Vietnamese English
Điểm tin môi trường trong tuần

12/12/2015 7:44:00 AM

NASA giúp Việt Nam bảo vệ môi trường bằng vệ tinh; Khô hạn lịch sử sẽ kéo dài nhất trong 60 năm qua; Không đạt kế hoạch về độ che phủ rừng trên toàn quốc; Gia hạn dự án chuyển hóa carbon thấp trong tiết kiệm năng lượng; Một tiến sỹ "tiết kiệm" mỗi năm chỉ dùng 2 túi nhựa đựng rác; Hiện tượng El Nino gần đạt mức cao nhất trong 50 năm qua; … là trong số những thông tin sự kiện môi trường đáng chú ý trong tuần.

VIỆT NAM

NASA giúp Việt Nam bảo vệ môi trường bằng vệ tinh


Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) sẽ giúp giới trẻ và các nhà khoa học Việt Nam thu thập dữ liệu nhằm nâng cao hiểu biết về môi trường Trái đất bằng việc sử dụng công nghệ vũ trụ. Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam (VAST) và Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) vừa ký thỏa thuận hợp tác Globe - chương trình học tập và quan sát toàn cầu đem lại lợi ích cho môi trường. Globe sẽ kết nối học sinh, giáo viên, nhà khoa học và cộng đồng nhằm xây dựng nhận thức về môi trường, hiểu biết về văn hóa và cộng đồng toàn cầu – theo VnExpress.


"Với việc sử dụng công nghệ vũ trụ, chương trình sẽ giúp Việt Nam cải thiện chất lượng giáo dục khoa học, nâng cao nhận thức về môi trường trong giới trẻ, xây dựng mối liên kết giữa nhà khoa học với nhà giáo dục, đóng góp các nghiên cứu có ý nghĩa về môi trường cho thế giới", giáo sư Châu Văn Minh, Chủ tịch VAST phát biểu tại lễ ký kết. Sau lễ ký kết, đầu năm 2016, VAST sẽ giao cho Trung tâm vệ tinh quốc gia là đơn vị đầu mối thực hiện chương trình, chuẩn bị nhân lực để tham gia khóa đào tào do NASA tổ chức.

Không đạt kế hoạch về độ che phủ rừng trên toàn quốc

Độ che phủ của rừng tăng từ 39,7% (năm 2011) lên 40,43% năm 2014, dự kiến năm 2015 đạt 40,73% nhưng kết quả không đạt so với mục tiêu. Thông tin này được đưa ra Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng (2011-2015) do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 9/12, tại Hà Nội.

Sau hơn 5 năm triển khai Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020, ngành lâm nghiệp đã có tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân hàng năm tăng xấp xỉ 2 lần so với giai đoạn 2006-2010, bình quân đạt 5,95%/năm, so với 3,1%/năm giai đoạn 2006-2010. Giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản ngoài gỗ tăng xấp xỉ 1,5 lần, ước đạt khoảng 6,8-7,0 tỷ USD vào năm 2015. Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn, nguyên nhân là do kết quả điều tra, kiểm kê rừng 5 tỉnh Tây Nguyên và một số địa phương bị lệch so với số liệu báo cáo năm 2013 khi tổng diện tích rừng bị giảm 157.949 ha, tương ứng khoảng 0,53% độ che phủ rừng toàn quốc.

Khô hạn lịch sử sẽ kéo dài nhất trong 60 năm qua

Mùa Đông Xuân 2015 – 2016 sẽ xảy ra đợt khô hạn lịch sử và kéo dài nhất trong 60 năm qua. Theo nhận định xu thế thời tiết, thủy văn mùa Đông Xuân năm 2015 – 2016 của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, hiện tượng El Nino (cụ thể trong đợt này là hạn hán) đang tiếp tục ảnh hưởng đến nước ta, khả năng đạt cường độ mạnh kỷ lục như hồi năm 1997 – 1998 và kéo dài đến hết mùa Đông Xuân năm 2015 – 2016. Dự báo, ngoài cường độ mạnh, nhiều khả năng El Nino năm 2015 – 2016 cũng sẽ trở thành một trong những El Nino kéo dài nhất trong khoảng 60 năm qua: Mùa mưa đến muộn và kết thúc sớm, tổng lượng mưa phổ biến thiếu hụt so với trung bình nhiều năm, đặc biệt là Trung Bộ, Nam Bộ và Tây Nguyên - Dân Việt cho biết.

Thực tế, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, từ cuối năm 2014 đến nay, lượng mưa, dòng chảy sông, suối ở hầu hết các khu vực đều thiếu hụt so với trung bình nhiều năm, dẫn đến hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra gay gắt ở các khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có TP.HCM. Do ảnh hưởng của hiện tượng trên, các nguồn thủy lợi, thủy điện tại TP.HCM đều thấp hơn cùng kỳ năm 2014. Đối với hồ Dầu Tiếng thượng nguồn khu vực TP.HCM, mực nước hồ ngày 13.11.2015 đạt 22,46m, thấp hơn 1,85m so với quy trình và thấp hơn mực nước hồ cùng kỳ năm 2014 là 2,15m.

