Chương trình khởi động Chiến dịch Giờ Trái Đất 2016 được thiết kế với hàng loạt các hoạt động hấp dẫn như gian hàng các sản phẩm xanh, khu chụp hình 60+, các trò chơi tập thể vui nhộn, các tiết mục văn nghệ đặc sắc và giao lưu với các đại sứ. Chiến dịch Giờ Trái Đất được khởi xướng từ năm 2007 bởi Quỹ WWF nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về biến đổi khí hậu và
tiết kiệm năng lượng trên toàn thế giới. Chiến dịch đã nhận được sự hưởng ứng của hơn 7.000 thành phố thuộc 172 nước trên thế giới.
Việt Nam giành giải nhất sáng chế xe tiết kiệm nhiên liệu châu Á
Chiều 6/3, ông Lâm Thành Hiển - Hiệu phó trường Đại học Lạc Hồng (Đồng Nai) - cho biết đội thi LH-Gold Energy của trường đã đoạt giải nhất cuộc thi Chế tạo xe tiết kiệm nhiên liệu châu Á lần thứ 7 (Shell Eco Marthon Asia) thể loại mô hình đô thị, vừa kết thúc tại thủ đô Manila, Philipines. Theo VnExpress, sau 5 chặng thi, LH-Gold Energi là đội chạy được quãng đường dài nhất, 185 km, nhưng chỉ tốn một lít xăng sinh học Ethanol. Đội Cikal Ethanol của Indonesia đạt hạng nhì với thành tích 183 km mỗi lít. Cùng thể loại này, tại cuộc thi năm 2015, đội LH-Gold Energi cũng đoạt giải nhất với thành tích chạy 164,4 km/một lít xăng Ethanol E100. Cuộc thi Shell Eco-marathon ra đời vào năm 1985 ở Pháp và được tổ chức lần đầu ở châu Á vào năm 2010, tại Malaysia.
Năm nay, cuộc thi diễn ra từ ngày 3 đến 6/3 với hơn 100 đội tham gia đến từ khu vực châu Á, Trung Đông và châu Phi. Việt Nam có 7 trường đại học, cao đẳng tham dự với 11 đội xe nhưng chỉ có 6 đội vượt qua được vòng kỹ thuật. Ngoài giải nhất của Đại học Lạc Hồng, đội tuyển Việt Nam còn được giải ba của đội thi đến từ trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP HCM. Với chiến thắng này, đội LH-Gold Energy sẽ là một trong số các đội đại diện cho Châu Á tham dự cuộc thi xe tiết kiệm nhiên liệu thế giới tại Vương quốc Anh trong thời gian tới.
523 tỷ đồng hỗ trợ các tỉnh khắc phục hạn hán, xâm nhập mặn
Thủ tướng Chính phủ tiếp tục hỗ trợ 523,7 tỷ đồng cho 34 địa phương từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2016 để khắc phục hậu quả hạn hán và
xâm nhập mặn vụ Đông Xuân năm 2015 - 2016. 34 địa phương được hỗ trợ gồm: Hà Giang 17,3 tỷ đồng; Tuyên Quang 12,8 tỷ đồng; Cao Bằng 4,8 tỷ đồng; Lạng Sơn 16,8 tỷ đồng; Yên Bái 17,7 tỷ đồng; Thái Nguyên 18,7 tỷ đồng; Bắc Kạn 16,1 tỷ đồng; Bắc Giang 15 tỷ đồng; Hòa Bình 16,2 tỷ đồng; Điện Biên 13,1 tỷ đồng; Quảng Ninh 12,5 tỷ đồng; Hải Dương 20,4 tỷ đồng; Hưng Yên 14,1 tỷ đồng; Vĩnh Phúc 9,7 tỷ đồng; Bắc Ninh 5,1 tỷ đồng; Hà Nam 20,7 tỷ đồng; Nam Định 21,2 tỷ đồng; Ninh Bình 20,8 tỷ đồng; Thái Bình 17,5 tỷ đồng; Quảng Bình 8,4 tỷ đồng; Quảng Trị 19,6 tỷ đồng; Quảng Nam 12,8 tỷ đồng; Bình Thuận 21,9 tỷ đồng; Kon Tum 17,6 tỷ đồng; Bình Phước 14,9 tỷ đồng; Bến Tre 14,2 tỷ đồng; Trà Vinh 13,3 tỷ đồng; Vĩnh Long 20,4 tỷ đồng; Sóc Trăng 10,8 tỷ đồng; An Giang 15,6 tỷ đồng; Đồng Tháp 18,2 tỷ đồng; Kiên Giang 16,5 tỷ đồng; Bạc Liêu 11,1 tỷ đồng; Cà Mau 17,9 tỷ đồng.
