Vietnamese English
Điểm tin môi trường trong tuần

1/9/2016 7:38:00 AM

Thiên tai gây thiệt hại 3,3 tỉ USD; Hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả mưa bão; Có 165/209 khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung; Khai mạc hội nghị triển khai kế hoạch năm 2016 ngành TN&MT; Nhà vệ sinh không cần nước; … là trong số những thông tin sự kiện môi trường diễn ra trong tuần.

VIỆT NAM


Thiên tai gây thiệt hại 3,3 tỉ USD


Trong 5 năm qua, thiên tai tại nước ta đã làm 1.128 người chết và mất tích, thiệt hại về vật chất 3,3 tỷ USD. Sáng 8/1, Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai tổng kết công tác chỉ đạo, điều hành phòng chống thiên tai năm 2015 và 5 năm 2011-2015; kế hoạch công tác năm 2016, định hướng 2016-2020. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì. Theo Người Lao Động, trong năm 2015, thiên tai đã làm 154 người chết, trong đó có 94 người chết do lũ, lũ quét và sạt lở đất; 60 người chết do lốc, sét, không có người chết do bão; 127 người bị thương; 1.242 nhà bị đổ, sập, trôi; 35.233 nhà bị ngập, hư hỏng; hơn 445.000 ha diện tích lúa và hoa màu bị thiệt hại; hàng triệu m3 đất đá giao thông, thuỷ lợi bị sạt lở, bồi lấp. Ước tổng thiệt hại khoảng 8.114 tỉ đồng.

 


Tính chung trong 5 năm qua, thiên tai đã khiến 1.128 người chết và mất tích (trung bình mỗi năm có 226 người chết và mất tích) giảm 53% so với giai đoạn 2006-2010 (478 người chết, mất tích/năm). Thiệt hại về vật chất trung bình mỗi năm 13.647 tỉ đồng (tương đương 660 triệu USD/năm) giảm 32% so với giai đoạn 2006-2010 (976 triệu UDS/năm). 5 năm qua Thủ tướng Chính phủ cũng đã có các quyết định hỗ trợ các địa phương bị thiệt hại do thiên hai với tổng kinh phí là 7.494 tỉ đồng và 47.298 tấn gạo.
 

Hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả mưa bão


Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành sử dụng hợp lý số vốn được ngân sách Trung ương hỗ trợ để khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra. Thủ tướng Chính phủ quyết định trích 130 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2015, hỗ trợ dân sinh và khắc phục cơ sở hạ tầng thiết yếu bị thiệt hại do bão số 3 và mưa lũ từ tháng 9 tới đầu tháng 10/2015.


10 tỉnh được Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ gồm: Cao Bằng 15 tỷ đồng; Điện Biên 10 tỷ đồng; Hà Giang 15 tỷ đồng; Tuyên Quang 10 tỷ đồng; Hòa Bình 10 tỷ đồng; Vĩnh Phúc 10 tỷ đồng; Ninh Bình 10 tỷ đồng; Thanh Hóa 15 tỷ đồng; Nghệ An 15 tỷ đồng; Quảng Nam 20 tỷ đồng. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Tài chính xuất cấp 20 tấn hạt giống rau các loại từ nguồn dự trữ quốc gia cho tỉnh Thanh Hóa, nhằm hỗ trợ nhân dân vùng bị ảnh hưởng bởi mưa lũ khôi phục sản xuất. Ước tính, bão số 3 và mưa lũ từ tháng 9 tới đầu tháng 10/2015 gây thiệt hại hơn 1.300 tỷ đồng.


Có 165/209 khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung


Trong năm 2015, Bộ Tài nguyên & Môi trường đã có các giải pháp kiểm soát ô nhiễm môi trường khu kinh tế, khu công nghiệp, quản lý phế liệu, quản lý phát thải hóa chất, kiểm soát ô nhiễm xuyên biên giới đối với các hệ thống sông Hồng và sông Mê Kông. Cụ thể như: Trong năm 2015, Bộ Tài nguyên & Môi trường tiếp tục phối hợp Quỹ môi trường toàn cầu thông qua dự án “Tăng cường năng lực nhằm loại bỏ hóa chất bảo vệ thực vật POP tồn lưu tại Việt Nam” hỗ trợ xử lý 9 điểm hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu tại các tỉnh: Thái Nguyên, Nghệ An và Hà Tĩnh... với tổng kinh phí là 19 tỷ đồng. Đồng thời, Bộ tiến hành thẩm định, phê duyệt 6 Đề án cải tạo, phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản với tổng số tiền ký quỹ là 53,5 tỷ đồng; cấp mới, cấp điều chỉnh 30 Giấy phép hành nghề quản lý chất thải nguy hại.


Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường giai đoạn 2012- 2015, đã có 11 làng nghề gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng của 9 tỉnh được hỗ trợ dự án thực hiện khắc phục và cải thiện ô nhiễm, 14 điểm bị ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu được khắc phục và cải thiện; đồng thời, đã thực hiện hoàn thành thu gom xử lý nước thải ở hai lưu vực sông Nhuệ - Đáy (Thái Nguyên) và sông Đồng Nai (Đồng Nai).. Bên cạnh đó, hiện cả nước có 165/209 khu công nghiệp (tăng 17 khu công nghiệp so với năm 2014) đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung theo quy định, chiếm 79% tổng số khu công nghiệp đang hoạt động – theo Báo Hải Quan.


Khai mạc hội nghị triển khai kế hoạch năm 2016 ngành TN&MT


Sáng 5/1 tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và môi trường đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2015 và triển khai kế hoạch 2016. Năm 2015 cũng như giai đoạn 2011-2015. Nhìn lại 5 năm qua, toàn ngành đã làm tốt công tác chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; phát huy hiệu quả nguồn lực TN&MT, đóng góp quan trọng cho ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo hướng bền vững. Hệ thống chính sách, pháp luật về TN&MT cơ bản đã được hoàn thiện; nhiều đạo luật quan trọng trong các lĩnh vực quản lý của ngành đã được Quốc hội thông qua như: Luật Khoáng sản, Luật Tài nguyên nước, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường và mới đây là Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và Luật Khí tượng thủy văn.


Về kế hoạch năm 2016 và triển khai kế hoạch 5 năm 2016-2020 của ngành TN&MT, Bộ trưởng Bộ TN&MT đề nghị các đại biểu tham dự hội nghị tập trung thảo luận vào các vấn đề như: chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; tập trung xây dựng mới Luật Đo đạc và bản đồ, các văn bản dưới luật; kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ nhà nước từ Trung ương đến cơ sở; xây dựng và thực hiện các kế hoạch, chương trình đặt ra… Thực tế đó đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực, quyết tâm lớn và sáng tạo hơn trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ - theo Báo Tài nguyên & Môi trường.


Điều chỉnh tăng tổng dự toán Dự án 47


Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo về việc điều chỉnh tổng dự toán của Dự án “Điều tra, đánh giá tích hợp và dự báo biến động điều kiện tự nhiên, tài nguyên, môi trường và tai biến thiên nhiên vùng biển từ Thanh Hóa đến Bình Thuận phục vụ phát triển kinh tế biển” (Dự án 47) – theo Chinhphu.vn.


Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đồng ý điều chỉnh tăng tổng dự toán kinh phí thực hiện Dự án “Điều tra, đánh giá tích hợp và dự báo biến động điều kiện tự nhiên, tài nguyên, môi trường và tai biến thiên nhiên vùng biển từ Thanh Hóa đến Bình Thuận phục vụ phát triển kinh tế biển” từ 92.351 triệu đồng (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 116/QĐ-TTg ngày 20/01/2012) lên 102.123 triệu đồng do điều chỉnh mức lương cơ sở trong thời gian thực hiện Dự án (2013 - 2015) đối với những công việc có đơn giá chính thức theo quy định.


THẾ GIỚI

Vụ bê bối khí thải của Volkswagen có thể bị phạt hơn 90 tỉ USD


Theo thống kê tại Mỹ, đã có gần 600.000 xe do Volkswagen AG phân phối tại nước này đã vi phạm những quy định về khí thải khi đã vượt qua giới hạn cho phép lên tới 40 lần. Ngoài ra, vụ bê bối khí thải này của Volkswagen AG còn ảnh hưởng đến hàng triệu chiếc xe ô tô trên khắp thế giới. Sự việc bắt đầu xảy ra từ đầu tháng 9/2015, khi Volkswagen bị phát hiện đã cài phần mềm vào các xe sử dụng động cơ diesel, khi sử dụng phần mềm này, những mẫu xe của Volkswagen sẽ vượt qua được các cuộc thử nghiệm khí thải trong phòng thí nghiệm của Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ (EPA).


