Vietnamese English
Điểm tin môi trường trong tuần

1/16/2016 7:57:00 AM

Phát động chiến dịch “Tắt đèn bật ý tưởng” hưởng ứng Giờ Trái đất 2016; Thi viết về rừng và môi trường; Việt Nam đứng thứ tư thế giới về số dự án Cơ chế phát triển sạch; Thị trấn không bỏ phí rác thải; Trái Đất có thể bị siêu núi lửa tàn phá trong 80 năm tới; … là trong số những thông tin sự kiện môi trường đáng chú ý trong tuần.

VIỆT NAM

Phát động chiến dịch “Tắt đèn bật ý tưởng” hưởng ứng Giờ Trái đất 2016


Chiều 14/01, tại TP Hà Nội, Ban Dự án Môi trường của Công ty TNHH TM BOO đã tổ chức họp báo phát động Chiến dịch “Tắt đèn Bật ý tưởng 2016” hưởng ứng sự kiện Giờ Trái đất - một sự kiện thường niên của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) diễn ra vào tháng 3 hằng năm trên toàn thế giới. Năm 2016 với mục tiêu kết nối các bạn trẻ trên cả nước thông qua chuỗi sự kiện nhằm truyền tải thông điệp về Giờ Trái đất - Bình chọn thành phố tôi yêu - Năng lượng bền vững, chiến dịch “Tắt đèn Bật ý tưởng 2016” sẽ là nơi kết nối kết nối các nhóm/ Câu lạc bộ /Tổ chức thanh niên hành động vì môi trường cùng chung tay vì mục tiêu chung chống biến đổi khí hậu.
 

Buổi phát động chiến dịch với sự đồng hành của 3 đại sứ Top 11 Hoa hậu Thế giới 2015 Trần Ngọc Lan Khuê, Vlogger Jvevermind và thủ lĩnh trẻ Hoàng Đức Minh cùng sự góp mặt của rất nhiều báo giới, MC, nghệ sĩ, ca sĩ nổi tiếng đã đồng hành cùng với sự kiện trong nhiều năm qua như Quỳnh Anh Shyn, Đinh Mạnh Ninh, Hà Okio, Trần Ngọc, v.v... Với sự tham gia của cộng đồng, đặc biệt là các bạn trẻ Việt Nam, chiến dịch Tắt đèn bật ý tưởng 2016 sẽ là hoạt động đầy ý nghĩa, lan tỏa sự tham gia của mọi người cùng sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, qua đó đóng góp vào việc giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường.

Thi viết về rừng và môi trường

Tiến tới Kỷ niệm Kỷ niệm 10 năm Thành lập Tạp chí Rừng và Môi trường (26/5/2006 - 26/5/2016) và Hưởng ứng ngày Môi trường thế giới 5/6/2016, Nhân các sự kiện quan trọng này, Ban biên tập Tạp chí Rừng và Môi trường phát động cuộc Thi viết về Bảo vệ rừng và Môi trường - Lần thứ 2 năm 2016. Thể loại tác phẩm dự thi: Bài viết, Bài phản ánh, Phỏng vấn, Bình luận, Phóng sự, Ký sự, Bút ký, Truyện ngắn, Phóng sự ảnh. Tác phẩm hợp lệ phải là bài viết, bài phản ánh, phỏng vấn, bình luận, ký sự, bút ký, phóng sự, truyện ngắn, với số lượng từ 500 đến dưới 1.500 từ, phóng sự ảnh không quá 10 ảnh khổ 13 cm x 18 cm (ảnh chụp thực tế không qua chỉnh sửa); bài, ảnh chưa in trên các báo và tạp chí Trung ương, địa phương hoặc trên các phương tiện thông tin đại chúng khác.

Trong thời gian diễn ra cuộc thi, tác phẩm dự thi không được gửi in sách, báo hay tạp chí, bản tin, đặc san, chuyên đề nào khác. (kể từ ngày Ban tổ chức phát động cuộc thi). Thời gian dự thi : Từ ngày 22/ 01/2016 đến ngày 22/05/2016. (xem thông tin trên trang điện tử. www.moitruongvadoisong.vn/ baovemoitruong.org.vn). Tác giả có tác phẩm dự thi ghi rõ tên (bút danh), số CMND, số điện thoại , Email, địa chỉ liên hệ. Địa chỉ gửi bài và liên hệ: Tòa soạn Tạp chí Rừng và Môi trường Số 114 đường Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy, Tp. Hà Nội. Điện thoại: 04. 37541311 - Email : rungvamoitruong@gmail.com.