Trước đó, tháng 2/2016, Thủ tướng Chính phủ cũng đã quyết định hỗ trợ 85,1 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2015 cho 6 tỉnh: Quảng Trị, Đắk Lắk, Đắk Nông, Long An, An Giang, Đồng Tháp để khắc phục hậu quả hạn hán và xâm nhập mặn vụ Hè Thu năm 2015. Theo dự báo, tháng 3 sẽ là cao điểm của
khô hạn, xâm nhập mặn và tình trạng này sẽ kéo dài tới tháng 6/2016. Vì vậy, chúng ta phải tập trung cao độ, huy động các nguồn lực, triển khai thực hiện hiệu quả, đồng bộ các giải pháp phòng chống hạn, xâm nhập mặn với mục tiêu cuối cùng là giảm được tối đa thiệt hại do hậu quả của hạn hán, xâm nhập mặn gây ra.
Ô nhiễm không khí ở Hà Nội vượt mức cho phép
Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên – Môi trường) cho biết, số liệu quan trắc của Trạm quan trắc môi trường không khí tự động đặt tại số 556 Nguyễn Văn Cừ (Long Biên, Hà Nội) cho thấy, trong những ngày từ 27-2 đến ngày 2-3,
ô nhiễm không khí tăng cao tại Hà Nội.
Lượng bụi trong không khí vượt giá trị giới hạn cho phép, có nơi tới 1,78 lần. Nguyên nhân được cho là, những ngày qua, thời tiết ở Hà Nội khá hanh khô, độ ẩm không khí xuống mức thấp, có lúc chỉ đạt 62%. Ngoài ra, các hoạt động giao thông đô thị cũng khiến gia tăng ô nhiễm khói bụi. Trong giờ giao thông cao điểm, nồng độ
khói bụi trong không khí ở mức cao hơn bình thường – theo Công An Nhân Dân.
Việt Nam nâng cấp khả năng đo mưa, dự báo bão và giông sét
Nhằm tăng cường quản lý rủi ro thiên tai trong bối cảnh
biến đổi khí hậu đang ngày gia tăng, chiều nay (8/3), Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia - Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức lễ khởi động dự án “Nâng cấp khả năng đo mưa, dự báo bão và giông sét” được triển khai trên phạm vi cả nước. Dự án nâng cấp khả năng đo mưa, dự báo bão và giông sét của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia được triển khai trong khoảng thời gian 3 năm (từ 2016 đến 2018), với tổng vốn đầu tư 20,228 triệu ero từ nguồn ODA vay ưu đãi của Chính phủ Phần Lan, và hơn 168,3 tỷ đồng từ nguồn vốn của Chính phủ Việt Nam – theo TTXVN.
Theo dự kiến của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, các hoạt động chính của dự án sẽ được triển khai tại 27 địa điểm và trải rộng trên 15 tỉnh, thành phố. Trong đó đầu tư xây dựng mới, đồng bộ 5 trạm ra đa thời tiết; nâng cấp 3 trạm ra đa thời tiết hiện có; đầu tư mới 18 trạm phát triển giông sét tại Trung tâm Khí tượng Thủy văn các tỉnh. Ngoài ra, dự án cũng hướng tới việc đào tạo đội ngũ cán bộ vận hành, bảo trì hệ thống thiết bị quan trắc; khai thác vận hành hệ thống trung tâm; khai thác, ứng dụng hệ thống phần mềm, phát triển các sản phẩm dự báo
thời tiết tại Việt Nam...
