Vietnamese English
Điểm tin môi trường trong tuần

11/7/2015 9:49:00 AM

443 triệu USD sửa chữa và nâng cao an toàn đập; 50 tỷ đồng bảo vệ voi; Xem xét tính phí xử lý môi trường vào giá dịch vụ y tế; Thời tiết khắc nghiệt dẫn đến nguy cơ 60 triệu người suy dinh dưỡng; Một mảnh rác vũ trụ nặng hơn 2.000 tấn sắp rơi xuống Trái Đất; … là trong số những thông tin sự kiện môi trường nổi bật trong tuần.

VIỆT NAM

443 triệu USD sửa chữa và nâng cao an toàn đập

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt danh mục Dự án “Sửa chữa và nâng cao an toàn đập”, vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB). Dự án được thực hiện từ năm 2016-2022. Tổng vốn cho Dự án là 443 triệu USD, trong đó vốn ODA là 415 triệu USD; vốn đối ứng 28 triệu USD.


Kết quả chủ yếu của dự án là 450 đập có nguy cơ sự cố cao sẽ được sửa chữa, nâng cấp để khôi phục các nhiệm vụ thiết kế, tăng cường ổn định, bảo đảm thoát lũ và giảm thiểu rủi ro, nâng cao mức an toàn, được xác định bằng chỉ số rủi ro trước và sau quá trình cải tạo; 718 hồ chứa thủy lợi được thiết lập hệ thống giám sát, hỗ trợ vận hành và cảnh báo lũ hạ du; cơ sở dữ liệu quốc gia về quản lý an toàn đập được nâng cấp, cơ chế chia sẻ thông tin giữa các bên liên quan được xây dựng.

Triển lãm tranh bảo vệ môi trường "Trái đất trong tay em"

"Trái đất trong tay em", triển lãm tranh đặc biệt của học sinh trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành đã chính thức khai mạc chiều 3/11 tại Trung tâm Văn hóa Pháp - 24 Tràng Tiền, Hà Nội. 100 bức tranh được lựa chọn từ hơn 3000 bức tham gia cuộc thi Trái đất trong tay em của học sinh trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội.

Từ 3000 bức tranh, Ban giám khảo với chủ tịch là ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng cục Mĩ thuật và Triển lãm, Bộ VH-TT và DL đã lựa chọn ra 100 trên tổng số 600 bức tranh để đưa vào triển lãm và chấm chung khảo. Kết quả, 33 bức tranh đã được chọn để trao giải, trong đó có 3 giải thưởng Lớn, 10 giải vàng, 10 giải bạc, 10 giải đồng. Các tranh đạt giải hiện đang được chọn triển lãm tại Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace từ ngày 3 - 15/11/2015.

50 tỷ đồng bảo vệ voi

Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn vừa quyết định phê duyệt dự án "Khẩn cấp bảo tồn voi và nâng cao năng lực kiểm soát buôn bán ngà voi ở Việt Nam đến năm 2020" với mức kinh phí trên 50 tỷ đồng – theo Tổng cục Lâm nghiệp.

Dự án được thực hiện tại các khu rừng, sinh cảnh nơi voi rừng cư trú, hành lang di chuyển của các quần thể voi hoang dã hiện có ở Việt Nam; tập trung ở các khu rừng đặc dụng và các khu rừng khác trên địa bàn các tỉnh trong cả nước có voi hoang dã phân bố (không bao gồm các tỉnh: Nghệ An, Đắk Lắk và Đồng Nai); các địa phương có các hoạt động mua bán trái phép ngà và mẫu vật voi. Tổng vốn đầu tư dự án khoảng hơn 50 tỷ đồng, được thực hiện qua 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, từ năm 2014 đến 2015 và giai đoạn 2 từ 2016 đến 2020.

Xem xét tính phí xử lý môi trường vào giá dịch vụ y tế

Chính phủ vừa giao cho Bộ Y tế chủ trì, tăng cường kiểm tra, đôn đốc, phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tập trung tháo gỡ, xử lý triệt để ô nhiễm môi trường tại các bệnh viện, đồng thời, nghiên cứu, xem xét việc tính chi phí xử lý triệt để ô nhiễm môi trường vào giá dịch vụ y tế. Đây là một nội dung chỉ đạo của Chính phủ nhằm hoàn thành Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020.

Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải cũng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở chây ỳ, quá thời hạn xử lý phải thực hiện ngay các biện pháp đình chỉ hoặc cấm hoạt động theo quy định của pháp luật; theo dõi, cập nhật sát sao tiến độ xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng cho dư luận biết tình hình xử lý: Danh sách các cơ sở đã hoàn thành xử lý triệt để; các cơ sở chưa hoàn thành; nêu đích danh tên cơ sở chưa xử lý; thời hạn xử lý.

Đức giúp hơn 1,5 tỷ euro cho các dự án môi trường ở Việt Nam

Chiều 1/11, tại thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), Hội Cấp thoát nước Việt Nam (VWSA), Chương trình quản lý nước thải (WMP) của Tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ) và Dự án Hợp tác hiệp hội Đức-Việt nâng cao năng lực ngành nước Việt Nam (DEVIWAS) của Hiệp hội hợp tác ngành nước Đức (GWP) đã tổ chức Hội nghị “Khởi động hợp tác giữa GIZ-GWP-DEVIWAS kết nối năng lực ngành nước Việt-Đức.” Đây là một trong những hoạt động tích cực kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Đức và Việt Nam.

Thông qua cầu nối là Hiệp hội hợp tác ngành nước Đức, Tổ chức hợp tác phát triển Đức và Hội Cấp thoát Việt Nam, những năm qua, bằng nguồn vốn ODA, Chính phủ Đức đã cung cấp cho Việt Nam hơn 1,5 tỷ euro để đầu tư hiệu quả vào 3 lĩnh vực chính trong nước là đào tạo nghề, môi trường-chống biến đổi khí hậu và năng lượng – theo TTXVN.

THẾ GIỚI

Thời tiết khắc nghiệt dẫn đến nguy cơ 60 triệu người suy dinh dưỡng

Thời tiết thường xuyên khắc nghiệt, nhiệt độ ngày một tăng, nước biển dâng, các trận lũ lụt và hạn hán ngày một nhiều đang gây tác động nghiêm trọng tới an ninh lương thực của thế giới, và thậm chí dẫn đến nguy cơ thế giới sẽ có thêm 60 triệu người suy dinh dưỡng vào năm 2080. Đây là nội dung chính của thông cáo báo chí do đặc phái viên Liên hợp quốc về vấn đề quyền được tiếp cận lương thực bà Hilal Elver đưa ra ngày 3/11.

Phóng viên TTXVN tại Liên Hợp quốc dẫn thông cáo có đoạn viết: "Tất cả những hiện tượng khí hậu kể trên đều gây tác động tiêu cực tới mùa màng, gia súc, nông nghiệp và kế sinh nhai của người dân." Bà Elver nêu bật một nghịch lý là "chính những người ít tham gia nhất vào quá trình làm cho trái đất ấm lên lại là những người bị điêu đứng nhiều nhất do tình trạng biến đổi khí hậu."

Brazil là nước có tốc độ phá rừng cao nhất thế giới

Tổ chức Hợp tác kinh tế và phát triển (OECD) ngày 4/11 cảnh báo tình trạng phá rừng nghiêm trọng tại Brazil đang đẩy quốc gia Nam Mỹ này đối mặt với những nguy cơ về môi trường lẫn kinh tế. Trong "Báo cáo về thực trạng môi trường tại Brazil," OECD nhấn mạnh cứ 4 năm, diện tích rừng nhiệt đới bị phá hủy tại quốc gia Nam Mỹ này tương đương diện tích của đất nước Israel. Riêng năm 2014, Brazil ghi nhận 480.000ha rừng bị phá hủy – theo TTXVN.

Việc thúc đẩy một "nền kinh tế xanh" có thể mang lại những cơ hội kinh tế và xã hội "khổng lồ," qua đó giúp thúc đẩy Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lên tới 7%. Đấu tranh chống nạn phá rừng nói riêng và bảo vệ thiên nhiên nói chung là một trong những ưu tiên chính sách của chính quyền Tổng thống Dilma Rousseff trong suốt hơn một nhiệm kỳ cầm quyền vừa qua. Bà Rousseff đang đề ra mục tiêu là chấp dứt hoàn toàn nạn chặt phá rừng trái phép tại Amazon - khu rừng được mệnh danh là lá phổi của hành tinh.”

Cảnh báo mực nước biển tăng 3 mét do băng tan tại Nam Cực

Trong nghiên cứu đăng trên tạp chí Proceedings của Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ ngày 2/11, các nhà khoa học đã đưa ra dự báo về các ảnh hưởng trong thời gian dài ở vùng Biển Amundsen, nơi đang trở nên mất ổn định. Sử dụng máy tính để dự đoán các ảnh hưởng sẽ xảy ra trong 60 năm tới nếu với tốc độ tan băng như hiện tại, các nhà khoa học cho biết cả dải băng khổng lồ này sẽ tan hết và mực nước biển toàn cầu sẽ tăng khoảng 3 mét – theo TTXVN.

