Vietnamese English
Điểm tin môi trường trong tuần

11/21/2015 8:37:00 AM

Phí thiên tai tối đa doanh nghiệp phải nộp tăng gấp 20 lần; 13 triệu USD phát triển nông nghiệp thân thiện môi trường; Trồng rừng thay thế thuộc 18 dự án thủy điện; Thiên tai gây thiệt hại hơn 1 nghìn tỷ USD; Bill Gates đầu tư 2 tỷ USD chống biến đổi khí hậu; Nước uống dạng viên đã thành sự thật; … là trong số những thông tin sự kiện môi trường đáng chú ý trong tuần.

VIỆT NAM

Phí thiên tai tối đa doanh nghiệp phải nộp tăng gấp 20 lần


Hơn 140.500 doanh nghiệp hoạt động tại TPHCM bắt buộc phải đóng góp vào quỹ phòng chống thiên tai năm 2015 với mức nộp 0,02% tổng số vốn sản xuất kinh doanh nhưng tối thiểu là 500.000 đồng và tối đa là 100 triệu đồng và được hạch toán vào chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh. Đây là khoản phí theo quy định được thu hàng năm, nhưng nếu so với mức thu tối đa là 5 triệu đồng trước đây thì mức tối đa theo quy định doanh nghiệp phải đóng hiện nay đã tăng gấp 20 lần lên đến 100 triệu đồng.

Quỹ phòng, chống thiên tai TPHCM sẽ chịu trách nhiệm thu công ty cổ phần, doanh nghiệp nhà nước, công ty TNHH do Cục Thuế TP quản lý và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. UBND quận, huyện sẽ thu các tổ chức, hộ kinh doanh, hợp tác xã và các loại hình doanh nghiệp còn lại. Việc thu phí này là căn cứ theo Nghị định 94 năm 2014 của Chính phủ quy định về thành lập và quản lý quỹ phòng chống thiên tai – theo Thesaigontimes.

Triển lãm ảnh và chiếu phim về biến đổi khí hậu

Vài tuần trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh về Khí hậu COP 21 tại Paris (30/11/2015 - 09/12/2015), Cơ quan phát triển Pháp (AFD) tiếp tục hướng sự quan tâm của công chúng tại Việt Nam về chủ đề biến đổi khí hậu với triển lãm ảnh và chiếu phim về biến đổi khí hậu từ ngày 17 - 24/11 tại Hà Nội. 21 bức ảnh của nhiếp ảnh gia Yann Arthus-Bertrand sẽ giới thiệu với người xem những giải pháp cách tân và hiệu quả kết hợp chống biến đổi khí hậu với phát triển kinh tế - ICTPress cho biết.

Có mặt tại Việt Nam từ năm 1994, AFD đã cam kết tài trợ hơn 1,6 tỷ EUR cho 80 dự án. Hiện tại, chiến lược của AFD được phát triển xoay quanh ba định hướng: phát triển đô thị bền vững; hỗ trợ lĩnh vực sản xuất theo phương thức bảo đảm trách nhiệm xã hội và môi trường; chống biến đổi khí hậu.

13 triệu USD phát triển nông nghiệp thân thiện môi trường

Thủ tướng Canada Justin Trudeau ngày 19/11 tuyên bố chính phủ nước này sẽ hỗ trợ dự án Phát triển doanh nghiệp hợp tác xã Việt Nam (VCID) nhằm góp phần giảm nghèo và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, thông cáo báo chí của Văn phòng Thủ tướng Canada cho biết chính phủ nước này sẽ cung cấp 12,9 triệu USD trong vòng 5 năm (từ 2015 - 2020) nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và năng suất cho các hợp tác xã nông nghiệp Việt Nam - TTXVN đưa tin.

Các hoạt động của VCID bao gồm xây dựng các hợp tác xã nông nghiệp mới theo định hướng thị trường; tăng cường hiểu biết, kỹ năng và sức cạnh tranh cho nông dân; cải thiện cách thức quản lý hợp tác xã và phát triển môi trường chính sách - pháp luật thúc đẩy phát triển hợp tác xã. Ước tính, khoảng 10.000 hộ nông dân tại 5 tỉnh của Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ sáng kiến này.

