Vietnamese English
Điểm tin môi trường trong tuần

12/28/2015 9:47:00 AM

Phát hành bộ tem kêu gọi ứng phó với biến đổi khí hậu; Công viên động vật hoang dã lớn nhất Việt Nam; Vật liệu xúc tác quang tự làm sạch; Hồ nước trên thế giới đang chết dần vì biến đổi khí hậu; 85 tỷ USD giải quyết hậu quả thiên tai trong năm 2015; 58 năm và 20.000 mảnh rác thải trên vũ trụ;… là trong số những thông tin sự kiện môi trường nổi bật trong tuần.

VIỆT NAM


Phát hành bộ tem kêu gọi ứng phó với biến đổi khí hậu


Bộ Thông tin & Truyền thông đã ký phát hành bộ tem “Việt Nam chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu”. Bộ tem gồm 4 mẫu có các bo màu tràn lề, khuôn khổ 27x38mm, do họa sĩ Tô Minh Trang, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam thiết kế. Bộ tem dùng thủ pháp đồ họa trang trí để xây dựng những hình ảnh mang tính biểu tượng cho những nội dung cụ thể của từng mẫu tem.

 


Mẫu 1: Thể hiện mô phỏng hình tượng chiếc lá có chia gân như các không gian khác nhau, thể hiện các ý tưởng về nguyên nhân gây ra biến đối khí hậu như: Chặt cây phá rừng, phát triển công nghiệp gây ra khí thải CO2, chất thải công nghiệp đổ ra sông ngòi, môi trường sống…Mẫu 2: Thể hiện các phương tiên như: anten parabon, vệ tinh viễn thông, máy bay, tàu thủy tìm kiếm cứu nạn, nói lên ý tưởng về tác dụng của truyền thông nâng cao nhận thức, kỹ năng cho người dân và các địa phương cùng cả hệ thống chính trị chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Mẫu 3: Thể hiện ý tưởng về các giải pháp khoa học như: Xây dựng nền kinh tế các bon thấp, giảm lượng phát thải khí nhà kính, xây dựng không gian cuộc sống xanh thân thiện với môi trường, trồng cây gây rừng tạo ra năng lượng sạch. Mẫu 4: Thể hiện ý tưởng về việc Việt Nam tích cực cùng cộng đồng quốc tế chung tay ứng phó với biến đổi khí hậu bằng các hoạt động thiết thực như giờ trái đât, tiết kiệm năng lượng vì một thế giới an toàn hơn. Thể hiện hình tượng trung tâm là những chiếc kim đồng hồ chỉ đúng 20h (giờ trái đất ở Việt Nam) đặt đúng trung tâm Việt Nam thể hiện quyết tâm của chúng ta cùng thế giới bảo vệ hệ thống khí hậu toàn cầu.


Công viên động vật hoang dã lớn nhất Việt Nam


Ngày 24/12/2015 - Công viên Chăm sóc và Bảo tồn Động vật Vinpearl Safari do Tập đoàn Vingroup đầu tư tại Gành Dầu, Phú Quốc đã chính thức khai trương với quy mô tầm cỡ khu vực.  Đây là vườn thú bán hoang dã đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam được xây dựng theo mô hình Safari thế giới. Sự kiện này nằm trong chuỗi hoạt động hướng tới “Năm Du lịch quốc gia 2016 - Phú Quốc - Đồng bằng sông Cửu Long”.


Công viên Chăm sóc và Bảo tồn Động vật Vinpearl Safari Phú Quốc có tổng diện tích gần 500ha, được xây dựng theo mô hình bán hoang dã, trong đó, các động vật quý hiếm được đảm bảo chăm sóc và bảo tồn trong môi trường thiên nhiên mở - An Ninh Tiền Tệ cho biết. Hiện Công viên đã có khoảng 3.000 cá thể thuộc 150 chủng loài, được sưu tầm, bảo tồn từ các động vật hoang dã quý hiếm địa phương, đồng thời quy tụ từ nhiều vùng địa sinh học đặc trưng trên thế giới như Nam Phi, Châu Âu, Úc, Mỹ... như Hổ Bengal, Linh dương A Rập, Linh dương sừng xoắn, Vượn cáo trắng đen… Đặc biệt, Vinpearl Safari Phú Quốc sẽ sở hữu những bộ sưu tập động vật quý hiếm với số lượng lớn hàng đầu Việt Nam như 200 cá thể Hồng hạc, 100 Tê giác, 60 hươu cao cổ...


