Vietnamese English
Điểm tin môi trường trong tuần

2/20/2016 11:03:00 AM

Hạn hán và xâm nhập mặn sẽ lên mức kỷ lục; Di sản thế giới Vịnh Hạ Long sẽ bao gồm cả quần đảo Cát Bà?; Mỗi năm hơn 5,5 triệu người chết sớm do ô nhiễm; Thế giới vừa trải qua tháng 1 nóng nhất trong lịch sử hiện đạil; … là trong số những thông tin sự kiện môi trường đáng chú ý trong tuần.

VIỆT NAM

Hạn hán và xâm nhập mặn sẽ lên mức kỷ lục


Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp&Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát vừa đưa ra nhận định: Hạn hán và xâm nhập mặn năm nay sẽ lên mức kỷ lục và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống người dân. Nhận định trên không chỉ dành cho vùng ĐBSCL mà với cả Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, khi hiện nay mực nước nhiều sông suối ở khu vực này vẫn tiếp tục giảm sâu, thậm chí được dự báo còn thấp hơn mức trung bình của nhiều năm qua từ 60 đến 80%. Nếu như năm 2015 được xem là năm nắng nóng gay gắt nhất trong vòng 60 năm qua ở khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, khiến đời sống sản xuất cũng như sinh hoạt của người dân nơi đây bị đảo lộn thì ngay trong đầu năm 2016, tình hình hạn hán ở khu vực này còn được nhận định sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, thậm chí khốc liệt hơn cả năm ngoái - theo VTV.


Điểm đặc biệt là hạn hán năm nay đến sớm hơn 1 tháng so với các năm trước và dự báo sẽ kéo dài tới tận tháng 6. Trong khi đó, do ảnh hưởng của El Nino, lượng mưa ít khiến dung tích trữ nước tại nhiều hồ chứa Nam Trung Bộ và Tây Nguyên vẫn ở mức thấp, chỉ đạt khoảng 50% dung tích thiết kế, thậm chí có hồ chỉ còn 30%. Đến thời điểm hiện tại, tổng dung tích của 20 hồ chứa trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận chỉ còn khoảng 68 triệu m3, chưa bằng 35% dung tích thiết kế. Do thiếu nước, nhiều người dân đã phải đi mua nước để sinh hoạt với giá lên tới gần 100.000 đồng một khối.

Di sản thế giới Vịnh Hạ Long sẽ bao gồm cả quần đảo Cát Bà?

Theo thông tin từ Bộ Tài nguyên và môi trường, vừa qua, Văn phòng Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên thế giới (IUCN) tại Việt Nam đã có công văn khẳng định sự cần thiết của việc mở rộng Vịnh Hạ Long với quần đảo Cát Bà để xây dựng hồ sơ đề cử Di sản thế giới. Việc mở rộng Vịnh Hạ Long với quần đảo Cát Bà là nhằm xây dựng hồ sơ đề cử Di sản thế giới. Trong Công văn số 09/IUCNVN/2016, IUCN khẳng định sự ủng hộ mình và các tổ chức quốc tế, cơ quan, nhà khoa học liên quan tại nhiều diễn đàn thảo luận về vấn đề này – theo BizLIVE.

Theo IUCN, việc đề cử quần đảo Cát Bà là Di sản thế giới nhằm gìn giữ, bảo tồn, duy trì giá trị đặc hữu về đa dạng sinh học cho các thế hệ mai sau. Bên cạnh đó, giúp chúng ta nhận thức rõ quần đảo Cát Bà là quà tặng vô giá của thiên nhiên cho con người, là niềm tự hào của mỗi người dân Việt Nam. Được biết, tới đây một Hội nghị về triển khai xây dựng hồ sơ đề cử Vịnh Hạ Long mở rộng với quần đảo Cát Bà trình UNESCO công nhận Di sản thế giới sẽ được tổ chức tại Quảng Ninh. Quần đảo Cát Bà là quần thể gồm hơn 360 đảo trong đó có đảo Cát Bà ở phía Nam vịnh Hạ Long, ngoài khơi thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh, cách trung tâm thành phố Hải Phòng khoảng 30km, cách thành phố Hạ Long khoảng 25km. Nơi đây đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Chốt phương án xử lý xác cụ rùa Hồ Gươm

Các nhà khoa học đã chốt phương án xử lý xác cá thể rùa Hoàn Kiếm (cụ rùa) là bảo quản lâu dài, nhưng chưa rõ cách bảo quản. PGS.TS Hà Đình Đức, người có nhiều năm theo dõi cụ rùa, cho hay các nhà khoa học đã đề xuất ba phương án là bảo quản ướt (ngâm xác rùa trong hóa chất), bảo quản khô hoặc làm tiêu bản. Thế nhưng, PGS.TS Lê Xuân Cảnh, nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cho rằng việc bảo quản xác rùa là việc làm phổ biến trên thế giới, không phức tạp về kỹ thuật. Hai phương án được dùng phổ biến là bảo quản khô và bảo quản ướt. Bảo quản ướt bằng cách xây dựng bể chứa, ngâm mẫu vật trong cồn. Ưu điểm của phương pháp này là mẫu vật được bảo quản nguyên trạng, nằm trong bể nên gần gũi với điều kiện ngoài tự nhiên, chi phí rẻ, yêu cầu kỹ thuật không phức tạp. Mẫu vật được bảo quản lâu dài, có thể phục vụ để làm các nghiên cứu khác như phân tích gene, bảo tồn gene.