Gia hạn dự án chuyển hóa carbon thấp trong tiết kiệm năng lượng

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đồng ý gia hạn thời gian thực hiện dự án "Chuyển hóa carbon thấp trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam" đến hết tháng 6/2017. Dự án Chuyển hóa carbon thấp trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng (LCEE) là một sáng kiến năm 2012 từ quan hệ hợp tác dài hạn giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Đan Mạch về tăng trưởng xanh trong lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam – theo TTXVN.

Dự án hỗ trợ Chương trình Mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (VNEEP) và được thực hiện trên cơ sở đối tác giữa Bộ Khí hậu, Năng lượng và Tòa nhà Đan Mạch, Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam, Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Xây dựng Việt Nam. Mục tiêu phát triển của dự án là đóng góp vào sự phát triển bền vững và quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp của Việt Nam thông qua tăng cường hiệu quả năng lượng trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ và trong các công trình xây dựng.

Mời thầu dự án đất ngập nước và sinh cảnh liên kết

Từ ngày 3/12 đến ngày 23/12, Cục Bảo tồn Đa dạng Sinh học (Tổng cục Môi trường) phát hành hồ sơ mời thầu Dự án “Bảo tồn các khu đất ngập nước quan trọng và sinh cảnh liên kết”. Ban quản lý Hợp phần Dự án “Bảo tồn các khu đất ngập nước quan trọng và sinh cảnh liên kết” thông báo mời thầu gói thầu Dự án bao gồm 03 gói thầu, được thực hiện từ quý IV/2015 đến quý IV/2016.

Bên mời thầu: Ban quản lý Hợp phần Dự án “Bảo tồn các khu đất ngập nước quan trọng và sinh cảnh liên kết” (Viết tắt là Ban quản lý Hợp phần Dự án đất ngập nước). Địa chỉ: Phòng B201, trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường, số 10 Tôn Thất Thuyết, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Thành phố Hà Nội. Điện thoại/Fax: 04.3795.6868 (Máy lẻ 3111).

THẾ GIỚI

Hiện tượng El Nino gần đạt mức cao nhất trong 50 năm qua


Ngày 8/12, Cục Khí tượng học Australia cho biết hiện tượng thời tiết El Nino đang tác động tới nước này và khu vực Nam Thái Bình Dương hiện gần đạt mức đỉnh bất chấp một số dấu hiệu thuyên giảm. Trong một tuyên bố, Cục Khí tượng học Australia cho biết nhiệt độ bề mặt nước biển tại Thái Bình Dương vẫn ở mức gần kỷ lục, cho thấy đợt El Nino năm nay có thể là một trong 3 đợt mạnh nhất trong vòng 50 năm qua – theo TTXVN.

Theo cục trên, một vài chỉ số quan trọng của hiện tượng El Nino năm nay hiện chưa cao bằng chỉ số của El Nino thời kỳ năm 1997-1998 và 1982-1983 ở cả đại dương và không khí. Ví dụ như, nhiệt độ dưới bề mặt nước biển năm nay đã đạt đỉnh, ở mức +8 độ C, trong khi của năm 1997-1998 là +12 độ C. Theo dự đoán, hiện tượng El Nino này có thể vẫn tiếp diễn trong năm 2016.

Bắc Kinh lần đầu ban bố “báo động đỏ” ô nhiễm không khí

Chính quyền Bắc Kinh đã lần đầu tiên ban bố “báo động đỏ” ô nhiễm không khí đồng thời cảnh báo thủ đô Trung Quốc sẽ còn phải đối mặt với tình trạng sương mù dày đặc từ ngày 8 – 10/12. Theo Reuters, trong thông báo ban hành “báo động đỏ” hôm 7/12, chính quyền thành phố Bắc Kinh đã yêu cầu dừng toàn bộ hoạt động xây dựng ngoài trời cũng như khuyến cáo các trường học đóng cửa.

"Xe chở rác thải xây dựng, chở xi măng, chở sỏi và nhiều phương tiện cỡ lớn khác sẽ bị cấm hoạt động trên đường phố”, tuyên bố hôm 7/12 của chính quyền Bắc Kinh nhấn mạnh. Sau hàng thập niên quay cuồng với vòng xoay tăng trưởng kinh tế, chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần cam kết đưa ra những giải pháp giúp cải thiện chất lượng môi trường bao gồm tình trạng ô nhiễm không khí xảy ra ở nhiều thành phố lớn tại quốc gia đông dân nhất thế giới – theo Infonet.