Xử phạt 2,5 tỷ đồng các vụ vi phạm pháp luật về tài nguyên nước


Thông tin từ Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên & Môi trường) cho biết, trong năm 2015, cơ quan chức năng đã tổ chức thanh tra đột xuất các doanh nghiệp vi phạm pháp luật về tài nguyên nước trên phạm vi cả nước, qua đó xử phạt nhiều cơ sở vi phạm với tổng số tiền nộp ngân sách nhà nước khoảng 2,5 tỷ đồng – theo TTXVN.


Theo ông Hoàng Văn Bẩy, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, để phát hiện và xử lý các doanh nghiệp vi phạm, trong năm qua, Cục đã xây dựng Kế hoạch thanh tra, kiểm tra trọng tâm, trọng điểm trong địa bàn từng tỉnh, qua đó kịp thời phát hiện và chấn chỉnh những tồn tại trong hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước của từng lĩnh vực kinh doanh, sản xuất.


Đầu tư 10.000 tỷ đồng chống ngập


Dân trí Với 6 cống ngăn triều, 8km đê bao ven sông Sài Gòn, dự án sau khi hoàn thành sẽ góp phần giải quyết nỗi ám ảnh của người dân về tình trạng ngập do triều dâng, giúp chủ động đối phó với biến đổi khí hậu cho khu vực rộng 570 km2, với 6,5 triệu dân. UBND TPHCM vừa phê duyệt dự án “Giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1)” theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao) và giao cho một tập đoàn tư nhân làm chủ đầu tư, với tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng. Dự án được xây dựng tại các quận 1, 4, 7, 8 và huyện Nhà Bè, Bình Chánh. Dự kiến, dự án sẽ khởi công trong tháng 12/2015 và hoàn thành sau 3 năm – theo Dân Trí.


Theo chủ đầu tư,  công trình sau khi hoàn thành giải quyết được nỗi ám ảnh của người dân về tình trạng ngập do triều dâng, giúp chủ động đối phó với biến đổi khí hậu cho vùng lõi với diện tích 570 km2, khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TPHCM.


Vật liệu xúc tác quang tự làm sạch


Các nhà khoa học thuộc Viện Vật lý ứng dụng và Thiết bị khoa học (Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam) đã chế tạo thành công vật liệu xúc tác quang tự làm sạch, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, nhiễm khuẩn. Hiện nay, đã có một số sản phẩm được ứng dụng như sơn quang xúc tác, máy lọc khí, thiết bị chưng cất nước sạch… đáp ứng được nhu cầu về vật liệu và có khả năng tự làm sạch môi trường, theo tiêu chuẩn kỹ thuật của Việt Nam và thế giới.


Các sản phẩm nói trên đang được chế tạo ở quy mô pi-lốt bán công nghiệp, trong thời gian tới sẽ phối hợp với các cơ sở trong nước để mở rộng quy mô sản xuất về chủng loại, tính năng và khả năng ứng dụng – theo Nhân Dân.


THẾ GIỚI


Thượng Hải áp dụng phí khói mù để cắt giảm ô nhiễm


Theo Shanghaiist, hôm 16/12, chính quyền thành phố Thượng Hải, Trung Quốc, công bố kế hoạch áp dụng một loại thuế mới mà giới truyền thông gọi là "phí khói mù" cho những công ty gây ô nhiễm nặng xét theo lượng hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (Volatile Organic Compound - VOC). Mức phí sẽ tăng dần theo thời gian. Lúc đầu, các công ty sẽ phải trả 10 nhân dân tệ cho mỗi tấn khí VOC từ ngày 1/10/2015, sau đó tăng lên 15 nhân dân tệ vào tháng 7/2016 và 20 nhân dân tệ vào tháng 1/2017 – theo VnExpress.