Theo các nhà khoa học, một khi sự mất ổn định bắt đầu, tình trạng tan băng là không thể tránh khỏi và quá trình này sẽ kéo dài từ vài thế kỷ tới cho đến thiên nhiên kỷ tới. Cũng theo nghiên cứu này, chỉ vài thập kỷ nóng lên của đại dương cũng có thể tạo ra một đợt băng tan kéo dài trong vài trăm đến vài nghìn năm. Đầu năm nay, các nhà khoa học cảnh báo một số dải băng ở Nam Cực đã bị tan chảy tới 18% khối lượng trong một thập kỷ qua. Dựa vào các dự liệu chụp từ vệ tinh, các nhà khoa học nhấn mạnh trong giai đoạn 1994-2003, mỗi năm khối lượng các tảng băng tan chảy ở Nam Cực không đáng kể, vào khoảng 25 km3 nhưng từ năm 2003 tới nay, con số này lên tới 310 km3/năm.

Scotland xây nhà máy điện gió nổi lớn nhất thế giới

Chính phủ Scotland hôm 2/11 phê chuẩn dự án xây dựng nhà máy điện gió nổi ngoài khơi có quy mô lớn nhất thế giới. Trạm năng lượng gió nổi trên mặt biển lớn nhất thế giới sẽ được xây dựng cách bờ biển vịnh Peterhead 25 km. Công ty năng lượng Statoil của Na Uy sẽ chịu trách nhiệm phát triển hệ thống gồm 5 tua-bin Hywind 6 MW có khả năng tạo ra 135 GWh điện mỗi năm, đủ cung cấp cho gần 20.00 hộ gia đình. Tua-bin Hywind sẽ được bắt chặt xuống đáy biển và điện năng tạo ra sẽ được truyền về bờ qua hệ thống cáp ngầm – theo VnExpress.

"Xét trên khía cạnh về sáng kiến công nghệ và tạo ra điện năng, Hywind là một dự án đáng mong đợi. Nó còn là sự công nhận đối với đội ngũ chuyên gia và lực lượng lao động lành nghề trong ngành năng lượng ở đây khi Statoil chọn Scotland để xây dựng trạm năng lượng gió nổi trên biển lớn nhất thế giới", Bộ trưởng Tài chính Scotland John Swinney cho biết. "Năng lượng gió trên biển là nguồn năng lượng tái tạo mới, quan trọng và có tính cạnh tranh cao. Mục tiêu của Statoil khi xây dựng trạm năng lượng này là chứng minh giải pháp năng lượng gió nổi trên mặt biển có tính thương mại và thiết thực cao, đồng thời phát triển tiềm năng thị trường trên thế giới", đại diện của Statoil cho hay.

Một mảnh rác vũ trụ nặng hơn 2.000 tấn sắp rơi xuống Trái Đất

Theo các nhà thiên văn học, một mảnh rác vũ trụ có tên WT1190F nặng hơn 2.000 tấn đang tiến thẳng về phía Trái Đất và sẽ lọt vào bầu khí quyển của chúng ta vào lúc 2 giờ 20 phút chiều 13/11 (giờ E.T.) WT1190F sẽ băng qua Ấn Độ Dương, cách bờ biển Sri Lanka 62 dặm (gần 100km). Khi tiến vào khí quyển Trái Đất, WT1190F sẽ bay qua bầu trời, thu thập một lượng nhiệt khổng lồ do masát với các phân tử khí trong khí quyển – theo TTXVN.

Lượng nhiệt này đạt đỉnh sẽ khiến WT1190F bùng cháy, và những gì chúng ta được chứng kiến sẽ trông giống như một màn biểu diễn pháo hoa hoành tráng. WT1190F được cho là sẽ cháy rụi hoàn toàn trước khi rơi, do đó sẽ không gây nguy hiểm gì cho tàu thuyền trên biển hay các sinh vật sống dưới đại dương. Hiện tượng này đã từng xảy ra hồi năm 2008, khi Cơ quan Vũ trụ châu Âu quyết định phá hủy Jules Verne, một trong số các Thiết bị vận chuyển tự động nặng hơn 2.000 tấn của cơ quan này bằng cách đưa nó quay lại bầu khí quyển Trái Đất.

Theo Minh Cường (MOITRUONG.COM.VN)

Lượt xem : 2146