Vietnamese English
Điểm tin môi trường trong tuần

12/5/2015 7:50:00 AM

361 tỷ đồng xử lý ô nhiễm tại các địa phương; COP 21: Việt Nam đóng góp 1 triệu USD vào Quỹ Khí hậu Xanh; 75% nước thải công nghiệp xả thẳng ra môi trường chưa qua xử lý; 10% người giàu nhất thế giới xả ra 50% lượng khí thải CO2 toàn cầu; … là trong số những thông tin sự kiện môi trường nổi bật diễn ra trong tuần.

VIỆT NAM

361 tỷ đồng xử lý ô nhiễm tại các địa phương


Thủ tướng Chính phủ quyết định phân bổ 361,76 tỷ đồng từ nguồn chi sự nghiệp môi trường đã được bố trí trong dự toán ngân sách năm 2015 để hỗ trợ cho 27 tỉnh thực hiện các dự án xử lý ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc khu vực công ích. 27 tỉnh được hỗ trợ gồm: Hà Giang, Cao Bằng, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Phú Thọ, Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh,  Hưng Yên, Hòa Bình, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đồng Tháp, An Giang, Bến Tre, Long An,  Bạc Liêu, Quảng Ngãi, Đắk Nông, Sóc Trăng – Chinhphu cho biết.


Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm trong việc rà soát, thẩm định thủ tục, hồ sơ và số liệu báo cáo. Việc quản lý, sử dụng, thanh quyết toán số kinh phí được phân bổ thực hiện theo đúng quy định hiện hành. Đối với số kinh phí còn lại chưa phân bổ, Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát cụ thể các nhiệm vụ chi, đề xuất phương án phân bổ gửi Bộ Tài chính để thẩm định báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/11/2015.

COP 21: Việt Nam đóng góp 1 triệu USD vào Quỹ Khí hậu Xanh


Đây là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tại lễ khai mạc Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 21 (COP 21) tại Paris (Pháp) ngày 30/11. Quyết định này được xem là một nỗ lực toàn diện của Việt Nam đóng góp vào công cuộc ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu. Ngoài việc đóng góp về tài chính, Việt Nam còn cam kết cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính, chung tay cùng cộng đồng quốc tế cứu trái đất trước thảm họa tan băng, bão lũ, nước biển dâng và làn sóng di cư, nghèo đói, dịch bệnh do biến đổi khí hậu gây ra – theo Bộ Tài nguyên & Môi trường.

“Đối với giai đoạn sau năm 2020, mặc dù là một nước đang phát triển còn nhiều khó khăn, chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, Việt Nam vẫn cam kết giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 và có thể giảm đến 25% nếu nhận được hỗ trợ hiệu quả từ cộng đồng quốc tế. Việt Nam sẽ xem xét định kỳ, điều chỉnh phù hợp với điều kiện thực tiễn”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.  Thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trân trọng cảm ơn và mong tiếp tục nhận được sự hợp tác, giúp đỡ quý báu của các quốc gia, các tổ chức quốc tế dành cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam nói chung và ứng phó với biến đổi khí hậu nói riêng. “Việt Nam sẽ thực hiện tốt trách nhiệm và các cam kết quốc gia của mình”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.

75% nước thải công nghiệp xả thẳng ra môi trường chưa qua xử lý

“Hiện nay, Việt Nam có trên 200 khu công nghiệp, nhưng phần lớn đều chưa có giải pháp xử lý nước thải một cách bền vững. Theo thống kê của các cơ quan chức năng, hàng ngày có hơn một triệu mét khối nước thải được xả từ các công nghiệp và khoảng 75% trong số này không được xử lý, mà xả thẳng ra môi trường, gây nguy hại cho con người và sinh vật.” Nhận định trên vừa được đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ đưa ra tại hội thảo “Tổng quan về nghiên cứu và phát triển bền vững về nước giữa Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Đức” do Văn phòng Hợp tác liên bộ giữa Bộ Giáo dục và Nghiên cứu, Đức (BMBF) và Bộ Khoa học-Công nghệ, tổ chức chiều 1/12, tại Hà Nội.

Theo thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ, tính đến năm 2011, trên cả nước chỉ có 143/232 khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải, 30 khu công nghiệp đang trong quá trình xây dựng các trạm xử lý nước thải công nghiệp. Còn lại, các khu công nghiệp chưa đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải thì xả thẳng ra môi trường. Điều đáng nói là, do hàm lượng hóa chất trong nước thải công nghiệp cao nên nhiều dòng sông nổi tiếng ở miền Bắc như sông Nhuệ, sông Cầu và sông Đồng Nai ở miền Nam đã bị “chết,” gây ô nhiễm nặng nề - TTXVN cho biết.