Trong tương lai, mức phí sẽ mở rộng để bao gồm nhiều ngành công nghiệp hơn. Hiện nay, biểu phí được áp dụng với 12 ngành công nghiệp, gồm có đóng tàu, hóa chất xăng dầu, sản xuất ô tô, in bao bì và đồ nội thất. Các ngành mà chính phủ hy vọng xóa bỏ hoặc có tiềm năng phát triển hạn chế sẽ bị tính phí cao gấp 1,5 - 2 lần mức cơ bản. Một phát ngôn viên Cục bảo vệ môi trường Thượng Hải cho biết khí VOC góp phần quan trọng trong sự hình thành của khói mù. Đây cũng là nguồn gây ô nhiễm lớn nhất trong không khí ở Thượng Hải.


Trung Quốc: 40 thành phố cảnh báo ô nhiễm không khí


40 thành phố ở miền Bắc Trung Quốc, trong đó có Bắc Kinh và Thiên Tân đã công bố cảnh báo trước tình trạng ô nhiễm không khí. Các thành phố Bảo Định, Hàm Đan, Lan Phường và Hình Đài thuộc tỉnh Hà Bắc có tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhất, với cảnh báo màu đỏ - theo VOV.


Trung tâm quản lý ô nhiễm không không khí khẩn cấp Bắc Kinh cho biết, hôm nay, chỉ số PM2.5 (chỉ số hạt bụi có đường kính nhỏ hơn 2,5 micromet) tại Bắc Kinh có thể vượt quá mức 500 microgram/1m3 không khí, vượt xa tiêu chuẩn cho phép của Tổ chức y tế thế giới là 25 microgram/ 1m3 không khí. Mức ô nhiễm không khí này sẽ giảm trong 2 ngày tới, tuy nhiên, trong ngày mai (23/12) tình hình ô nhiễm vẫn ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân Bắc Kinh. Thành phố cảng Thiên Tân ở miền Bắc Trung Quốc và 12 thành phố khác tại tỉnh Hà Bắc, Hồ Bắc và Sơn Đông đã công bố cảnh báo màu da cam, mức cao thứ 2. 17 thành phố khác tại Trung Quốc cũng đã phải công bố cảnh báo màu vàng và 5 thành phố đưa ra cảnh báo màu xanh khi tình trạng ô nhiễm không khí lan rộng tại Trung Quốc.


Hồ nước trên thế giới đang chết dần vì biến đổi khí hậu


Trong nghiên cứu được công bố mới đây, các chuyên gia cho biết họ sử dụng dữ liệu thời tiết vệ tinh được ghi lại trong hơn 25 năm và các phép đo bề mặt ở 235 hồ nước trên 6 lục địa. Kết quả cho thấy nhiệt độ hồ nước trên thế giới đang ấm hơn trung bình khoảng 0,61 độ qua mỗi thập kỷ. Con số này cao hơn cả tốc độ nóng lên của đại dương hoặc không khí, và có thể tác động rất lớn đến hệ sinh thái, nguồn nước ngọt.


Nếu nhiệt độ tiếp tục tăng trong thế kỷ tới, tảo biển sẽ sinh sôi nhanh chóng và hút hết oxy trong nước, gây độc cho cá và các loài sinh vật. Phát thải khí methane có thể tăng 4% trong 10 năm tới. Trong khi đó, nhiệt độ nước ảnh hưởng đến nhiều đặc tính quan trọng đối với sự tồn tại của các hệ sinh thái. Khi mức nhiệt dao động nhanh trên quy mô lớn, các dạng sống trong hồ nước có thể thay đổi đáng kể và thậm chí biến mất. Hồ nhiệt đới ít tăng nhiệt độ, nhưng tác động chung của tình trạng ấm lên toàn cầu vẫn ảnh hưởng đến các loài cá – theo Zing.


