VIỆT NAM
Vinh danh 7 cá nhân tích cực bảo vệ các loài động vật hoang dã
Sáng 14/10, tại Hà Nội đã diễn ra lễ trao giải Cống hiến
bảo vệ động vật hoang dã do Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV), Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Freeland Foundation (Tổ chức phi chính phủ thực hiện các chương trình chống buôn lậu quốc tế) phối hợp tổ chức. Đây là giải thưởng nằm trong khuôn khổ chương trình Khu vực châu Á Hành động chống nạn buôn lậu động vật hoang dã (ARREST) – TTXVN đưa tin.
Tại Lễ trao giải, 5 cán bộ thực thi pháp luật và 2 nhà báo có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực bảo vệ các loài động vật hoang dã của Việt Nam đã được vinh danh gồm Huỳnh Quốc Thắng-Cán bộ hải quan, Chi cục Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Sân bay Tân Sơn Nhất; Nguyễn Duy Toại-Đội trưởng, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về Môi trường, Công an tỉnh Bắc Kạn; Nguyễn Hữu Hóa-Cán bộ bảo vệ rừng tại Khu Bảo tồn Sao La (Thừa Thiên Huế); Nguyễn Trọng Khôi-Đội trưởng, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về Môi trường, Công an tỉnh Tây Ninh; Trần Hữu Hồng-Trưởng phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về Môi trường, Công an tỉnh Nghệ An; Đỗ Doãn Hoàng (Báo Lao Động); Lê Thị Hồng Vân (Báo Nhân Dân).
Trồng rừng thay thế 67.750 ha
Ngày 12/10, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Nhà nước về Kế hoạch bảo vệ và Phát triển
rừng giai đoạn 2011-2020 đã chủ trì họp trực tuyến với các địa phương về tình hình trồng rừng thay thế. Theo Báo cáo của Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, tổng hợp kết quả rà soát tình hình các địa phương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, tổng diện tích phải trồng rừng thay thế là 67.750 ha; trong đó các dự án chuyển sang xây dựng công trình thủy điện 17.840 ha và các dự án chuyển sang mục đích khác 49.910 ha. Lũy kế đến ngày 30/9, cả nước đã trồng rừng thay thế 15.959ha, đạt 23,6%.
Trên cơ sở kết quả rà soát, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn) đã lập kế hoạch trồng rừng thay thế năm 2015 với tổng diện tích 22.300 ha; trong đó, các dự án thủy điện 8.800 ha và các dự án khác 13.500 ha. Đến ngày 30/9, 23/50 địa phương có kế hoạch trồng rừng thay thế triển khai trồng rừng thay thế, với diện tích 8.089 ha, đạt 36% kế hoạch năm; ước cả năm trồng được 11.660 ha, đạt 52,3% kế hoạch năm. Các địa phương đạt kết quả tích cực trong trồng rừng thay thế gồm: Lai Châu, Thanh Hóa, Nghệ An, Lâm Đồng, Gia Lai. Các địa phương có dự án thủy điện phải trồng rừng thay thế với diện tích lớn, nhưng chưa trồng gồm: Thừa Thiên Huế, Cao Bằng, Khánh Hòa, Bình Thuận, Phú Yên, Lạng Sơn, Bình Phước, Kon Tum, Quảng Nam.
Khởi động dự án kính tiết kiệm năng lượng đầu tiên tại Việt Nam
Sáng 9/10, Tổng công ty Viglacera đã đón nhận Giấy chứng nhận hoạt động ứng dụng Công nghệ cao cho Dự án dây chuyền sản xuất kính
Tiết kiệm năng lượng đồng thời ký một loạt hợp đồng, thỏa thuận với các đối tác chiến lược trong và ngoài nước chính thức khởi động Dự án kính tiết kiệm năng lượng đầu tiên tại Việt Nam. Đây là dấu mốc quan trọng, là nhân tố mới giúp ngành kính xây dựng Việt Nam bước lên vị thế mới – VOV đưa tin.
Dự án được Viglacera đầu tư với quy mô 5.000.000m2/năm, gồm hai giai đoạn đầu tư: Giai đoạn I với dây chuyền sản xuất 2.300.000m2/năm, tại Khu sản xuất Tân Đông Hiệp - Dĩ An - Bình Dương và giai đoạn 2 với dây chuyền sản xuất dự kiến từ 2,3 - 2,7.000.000m2/năm, tại tỉnh Bắc Ninh. Viglacera dự định đầu tư giai đoạn 1 trong năm 2015 với mục tiêu đưa sản phẩm kính tiết kiệm năng lượng “Made in Viet Nam” đầu tiên ra thị trường vào cuối năm. Để dây chuyền sản xuất kính tiết kiệm năng lượng hoạt động ổn định và hiệu quả, hiện tại, Viglacera đã sản xuất được phôi kính tốt nhất Việt Nam, đạt tiêu chuẩn Châu Âu - sản xuất tại Nhà máy Kinh nổi Viglacera (KCN Dĩ An – Bình Dương).