Công bố dự thảo thứ ba cho thỏa thuận khí hậu toàn cầu

Rạng sáng 11/12 giờ Hà Nội, một bản dự thảo áp chót cho thỏa thuận toàn cầu về khí hậu gồm 27 trang đã được Chủ tịch COP21 - Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius công bố. Bản dự thảo lần thứ ba này chỉ còn 48 ghi chú về mức độ giải pháp cần lựa chọn thay vì 350 lựa chọn như trước đây. Ngoại trưởng Pháp cũng bày tỏ tin tưởng rằng văn bản cuối cùng sẽ được hoàn thiện và công bố vào ngày 11/12, ngày bế mạc hội nghị.

Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, ngày 10/12 là ngày đàm phán thứ 11 trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP21). Đây là giai đoạn nước rút cuối cùng trước khi các phiên đàm phán khép lại. Theo kế hoạch, vào chiều 10/12, các đoàn đàm phán của 195 nước phải trao lại cho Chủ tịch COP21 - Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius phiên bản cuối cùng của văn bản thỏa thuận. Tuy nhiên, đến chiều muộn cùng ngày, do các bên vẫn chưa tháo gỡ được các bế tắc nên các cuộc đàm phán được tiếp tục vào buổi tối.

Tổng thống nhặt rác gây sốc

Tân Tổng thống Tanzania John Magufuli đã cùng hàng trăm người dân tại thành phố Dar es Salaam xuống đường nhặt rác, làm sạch môi trường. BBC đưa tin, ông Magufuli đã tham gia hoạt động tổng vệ sinh trên những con phố bên ngoài dinh thự của mình. Vị Tổng thống 56 tuổi, được mệnh danh là "người lái xe ủi" với chương trình xây dựng đường mới, đã tự tay nhặt rác bỏ vào thùng – Vietnamnet cho biết.

Ông John Magufuli, đã tuyên bố hủy các lễ kỷ niệm ngày quốc khánh Tanzania và thay vào đó là tiến hành chiến dịch làm sạch đường phố. "Chúng ta hãy cùng nhau dọn dẹp để giữ đất nước, thành phố, nhà cửa và công sở luôn sạch sẽ, an toàn và lành mạnh", ông Magufuli nói trước đám đông. Tổng thống, Tanzania, châu Phi, đất nước, thành phố, quét rác, nhặt rác, dinh thự, chiến dịch, quốc khánh, tiết kiệm Tổng thống Magufuli nổi tiếng với phong cách giản dị. Kể từ khi lên nắm quyền từ hồi tháng 10/2015, ông đã thông báo cắt giảm các hoạt động gây lãng phí công quỹ.

Một tiến sỹ "tiết kiệm" mỗi năm chỉ dùng 2 túi nhựa đựng rác

Tiến sĩ Darshan Karwat, ĐH Michigan đang trở thành đề tài nóng trên các mặt báo vì đã duy trì một lối sống vô cùng tiết kiệm đến nỗi hầu như không có rác trong suốt 2,5 năm. Trong thời gian này, Karwat không động tới thức ăn nhanh, không mua sắm quần áo mới, không dùng cả giấy vệ sinh, tiết kiệm hết mức tới nỗi gom lại, số rác sinh hoạt xả ra mỗi năm của anh chỉ vừa đủ hai túi nhựa. Karwat, người gốc Ấn Độ, bắt đầu thử nghiệm cuộc sống "không xả rác" từ khi sống ở Ann Arbor, Michigan, và đã duy trì được trong 2 năm rưỡi. Năm đầu tiên, số rác Karwat xả ra là 3,4 kg. Đến năm thứ hai, số rác xả ra được giảm xuống còn 2,7 kg - chỉ bằng 0.4% của một người xả rác trung bình mỗi năm tại Mỹ - theo thông tin trên Báo Dân Trí.

Dự án của Karwat lấy cảm hứng từ một tập trên chương trình The Story, kể về một cặp đôi người Anh sống không xả rác. Karwat sau đó về nhà nói với bạn cùng phòng rằng mình còn có thể làm tốt hơn. Trong một bài viết cho Washington Post, Karwat chia sẻ: "Và như thế, tôi đã bắt đầu thử nghiệm của mình - sống đối mặt với các vấn đề môi trường lớn trong mọi hoạt động cá nhân". Karwat tin rằng nếu mình có thể sống một lối sống không xả rác thì ai cũng có thể, và mọi người nên thử.  "Chúng ta không cần quay ngược lại quá khứ để chú ý đến ranh giới môi trường. Chỉ cần sáng tạo. Tôi đã bắt đầu với kế hoạch 1 năm, nhưng cuối cùng kéo dài tới 2 năm rưỡi - tất cả thời gian còn lại của tôi ở Ann Arbor", Karwat nói.

Theo Minh Cường (MOITRUONG.COM.VN)

Lượt xem : 2313