Vietnamese English
Điểm tin môi trường trong tuần

1/30/2016 9:43:00 AM

Hà Nội rét nhất kể từ năm 1977; Chính phủ yêu cầu EVN đẩy mạnh bảo vệ môi trường; Họa sỹ Việt Nam duy nhất tham dự "Trái đất xanh"; Trung Quốc: Ô nhiễm làm tăng số người bị ung thư; Nhật Bản xây Nhà máy điện Mặt Trời nổi lớn nhất thế giới; ExxonMobil dự báo khí thải toàn cầu giảm vào năm 2040; … là trong số những thông tin sự kiện môi trường đáng chú ý diễn ra trong tuần.

VIỆT NAM

Hà Nội rét nhất kể từ năm 1977
 

'Mức nhiệt 5,4 độ C ở Hà Đông sáng 24/1 là thấp nhất từ năm 1977 tới nay, Ba Vì chưa bao giờ có tuyết kéo dài như vậy', ông Lê Thanh Hải, Phó tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trao đổi với VnExpress. So với trung bình nhiều năm, rét đậm, rét hại mùa đông 2015-2016 đến hơi muộn. Bình thường đợt rét nhất mùa đông rơi vào cuối tháng 12 sau Noel, nhưng nay phải đến cuối tháng 1 mới có.

Lần đầu tiên trạm khí tượng Sa Pa (Lào Cai) nhiệt độ xuống -4,2 độ C; trạm Mẫu Sơn (Lạng Sơn) chưa khi nào ghi nhận mức nhiệt -4,4 độ C như 13h trưa 24/1. Tuyết rơi, băng giá xuất hiện khá dày ở hầu khắp các điểm cao. Năm 2008 miền Bắc từng trải qua đợt rét đậm, rét hại kéo dài 38 ngày từ 13/1 đến 20/2, băng tuyết cũng xuất hiện trên đỉnh Mẫu Sơn (Lạng Sơn) và Hoàng Liên Sơn (Lào Cai) khi nhiệt độ chỉ còn -2 và -3 độ C. Nhưng Hà Nội khi ấy nền nhiệt vẫn cao hơn bây giờ, đạt 6,7 độ C. Dự báo trong tháng 2 còn 2-3 đợt rét đậm, rét hại nữa, nhưng khả năng lặp lại như đợt kỷ lục lần này rất ít.

Chính phủ yêu cầu EVN đẩy mạnh bảo vệ môi trường

Theo tin từ Văn phòng Chính phủ ngày 27.1, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa yêu cầu Tập đoàn điện lực VN (EVN) đẩy mạnh thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường trong đầu tư xây dựng các công trình điện, đặc biệt là đáp ứng các quy định về bảo vệ môi trường trong quá trình xây dựng và vận hành các nhà máy nhiệt điện than.

Bên cạnh đó, theo Phó thủ tướng, hiện nay, việc giá điện và giá than đã được thực hiện theo cơ chế thị trường. Dó đó EVN cần xây dựng phương án giá điện theo biến động của các yếu tố đầu vào trong đó có giá khí và giá than cho sản xuất điện; trường hợp đặc biệt, EVN báo cáo Bộ Công thương và Bộ Tài chính để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng – theo Thanh Niên.

Giảm cả triệu đồng mỗi tháng nhờ tiết kiệm điện

Ban Chỉ đạo cung ứng và tiết kiệm điện TP HCM cho biết có gần 600.000 hộ gia đình đã tiết kiệm điện so với năm 2014, giảm trên 450 triệu kWh. Trong giai đoạn 2013-2015 có trên 2 triệu hộ gia đình tiết kiệm điện, tổng giảm khoảng 1,35 tỉ kWh. Đợt này có 480 hộ gia đình được công nhận Gia đình tiết kiệm điện tiêu biểu cấp thành phố năm 2015. Năm 2016 sẽ tiếp tục chương trình thi đua Gia đình tiết kiệm điện. Nguyên tắc là năm sau tiêu thụ điện giảm trên 10% so với năm trước thì được xem xét công nhận - theo PLO.
 
