiện theo chu kỳ khoảng 2-7 năm/lần và gây ra lũ lụt và hạn hán nghiêm trọng. Theo Tổ chức Khí tượng thế giới, đợt hiện tượng thời tiết cực đoan mới nhất, bắt đầu từ cuối năm ngoái và nhiều khả năng sẽ kéo dài tới tháng 4 tới, được dự báo là 1 trong 4 đợt El Nino cường độ mạnh nhất trong 65 năm trở lại đây.
Liban chi 50 triệu USD giải quyết cuộc khủng hoảng rác thải
Theo hãng thông tấn quốc gia Liban, nội các nước này ngày 12/3 đã thông qua kế hoạch mở hai bãi rác tạm thời nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng rác thải kéo dài đã 8 tháng qua, kéo theo các cuộc biểu tình phản đối của hàng nghìn người dân.Hai
bãi rác tạm thời sẽ được mở ở Bourj Hammoud, phía Đông Bắc thủ đô Beirut, và khu vực duyên hải Costa Brava, phía Nam Beirut, trong khi việc mở lại bãi rác Naameh sẽ được thực hiện trong vòng 2 tháng.
Kế hoạch này sẽ được thực thi trong vòng 4 năm. Trong khoảng thời gian này, chính phủ sẽ đưa ra một giải pháp lâu dài đối với vấn đề
rác thải của nước này. Cũng theo kế hoạch trên, Chính phủ Liban cũng sẽ dành 50 triệu USD cho các dự án phát triển tại các thị trấn gần các khu vực xử lý rác thải và sẽ hỗ trợ hàng năm 8 triệu USD đối với các cộng đồng ở khu vực có bãi rác hoạt động – theo TTXVN.
Tăng trưởng kinh tế không làm tăng khí thải 2 năm qua
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ngày 16/3 cho biết sự tăng trưởng của kinh tế thế giới đã không làm tăng lượng khí thải gây
hiệu ứng nhà kính từ ngành năng lượng trong năm 2015, một dấu hiệu khá rõ cho thấy tăng trưởng GDP không còn song hành với mức độ gây ô nhiễm cao nữa. Năm 2015, lượng khí thải CO2 trên thế giới “đứng yên” trong năm thứ hai liên tiếp trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng 3,1%, sau khi tăng 3,4% năm 2014 – TTXVN đưa tin.
Sự phát triển của các nguồn
năng lượng tái tạo lý giải cho kết quả tích cực kể trên, với năng lượng sạch chiếm tới 90% sản lượng điện tăng thêm của thế giới trong năm 2015. Trong đó, điện gió chiếm hơn 50% tổng sản lượng điện sạch. Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol cho chuyển biến trên là một sự khích lệ đối với cuộc chiến chống biến đổi khí hậu của thế giới chỉ một vài tháng sau thỏa thuận lịch sử đạt được tại Hội nghị chống biến đổi khí hậu lần thứ 21 của Liên hợp quốc (COP21) ở Paris (Pháp).
Liên hợp quốc ca ngợi Nhật Bản là hình mẫu đối phó thảm họa
Nhật Bản đã khiến cả thế giới phải nghiêng mình khi kiên cường vượt qua những mất mát sau
thảm họa động đất sóng thần, cũng như chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với những tình huống thiên tai có thể xảy ra trong tương lai. Đây là khẳng định của Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon nhân dịp Nhật Bản tưởng niệm 5 năm ngày xảy ra thảm họa kép làm ít nhất 18.000 người thiệt mạng và mất tích, tàn phá nặng nề khu vực Đông Bắc và kéo theo cuộc khủng hoảng hạt nhân tồi tệ nhất trong lịch sử thời bình của quốc gia này – theo TTXVN.
Trong một tuyên bố ngày 10/3, Ông Ban Ki-moon nhấn mạnh Nhật Bản đã trải qua một thảm họa tự nhiên “chưa từng có” trong lịch sử, mà qua đó cả thế giới bắt đầu nhận ra “bản chất khó lường của các mức độ rủi ro và thảm họa.” Hiện Nhật Bản vẫn đang tiếp tục những nỗ lực tái thiết cũng như tìm cách tránh lặp lại thảm họa, trong đó nâng cao khả năng đối phó với sóng thần. Đến nay, Nhật Bản đã đi được một nửa chặng đường trong kế hoạch 10 năm tái thiết được chính phủ đưa ra năm 2011. Theo giới chức Nhật Bản, công tác phục hồi và tái thiết đã có những kết quả nhất định, nhưng còn thiếu sót. Tất cả sẽ được hoàn thiện trên mọi khía cạnh trong vòng 5 năm tới, nhằm là đem lại sự hồi sinh cho tỉnh Fukushima - khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự cố hạt nhân.
Đội bồ câu đeo cảm biến đang theo dõi mức độ ô nhiễm không khí ở London
Tinhte đưa tin Công ty Plume Labs ở Anh đang triển khai chương trình sử dụng bồ câu để đo mức độ ô nhiễm không khí tại thành phố London. Những chú bồ câu này sẽ đeo lên người một "bộ áo" có đính các cảm biến để ghi nhận nồng độ chất độc hại trong không khí ở các nơi mà chú bay qua, bao gồm lượng ozone, các hợp chất lạ, nồng độ CO2... Ngoài ra bộ áo đó còn có GPS nhưng tất cả chỉ nặng có 25g nên không làm ảnh hưởng đến việc bay lượn của chim.
Plume Labs nói thêm rằng đội bay của họ là chim bồ câu đua nên có sức sống cao hơn gấp 3 lần so với chim bồ câu hoang vì chúng được chăm sẵn rất kĩ, có cả bác sĩ riêng. Đội bay đầu tiên đã "cất cánh" hôm qua và nếu ở Anh, bạn còn có thể tweet để yêu cầu @PigeonAir đến kiểm tra không khí xung quanh khu nhà của bạn nữa. Mục tiêu chính của Plume Labs với dự án này không phải là kiếm lợi nhuận mà là để tăng độ nhận biết của người dân về việc ô nhiễm không khí ở London. "Khi nói về ô nhiễm, chúng ta thường nghĩ đến Bắc Kinh và nhiều nơi khác, nhưng cũng có nhiều ngày ở ngay tại London còn ô nhiễm và độc hơn ở Bắc Kinh, đó là sự thật".