Trồng rừng thay thế thuộc 18 dự án thủy điện

Theo đó, đã có 3 dự án Thủy điện ở khu vực miền trung hoàn thành công tác trồng bù rừng và được cấp chứng nhận gồm A Vương, Sông Ba Hạ và Buôn Tua Srah; 14 dự án thủy điện đã phê duyệt phương án trồng bù rừng thay thế và chuyển tiền đợt 1 để địa phương trồng và chăm sóc năm đầu gồm thủy điện Sông Tranh 2, Bản Vẽ, Đồng Nai 3, 4; An Khê - Knak, Sông Bung 4, Trung Sơn, Thượng Kon Tum, Sơn La, Bản Chát, Lai Châu, Tuyên Quang, Sê San 4 và Sông Bung 2.

TTXVN cho biết riêng dự án Thủy điện Huội Quảng, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lai Châu đã đồng ý hình thức chuyển tiền thay cho phương án chủ đầu tư thực hiện. EVN đã chuyển tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng hết quý III/2015 theo quy định cho quỹ hỗ trợ phát triển rừng tỉnh Lai Châu. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, tính đến đầu tháng 10/2015, Tập đoàn này đã thực hiện xong việc rà soát trồng bù rừng thay thế thuộc 18 dự án thủy điện trên cả nước với tổng diện tích phải trồng gần 12.860ha.

Đại hội Biển Đông Á

Người Lao Động cho biết chiều 16/11, tại Đà Nẵng, Đại hội Biển Đông Á lần 5 do Tổ chức Đối tác về quản lý môi trường các biển Đông Á (PEMSEA) và các quốc gia thành viên tổ chức với chủ đề Mục tiêu toàn cầu, lợi ích địa phương – Thiết lập Chương trình nghị sự cho phát triển bền vững các biển Đông Á sau năm 2015 đã chính thức khai mạc. Đại hội có 3 phiên hội nghị toàn thể theo 3 nhóm chủ đề “Một thập kỷ của quan hệ đối tác trong phát triển bền vững vùng biển Đông Á: Hiệp lực và thành tựu”, “Đẩy mạnh hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển bền vững” và “Từ tầm nhìn tới thực tế: Gắn kết chương trình nghị sự toàn cầu với lợi ích địa phương”.

Đại hội Biển Đông Á lần 5 là sự kiện quan trọng của khu vực Đông Á và là diễn đàn để các nhà khoa học, các nhà quản lý biển, vùng kinh tế bờ biển và hải đảo trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm về quản lý phát triển bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường đại dương.  Đây cũng là dịp để các tổ chức và các bên liên quan trong khu vực xác định mục tiêu trọng điểm, khẳng định cam kết và thiết lập chương trình nghị sự phát triển bền vững vùng biển Đông Á.

THẾ GIỚI

Thiên tai gây thiệt hại hơn 1 nghìn tỷ USD


Kể từ năm 1990 đến nay, lũ lụt, hạn hán và lốc xoáy đã ảnh hưởng tới hơn 4 tỷ người và khiến thế giới thiệt hại hơn 1 nghìn tỷ USD. Những con số này được Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đưa ra trong cuộc thảo luận về mối liên hệ giữa quản lý nguồn nước và giảm bớt nguy cơ dịch bệnh ngày 18/11 tại trụ sở Liên Hợp quốc.

Phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc dẫn phát biểu của Tổng Thư ký Ban Ki-moon nhấn mạnh các vấn đề về nước và khắc phục thiên tai có mối liên hệ sâu sắc. Do đó, việc đầu tư vào quản lý nguồn nước và giảm nguy cơ dịch bệnh cũng đóng góp cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, cứu được nhiều sinh mạng và bảo vệ hạ tầng cơ sở thiết yếu trước sự tàn phá của thiên tai.

Bill Gates đầu tư 2 tỷ USD chống biến đổi khí hậu

Khoản đầu tư 2 tỷ USD mà Bill Gates vừa công bố không giúp ngăn chặn được biến đổi khí hậu, nhưng có thể khiến loài người phải thay đổi cách chuẩn bị cho tương lai. Trả lời phỏng vấn tờ Atlantic, Bill Gates cho biết, việc giữ cho nhiệt độ Trái đất tăng không quá 2 độ C chỉ đạt được khi lượng khí thải carbon giảm 80% trước năm 2050 – theo Khoa Học & Phát Triển.