Thi bảo vệ môi trường

Tổng cục Môi trường và Trung ương Đoàn phối hợp tổ chức lần đầu tiên giải thưởng "Sáng tạo xanh" bảo vệ môi trường. Theo đó, giải thưởng kỳ vọng nhận được các ý tưởng, mô hình về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững các lĩnh vực như: tiết kiệm năng lượng, sản phẩm thân thiện với môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, tái chế xử lý rác thải - nước thải - khí thải, các giải pháp về mặt chính sách, giáo dục môi trường, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và bảo vệ môi trường...

Thanh thiếu niên Việt Nam từ 6 - 30 tuổi đều có thể dự thi cá nhân hoặc theo nhóm (tối đa ba người/nhóm). Bài dự thi được các tỉnh, thành đoàn tập hợp và gửi về Ban thanh niên nông thôn Trung ương Đoàn (62 Bà Triệu, Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội) trước ngày 30/6.

Việt Nam đứng thứ tư thế giới về số dự án Cơ chế phát triển sạch

TTXVN dẫn lời Giáo sư Tiến sỹ Trần Thục, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn Ủy ban Quốc gia về Biến đổi khí hậu cho biết, Việt Nam đã và đang làm tốt các hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu. Tính đến tháng 6/2015, Việt Nam đã có 254 dự án Cơ chế phát triển sạch (CDM) được Ban chấp hành quốc tế về CDM (EB) công nhận. Trong tổng 254 dự án, các dự án về năng lượng chiếm 87,6%, xử lý chất thải chiếm 10,2%, trồng rừng và tái tạo rừng chiếm 0,4%, các loại khác chiếm 1,8%.

Việt Nam xếp thứ tư trên thế giới về số lượng dự án, với tổng lượng khí nhà kính tiềm năng giảm khoảng 137,4 triệu tấn CO2 tương đương trong thời kỳ tín dụng. Số chứng chỉ giảm phát thải được chứng nhận do EB cấp đến nay trên 12 triệu, đứng thứ 11 trên thế giới. Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chính sách về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, như: Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả...Từ nay đến năm 2018, Việt Nam phải nghiên cứu sâu, tập trung mọi nguồn lực có thể để đưa ra chiến lược dài hạn về giảm nhẹ phát thải nhà kính và thích ứng biến đổi khí hậu giai đoạn 2012-2030. Dự án “Việt Nam: Xây dựng Thông báo quốc gia lần thứ ba cho Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu” được thực hiện trong thời gian 3 năm (từ đầu năm 2016-cuối năm 2018), với tổng số vốn 630.000 USD.

Bổ sung trên 141 tỷ đồng kinh phí tổng điều tra rừng toàn quốc

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định bổ sung trên 141 tỷ đồng cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và 13 tỉnh từ nguồn dự toán chi sự nghiệp kinh tế của ngân sách Trung ương năm 2015 để thực hiện Dự án “Tổng điều tra, kiểm kê rừng toàn quốc giai đoạn 2013-2016.” 13 tỉnh được bổ sung kinh phí gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Tháp, Hậu Giang và An Giang. Dự án “Tổng điều tra, kiểm kê rừng toàn quốc giai đoạn 2013-2016” nhằm xác định và nắm bắt được diện tích rừng, trữ lượng rừng và diện tích đất chưa có rừng được quy hoạch cho mục đích lâm nghiệp gắn với chủ quản lý cụ thể trên phạm vi cả nước; thiết lập hồ sơ quản lý rừng và xây dựng cơ sở dữ liệu rừng và đất chưa có rừng.
 
Thành quả của dự án là cơ sở để thực hiện theo dõi diễn biến rừng và đất rừng hàng năm và việc lập quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng từ Trung ương đến địa phương, đồng thời là thông tin phục vụ cho công tác giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp và làm căn cứ thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng – theo TTXVN.

Đầu tư gần 90 tỉ đồng xây dựng khu xử lý chất thải rắn y tế

Thanh Niên cho viết chiều 11/1, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên và Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi Lê Quang Thích ký văn bản thỏa thuận tài trợ đầu tư xây dựng dự án khu xử lý chất thải rắn y tế tập trung. Đây là dự án do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ, được Bộ Y tế triển khai thí điểm đầu tiên tại Quảng Ngãi.

