Vietnamese English
Điểm tin môi trường trong tuần

12/21/2015 10:52:00 AM

Phát động cuộc thi Giải thưởng Sáng tạo xanh; 1 đổi 1 vì môi trường; Việt Nam sẽ góp 1 triệu USD vào Quỹ Khí hậu xanh thế giới; Thỏa thuận khí hậu Paris "bỏ sót" vấn đề ô nhiễm hàng không; Thế giới cần 16.500 tỷ USD để hiện thực hóa Thỏa thuận Paris; … là trong số những thông tin sự kiện môi trường nổi bật trong tuần.

VIỆT NAM

Phát động cuộc thi Giải thưởng Sáng tạo xanh


Từ ngày 15/12 đến ngày 30/6/2016, các tác giả có ý tưởng, mô hình tiêu biểu về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững có thể gửi tới cuộc thi Giải thưởng Sáng tạo xanh lần thứ nhất để “ẵm” giải, góp phần tạo ra những thay đổi tích cực về nhận thức và hành động của cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ đối với môi trường. TTXVN cho biết tại buổi lễ phát động diễn ra chiều 11/12 tại trường Trung học Vinschool - thành phố Hà Nội, đại diện Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên & Môi trường) cho biết, Giải thưởng Sáng tạo xanh dành cho những người trong độ tuổi từ 6-30 đang sinh sống và học tập tại Việt Nam.



 
Giải thưởng của mỗi nhóm gồm: 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 4 giải Khuyến khích, với tổng giá trị giải thưởng lên tới 134 triệu đồng và một số giải xuất sắc sẽ được hỗ trợ kinh phí để phát triển ý tưởng. Tác giả có ý tưởng, mô hình tiêu biểu về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững có thể gửi dự thi Giải thưởng Sáng tạo xanh qua bưu điện về Trung tâm Đào tạo và Truyền thông môi trường, Tổng cục Môi trường. Địa chỉ, 556 Nguyễn Văn Cừ, Long Biên, Hà Nội. Điện thoại: 04 224 15 273.

1 đổi 1 vì môi trường

Ngày 12/12/2015, Công ty Cổ phần Tập đoàn PAN và các công ty thành viên gồm Công ty giống cây trồng Trung Ương (NSC), Công ty Giống cây trồng miền Nam (SSC), Công ty CP Thực phẩm PAN (PAN Food) …..đã thực hiện chương trình có tên gọi “1 đổi 1 vì môi trường” tại xã Giai Xuân, huyện Tân Kỳ, Tỉnh Nghệ An. Đây là chương trình nằm trong khuôn khổ phát triển bền vững của PAN nhằm hỗ trợ, khuyến khích ý thức bảo vệ môi trường cho người nông dân địa phương, qua đó xây dựng sự phát triển bền vững cho nông nghiệp địa phương và nền nông nghiệp chung của Việt Nam – theo Người Đồng Hành.

PAN đã kêu gọi bà con nông dân trên địa bàn thu gom bao bì, vỏ thuốc trừ sâu, hóa chất trong chăn nuôi, trồng trọt mang đến địa điểm chương trình của công ty để đổi lấy hạt giống cây trồng, các vật phẩm liên quan trồng trọt, cày cấy, cũng như sản phẩm bảo hộ lao động trong quá trình sử dụng các hóa chất. Các sản phẩm thu gom sẽ được PAN và các công ty con, phối hợp với các cơ quan hữu quan đưa đi tiêu hủy đúng quy trình, đảm bảo không phát thải, rò rỉ các chất ô nhiễm độc hại ra môi trường. Các sản phẩm đổi lần này của chương trình bao gồm các loại giống tốt của các công ty tham gia chương trình như: giống ……và các đồ dùng bảo hộ lao động như găng tay, mặt nạ phòng độc, ủng, kính bảo vệ…để người nông dân có thể sử dụng an toàn trong các mùa vụ cần sử dụng tới các hóa chất buộc phải sử dụng trong quá trình trồng trọt.