Trong khi, theo TS Vũ Ngọc Thành, người có kinh nghiệm làm tiêu bản rùa, nếu bảo quản ướt thì dùng cồn bơm vào các bộ phận nhiều cơ của cụ rùa, sau đó định hình con vật và ngâm vào trong cồn.  Phương án này phải thay cồn thường xuyên. Khi ngâm mẫu vật trong cồn một số dịch, mùn có thể tiết ra nên phải rửa bể thường xuyên. Phương án bảo quản khô, theo ông Cảnh, yêu cầu cao về mặt kỹ thuật, chế tác phải đảm bảo, không làm hư hại, việc bảo quản phải đáp ứng một số điều kiện. Còn phương án làm tiêu bản, theo TS Vũ Ngọc Thành, đầu tiên phải lấy hết nội tạng, sau đó bơm thuốc chống thối vào chỗ có nhiều cơ, tiếp đó là sấy và bôi thuốc chống mốc. “Trong quá trình sấy, diềm thịt ở mai dễ bị teo lại. Để tránh việc này người ta thường dùng vật liệu nhân tạo để làm giống miếng thịt đó và tạo màu hình khối”, tiến sĩ Thành nói. Chính vì việc sử dụng phương án nào trong ba phương án trên còn nhiều tranh luận, nên việc quyết định phương án cuối cùng sẽ được chốt vào cuộc họp diễn ra thời gian tới.

THẾ GIỚI

Thế giới vừa trải qua tháng 1 nóng nhất trong lịch sử hiện đại


Cơ quan quản lý Khí quyển và Đại dương của Mỹ (NOAA) ngày 17/2 cho biết tháng 1 vừa qua là tháng 1 nóng nhất thời hiện đại, diễn biến được xem là mới nhất trong chuỗi kỷ lục về nhiệt độ đang làm gia tăng mối lo ngại về tốc độ biến đổi khí hậu toàn cầu. Theo NOAA, nhiệt độ trung bình trên đất liền và các bề mặt đại dương trong tháng qua cao hơn 1,87 độ Fahrenheit (1,04 độ C), so với nhiệt độ trung bình của các tháng 1 trong thế kỷ 20. Đây là nhiệt độ trung bình cao nhất của tháng 1 kể từ khi các dữ liệu nhiệt độ bắt đầu được ghi lại hồi năm 1880, cao hơn 0,29 độ F (0,16 độ C) so với mức kỷ lục trước đó được ghi nhận hồi năm 2007 – theo TTXVN.

Đây còn là tháng thứ 9 liên tiếp phá kỷ lục của tháng về nhiệt độ toàn cầu sau khi năm 2015 được ghi nhận là năm nóng kỷ lục. Nhiệt độ trung bình trên bề mặt Trái Đất trong tháng 1 đã tăng 2,81 độ F (1,56 độ C) so với nhiệt độ trung bình tháng này của thế kỷ 20, trong khi nhiệt độ trên bề mặt đại dương cao hơn 1,55 độ F (0,86 độ C) so với nhiệt độ trung bình của thế kỷ 20. Cũng theo NOAA, tháng 1 vừa qua, diện tích băng trung bình bao phủ ở Bắc Băng Dương thấp hơn 7,14% so với mức trung bình trong thời gian từ năm 1981 đến 2010, mức thấp kỷ lục về diện tích băng kể từ năm 1979.

2/3 dân số thế giới đang sống trong tình trạng thiếu nước ngọt

Một nghiên cứu vừa được công bố trên Tạp chí Science Advanced của Mỹ cho thấy 4 tỷ người trên hành tinh (tương đương 2/3 nhân loại) đang sống trong tình trạng thiếu nước ngọt và ít nhất một tháng trong năm họ không được đáp ứng đầy đủ nhu cầu về nước sạch. Theo kết quả nghiên cứu trên của hai chuyên gia Mesfin Mekonnen và Arjen Hoekstra thuộc Đại học Twente (Hà Lan), con số 2/3 nhân loại thiếu nước sinh hoạt cao hơn nhiều so với những dự báo trước đây – TTXVN đưa tin.

Đáng quan ngại hơn cả là việc có 500 triệu người trên thế giới đang phải sống trong tình trạng thiếu nước kinh niên. Tại châu Á, ngoài hai nước nhỏ là Bangladesh và Pakistan, Ấn Độ cùng Trung Quốc cũng phải đối diện với thực trạng đáng quan ngại, khi có gần 2 tỷ người không đủ nước sạch để đáp ứng cho cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Trong khi đó, Mexico và Mỹ là hai quốc gia phải đối mặt với hiện tượng khan hiếm nước lớn nhất tại châu Mỹ. Xét riêng ở Mỹ, hiện tượng này tại các bang Florida, Texas và California thậm chí đang trở nên đáng báo động.