Đơn kiện Volkswagen đã được trình tại các huyện phía Đông của bang Michigan và sẽ được chuyển tới Bắc California, các cơ quan của Bộ Tư pháp Mỹ cho rằng Volkswagen AG đã vi phạm pháp luật liên quan đến Luật Khí quyển trong sạch của Mỹ. Với hậu quả này, Volkswagen AG nhiều khả năng sẽ bị phạt số tiền lên tới 90 tỷ USD, nếu ước tính mức phạt tối đa là 37.500 USD/01 chiếc xe bị phát hiện gian lận về mức khí thải và vô số tiền phạt khác được nhận, ngoài ra, nhà sản xuất ô tô nước Đức này sẽ còn phải chịu vô số đơn kiện từ các chủ xe khác liên quan đến sự việc này. Mức phạt này sẽ lớn hơn gấp nhiều lần so với con số 18 tỷ USD mà trước đó Volkswagen phải đối mặt – theo ICTnews.


Ấn Độ ưu tiên “bếp sạch” để chống biến đổi khí hậu


Việc liên tục phải tiếp xúc với khói ô nhiễm khói từ trong nhà là nguyên nhân tử vong của 4,3 triệu người trên khắp thế giới hàng năm và đặc biệt trong đó có 30% là người Ấn Độ. Ngoài ra khói bếp bao gồm carbon đen chính là một trong những tác nhân hàng đầu dẫn đến ô nhiễm môi trường. Do vậy, trong nhiều thập kỷ qua, chính phủ Ấn Độ đã nỗ lực tuyên truyền, khuyến khích người dân sử dụng các loại “bếp sạch” như bếp khí hóa sinh khối, bếp điện, bếp dầu... nhưng mới gặt hái được thành quả rất khiêm tốn.  Neha Juneja, giám đốc một công ty đồ gia dụng thân thiện với môi trường chia sẻ: "Một gia đình hiện đại điển hình tại Ấn Độ sẽ có tivi, vài chiếc điện thoại di động... nhưng căn bếp của họ thì vẫn giữ nguyên như 50 năm trước”.


Ấn Độ liệt kê “bếp sạch” là một phần trong hành động quốc gia chống biến đổi khí hậu và đã đệ trình điều này tới Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 21 (COP21). Trên thực tế, chương trình bếp sạch đã manh nha tại Ấn Độ từ những năm 50 của thế kỷ trước, nhưng trong những năm 1980 vẫn có khoảng 700 triệu người đốt gỗ và phân bò để nấu ăn. Tuy nhiều chuyên gia đánh giá việc chuyển đổi bếp nấu ăn không thể tạo ra đột phá đáng kể với môi trường nhưng Ấn Độ khẳng định rằng đó là bước đi chiến lược để cứu mạng sống và đảm bảo cân bằng năng lượng cho người nghèo. Để thể hiện quyết tâm, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Ấn Độ Piyush Goyal khẳng định cơ quan này ưu tiên hỗ trợ những người “đã chối từ năng lượng sạch trong nhiều năm trời”, được biết gần 2 triệu người Ấn Độ đã khước từ đề nghị thay bếp này – theo Báo Tin Tức.


Mỹ đã trải qua tháng 12 nóng nhất trong lịch sử hiện đại


Báo cáo của Cơ quan Khí tượng và Đại dương Quốc gia (NOAA) công bố ngày 7/1 cho biết với nước Mỹ, tháng 12 vừa qua ghi nhận mức nhiệt độ kỷ lục 3,6 độ C, cao hơn 3,3 độ C so với mức trung bình của thế kỷ 20. Các chuyên gia cho rằng độ ẩm cao đột biến là một phần nguyên nhân dẫn tới hiện tượng El Nino và khiến nhiệt độ khu vực Thái Bình Dương cận xích đạo tăng vọt trong năm nay, gây mưa lớn tại nhiều nơi trên thế giới – theo TTXVN.