Trong số những hộ được khen thưởng, có hộ đã đầu tư hệ thống pin năng lượng mặt trời, giảm được 1 triệu đồng tiền điện mỗi tháng, có hộ nhờ thay đổi hệ thống đèn sang đèn led và đèn tiết kiệm điện, có hộ chuyển từ máy nước nóng dùng điện sang máy nước nóng năng lượng mặt trời...Phần lớn các hộ gia đình thay đổi thói quen để tiết kiệm điện như thường xuyên nhớ tắt đèn, quạt khi ra khỏi phòng, hạn chế dùng máy lạnh mà tận dụng gió trời...

“Du lịch nhặt rác” trên bán đảo Sơn Trà

Đó là việc làm âm thầm được nhiều nhóm tình nguyện, sinh viên các trường ĐH, CĐ trên địa bàn TP Đà Nẵng tổ chức vào ngày chủ nhật cuối tuần ở những tuyến đường, khu du lịch quanh bán đảo Sơn Trà. Không ai quen ai, nhưng khi nghe lời kêu gọi trên mạng từ ban quản lý bán đảo Sơn Trà (Q.Sơn Trà, TP Đà Nẵng) cùng Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet), hàng trăm bạn trẻ đã hưởng ứng nhiệt tình – theo Tuổi Trẻ.

Vừa được phân chia nhóm, túi đựng rác, chổi, cào..., nhiều nhóm đã tranh thủ xuất phát thu gom rác ngay từ sáng sớm. Theo chân một nhóm bạn trẻ đến từ Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng gom rác ở khu vực Hồ Xanh mới thấy được tình yêu thiên nhiên của các bạn. Chưa đầy hai giờ, các bạn đã đi bộ hơn 3km gom tất cả loại rác mà du khách, người đến tham quan thải ra môi trường. Toàn bộ số rác nhặt trong ngày được các bạn tập trung lại, sau đó phân loại rồi bán gây quỹ làm các tấm panô, bảng biển tuyên truyền bảo vệ môi trường. Các bạn trẻ tâm sự công việc này như một hành trình du lịch: du lịch nhặt rác.

Họa sỹ Việt Nam duy nhất tham dự "Trái đất xanh"

Họa sỹ Nguyễn Mai Hương là đại diện duy nhất của Việt Nam tham dự triển lãm và hội thảo mỹ thuật quốc tế Olympia 2016, một sự kiện mỹ thuật lớn trên thế giới vừa diễn ra tại Ấn Độ. Với tác phẩm “Biển thức” được vẽ bằng chất liệu acrylic, chị vinh dự góp mặt tại sự kiện cùng 56 nghệ sỹ đến từ nhiều quốc gia trên thế giới.

Với chủ đề “Trái đất xanh, triển lãm và hội thảo mỹ thuật quốc tế Olympia 2016 được tổ chức nhằm tăng cường sự hiểu biết của công chúng về nghệ thuật đương đại và thúc đẩy sự sáng tạo. An Ninh Thủ Đô cho biết Chương trình diễn ra từ ngày 16 đến 22/1 và do Hiệp hội Mỹ thuật Olympia tổ chức. Với lối vẽ biểu hiện trừu tượng, họa sỹ Mai Hương đã thể hiện vẻ đẹp dịu dàng của biển khi ban tặng sự sống và sự dữ dội của biển khi bị con người khai thác quá mức cùng nạn ô nhiễm môi trường.

THẾ GIỚI

Trung Quốc: Ô nhiễm làm tăng số người bị ung thư

Theo một báo cáo nghiên cứu được công bố ngày 26/1 trên Tạp chí về Ung thư dành cho các bác sỹ lâm sàng, phát hành tại bang California của Mỹ, tình trạng viêm nhiễm mạn tính, hút thuốc và ô nhiễm đã làm gia tăng số trường hợp bị ung thư ở Trung Quốc. Riêng trong năm 2015, ước tính đã có tới 4,3 triệu trường hợp mới được chẩn đoán mắc ung thư và 2,8 triệu trường hợp đã tử vong ở nước này. Báo cáo cho biết ung thư phổi là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do ung thư ở Trung Quốc và đây là một vấn đề lớn đối với ngành y tế của quốc gia có 1,37 tỷ dân này – TTXVN cho biết.

