VIỆT NAM
Thuế môi trường với xăng giúp ngân sách tăng thu
Nhờ việc tăng gấp ba
thuế môi trường với xăng dầu mà ngân sách cả năm có thêm 13.200 tỷ đồng trong điều kiện nhiều nguồn thu khác khó khăn. Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết thông tin này khi báo cáo Quốc hội chiều 20/10 về tình hình ngân sách nhà nước năm 2015, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2016 – theo VnExpress.
Tại buổi họp báo thường kỳ đầu tháng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế - Nguyễn Đại Trí cho biết 9 tháng đầu năm đã thu 17.000 tỷ đồng thuế môi trường với xăng dầu. Đây là một trong số ít những khoản thu đã sớm vượt kế hoạch cả năm (tương đương 134,8% dự toán). Hai năm trước, dự toán thu thuế môi trường với xăng dầu là 12.500 - 14.300 tỷ đồng mỗi năm. Từ 1/5, thuế môi trường với xăng tăng từ 1.000 đồng mỗi lít lên 3.000 đồng. Giải trình để Quốc hội chấp thuận cho tăng thuế khi đó, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đưa ra mục tiêu bù đắp nguồn thu sau khi phải giảm thuế nhập khẩu theo lộ trình. Phần tăng thu 13.200 tỷ đồng từ thuế môi trường với xăng dầu giúp giảm hụt thu ngân sách.
Môi trường ô nhiễm tăng nguy cơ bệnh ung thư vú
1.200 phụ nữ tuổi từ 40 trở lên sẽ được khám lâm sàng, siêu âm vú và chụp nhũ ảnh miễn phí các trường hợp nghi ngờ ác tính, nhằm phát hiện ung thư vú nhân ngày phụ nữ Việt Nam 20/10 và tháng hành động phòng chống ung thư vú thế giới. Đây là một trong những hoạt động thuộc chiến dịch We care for her - Vì phụ nữ, vì ngày mai do Bộ Y tế, Quỹ Ngày mai tươi sáng tổ chức – Báo TN&MT cho hay.
Theo thống kê, ở Việt Nam, mỗi năm ước tính có khoảng 11.000 ca ung thư vú mới và hơn 4.500 người tử vong vì căn bệnh này. So với nhiều, nước tỷ lệ mắc ung thư vú của Việt Nam không cao, nhưng độ tuổi trẻ hơn. Ở châu Âu, nguy cơ mắc ung thư vú cao từ độ tuổi 50, đỉnh cao nhất là khi 60 tuổi. Trong khi ở nước ta bệnh thường bắt đầu với người từ khi 40 tuổi và cao nhất là 55-60 tuổi. Có trường hợp mới 30 tuổi, thậm chí cả học sinh, sinh viên song số này rất ít và đáng quan tâm. Sự khác biệt này có thể do môi trường sống,
môi trường ô nhiễm, ô nhiễm thức ăn, thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng, ăn các thực phẩm nhiều mỡ rán cháy, lười vận động...
Góp ý xây dựng Báo cáo Môi trường Quốc gia 2015
Ngày 22/10, tại tỉnh Bắc Kạn, Tổng cục Môi trường đã tổ chức hội thảo nhằm thu nhận các ý kiến đóng góp xây dựng, hoàn thiện dự thảo đầu tiên của
Báo cáo Môi trường Quốc gia năm 2015. Ô nhiễm bụi vẫn tiếp tục duy trì ở ngưỡng cao tại nhiều đô thị, ô nhiễm nước không chỉ còn tập trung ở các khu vực hạ lưu, các đô thị, khu vực sản xuất mà đã xuất hiện ở một số vùng nông thôn.
Các đại biểu đã tập trung đóng góp ý kiến cho các nội dung cơ bản của Báo cáo, những nhận định, đánh giá, vấn đề số liệu cũng như các vấn đề về hiện trạng, quản lý và kiểm soát ô nhiễm môi trường trong giai đoạn 2011-2015. Đây là những thông tin, tư liệu hữu ích để Tổng cục Môi trường tiếp tục xây dựng, hoàn thiện dự thảo Báo cáo - theo Tổng cục Môi trường.
Hệ thống tự điều khiển hướng sáng pin xoay theo hướng mặt trời
3 sinh viên Phạm Khánh Trung, Phạm Ngọc Hải và Đinh Quang Sơn, học Khoa Điện tử - Viễn thông, Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng đã chế tạo hệ thống giúp điều khiển pin xoay theo hướng mặt trời tận thu năng lượng tối đa so với pin mặt trời đặt cố định… Em Phạm Ngọc Hải giới thiệu về tổng quan thì hệ thống gồm các phần chính, như pin mặt trời, bộ điều khiển hướng sáng, cảm biến hướng sáng, bộ điều khiển động cơ, kết cấu cơ khí, bộ điều khiển sạc và ắc quy.
