Vietnamese English
Điểm tin môi trường trong tuần

11/14/2015 8:19:00 AM

200 triệu USD cho chương trình nước sạch, vệ sinh môi trường; Từ sau 2015, mỗi năm phát sinh 44 triệu tấn chất thải rắn; Lãng phí 2 tỷ USD tiền phân bón thải ra môi trường; Hơn 11 triệu trẻ em bị ảnh hưởng nghiêm trọng do El Nino; Quỹ khí hậu Liên Hợp quốc bắt đầu hành động chống lại biến đổi khí hậu; … là trong số những thông tin sự kiện môi trường nổi bật trong tuần.

VIỆT NAM

200 triệu USD cho chương trình nước sạch, vệ sinh môi trường


Ban Giám đốc Điều hành Ngân Hàng Thế Giới (WB) vừa phê duyệt khoản tín dụng trị giá 200 triệu USD nhằm nhân rộng Chương trình Nước sạnh và Vệ sinh Môi trường tại 21 tỉnh vùng núi phía Bắc và Tây nguyên. Dự kiến trên 5 triệu người sống tại các vùng nông thôn và vùng núi nghèo nhất Việt Nam sẽ được tiếp cận với nguồn nước sạch và điều kiện vệ sinh môi trường tốt hơn. Khoản tín dụng này sẽ hỗ trợ nhân rộng Chương trình Nước sạnh và Vệ sinh Môi trường với mục tiêu tăng cường cung cấp nước sạch cho 255.000 hộ gia đình và cải thiện vệ sinh môi trường và cấp nước cho 2.720 trường học và trạm xá tại 21 tỉnh vùng núi phía Bắc và Tây nguyên.


Chương trình này nhằm hỗ trợ Chương trình Mục tiêu Quốc Gia về Nước sạch Vệ sinh Môi trường Nông thôn, và quyết tâm thực hiện Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỉ đã thực hiện từ hàng chục năm nay, cũng như các Mục tiêu Phát triển Bền vững mới – theo Dân Trí.

Từ sau 2015, mỗi năm phát sinh 44 triệu tấn chất thải rắn

Đến năm 2015, khối lượng CTR phát sinh khoảng 44 triệu tấn/năm - theo dự báo của Bộ Xây dựng và Bộ Tài nguyên & Môi trường được đưa ra tại Hội thảo Đánh giá hoạt động quản lý chất thải rắn (CTR) đô thị tại Việt Nam ngày 10/11. Thống kê cho thấy giai đoạn 2008- 2015 khoảng 42-46% lượng CTR phát sinh là từ các đô thị. Tổng lượng CTR sinh hoạt ở các đô thị phát sinh trên toàn quốc tăng trung bình 10-16% mỗi năm.

Các phương thức xử lý chất thải rắn của Việt Nam còn lạc hậu, không đảm bảo vệ sinh môi trường. Hình thức xử lý chất thải rắn chủ yếu vẫn là các bãi rác lộ thiên, chôn lấp. Một trong những hạn chế trong thu gom, xử lý CTR, theo các chuyên gia, là mức phí thu gom ở Việt Nam còn khá thấp so với các nước khác (trung bình khoảng 0,1-0,2% thu nhập, trong khi mức trung bình các nước khoảng 1%).

Lãng phí 2 tỷ USD tiền phân bón thải ra môi trường

Hiện nay, hiệu lực sử dụng phân bón ở Việt Nam còn khá thấp khi có tới trên 50% phân khoáng thải ra môi trường. Như vậy, mỗi năm Việt Nam đang lãng phí ít nhất 2 tỷ USD tiền phân bón. Nếu tính trung bình thì mỗi năm ngành trồng trọt trong nước đang lãng phí trên 5 triệu tấn phân các loại, tương đương ít nhất khoảng 2 tỷ USD – Báo Hải Quan Online cho biết.

Đó là chưa kể việc sử dụng phân bón không đúng cách, đúng liều lượng còn làm tăng dịch bệnh, dẫn tới phải sử dụng nhiều thuốc BVTV hơn, kéo theo tình trạng gây ô nhiễm môi trường trầm trọng hơn. Điển hình như, sử dụng nhiều phân đạm làm chua hóa đất, ô nhiễm nước mặt, nước ngầm và rau quả. Bón nhiều phân đạm còn làm tăng phát thải khí nhà kính. Đối với phân lân khi bón quá nhiều sẽ làm ô nhiễm nguồn nước ngầm.

Ra mắt Đội bảo vệ môi trường tại khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thực hiện kế hoạch của Ban Thanh niên Nông thôn Trung ương Đoàn về việc phối hợp tổ chức triển khai mô hình bảo vệ môi trường năm 2015, sáng 12/11, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Quảng Bình đã tổ chức Lễ ra mắt Đội thanh niên xung kích bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu tại khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Báo Dân Trí đưa tin.