Báo cáo được soạn thảo dựa trên các số liệu do 72 cơ quan đăng ký điều trị ung thư cung cấp trong thời gian từ năm 2009-2011. Dựa theo những số liệu đó, các nhà nghiên cứu đã dự đoán sẽ có 4,292 triệu trường hợp mới được chẩn đoán mắc ung thư xâm lấn ở Trung Quốc trong năm 2015, tương đương 12.000 trường hợp mới mắc ung thư được chẩn đoán mỗi ngày và 7.500 trường hợp tử vong do căn bệnh này. Tỷ lệ tử vong do ung thư ở nam giới Trung Quốc khá cao, với 166 người chết/100.000 trường hợp - cao gấp khoảng 2 lần so với nữ giới.

Nhật Bản xây Nhà máy điện Mặt Trời nổi lớn nhất thế giới

Tập đoàn Kyocera đã khởi công xây dựng nhà máy điện Mặt Trời nổi lớn nhất thế giới tại thành phố Ichihara, tỉnh Chiba, Nhật Bản. Trong thông báo công bố với báo chí, Tập đoàn Kyocera và Công ty Century Tokyo Leasing cho biết đây là dự án liên doanh giữa Kyocera và Century Tokyo Leasing. Dự án được khởi công vào tháng 12/2015 tại hồ chứa nước Yamakura, do Cơ quan Quản lý Công của tỉnh Chiba điều hành. Nhà máy sẽ được lắp đặt khoảng 51.000 module trên diện tích bề mặt nước 180.000m2, có công suất phát diện 16,170 MWh/năm, cung cấp điện cho khoảng 4.970 hộ gia đình. Theo kế hoạch, nhà máy này sẽ được khởi động trong tài khóa 2018.

Dự án này do Cơ quản Quản lý Công tỉnh Chiba giới thiệu vào tháng 10/2014 với mục tiêu giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Theo ước tính của Kyocera, công suất phát điện của nhà máy tương đương với lượng điện do tiêu thụ 19.000 thùng dầu và 8.170 tấn khí CO2 thải ra bầu khí quyển. Dự án tại hồ chứa nước Yamakura sẽ là nhà máy điện Mặt trời nổi thứ tư của Kyocera sau hai nhà máy được vận hành vào tháng 3/2015 và một nhà máy được khởi động vào tháng 6/2015 – theo Vietnam+.

ExxonMobil dự báo khí thải toàn cầu giảm vào năm 2040

Tập đoàn dầu khí ExxonMobil cho biết nhu cầu năng lượng toàn cầu tăng một phần do dân số toàn cầu tăng, dự báo tới năm 2040, số người toàn thế giới sẽ tăng lên 9 tỷ người. Dầu lửa vẫn sẽ tiếp tục là nguồn năng lượng phổ biến nhất, song khí tự nhiên sẽ vươn lên trở thành phương án lựa chọn số hai trong khi than đá trở nên ít được ưa chuộng do các chế tài mạnh tay về giảm khí thải CO2. Sự thay đổi này sẽ tạo điều kiện để nền kinh tế toàn cầu giảm tới 50% "cường độ sử dụng carbon" hiện tại – theo TTXVN.

Ngày 25/1, ExxonMobil công bố dự báo cho biết từ nay tới năm 2040, nhu cầu tiêu thụ năng lượng toàn cầu sẽ tăng 25%, nhưng thế giới chuyển hướng sang sử dụng các nguồn năng lượng ít carbon sẽ giúp giảm lượng khí thải nhà kính trong hoạt động công nghiệp. Khoảng 40% tăng trưởng trong nhu cầu năng lượng từ giờ tới năm 2040 sẽ đến từ năng lượng hạt nhân và các nguồn năng lượng tái tạo khác, bao gồm năng lượng sinh học, thủy điện, nhiệt điện, năng lượng gió và Mặt Trời. Ngược lại, lượng than đá sử dụng toàn cầu được dự kiến sẽ giảm, với tỷ lệ điện sản xuất từ than đá xuống còn 30% trong năm 2040 so với 40% của năm 2014. ExxonMobil dự báo lượng khí thải CO2 toàn cầu sẽ đạt đỉnh vào năm 2030 và sau đó bắt đầu đi xuống. Lượng khí thải của Trung Quốc, nước đứng đầu thế giới về khí thải công nghiệp gây ô nhiễm hiện nay, cũng sẽ chạm trần trong năm 2030 trước khi giảm dần. Tuy nhiên, lượng khí thải tại Ấn Độ và một số nền kinh tế đang phát triển khác vẫn sẽ tiếp tục tăng.