“Bộ điều khiển hướng sáng sẽ thu thập tín hiệu từ cảm biến hướng sáng, xử lý và điều khiển để xoay pin mặt trời. Bộ điều khiển sạc kiểm soát quá trình sạc pin vào ắc quy và cung cấp nguồn cho hệ thống hoạt động”, Hải nói. Kết quả thử nghiệm, hệ thống tự động điều khiển pin xoay theo hướng mặt trời đã giúp thu được điện năng tăng đến 25%, so với pin mặt trời đặt cố định. Trung và Hải phấn khởi cho biết, nhóm đang tiếp tục đánh giá, cải thiện hệ thống và trong tương lai sẽ tiến hành đưa sản phẩm ra thị trường – theo An Ninh Thủ Đô.
Việt Nam đăng cai Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN lần thứ 13
Hội nghị Bộ trưởng
Môi trường ASEAN lần thứ 13 (AMME 13), Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN+3 lần thứ 14 và chuỗi các hội nghị liên quan sẽ được tổ chức từ ngày 26 – 30/10 tại Hà Nội. Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN lần thứ 13 (AMME 13) được tổ chức định kỳ 3 năm một lần nhằm mục tiêu kiểm điểm tình hình thực hiện các thỏa thuận hợp tác về môi trường trong khu vực giữa hai kỳ hội nghị, kết quả thực hiện các chương trình, dự án thuộc các lĩnh vực hợp tác về môi trường trong khuôn khổ hợp tác ASEAN. Đồng thời, thảo luận về các nội dung hợp tác mới, cũng như kiến nghị và đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy các hoạt động hợp tác ASEAN về môi trường trong thời gian tới – theo Thế Giới & Việt Nam.
Bên cạnh đó, Hội nghị cũng thảo luận và thông qua Tuyên bố ASEAN về biến đổi khí hậu (BĐKH) chuẩn bị cho Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH (COP21); Sáng kiến về Tuyên bố về chương trình nghị sự về bền vững môi trường và biến đổi khí hậu sau năm 2015 và Thông cáo chung về kết quả của Hội nghị Bộ trưởng. Đây là một sự kiện lớn của ngành Tài nguyên Môi trường Việt Nam nói riêng và cũng là sự kiện lớn trong hợp tác ASEAN về môi trường nói chung, thời điểm quan trọng đối với các nước ASEAN đã và đang chủ động, tích cực triển khai nhiều hoạt động góp phần quan trọng vào sự phát triển và thành công của Hiệp hội các quốc gia ASEAN, hướng tới việc hình thành Cộng đồng ASEAN vào ngày 31/12 tới.
THẾ GIỚI
Công bố báo cáo "Những độc tố với môi trường năm 2015"
Theo TTXVN đưa tin ngày 21/10, Hội chữ thập Xanh Thụy Sĩ (Green Cross Switzerland) và tổ chức phi chính phủ Trái Đất sạch (Pure Earth) có trụ sở ở New York (Mỹ) đã công bố báo cáo "Những độc tố với
môi trường năm 2015," cho biết 6 chất độc nguy hiểm nhất đang đe dọa gần 100 triệu người trên toàn thế giới, là các chất gây ô nhiễm - chì, hạt nhân phóng xạ, thủy ngân, crom hóa trị sáu, thuốc trừ sâu và cadmium.
Theo ông Richard Fulle, Chủ tịch Pure Earth, 6 độc tố kể trên thực tế vẫn đang tác động đến nhiều người trên thế giới và có tính chất tập trung nhiều hơn so với các chất ô nhiễm khác. Những thống kê mới nhất cho biết hiện có khoảng 95 triệu người trên thế giới đang bị tác động bởi các độc tố trên và hơn 14,7 triệu người chịu những khuyết tật trong cuộc sống. Các tác giả bản báo cáo khẳng định 6 chất gây ô nhiễm trên dẫn đến các bệnh suy nhược đe dọa đến tính mạng, đặc biệt là ở trẻ em.
Trung Quốc bồi đắp trái phép, hủy hoại hệ sinh thái Biển Đông
Trong khuôn khổ hội thảo quốc tế với chủ đề “Thúc đẩy khai thác sử dụng bền vững các đại dương - An ninh, hợp tác và phát triển,” ngày 19/10, tại Trường cao học nghiên cứu các vấn đề quốc tế SAIS, thuộc Đại học Johns Hopkins, Mỹ đã diễn ra phiên thảo luận về An ninh và phát triển tại Biển Đông. Việc Trung Quốc không ngừng tiến hành các hoạt động khiêu khích các quốc gia láng giềng tiềm ẩn nguy cơ bất ổn và có thể gây ra thảm họa môi trường, đe dọa các nguồn tài nguyên biển, sự đa dạng sinh học biển, đồng thời tạo ra các mối đe dọa lâu dài đối với các rạn san hô đẹp vào bậc nhất thế giới tại Biển Đông.