THẾ GIỚI
Nồng độ CO2 trong khí quyển tăng kỷ lục trong năm 2015
Trong một báo cáo về mức độ CO2 trong
khí quyển được công bố ngày 10/3, Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) cho biết trong năm 2015, tốc độ tăng trưởng hàng năm của nồng độ CO2 trong khí quyển là 3,05 phần triệu (ppm), mức tăng hàng năm lớn nhất trong vòng 56 năm qua. Năm ngoái cũng được ghi nhận là năm thứ 4 liên tiếp lượng khí CO2 tăng hơn 2 ppm. Báo cáo cũng cho biết nồng độ khí CO2 trung bình hàng tháng trên toàn cầu đã đạt 402,59 ppm vào tháng Hai vừa qua – theo TTXVN.
Nhận định về vấn đề này, các nhà khoa học của NOAA cảnh báo nồng độ
CO2 đang ngày càng tăng nhanh hơn so với hàng nghìn năm trước. Theo họ, hai nguyên nhân chính dẫn đến sự nhảy vọt của nồng độ CO2 trong khí quyển là do hiện tượng thời tiết cực đoan như El Nino và việc đốt nhiên liệu hóa thạch. Các chuyên gia cho rằng tác động của El Nino đối với sự tích tụ nồng độ CO2 là một hiện tượng tự nhiên mang tính chất tạm thời, trong khi nguyên nhân chủ yếu và lâu dài chính là sự gia tăng của lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính do hậu quả từ các hoạt động của con người. Họ khuyến cáo chính phủ các nước cần triển khai những hành động khẩn cấp để giảm thiểu lượng khí CO2 nhằm giới hạn mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới mức 2 độ C.
La liệt xác động vật chết khô tại vườn thú bi thương nhất thế giới
Theo dailymail, cuộc xung đột nhiều năm giữa Israel-Palestine không những gây ra thương đau cho người dân địa phương mà còn là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự sống còn của các loài
động vật. Khan Younis ở Dải Gaza đã trở thành vườn thú bi thương nhất thế giới: các con vật chịu cảnh chết đói vì thiếu thức ăn, bên trong các lồng sắt không còn là những còn thú sống mà chúng đã trở thành xác khô. Khan Younis là một trong 5 vườn thú ở Dải Gaza, được xây dựng vào năm 2007 bởi Mohammed Awaida. Cuối năm 2008, Israel tấn công Phong trào Hamas, vườn thú chịu ảnh hưởng nặng nề, một số lượng lớn động vật đã chết.
Mùa Hè 2014, xung đột Israel-Palestine lại tái diễn và kéo dài 3 tuần. Nhân viên tại
vườn thú không còn cách nào khác phải tháo chạy. Khi đó, hàng trăm động vật trong tình trạng không có người chăm sóc và cuối cùng chỉ có 2 con sống sót. Amir Khalil nói rằng Khan Younis là một trong những vườn thú khốn khổ nhất thế giới. Nó là cái lồng, cũng là địa ngục ở các con thú. Những con thú sống sót của vườn thú này đã được chuyển đến Amman của Jordan. Cơ quan trú ẩn khẩn cấp cho động vật địa phương sẽ bảo vệ và chữa trị cho những con thú đó. Tuy nhiên, số lượng những con thú sống sót thì ít hơn nhiều so với số lượng con đã chết – theo TTXVN.
Ấn Độ cung cấp thông tin dự báo thời tiết cho Đông Nam Á
Truyền thông Ấn Độ ngày 8/3 cho biết nước này đã khẳng định cam kết với Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) về việc cung cấp thông tin dự báo thời tiết cho khu vực Nam và Đông Nam Á nhằm giảm nhẹ thiệt hại về người và của do thảm họa thiên nhiên gây ra. Trong cuộc điện đàm với Tổng Thư ký WMO Petteri Taalas ngày 7/3, Bộ trưởng Khoa học Công nghệ Ấn Độ Harsh Vardhan cam kết Ấn Độ sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp các dịch vụ, tư vấn thời tiết cho khu vực Đông Nam Á để giảm thiểu thiệt hại về người và của do thảm họa thiên nhiên.