Đà Nẵng xây dựng Bộ chỉ số phát triển xanh

Các chỉ số cụ thể và ngưỡng phát triển xanh-bền vững của Đà Nẵng hướng theo từng giai đoạn với 8 chủ đề là giao thông xanh, nước uống sạch, quản lý chất thải rắn, không khí sạch, năng lượng tái tạo và CO2, sử dụng đất xanh, quản lý nước thải, kinh tế lành mạnh. Ngày 16/12, ông Lê Văn Trung, Giám đốc Sở GTVT TP. Đà Nẵng cho biết, Ngân hàng Thế giới đã đề xuất hỗ trợ Thành phố xây dựng và thực hiện Bộ chỉ số phát triển xanh và bền vững – Chinhphu cho biết.

Các chỉ số cụ thể và ngưỡng phát triển xanh-bền vững của Thành phố hướng theo từng giai đoạn với 8 chủ đề là giao thông xanh, nước uống sạch, quản lý chất thải rắn, không khí sạch, năng lượng tái tạo và CO2, sử dụng đất xanh, quản lý nước thải, kinh tế lành mạnh. Bộ chỉ số này sẽ được tư vấn nghiên cứu và đề xuất trên cơ sở phát triển xanh của các đô thị trên thế giới và thực tiễn tại Đà Nẵng.

Việt Nam đặt mục tiêu giảm 10% lượng khí CO2 vào năm 2020

"Việt Nam là một trong 5 nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ biến đổi khí hậu, vì thế, Chính phủ coi công nghệ sạch là 'chìa khóa vàng' để giảm phát thải khí nhà kính từ 8-10% vào năm 2020, sau đó tiếp tục giảm thêm 1,5-2% cho đến năm 2050." Trên đây là một trong những mục tiêu vừa được Bộ trưởng Nguyễn Quân đưa ra tại buổi khai trương dự án “Trung tâm đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu Việt Nam” - (VCIC) do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức chiều 11/12, tại Hà Nội.

Phát biểu tải lễ khai trương, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng, để đạt được mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính đến năm 2020, đòi hỏi 50% doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải ứng dụng các công nghệ xanh trong hoạt động sản xuất kinh doanh, từ đó hướng đến thị trường công nghệ sạch, tăng trưởng bền vững. Trước yêu cầu trên, VCIC được thành lập nhằm hỗ trợ các cá nhân, đơn vị vừa và nhỏ phát triển các giải pháp công nghệ và tăng cường các hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực tăng trưởng xanh thông qua việc thành lập, vận hành trung tâm đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu – theo TTXVN.

Việt Nam sẽ góp 1 triệu USD vào Quỹ Khí hậu xanh thế giới

TTXVN đưa tin tại buổi họp báo công bố kết quả “Hội nghị và hoạt động của Việt Nam tại COP21” do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức chiều 16/12, tại Hà Nội, ông Phạm Văn Tấn - Phó cục trưởng Cục khí tượng Thủy văn và biến đổi khí hậu, Phó trưởng đoàn đàm phán về biến đổi khí hậu cho biết, Việt Nam sẽ góp 1 triệu USD vào Quỹ Khí hậu xanh thế giới giai đoạn 2016- 2020. Trong khuôn khổ COP21, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đưa ra cam kết “Việt Nam sẽ thực hiện giảm phát thải so với kịch bản cơ sở là 8% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 và có thể giảm đến 25% nếu nhận được hỗ trợ hiệu quả từ cộng đồng quốc tế.”

Thỏa thuận Paris được thông qua tại COP21 đã đưa ra được nhiều thỏa thuận quan trọng. Ngoài việc đặt ra mức tăng nhiệt độ của trái đất đến năm 2100 thấp hơn đáng kể so với ngưỡng 2 độ C và cố gắng tiến tới ngưỡng thấp hơn 1,5 độ C; Thỏa thuận còn đề ra cơ chế để mỗi nước tự nguyện rà soát. Tham gia COP21, thêm một lần nữa, Việt Nam khẳng định quyết tâm cùng cộng đồng thế giới ứng phó với thách thức biến đổi khí hậu, đồng thời thể hiện những quan điểm về tính công bằng, trách nhiệm trong "cuộc chiến" chống thảm họa thiên tai này.