Việt Nam có thiết bị quan trắc phóng xạ môi trường trực tuyến

Trong khuôn khổ hợp tác quốc tế về công nghệ hạt nhân giữa Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam (VINATOM) – Bộ khoa học và Công nghệ (MOST) với Hàn Quốc, VINATOM đã nhận được hệ thiết bị quan trắc phóng xạ môi trường trực tuyến EFRD-3300 thông qua việc hợp tác với Văn phòng Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Hàn Quốc – KOTRA Hà Nội và Công ty Hàn Quốc SI DITECTION. EFRD-3300 là sản phẩm từ sự phát triển và nghiên cứu chung của Viện nghiên cứu năng lượng nguyên tử Hàn Quốc (KAERI), Viện an toàn hạt nhân Hàn Quốc (KINS) và SI DITECTION sản xuất các hệ thống phát hiện bức xạ.

Hệ thiết bị này bao gồm 01 phổ kế ghi bức xạ gamma đa kênh đặt tại Trung tâm chiếu xạ Hà Nội (HIC) và 01 server quản lý đặt tại Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân (INST), được lắp đặt và đưa vào vận hành ngày 01/12/2015 do công ty SI DITECTION trao tặng thông qua dự án CSR (trách nhiệm xã hội) của Văn phòng Kotra Hà Nội. Hệ thiết bị được thiết kế để giám sát liên tục theo thời gian thực suất liều bức xạ gamma môi trường xung quanh, hệ thống này có khả năng phân biệt giữa nuclit phóng xạ tự nhiên và nhân tạo, và truyền tải dữ liệu thông qua mạng lưới trực tuyến kết hợp với các trạm quan trắc phóng xạ khác – theo Lao Động.

Tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu

Sáng 02/12, tại thành phố Huế, Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và Tổ chức Bắc Âu (NCA) tổ chức Phiên khai mạc Hội nghị toàn quốc "Phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu". Thay mặt Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc đã kêu gọi các Tổ chức tôn giáo trên cả nước hãy tích cực hành động để tăng cường các hoạt động bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trong cộng đồng tôn giáo nói riêng và toàn xã hội.

Hội nghị toàn quốc "Phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu" với mục tiêu chính là cung cấp thông tin về những vấn đề cấp bách của tình trạng ô nhiễm, suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu trên thế giới cũng như ở Việt Nam hiện nay; các chủ trương, chính sách, giải pháp của Đảng và Nhà nước đối với nhiệm vụ bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu ở nước ta; Làm rõ các mô hình nhân dân phối hợp bảo vệ môi trường, tham gia ứng phó với biến đổi khí hậu ở các địa phương, nhất là do đồng bào các tôn giáo thực hiện – theo Tổng cục Môi trường.

THẾ GIỚI

Hội nghị COP21 khai mạc tại Pháp


Vào hồi 11 giờ (17 giờ Hà Nội) ngày 30/11 tại Trung tâm Hội nghị Bourget ở phía bắc Paris, Hội nghị cấp cao lần thứ 21 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP-21) chính thức được khai mạc với sự tham gia của khoảng 150 nguyên thủ, người đứng đầu chính phủ các quốc gia trên thế giới và các tổ chức, định chế tài chính quốc tế. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đoàn Việt Nam sẽ có bài phát biểu quan trọng – Báo Nhân Dân đưa tin.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng thống Pháp François Hollande nói: Hôm này là một ngày lịch sử. Chưa bao giờ có một hội nghị quốc nào có sự tham gia đông đảo của lãnh đạo các nước như COP21 và cũng chưa bao giờ vấn đề biến đổi khí hậu lại cấp bách như bây giờ vì đây là tương lai của hành tinh của chúng ta. Các nước và cả thế giới cần hành động ngay, cùng có quyết tâm cao, sự đồng lòng, chung sức thì mới có thể đạt được mục tiêu quan trọng nhất của COP21 là thông qua một thỏa thuận mới vào ngày 12/12. Có ba điều kiện để đạt được thành công cho COP21. Đó là xác định lộ trình cụ thể để giới hạn mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2 độ C, thậm chí 1,5 độ C; xây dựng cơ chế giám sát thực hiện cam kết của mỗi nước, đồng thời tiến hành tổng kết năm năm một lần.

10% người giàu nhất thế giới xả ra 50% lượng khí thải CO2 toàn cầu

Theo kết của nghiên cứu mà Tổ chức Phi chính phủ quốc tế Oxfarm công bố ngày 2/12, 10% nhóm người giàu nhất thế giới xả ra môi trường 50% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính gây biến đổi khí hậu. Về tiêu thụ các nhiên liệu hóa thạch, trung bình một người trong nhóm 1% những người giàu nhất thế giới xả ra môi trường một lượng carbon cao gấp 175 lần một người thuộc nhóm 10% những người nghèo nhất thế giới – theo TTXVN.