Diện tích khu xử lý là 8.000 m2 tại bãi chôn lấp rác Nghĩa Kỳ (xã Nghĩa Kỳ H.Tư Nghĩa), với tổng mức đầu tư gần 90 tỉ đồng, trong đó WB tài trợ hơn 62 tỉ đồng, còn lại là vốn đối ứng của tỉnh Quảng Ngãi. Quy mô dự án sẽ xử lý khoảng 800 kg/ngày đêm chất thải y tế nguy hại theo công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường.

THẾ GIỚI

Tỷ lệ tử vong và ung thư tăng mạnh ở khu vực ô nhiễm nhất Italy

Viện Y tế tối cao của Italy (ISS) vừa cho biết tỷ lệ tử vong và mắc ung thư ở vùng Terra dei fuochi (Đất lửa), tập hợp 55 địa phương cấp xã ở các tỉnh Naples và Caserta thuộc miền Nam Italy, cao gấp nhiều lần tỷ lệ trung bình trên toàn quốc. Báo cáo của ISS - cơ quan nghiên cứu cấp quốc gia trên lĩnh vực y tế công, trực thuộc Bộ Y tế Italy, cho hay vùng đất nêu trên là nơi ô nhiễm nhất tại nước này – theo TTXVN.

Việc mafia thực hiện các vụ chôn cất và thiêu hủy rác thải độc hại trái phép kéo dài nhiều năm qua tại đây đã gây tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân và ảnh hưởng lớn đến cả trẻ em, khiến tỷ lệ ung thư trong trẻ em cao gấp 4 lần mức trung bình trên toàn quốc. Nghiên cứu của ISS cho biết các chất thải độc hại được chôn trong đất đã thấm sâu vào nước sinh hoạt, trong khi khói độc từ các vụ đốt chất thải mà mafia thực hiện đã gây tác động xấu đến người dân sống trong khu vực này. Trong các năm từ 2013 đến 2015, cảnh sát môi trường và cơ quan bài trừ mafia quốc gia Italy đã phát hiện hàng nghìn tấn chất thải công nghiệp vô cùng độc hại được chôn sâu dưới đất ở khu vực này.

Bắc Kinh đóng cửa 2.500 công ty để chống ô nhiễm

Tân Hoa Xã ngày 9/1 cho biết, 2.500 công ty trên 4 quận ở thủ đô Bắc Kinh bị buộc phải ngừng hoạt động trước cuối năm 2016. Các quận này đều là 4 nơi bị ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Cũng trong ngày 9/1, Bộ Môi trường Trung Quốc cảnh báo sương mù dày đặc sẽ xuất hiện trở lại từ tuần tới ở Bắc Kinh, tỉnh Hà Bắc và các vùng lân cận của tỉnh Thiên Tân. Số liệu chính thức cho thấy chỉ số PM2.5 của Trung Quốc năm 2015 là 80,6 microgram/mét khối, cao gấp 1,3 lần tiêu chuẩn quốc gia – theo Zing.

Ô nhiễm là chủ đề nhức nhối trong xã hội Trung Quốc. Reuters ước tính hàng nghìn cuộc biểu tình diễn ra mỗi năm ở nước này để phản đối tình trạng ô nhiễm môi trường. Hồi tháng 12/2015, Bắc Kinh lần thứ hai phải ra "báo động đỏ" do không khí ô nhiễm nghiêm trọng, buộc các trường học phải đóng cửa và tạm ngưng những công trình xây dựng ngoài trời. Dù Bắc Kinh tuyên bố đẩy mạnh việc giảm tiêu thụ than và đóng cửa những cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm, các quan chức ngành môi trường Trung Quốc thừa nhận sẽ không thể đạt mục tiêu cải thiện chất lượng không khí cho đến năm 2030.

Thị trấn không bỏ phí rác thải

Người dân thị trấn Kamikatsu (Nhật Bản) bấy lâu nay vẫn giữ thói quen tự giác đưa mọi đồ phế liệu đi tái chế theo một trình tự nhất định. Kamikatsu không có xe chở rác nên người dân phải tự ủ rác ở nhà. Họ cũng phải rửa và tự phân loại rác ra làm 34 nhóm khác nhau, rồi mang đến trung tâm tái chế đổ vào đúng thùng, đúng loại quy định. Phải mất một khoảng thời gian khá dài để người dân có thể làm quen với quy định này, nhưng bây giờ việc này đã trở thành thói quen của cả cộng đồng người dân nơi đây.