Chương trình nhằm mục đích phát huy vai trò xung kích tình nguyện của tuổi trẻ trong công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt là thu gom rác, xử lý rác thải, chăm sóc và bảo vệ cây xanh tại khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, góp phần làm cho khu tưởng niệm Đại tướng xanh – sạch – đẹp.

Láng Sen được công nhận là khu Ramsar thứ 7 của Việt Nam

Tối 11/11, ông Trương Thanh Sơn, Giám đốc Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen (Long An), cho biết khu bảo tồn này đã được công nhận là khu Ramsar (vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế về sinh học và bảo tồn) thứ 7 của Việt Nam và thứ 2.227 của thế giới. Dự kiến ngày 27/11, UBND tỉnh Long An sẽ tổ chức buổi lễ đón nhận bằng công nhận khu Ramsar Láng Sen – SGGP đưa tin.

Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen được thành lập năm 2004, với tổng diện tích hơn 4.800 ha, nơi đây có hơn 156 loài thực vật; 149 loài chim quý, trong đó có 24 loài chim quý hiếm thuộc sách đỏ Việt Nam và thế giới. Hiện tại, ước khoảng 60.000 cá thể sinh sống tại khu Láng Sen, trong đó các loài cò chiếm khoảng 25.000 cá thể. Thời gian gần đây, số lượng các loài chim quý tập trung ở khu Láng Sen ngày càng nhiều. Cùng với Vườn quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp) thì Láng Sen là khu có hệ sinh thái đất ngập nước đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười.

THẾ GIỚI

G20 rót tiền làm xói mòn cuộc chiến chống biến đổi khí hậu


SGGP đưa tin ngày 12/11, Viện Nghiên cứu phát triển hải ngoại (Anh) và Tổ chức Oil Change International (Mỹ) đã công bố một nghiên cứu rất đáng chú ý. Theo đó, các nền kinh tế lớn của nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã chi 452 tỷ USD/năm để hỗ trợ khai thác nhiên liệu hóa thạch, bất chấp việc cam kết ngăn chặn hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu hiện nay.

Theo báo cáo trên, số tiền G20 – trong đó có Australia, Brazil, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ hỗ trợ khai thác nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu mỏ cao gấp 4 lần con số thế giới hỗ trợ phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời. Sự hỗ trợ này được thực hiện qua các khoản ưu đãi như giảm thuế (78 tỷ USD), đầu tư vào các doanh nghiệp nhà nước (286 tỷ USD), khoản vay từ các ngân hàng nhà nước (88 tỷ USD) trong 2 năm qua. Trung Quốc là quốc gia đầu tư mạnh nhất cho khai thác nhiên liệu hóa thạch ở mức 77 tỷ USD/năm. Shelagh Whitley, chuyên gia của Viện Nghiên cứu phát triển hải ngoại, chỉ trích chính phủ các nước nhóm G20 đang trả tiền cho doanh nghiệp làm xói mòn chính sách chống biến đổi khí hậu của họ.

Hơn 11 triệu trẻ em bị ảnh hưởng nghiêm trọng do El Nino

Ước tính 11 triệu trẻ em có nguy cơ rơi vào cảnh đói nghèo, bệnh tật và thiếu nước ở các khu vực Đông Phi và miền Nam châu Phi do hậu quả của hiện tượng thời tiết cực đoan El Nino vốn đang gây ra hạn hán và lũ lụt ở một số khu vực ở châu Á, Thái Bình Dương và Mỹ Latinh. Đây là số liệu do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) công bố ngày 10/11 – TTXVN đưa tin.

Theo UNICEF, hậu quả của El Nino có thể để lại dư âm qua nhiều thế hệ trừ khi các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi hiện tượng thời tiết cực đoan này nhận được nguồn hỗ trợ trong thời điểm mất mùa, thiếu nước. Bên cạnh những nguy cơ trước mắt gây nên chết chóc và thiệt hại, EL Nino còn là nguyên nhân dẫn đến gia tăng đáng kể các dịch bệnh như sốt rét, sốt xuất huyết, tiêu chảy, dịch tả - những căn bệnh dễ gây tử vong cho trẻ em. Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới, đợt hiện tượng thời tiết cực đoan mới nhất, vừa mới bắt đầu và nhiều khả năng sẽ kéo dài tới tháng 4/2016, được dự báo là một trong 4 đợt El Nino cường độ mạnh nhất trong 65 năm trở lại đây.