Oxfarm cho rằng những phân tích này cho thấy việc quy phần lớn trách nhiệm gây ra biến đổi khí hậu cho người dân ở các quốc gia đang phát triển là điều không thực tế. Tim Gorse, giám đốc chính sách khí hậu của Oxfarm, cho rằng nhóm những người giàu xả lượng khí thải cao ra môi trường cần phải thực hiện trách nhiệm của mình bất kể họ ở quốc gia nào. Các số liệu được Oxfarm công bố trong khi đại diện 195 quốc gia trên thế giới đang tham dự Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) diễn ra ở Paris (Pháp).

Liên minh châu Âu sẽ tái chế tới 65% lượng rác thải sinh hoạt

Theo những quy định sửa đổi về quản lý rác thải, được đề xuất ngày 2/12, Liên minh châu Âu (EU) đặt mục tiêu tới năm 2030 sẽ tái chế tới 65% lượng rác thải sinh hoạt, tăng so với mức dưới 50% hiện tại. Ủy ban châu Âu (EC) đang tìm kiếm giải pháp nhằm giảm thiểu lượng kim loại, chất dẻo, thực phẩm và các chất thải nhân tạo khác hiện chất đống tại các bãi rác hoặc đang làm ô nhiễm nghiêm trọng các đại dương – TTXVN đưa tin.

Mục tiêu tái chế 65% rác thải sinh hoạt thấp hơn mức 70% được đề ra trong kế hoạch ban đầu hồi năm ngoái, song EC cho rằng đây là mục tiêu "thực tế" hơn mà các chính phủ thành viên EU có thể đáp ứng. Ủy ban này cho biết kế hoạch sửa đổi về quản lý rác thải hướng mục tiêu cụ thể tới các chất dẻo, vì có tới 50% loại rác thải này đang đầy ứ ở các bãi rác và trôi dạt trên các đại dương, đe dọa nghiêm trọng tới sự sống của sinh vật biển. Cơ quan này cũng lập kế hoạch nhằm hạn chế lượng rác thải sinh hoạt được chuyển tới các bãi rác xuống 10% vào năm 2030, và 25% được tiêu hủy.

Liên hợp quốc phát động sáng kiến ứng phó với biến đổi khí hậu

Ngày 30/11, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã cùng 13 cơ quan Liên hợp quốc phát động sáng kiến mới nhằm tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của các nước dễ bị ảnh hưởng nhất trên thế giới. Sáng kiến thích ứng khí hậu mang tên "Dự báo, Thích ứng và Tái định hình" trước tình trạng biến đổi khí hậu đã được công bố tại Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) đang diễn ra tại thủ đô Paris của Pháp – TTXVN cho biết.

Cụ thể, sáng kiến này nhằm tăng cường năng lực của các nước trong việc dự báo các nguy cơ, thích ứng với tình huống bất ngờ, và phục hồi sự phát triển nhằm giảm bớt các nguy cơ về biến đổi khí hậu. Trong vòng 5 năm tới, sáng kiến sẽ giúp huy động tài chính và kiến thức, thiết lập và tổ chức các nhóm cộng tác ở các cấp, phối hợp hoạt động nhằm đạt kết quả rõ ràng, thúc đẩy nghiên cứu và phát triển công nghệ mới. Sáng kiến sẽ giúp giải quyết nhu cầu của gần 634 triệu người, tương đương 1/10 dân số thế giới, đang sống tại những khu vực duyên hải chỉ cách mực nước biển vài mét, cùng những cư dân tại các khu vực có nguy cơ hạn hán và ngập lụt.

Google Maps có thêm tính năng theo dõi tác động của việc biến đổi khí hậu

Trong tinh thần hưởng ứng Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP-21) đang diễn ra tại Paris của Pháp, ngày 30/11, Google đã giới thiệu rộng rãi tính năng "Street View" trên Google Maps nhằm cung cấp cho người dùng cái nhìn tổng quan về thực trạng biến đổi khí hậu tại nhiều khu vực xa xôi trên thế giới – theo Lao Động Thủ Đô.

Với "Street View," ứng dụng bản đồ phổ biến của Google từ việc chỉ đơn giản hiển thị khung cảnh bên ngoài nơi làm việc hay nhà ở giờ đã phát triển lên mức cho phép người ngồi tại nhà có thể tham gia vào một chuyến hành trình ảo tới khám phá các ngọn núi, các khu rừng nhiệt đới hay xuống đáy đại dương. Sáng kiến này nhằm đưa vấn đề biến đổi khí hậu đến gần hơn với người dân và khuyến khích cộng đồng chung tay hành động. Các hình ảnh trên "Street View" cho phép người xem theo dõi những thay đổi qua thời gian của môi trường tự nhiên dưới tác động của biến đổi khí hậu.

Theo Minh Cường (MOITRUONG.COM.VN)

Lượt xem : 2688