Vườn thú Trung Quốc đắp chăn cho cá sấu trong cái rét kỷ lục

Các vườn thú ở Trung Quốc phải sử dụng đến chăn ấm, đèn sưởi và lồng gỗ để giúp các con vật vượt qua đợt giá lạnh kỷ lục đang hoành hành tại quốc gia này.

Phần lớn lãnh thổ Trung Quốc đang trải qua đợt giá lạnh tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ gần đây với nhiệt độ tại nhiều nơi xuống dưới âm 40 độ C – theo TTXVN.

Đồng hồ Tận thế chỉ còn 3 phút nữa sẽ điểm

Sau khi nhích thêm 2 phút vào đầu năm 2015, hiện Đồng hồ Tận thế của loài người vẫn giữ ở 11h57 ngay cả khi thế giới đã đạt được thỏa thuận lịch sử về biến đổi khí hậu và thỏa thuận nhân Iran-phương Tây. Các nhà khoa học của tạp chí Bulletin of the Atomic Scientists (Bản tin khoa học nguyên tử) thuộc Đại học Chicago tại Mỹ ngày 26/1 tuyên bố, đồng hồ Tận thế chỉ còn 3 phút nữa là đến nửa đêm. Thời điểm “nửa đêm” ngầm chỉ thời khắc thế giới có nguy cơ bị hủy diệt bởi vũ khí hạt nhân, những công nghệ nguy hiểm do chính con người tạo ra hay các thiên tai thảm họa. Năm ngoái, đồng hồ này đã điều chỉnh tiến 2 phút, cách thời điểm nửa đêm 3 phút do mối đe dọa từ biến đổi khí hậu và các mối đe dọa từ vũ khí hạt nhân - theo Dân Trí.

Sang đến năm nay, mặc dù thế giới đã đạt được thỏa thuận về biến đổi khí hậu tại Hội nghị COP 21 ở Pháp và Iran đạt thỏa thuận hạt nhân với phương Tây, nhưng đồng hồ Tận thế vẫn đứng nguyên. Điều này sở dĩ bởi lo ngại căng thẳng giữa Nga và Mỹ, xung đột leo thang ở Trung Đông cũng như đợt thử nghiệm hạt nhân lần 4 vào hôm 6/1 vừa qua của Triều Tiên, thông cáo của Bulletin of the Atomic Scientists. Ngoài ra, đó còn là mối đe dọa từ biến đổi khí hậu khi năm 2015 được ghi nhận là năm nóng nhất trong lịch sử trong bối cảnh hiện tượng El Nino kéo theo tình hình thời tiết cực đoan ghi nhận mạnh nhất kể năm 1998.Đồng hồ Tận thế là một đồng hồ mang tính tượng trưng được lãnh đạo tạp chí Bulletin of the Atomic Scientists lập nên nhằm đưa ra mức độ cảnh báo về nguy cơ hủy diệt phạm vi toàn cầu. Hiểm họa hủy diệt, đặc biệt từ hạt nhân càng lớn thì đồng hồ càng được điều chỉnh về gần nửa đêm (12h hay 0 giờ). Mối đe dọa hủy diệt với thế giới hiện nay đến từ tất cả những loại vũ khí hủy diệt hàng loạt, biến đổi khí hậu… Năm 1953, đồng hồ Tận thế thậm chí đã nhích lên 11h58 sau khi Mỹ tuyên bố thử nghiệm bom nhiệt hạch.

Theo Minh Cường (moitruong.com.vn)

Lượt xem : 2072