85 tỷ USD giải quyết hậu quả thiên tai trong năm 2015


Con số 85 tỷ USD phải bỏ ra để giải quyết hậu quả thiên tai trong năm 2015, được Công ty Tái bảo hiểm Swiss Re của Thụy Sỹ công bố hôm 18/12 cho thấy, thảm họa thiên tai vẫn là vấn đề lớn mang tính toàn cầu. Nếu như con số 85 tỷ USD chủ yếu liên quan đến việc bồi thường do thiên tai mà các hãng bảo hiểm phải bỏ ra, thì con số thiệt hại tổng thể do thảm họa thiên tai như động đất, lũ lụt, hạn hán và lốc xoáy gây ra với nền kinh tế thế giới là từ 250-300 tỷ USD/năm. Để bù đắp những thiệt hại do thiên tai gây ra, các quốc gia cần khoản dự phòng lên tới 314 tỷ USD/năm – theo An Ninh Thủ Đô.


Theo nghiên cứu chi tiết, năm 2015, riêng bồi thường thiệt hại về thiên tai lên tới 74 tỷ USD, trong đó trận bão mùa Đông hồi tháng 2-2015 ở Mỹ chiếm kỷ lục bồi thường bảo hiểm lên tới 2,7 tỷ USD. Trong khi đó, trận động đất ở Nepal - khiến 9.000 người thiệt mạng, phá hủy 500.000 căn nhà - ước tính thiệt hại kinh tế tới 6 tỷ USD. Tuy nhiên, các hãng bảo hiểm chỉ phải bồi thường số tiền 160 triệu USD. Năm 2015 còn được xem là nóng kỷ lục khi có 5.000 người thiệt mạng trên thế giới, trong đó, riêng số người tử vong do thời tiết nóng ở Ấn Độ và Pakistan là 3.000 người khi nhiệt độ lên tới 48 độ C. Theo các nhà khoa học, đầu tư vào việc giảm bớt nguy cơ xảy ra thiên tai tuy rất tốn kém, song có thể đạt hiệu quả cao. Chẳng hạn, với khoản đầu tư 6 tỷ USD mỗi năm dành cho các biện pháp giảm thiểu thiên tai, thế giới có thể tránh được thiệt hại lên tới 360 tỷ USD trong vòng 15 năm tới.

58 năm và 20.000 mảnh rác thải trên vũ trụ


Nếu bạn đã nghe nói nhiều về rác thải không gian và những mối đe dọa của nó đối với các sứ mạng vũ trụ thì đoạn video sau đây sẽ phần nào giúp bạn hình dung điều đó khủng khiếp như thế nào. Trong đoạn video dài 1 phút do giáo sư Đại học Stuart Grey thực hiện, chúng ta sẽ nhìn thấy quá trình dồn tích của rác thải không gian, từ chỉ vài mảnh vào thời điểm 1957, khi Sputnik được phóng lên cho tới năm 2015 hiện nay với gần 20.000 mảnh vỡ.


Chỉ trong vòng 58 năm, lượng rác thải trên vũ trụ đã tăng từ 1 vài mảnh lên tới 5000 khi con người đặt chân lên Mặt Trăng năm 1980, sau đó lên 9000 vào năm 2007 và cuối cùng là con số 20.000, dường như che phủ cả Trái Đất hiện nay. Thông thường, các mảnh vỡ này sẽ di chuyển quanh Trái Đất với tốc độ hơn 7600 m/s, và nếu các phi hành gia, tàu không gian vô tình va chạm vào thì thật sự là một thảm họa. Mặt khác, các mảnh vỡ này có kích thước rất khác nhau và tất nhiên một số cũng có kích thước khá lớn. Trước giờ, các nhà nghiên cứu luôn tìm cách "quét dọn" lượng rác thải này nhưng cho tới nay nhưng phần lớn đều chỉ dừng lại ở mức độ ý tưởng và do đó, cho tới hiện tại thì bước ra không gian không phải là điều quá an toàn – theo Tinhte.
 

Theo Minh Cường (MOITRUONG.COM.VN)

Lượt xem : 1998