Với dân số hơn 1.700 người, Kamikatsu tái chế khoảng 80% rác thải, chỉ có 20% được tập kết ra bãi rác. Trong suốt 13 năm, thị trấn này đã thận trọng quản lý rác thải và đang đưa ra tuyên bố đầy tham vọng: Trở thành cộng đồng đầu tiên không có rác ở Nhật vào 2020 – theo Đại Đoàn Kết.

Biến rác thải thành năng lượng tại Đức

Không chỉ đơn thuần là xử lý, mà tại Đức còn có rất nhiều nhà máy hiện đại tái chế rác thải thành nguồn năng lượng hữu dụng. Đều đặn mỗi ngày, những chuyến xe tải chở rác lại đổ về điểm tập kết tại thành phố Cologne, Đức. Đây là một trong nhiều thành phố đang áp dụng công nghệ xử lý và tái chế rác thải tối tân, giúp Đức chứng minh rằng rác thải hoàn toàn có thể trở thành kho báu có ích. Nhờ có dây chuyền tái chế rác, 25% lượng điện năng thành phố tiêu thụ được sản xuất hoàn toàn từ quy trình xử lý rác thải.

Đức hiện là quốc gia đứng đầu thế giới với tỷ lệ tái chế rác thải lên tới 65%. Tuy nhiên, tác động của dân số giảm, cũng như suy thoái kinh tế đã khiến các nhà máy tái chế tại đây rơi vào cảnh thiếu rác nguyên liệu. Chính vì vậy, việc nhập khẩu rác từ các nước châu Âu khác chính là một giải pháp. Ngược lại, các nước xuất khẩu rác tới Đức như Anh, Italy, hay Thụy Sĩ cũng được hưởng lợi khi người dân không phải chịu mức thuế thu gom rác đô thị vô cùng đắt đỏ - theo VTV.

Trái Đất có thể bị siêu núi lửa tàn phá trong 80 năm tới

Theo International Business Times, trong báo cáo công bố vào năm ngoái, các chuyên gia thuộc Hiệp hội Khoa học châu Âu nhận định siêu núi lửa mang đến nhiều mối nguy hại cho loài người hơn bất kỳ hiểm họa địa chất nào khác, bao gồm thiên thạch, sóng thần, động đất hay quá trình nóng lên toàn cầu. Tuy nhiên, chính phủ các nước chưa chuẩn bị đầy đủ để đối phó với thảm họa này. Dù động đất là nguyên nhân chính gây tử vong và thiệt hại trong vài thập kỷ qua, một nguy cơ toàn cầu là những vụ phun trào núi lửa lớn không thường xuyên xảy ra nhưng có tác động lớn hơn hẳn động đất cấp cao nhất. Do ảnh hưởng sâu rộng đến khí hậu, an toàn thực phẩm, vận chuyển và cung ứng, các vụ phun trào có khả năng gây nên thảm họa trên toàn cầu. Chi phí đối phó và khả năng xử lý nằm ngoài năng lực của mọi quốc gia – theo VnExpress.

Một trong những siêu núi lửa lớn nhất thế giới đang ẩn mình tại Yellowstone. Vào tháng 4/2015, các nhà khoa học phát hiện một lượng magma khổng lồ trong lòng núi lửa bằng công nghệ địa chấn. Ngọn núi lửa phun trào lần cuối cùng cách đây 640.000 năm, bao phủ nước Mỹ dưới lớp tro dày hàng mét. Các chuyên gia tin rằng nó sẽ sớm phun trào trở lại, với xác suất là 10% trong 8 thập kỷ tới, phá hủy bờ tây nước Mỹ và ảnh hưởng đến sản xuất lương thực trên toàn thế giới. Siêu núi lửa là núi lửa phun trào hơn 1.000 km3 magma. Hai siêu núi lửa khác trên thế giới nằm ở hồ Toba, Indonesia và Atana Ignimbrite, Chile.

Theo Minh Cường (moitruong.com.vn)

Lượt xem : 2193