Nồng độ khí gây hiệu ứng nhà kính năm 2014 lên mức kỷ lục

Nồng độ khí CO2 và các loại khí gây hiệu ứng nhà kính khác trong khí quyển đã lên mức kỷ lục mới trong năm 2014, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự sống của muôn loài trên Trái Đất. Cảnh báo trên được đưa ra ngày 9/11 trước thềm Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 21 (COP21) diễn ra tại Paris (Pháp) vào cuối tháng này. Trong báo cáo hàng năm về lượng khí thải tích tụ trong không khí gây hiện tượng ấm lên toàn cầu, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) của Liên hợp quốc cho biết trong năm ngoái, nồng độ các khí CO2, methane và NO2 đã "phá" kỷ lục – TTXVN đưa tin.

Cụ thể, trong năm 2014, nồng độ khí CO2 có trong khí quyển đã tăng lên 397,7 phần triệu (ppm), cao hơn 143% so với năm 1750. Với tốc độ này, nồng độ khí CO2 có thể vượt ngưỡng 400 ppm trong năm 2016. Trong năm ngoái, nồng độ khí methane cũng đạt mức kỷ lục 1.833 ppm, cao hơn 254% so với mức trước năm 1750. Trong khi đó, khí NO2, loại khí có tác động đến môi trường lớn hơn 300 lần so với khí CO2 và cũng có khả năng phá hủy tầng ozone, cũng có nồng độ trong khí quyền đạt 327,1 ppm, cao hơn 121% so với mức tiền công nghiệp.

Trái Đất nóng lên sẽ khiến nhiều thành phố chìm trong biển nước

Nhiều vùng rộng lớn ở Thượng Hải (Trung Quốc), Mumbai (Ấn Độ), New York (Mỹ) và nhiều thành phố khác sẽ bị nước biển nhấn chìm ngay cả khi thế giới thực hiện được mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt toàn cầu không quá 2 độ C. Cảnh báo trên được đưa ra ngày 8/11 trước thềm Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 21 (COP21) diễn ra tại Paris (Pháp) vào cuối tháng này. Trong số 10 thành phố lớn có nguy cơ bị nhấn chìm thì 4 thành phố là của Trung Quốc gồm Thượng Hải, Thiên Tân, Hong Kong và Đài Châu (Chiết Giang). Ấn Độ, Việt Nam và Bangladesh cũng sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề - theo TTXVN.

Theo kết quả nghiên cứu của trung tâm nghiên cứu khí hậu của Mỹ, nếu Trái Đất nóng lên 2 độ C thì tình trạng nước biển dâng sẽ nhấn chìm nhiều vùng đất hiện là nơi sinh sống của 280 triệu người, trong khi nếu mức nhiệt tăng thêm 4 độ C thì diện tích những vùng đất chịu ảnh hưởng cũng sẽ tăng lên, bao phủ khu vực sinh sống của hơn 600 triệu người. Nhà khoa học Ben Strauss, tác giả nghiên cứu, cho biết mức nhiệt tăng ở 2 độ C sẽ tạo ra những nguy cơ hiện hữu trong dài hạn đối với những thành phố và vùng miền ven biển. Những kịch bản này có thể diễn ra trong vòng 200 năm nữa hoặc cũng có thể trong vài thế kỷ nữa.

Quỹ khí hậu Liên Hợp quốc bắt đầu hành động chống lại biến đổi khí hậu

Quỹ Khí hậu Xanh của Liên hợp quốc (GCF) thông báo đã phê chuẩn kinh phí cho 8 dự án đầu tiên nhằm giúp các quốc gia đang phát triển chống lại tình trạng nóng lên toàn cầu. Trong thông báo ngày 6/11, hội đồng quản trị GCF cho biết khoản kinh phí 168 triệu USD cho 8 dự án tại các quốc gia bao gồm Peru, Malawi, Senegal, Bangladesh, Fiji và Maldives – TTXVN đưa tin.

Các dự án đầu tiên được GCF hỗ trợ này tập trung giúp các quốc gia này chuyển từ nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng các nguồn năng lượng có thể tái tạo, đồng thời tăng cường khả năng ứng phó với những hiện tượng khắc nghiệt do biến đổi khí hậu như siêu bão, hạn hán, lũ lụt và nước biển dâng. Cùng ngày, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) cảnh báo các cam kết cắt giảm khí thải của 146 quốc gia còn xa mới đủ để ngăn chặn tình trạng nóng lên toàn cầu. Báo cáo của UNEP cho biết nếu các quốc gia thực hiện đúng cam kết, lượng khí thải cắt giảm theo kế hoạch "Đóng góp quốc gia tự nguyện" (INDCs) cũng chỉ ở mức 6 tỷ tấn, bằng 1/3 so với mức cần thiết 18 tỷ tấn để Trái Đất không tiếp tục nóng lên.

Theo Minh Cường (MOITRUONG.COM.VN)

Lượt xem : 1991