Phát biểu tại phiên thảo luận, tiến sỹ Kent Calder, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đông Á Edwin O. Reischauer, SAIS cho biết, hiện nay Biển Đông được xem là khu vực tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn do có sự tranh chấp chủ quyền của các nước trong khu vực. Bên cạnh đó, các hoạt động hủy hoại môi trường sinh thái, tình trạng ô nhiễm môi trường, vấn đề đánh bắt cá tận diệt... cũng đang đe dọa nghiêm trọng tới hệ sinh thái Biển Đông đồng thời tạo ra nguy cơ đối với vấn đề an ninh lương thực – TTXVN cho biết.
Các nhà lãnh đạo thế giới kêu gọi áp đặt thuế khí thải carbon
Nhiều lãnh đạo thế giới ngày 19/10 kêu gọi các quốc gia đánh thuế khí thải carbon để đẩy mạnh cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Các lãnh đạo từ Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cùng các nước Đức, Pháp, Chile, Ethiopia và Philippines đã lên tiếng hối thúc các nước ủng hộ kế hoạch đánh thuế khí thải carbon để "hướng nền kinh tế toàn cầu tới một tương lai ít khí thải, năng suất cao, cạnh tranh và không phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm carbon cấp độ cao dẫn tới hiện tượng ấm lên của Trái Đất."
Trong một tuyên bố, nhóm có tên gọi Ủy ban Thuế Carbon khẳng định việc đánh thuế khí thải carbon sẽ giúp tạo nền tảng cho các công ty tư nhân "đầu tư dài hạn vào phát triển theo hướng thân thiện với môi trường." Theo ủy ban trên, hiện có khoảng 40 quốc gia cùng 23 thành phố, bang và khu vực đã áp dụng đánh thuế carbon. Tuy nhiên, việc thiếu một chương trình triển khai trên diện rộng khiến sân chơi đầu tư và thương mại trong lĩnh vực này trở nên thiếu công bằng – theo TTXVN.
Đề xuất cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính không đạt mục tiêu
Các kế hoạch cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính của các nước phát triển và mới nổi không đủ để hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 2 độ C. Đây là tuyên bố được đưa ra trong báo cáo của Tổ chức Hợp tác Kinh tế & Phát triển (OECD) công bố ngày 20/10. Theo OECD, hiện có khoảng 150 nước đã đệ tình kế hoạch quốc gia riêng về cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, nhưng vẫn chưa có hệ thống cụ thể nào nhằm đánh giá tương quan giữa mục tiêu do các quốc gia đề ra.
TTXVN cho biết trước đó, Liên hợp quốc đã lấy mức tăng nhiệt độ trung bình từ thời tiền công nghiệp làm mức trần nhằm tránh sự gia tăng nhiệt độ ngày càng mạnh mẽ trong các đợt nắng nóng, hạn hán, lũ lụt và tuyệt chủng. Tuy nhiên, báo cáo của nhóm chuyên gia có trụ sở tại thủ đô Paris (Pháp) công cố dựa trên đánh giá những nỗ lực trong quá khứ và cả cam kết mới của 34 quốc gia thành viên và đối tác của OECD, bao gồm cả Trung Quốc và Ấn Độ - vốn đóng góp tới hơn 80% lượng khí thải nhà kính trên toàn cầu, cho thấy những nỗ lực này vẫn chưa đủ.
Nhà máy chạy bằng năng lượng từ củ khoai tây
Tuần qua, 2 Sisters Food Group, một trong những nhà sản xuất và cung ứng thực phẩm lớn nhất Vương quốc Anh cho biết, nhà máy sản xuất bánh nướng và khoai tây nghiền Cavaghan & Gray ở thành phố Carlesle (Anh) – công ty con của tập đoàn – có thể hoạt động độc lập nhờ vào nguồn năng lượng từ khoai tây bị loại bỏ. Nhà máy này đã trở thành cơ sở sản xuất đầu tiên trên thế giới chạy bằng nguồn năng lượng mới mà cũ, đồng thời cũng mở ra hướng phát triển đầy tham vọng trong tương lai, không chỉ với 2 Sisters Food Group mà cho cả thế giới – An Ninh Thủ Đô đưa tin.
Bên trong nhà máy Cavaghan & Gray được trang bị một hệ thống tinh chế và xử lý sinh học có nhiệm vụ biến khối lượng khoai tây bị loại trong quá trình sản xuất và những thành phẩm bị hỏng hoặc không đạt yêu cầu thành nguồn năng lượng điện và hơi nước. Hệ thống này sử dụng 4 quy trình xử lý chất thải bằng phương pháp sinh học kỵ khí, lên men và nén khí. Khi nguồn khí được cung cấp đầy đủ, nó sẽ được chuyển thành năng lượng phục vụ cho các hoạt động sản xuất và khu tổ hợp văn phòng của nhà máy. Các chuyên gia tại Cavaghan & Gray cho biết thêm, nếu hệ thống tinh chế sinh học trên chạy hết công suất, nó có thể cung cấp lượng điện khoảng 3.500 MWh điện mỗi năm, đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng điện cho khoảng 850 hộ gia đình ở Anh. Ngoài ra, người ta cũng kỳ vọng nó sẽ tạo ra khoảng 5.000 MWh hơi nước trong một năm.
Theo Minh Cường (MOITRUONG.COM.VN)