Về phần mình, Tổng Thư ký WMO nêu rõ WMO hoàn toàn ủng hộ và hy vọng Ấn Độ sẽ tiếp tục đóng vai trò hàng đầu trong hoạt động quan trắc, dịch vụ và xây dựng năng lực về khí tượng cho các nước đang phát triển. Ấn Độ hiện cung cấp thông tin dự báo/cảnh báo thời tiết liên quan tới lốc xoáy và sóng thần cho các nước ở Nam và Đông Nam Á cũng như các nước ở vành đại châu Đại Dương – theo TTXVN.
Cuba - quốc gia duy nhất đạt tiêu chuẩn phát triển bền vững
Báo cáo mới công bố của Quỹ Bảo tồn thiên nhiên hoang dã thế giới (WWF) kết luận Cuba hiện là quốc gia duy nhất trên thế giới đạt tiêu chuẩn phát triển bền vững. Theo phóng viên TTXVN tại La Habana, công trình được WWF tiến hành 2 năm/lần đánh giá mức độ phát triển bền vững dựa trên 2 yếu tố là chỉ số phát triển con người – theo thống kê chính thức của Liên hợp quốc (LHQ) và chỉ số “dấu chân sinh thái” – nói cách khác là mức độ tiêu thụ năng lượng và tài nguyên tính theo bình quân đầu người.
Ông Jonathan Loh, một trong những tác giả của báo cáo này, khẳng định chỉ có Cuba đồng thời đạt mức thỏa mãn tối thiểu ở cả hai chỉ số. Cuba đạt mức độ phát triển con người theo đánh giá của LHQ, với tỷ lệ biết đọc biết viết hay tuổi thọ trung bình đều ở mức cao, đồng thời không thuộc diện quốc gia tiêu thụ nhiều năng lượng hay tài nguyên thiên nhiên. Xét theo khu vực, Mỹ Latinh cũng ở gần chuẩn bền vững nhất, với Brazil và Mexico cũng rất gần mức đạt cả hai tiêu chuẩn tối thiểu. Trong khi đó, châu Phi là nơi có nhiều nước đạt chuẩn về “dấu chân sinh thái” (tiêu thụ tài nguyên thấp) nhưng lại không đạt chuẩn về phát triển con người, trong khi châu Âu gặp tình huống hoàn toàn đảo ngược. Ông Loh nhận xét kết quả báo cáo cho thấy Mỹ Latinh và Caribe là khu vực người dân hạnh phúc nhất - kết quả của sự phát triển cân bằng với môi trường tự nhiên.
Chú chim cánh cụt mỗi năm vượt 8.000km thăm người cứu mạng
Con chim cánh cụt không cho ai đụng vào mình trừ ông Joao Pereira de Souza, 71 tuổi, người cứu mạng nó trên một bãi biển Brazil năm 2011. Lúc đó con chim cánh cụt Magellan Nam Mỹ, được đặt tên Dindim, đang trong tình trạng sắp chết, toàn thân phủ đầy dầu. Ông De Souza đã mang nó về, lau sạch cho nó, cho nó ăn uống… Sau khi khỏe lại, Dindim cứ lưu luyến không muốn rời đi. Tuy nhiên cuối cùng nó vẫn phải đi. Một năm sau, De Souza bất ngờ khi thấy nó lại xuất hiện. Rồi đều đặn những năm sau, nó đều trở về "thăm" ông.
Ước tính quãng đường nó đã vượt qua để đến gặp De Souza là 8.000km. Thường nó đến vào tháng 6 và rời đi vào tháng 2 hàng năm. "Tôi yêu nó như con và tôi tin rằng nó cũng yêu tôi", ông De Souza nói với Globo TV. "Mỗi năm, tôi thấy nó tình cảm hơn và thậm chí hạnh phúc hơn khi nhìn thấy tôi", ông kể. “Tôi chưa từng gặp trường hợp nào như thế này. Tôi nghĩ con chim cánh cụt tin ông Joao là một phần của gia đình nó. Khi nhìn thấy ông ấy, nó lúc lắc cái đuôi như con chó mừng chủ và kêu lên đầy vui thích", nhà sinh vật học Joao Paulo Krajewski nói.