Tổng lượng mưa đo được trên toàn nước Mỹ trong tháng 12 là 10cm, hơn 4cm so với mức trung bình của thế kỷ 20. Tính cả năm, 2015 là năm nước Mỹ có nhiệt độ trung bình cao thứ hai từ năm 1895 đến nay, chỉ đứng sau năm 2012. Đây cũng là năm thứ 19 liên tiếp nhiệt độ trung bình của nước Mỹ vượt mức trung bình của thế kỷ trước. Tất cả các bang đều ghi nhận mức nền nhiệt cao hơn trung bình, trong đó có bốn bang trải qua một năm nóng nhất trong lịch sử là Florida, Montana, Oregon và Washington. Có tổng cộng 10 thảm họa thời tiết và khí hậu trong năm 2015, bao gồm một đợt hạn hán, hai trận lũ, năm cơn bão lớn, một trận bão tuyết và một vụ cháy rừng, làm tổng cộng 155 người chết. Thiệt hại của mỗi đợt thiên tai ước tính lên tới hơn 1 tỷ USD.


Sản lượng ngũ cốc toàn cầu sụt giảm vì nắng nóng và hạn hán

 

Theo các báo cáo mới đăng trên tạp chí "Nature" ("Tự nhiên", Anh) số ra ngày 6/1, hạn hán và các đợt nắng nóng với mật độ và cường độ ngày càng tăng là nguyên nhân khiến sản lượng ngũ cốc giảm 10% trong giai đoạn từ năm 1964 đến năm 2007, sản lượng giảm mạnh hơn đặc biệt trong hai thập kỷ cuối của giai đoạn này và tại các quốc gia giàu có. Các nhà khoa học thực hiện nghiên cứu thông qua việc tổng hợp các số liệu về sản lượng của 16 loại ngũ cốc bao gồm ba loại quan trọng là lúa mỳ, ngô và gạo của 177 quốc gia trên toàn thế giới đã trải qua gần 3.000 đợt lũ lụt và hạn hán.


Kết quả nghiên cứu cho thấy, trong vòng 43 năm sản lượng ngũ cốc toàn cầu giảm 1,2 tỷ tấn do ảnh hưởng của các đợt nắng nóng và giảm 1,8 tỷ tấn do hạn hán, tương đương với sản lượng lúa mì và ngô toàn cầu trong năm 2013. Trong đó, giai đoạn từ năm 1985 tới năm 2007, sản lượng tiếp tục sụt giảm gần 14%, làm dấy lên nghi ngờ liệu có phải do tác động của tình trạng biến đổi khí hậu tăng lên. Đáng ngạc nhiên là, sản lượng sụt giảm mạnh hơn tại các khu vực giàu có như Mỹ, Canada và châu Âu - gần gấp đôi con số tại các quốc gia đang phát triển - theo TTXVN.


Nhà vệ sinh không cần nước


Sáng chế sử dụng công nghệ nano để xử lý chất thải của con người, dùng chính hệ thống nước thải để tạo ra nước sạch và khử mùi của nhà vệ sinh. Hưởng ứng chiến dịch toàn cầu "Thách thức tái sáng chế nhà vệ sinh" của quỹ Bill and Melinda Gates, ĐH Cranfield (Anh) đã chế tạo ra một nhà vệ sinh không cần dùng nước. Theo Reuters, nhóm nghiên cứu dùng cơ chế quay để loại bỏ phân thải vào trong bồn chứa có các phân tử nano. Cơ chế này cũng giúp ngăn mùi hôi tỏa ra từ bồn chứa – theo Tuổi Trẻ.


"Một khi chất thải được trữ trong bồn chứa chúng ta sẽ tách nước thông qua quá trình bốc hơi qua màng lọc rồi ngưng tụ lại và sẵn sàng để sử dụng như nước sinh hoạt trong nhà" - Alison Parker đứng đầu dự án cho biết. "Những mầm bệnh vẫn còn trong chất thải bên trong bồn chứa nên nước ngưng tụ căn bản là thuần khiết và sạch" - ông Parker thông tin thêm. Ông Parker cho biết mặc dù một số quốc gia phát triển đang quan tâm đặc biệt đến sáng chế toilet này nhưng nhóm thiết kế toilet hướng đến những khu vực khó tiếp cận với một nhà vệ sinh đúng chuẩn. Theo quỹ nhi đồng UNICEF của LHQ và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trên thế giới hiện có khoảng 2,4 tỉ người, hầu hết sống tại các khu vực nông thôn, sống mà không có nhà vệ sinh đàng hoàng.
 

Theo Minh Cường (moitruong.com.vn)

Lượt xem : 2096