THẾ GIỚI

Hàng nghìn người châu Âu chết mỗi năm vì ô nhiễm tiếng ồn


Không chỉ bầu không khí mới đáng lo ngại mà tình trạng ô nhiễm tiếng ồn cũng ngày càng trầm trọng hơn trên phạm vi toàn thế giới. 20 Minutes đưa tin, nghiên cứu từ 11 quốc gia châu Âu cho thấy mỗi năm 10.000 người ở châu lục này tử vong vì ô nhiễm tiếng ồn. Mỹ đứng đầu danh sách các nước ồn nhất thế giới, Italia và Pháp lần lượt đứng ở vị trí số hai và số ba – theo Tạp Chí Giao Thông.

Tính theo thành phố, Napoli (Italy) là nơi ô nhiễm tiếng ồn nặng nhất châu Âu, tiếp theo là Paris (Pháp), Bruxelles (Bỉ) và London (Anh). Ở Pháp, 1/3 cư dân các đô thị lớn như Lyon, Marseille, Toulouse thường xuyên bị làm phiền bởi âm thanh quá lớn. Ít được đề cập hơn những dạng ô nhiễm khác, ô nhiễm tiếng ồn gây ra những hậu quả không hề nhỏ cho sức khỏe con người. Tiếp xúc nhiều với tiếng ồn làm tăng 30% nguy cơ mắc các bệnh thính giác đồng thời dẫn đến đau đầu mạn tính, suy giảm tập trung và khả năng làm việc, bất ổn tinh thần, stress kéo dài hay thậm chí là đột quỵ.

Trung Quốc vay 300 triệu USD để lọc sạch không khí Bắc Kinh

Dân Việt cho biết Trung Quốc vừa nhận được khoản vay lên tới 300 triệu USD từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhằm giúp nước này giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí đang ngày càng trầm trọng tại thủ đô Bắc Kinh cũng như những khu vực lân cận. Theo BBC, trong một tuyên bố, ADB nhấn mạnh, chất lượng không khí ngày càng tồi tệ ở Bắc Kinh cũng như các khu vực lân cận thành phố này đang “gây nguy hại cho sức khỏe của con người cũng như sự phát triển bền vững”.

Khoản vay trị giá 300 triệu USD mà ADB dành cho Trung Quốc bao gồm nỗ lực cắt giảm việc sử dụng than đá, nhằm giảm lượng khí phát thải bên cạnh những nguyên nhân gây ô nhiễm khác ở Bắc Kinh cũng như các khu vực lân cận như Thiên Tân và Hà Bắc. Những khu vực trên có hơn 100 triệu dân và tạo ra 10% GDP (Tổng sản phẩm quốc nội) của Trung Quốc. Trung Quốc hiện là một trong những quốc gia ô nhiễm bậc nhất trên thế giới. Ngày 8/12, chính quyền Bắc Kinh đã phải ban hành báo động đỏ - mức cảnh báo ô nhiễm không khí cao nhất của nước này.

Thỏa thuận khí hậu Paris "bỏ sót" vấn đề ô nhiễm hàng không

Trong một phát biểu mới đây, Ủy viên châu Âu về Năng lượng và Khí hậu Miguel Arias Canete cảnh báo: việc Thỏa thuận Paris vừa đạt được tại Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) “bỏ sót” ngành hàng không có thể gây nên “một vấn đề rất lớn" nếu những cuộc đàm phán vào năm tới về kế hoạch giảm khí thải từ ngành hàng không thế giới không có tiến triển. Trước đây, những nỗ lực để giải quyết vấn đề này đã bị "sa lầy." Trước nguy cơ một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, Ấn Độ và một số nước khác, Liên minh châu Âu (EU) đã buộc phải lùi lại việc áp dụng một luật yêu cầu tất cả các hãng hàng không sử dụng sân bay của EU phải mua giấy phép phát thải qua Hệ thống Mua bán Khí thải EU (ETS).