Các hiệp ước quốc tế hiện nay sẽ không đảm bảo mục tiêu này và các công nghệ hiện tại thì càng không. Vì vậy, theo Gates, chúng ta sẽ cần các khoản đầu tư cực lớn vào các công nghệ mới mà theo đánh giá của khoa học hiện tại là vô cùng xa vời. Theo tiến sỹ Dan Reicher - Giám đốc Trung tâm Chính sách và Tài chính năng lượng Steyer-Taylor của Đại học Stanford và đồng thời là nhân sự chủ chốt trong chương trình đầu tư năng lượng sạch mới của Tổng thống Mỹ Barack Obama: “Bill Gates đã khiến chính quyền của Obama phải cân nhắc đầu tư lớn hơn cho nghiên cứu năng lượng”.

Australia đẩy mạnh sản xuất điện từ sóng biển

Hai công ty năng lượng của Australia là Carnegie Wave Energy và Western Power đang hợp tác với nhau để xây dựng mô hình sản xuất điện nhờ năng lượng của sóng biển. Hệ thống này được đặt ở dưới biển, nằm cách bờ biển của đảo Garden, miền Tây Australia khoảng 10 km. Nếu thành công, đây sẽ là một mô hình sản xuất điện từ sóng biển điển hình để các quốc gia giáp biển có thể áp dụng.

Hệ thống bao gồm các thiết bị truyền rung động, có tên gọi là CETO. Các đơn vị CETO giống những chiếc phao chìm dưới biển, được nối với một máy bơm khác đặt ở dưới đáy biển. Các thiết bị truyền rung động này tiếp nhận lực đẩy từ những con sóng ngầm rồi truyền rung động tới các máy bơm, qua đó một lượng nước lớn được đẩy đi với áp lực cao giúp những nhà máy thủy điện hoạt động – theo Chinhphu.vn.

Giun - "vũ khí" mới chống lại rác thải nhựa

Mới đây các nhà khoa học đã công bố phát hiện ra một cách mới, phổ biến hơn giúp có thể loại bỏ được những loại rác thải này, dùng những con giun.''Một nhóm các nhà nghiên cứu từ Mỹ và Trung Quốc đã khám phá ra một loài ấu trùng thuộc họ sâu bột (Tenebrio molitor), đồng thời cũng được biết dưới tên gọi "giun vàng". Chúng có thể tiêu hoá được các loại rác thải, bao gồm cả xốp. Vì hệ tiêu hoá của loài giun này chứa những vi sinh vật có thể biến đổi nhựa thành tổ hợp các chất dinh dưỡng nuôi dưỡng chúng.

Nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Stanford Khoa Kỹ thuật xây dựng và Môi trường đã thực hiện cuộc thí nghiệm bằng cách cho hơn 100 con giun vàng ăn 34 - 39 milligram xốp khó phân hủy. 24 giờ sau đó, chúng bắt đầu quá trình chuyển đổi hơn phân nửa lượng xốp đã ăn thành chất dinh dưỡng cho chúng, phân nửa còn lại bị thải ra như những chất thải hữu cơ thông thường. Và điều đặc biệt là loài giun này hoàn toàn khoẻ mạnh, phân được thải ra của chúng cũng rất tốt cho cây cối – theo Đời Sống & Pháp Luật.

Nước uống dạng viên đã thành sự thật

Những viên nước tưởng như chỉ có trong truyện tranh và phim hoạt hình giờ đây đã thành hiện thực, hơn nữa sản phẩm này còn rất thân thiện với môi trường. "Vỏ chai" đựng nước (được gọi là bình nước sinh học Ooho) thực chất là một lớp màng kép sử dụng chiết xuất từ tảo nâu ăn được – VTV cho biết.

Thông tin về việc sản xuất "vỏ chai" thân thiện với môi trường, chống lại sự gia tăng các vỏ chai nhựa đã được công bố từ năm 2014. Được biết, chi phí để tạo ra 1 khối nước Ooho thế này nếu tính theo tiền Việt Nam thì chỉ mất khoảng 500 đồng.

Theo Minh Cường (MOITRUONG.COM.VN)

Lượt xem : 1911