El Nino gây ra thiệt hại nghiêm trọng ở Trung Mỹ, châu Á và châu Phi

Hiện tượng El Nino ảnh hưởng nặng nề đến nhiều nước ở Trung Mỹ, châu Phi và châu Á. Zimbabwe đã tuyên bố tình trạng thiên tai ở một số vùng của đất nước, còn Ethiopia đã thông báo cần nhiều viện trợ lương thực để ngăn chặn sự gia tăng số lượng các trường hợp suy dinh dưỡng. El Nino có một ảnh hưởng tai hại ở các nước Trung Mỹ, ở một số vùng của châu Phi và châu Á, những nơi đã phải hứng chịu một đợt hạn hán dẫn tới  cuộc khủng hoảng lương thực trầm trọng. Trong khi đó, Zimbabwe đã tuyên bố tình trạng thiên tai ở một số vùng của đất nước. Theo báo cáo, 2,4 triệu người –  tức là khoảng một phần tư dân số – cần viện trợ lương thực vì hạn hán đã phá hủy mùa màng.

Ở Haiti, 3,6 triệu người bị ảnh hưởng bởi mất an ninh lương thực, còn mùa vụ của nông dân bị thiệt hại đáng kể, theo Euronews. Roger Bonifacio, một chuyên gia về khí hậu của Chương trình Lương thực Thế giới, cho biết đây là do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino bắt đầu từ năm 2015, và “những tác động của nó sẽ được cảm nhận cho đến đầu năm sau và nó đã trải rộng về mặt địa lý. El Nino đã ảnh hưởng đến mùa vụ ở Trung Mỹ”. Hiện tượng El Nino từ năm 2015 là một trong những đợt mạnh nhất từng được ghi nhận, thậm chí còn mạnh hơn đợt năm 1997. Trung bình, hiện tượng xảy ra mỗi 3 đến 5 năm, khi nước ở vùng xích đạo của Thái Bình Dương ấm lên đáng kể và ảnh hưởng đến mô hình thời tiết toàn cầu.

Mỗi năm hơn 5,5 triệu người chết sớm do ô nhiễm

Theo một nghiên cứu vừa công bố, ô nhiễm không khí khiến hơn 5,5 triệu người chết sớm mỗi năm. Trong đó Trung Quốc và Ấn Độ chiếm đến 55% số ca tử vong. Ở hai nước này, các nhà máy điện, nhà máy công nghiệp, khí thải xe, hoạt động đốt than và gỗ... sản sinh vô số hạt bụi nhỏ đi sâu vào phổi gây nguy hiểm cho sức khỏe con người. Theo dữ liệu do dự án "Global Burden of Disease" của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố, năm 2013, Trung Quốc có 1,6 triệu người chết sớm vì ô nhiễm, trong khi con số này ở Ấn Độ là 1,4 triệu người – theo Tuổi Trẻ.

Tại Trung Quốc, đốt than là thủ phạm chính gây ô nhiễm, khiến hơn 366.000 người chết trong năm 2013. Còn tại Ấn Độ, thói quen đốt củi, phân gia súc... để nấu nướng và sưởi ấm khiến hàng triệu gia đình phải thường xuyên tiếp xúc với các hạt bụi nhỏ có hại cho sức khỏe ở nồng độ cao. "Ô nhiễm không khí là yếu tố nguy cơ gây tử vong cao thứ tư trên toàn cầu và hiện là yếu tố gây bệnh tật hàng đầu trong nhóm môi trường", BBC ngày 13-2 dẫn lời giáo sư Michael Brauer tại ĐH British Columbia, Canada và là thành viên nhóm nghiên cứu nói.

Vụ thử hạt nhân của Triều Tiên có nguy cơ làm núi lửa phun trào

Theo Sputnik, một nhóm các nhà địa chấn học thuộc Đại học Yonsei ở Seoul (Hàn Quốc) khẳng định các vụ thử hạt nhân dưới lòng đất của Triều Tiên có khả năng dẫn đến hiện tượng núi lửa Paektusan trên biên giới với Trung Quốc phun trào dung nham – TTXVN đưa tins.

Theo hãng tin Renhap, các nhà khoa học cho rằng những vụ nổ hạt nhân dưới lòng đất nằm cách núi lửa Paektusan 116km đã từng phun trào lần cuối vào hồi năm 1903, sẽ tác động đến hoạt động của núi lửa này. Việc Triều Tiên tiến hành 4 vụ thử hạt nhân vào các năm 2006, 2009, 2013 và ngày 6/1/2016 đã gây ra loạt trận động đất nhân tạo. Theo các nhà nghiên cứu Hàn Quốc, những chấn động này có khả năng tác động đến núi lửa chứa nham thạch và dẫn tới hiện tượng phun trào dung nham.

Theo Minh Cường (MOITRUONG.COM.VN)

Lượt xem : 2375