Theo số liệu của Ủy ban châu Âu (EC), hai ngành hàng không và hàng hải hiện chiếm khoảng 5% lượng khí thải trên toàn cầu. Con số này được dự báo sẽ tăng lên mức 30% vào năm 2050 nếu không được kiểm soát chặt chẽ. Ông Arias Canete cho rằng một thỏa thuận (Thỏa thuận Paris) với gần 200 quốc gia ký kết sẽ không bao giờ hoàn hảo. Theo ông, dù EU đã đạt được phần lớn những gì mong đợi từ thỏa thuận này, song EU vẫn bị buộc phải từ bỏ các yêu cầu của mình về việc đưa ngành hàng không và hàng hải vào thỏa thuận, hai lĩnh vực mà Nghị định thư Kyoto trước đây cũng đã từng loại ra – TTXVN cho biết.

420.000 người chết mỗi năm vì thực phẩm bẩn

Gần 600 triệu người, tương đương 10% dân số thế giới bị ngộ độc sau khi ăn thực phẩm bị ô nhiễm mỗi năm. Trong số này, có 420.000 người chết, trong số đó có 125.000 trẻ em dưới 5 tuổi. Đây là báo cáo mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới, WHO và được công bố trên Tạp chí Plos ONE. WHO cho biết một trong những gánh nặng thực phẩm toàn cầu vẫn là nạn thực phẩm bẩn, thực phẩm bị ô nhiễm và các tác hại của nó đến sức khỏe cộng đồng – theo PetroTimes.

Báo cáo cho hay trong khi trẻ dưới 5 tuổi chỉ chiếm 9% dân số toàn cầu, nhưng có đến gần 30% ca tử vong do nhiễm độc thực phẩm rơi vào trẻ em, đặc biệt là trẻ em ở khu vực có thu nhập thấp. Hơn 50% các bệnh có liên quan đến tiêu chảy, gây bệnh cho 550 triệu người và khiến 230.000 người tử vong mỗi năm. Tiêu chảy ảnh hưởng đến 220 triệu trẻ em, giết chết 96.000 trẻ. Tiêu chảy thường do ăn thịt sống hoặc thịt nấu chưa chín, trứng, các sản phẩm sữa và các sản phẩm tươi sống bị nhiễm virus noro, trùng xoắn Campylobacter, khuẩn salmonella và khuẩn lị E.coli.

Thế giới cần 16.500 tỷ USD để hiện thực hóa Thỏa thuận Paris

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ngày 13/12 công bố nghiên cứu cho rằng thế giới sẽ cần phải chi 16.500 tỷ USD trong vòng 15 năm tới để thực hiện thành công các mục tiêu khổng lồ chống biến đổi khí hậu vừa đạt được hôm 12/12 tại Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) ở Paris, Pháp. Thử thách cam go nhất của sứ mệnh chống biến đổi khí hậu xuất hiện khi các nhà phân tích bắt đầu tính toán xem các mục tiêu mới về giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính có ý nghĩa như thế nào trên thực tế - TTXVN cho biết.

Nghiên cứu của IEA cho thấy phần lớn trong số tiền chi phí "khủng" nêu trên là để thay thế các nhà máy điện sử dụng than đá và khí đốt bằng các nguồn năng lượng không phát thải CO2 như gió, Mặt Trời và hạt nhân. Một phần chi phí lớn khác cần có là để cải thiện hiệu quả năng lượng nhằm giảm tổng lượng điện sử dụng trong các hộ gia đình và doanh nghiệp trên toàn cầu. Bên cạnh cam kết giảm lượng khí thải CO2 từ hơn 175 nước trên thế giới, Thỏa thuận Paris nhằm hạn chế tình trạng nóng lên toàn cầu còn bao gồm các mục tiêu khá khó khăn, là hạn chế mức tăng nhiệt độ Trái Đất không quá 2 độ C so với thời kỳ tiền Cách mạng công nghiệp, và sẽ cố gắng đưa con số này về mức 1,5 độ C, đồng thời loại trừ khí thải CO2 một cách hiệu quả trong nửa sau của thế kỷ 21.

Theo Minh Cường (MOITRUONG.COM.VN)

Lượt xem : 2019