Việt Nam cam kết giảm lượng phát thải khí nhà kính
Ngày 12/10, Hội nghị công bố Báo cáo Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định (INDC), được Việt Nam gửi cho Ban Thư ký Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) vào ngày 30/9 vừa qua đã được tổ chức tại Hà Nội. Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về Biến đổi khí hậu (VPCC) Trần Hồng Hà, cho biết bằng nguồn lực trong nước, đến năm 2030 Việt Nam cam kết giảm 8% lượng phát thải
khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường, có thể giảm tiếp đến 25% nếu nhận được hỗ trợ quốc tế; đồng thời, Việt Nam sẽ thực hiện nhiều hoạt động thích ứng giúp tăng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, tạo điều kiện để có thể đóng góp nhiều hơn cho giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
Nội dung trên là cam kết nêu trong Báo cáo Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định của Việt Nam, góp phần xây dựng Thỏa thuận Khí hậu toàn cầu mới, nhằm giữ cho nhiệt độ trái đất tăng dưới 2 độ C vào cuối thế kỷ 21 so với thời kỳ tiền công nghiệp. Để đạt được mục tiêu này, Hội nghị các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) lần thứ 19 (COP19) tại Ba Lan năm 2013 đã kêu gọi tất cả các Bên xây dựng Báo cáo Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định (INDC). Theo đó, Chính phủ Việt Nam giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng Báo cáo INDC của Việt Nam – theo TTXVN.
Vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật đang "tàn phá" môi trường nông thôn
Theo thống kê của Cục Bảo vệ thực vật, mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng từ 70.000 đến hơn 160.000 tấn thành phẩm hóa
chất bảo vệ thực vật. Ước tính lượng bao bì, vỏ đựng thuốc chiếm khoảng 10% khối lượng tổng số thuốc tiêu thụ, số lượng bao bì, vỏ đựng thuốc bảo vệ thực vật lên tới hàng chục nghìn tấn mỗi năm. Lượng bao bì này không được thu gom đã gây ô nhiễm môi trường nước mặt, nước ngầm, ảnh hưởng đến hệ sinh thái và đe dọa sức khỏe cộng đồng – theo thông tin được ra tại Hội nghị “Tổng kết công tác bảo vệ môi trường trong nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2011-2015” ngày 16/10 ở Hà Nội.
Theo TTXVN, bình quân tổng lượng phân bón vô cơ các loại sử dụng tại Việt Nam vào khoảng 2,4 triệu tấn/năm và thải ra môi trường 240 tấn bao bì, vỏ hộp các loại ra môi trường không được thu gom, vứt bừa bãi ra ruộng đồng, kênh mương đã gây ô nhiễm môi trường trong vùng sản xuất nông nghiệp. Việc sử dụng phân bón không hợp lý về chủng loại, liều lượng cùng với việc lạm dụng phân bón vô cơ trong thời gian gần đây đã khiến đất bị chai cứng, giữ nước kém, màu mỡ của đất và năng suất cây trồng giảm.
THẾ GIỚI
Kinh tế Đông Nam Á thiệt hại nặng do thảm họa khói mù lan rộng
Trước diễn biến ngày một nghiêm trọng hơn của tình trạng
khói mù hiện nay, các chuyên gia ước tính thiệt hại kinh tế do tình trạng này gây ra với Indonesia vào khoảng 4 tỷ USD. Trước đây, nạn khói mù năm 1997 kéo dài khoảng ba tháng đã gây thiệt hại hàng tỷ USD đối với một số nền kinh tế Đông Nam Á, do làm gián đoạn hoạt động du lịch, chi phí y tế đội lên và tác động bất lợi tới hoạt động sản xuất-kinh doanh. Ước tính, nạn cháy rừng đã "móc túi" của Chính phủ Indonesia tới hơn 20 tỷ USD trong năm 1997-1998. Singapore - nền kinh tế năng động hàng đầu khu vực, cũng thiệt hại 9-10 tỷ USD. Du lịch hiện đóng góp 6,4% cho kinh tế Malaysia và 5-6% đối với kinh tế Singapore.
Khói mù đã bao phủ một phần Malaysia, Singapore trong hơn một tháng nay và tiếp tục lan về phía Bắc tới Thái Lan. Hiện đã có bảy tỉnh miền Nam Thái Lan là Narathiwat, Pattani, Phuket, Satun, Songkhla, Surat Thani và Yala bị ảnh hưởng trong nhiều ngày qua với nồng độ bụi trong không khí vào khoảng 201 microgram/m3, cao gần gấp 1,7 lần so với mức an toàn 120 microgram/m3. Nhà chức trách Thái Lan đã phải mở kênh hướng dẫn cách chăm sóc sức khỏe khi khói mù và phát khẩu trang cho người dân – TTXVN đưa tin.
Ô nhiễm không khí nặng ở 80% thành phố Trung Quốc
Mức độ ô nhiễm của gần 80% số thành phố của Trung Quốc mà tổ chức bảo vệ sinh thái Greenpeace giám sát cao hơn rất nhiều so với tiêu chuẩn quốc gia trong thời gian 9 tháng đầu năm 2015. Đây là kết luận của tổ chức Greenpeace trong báo cáo đưa ra ngày 15/10/2015. Tiêu chuẩn quốc gia của Trung Quốc vốn đã ít nghiêm ngặt hơn rất nhiều so với tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới. Theo tổ chức bảo vệ sinh thái này, mức độ ô nhiễm của 367 thành phố được giám sát còn cao hơn gấp bốn lần so với mức tối đa theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới – theo BizLIVE.
Nạn ô nhiễm không khí của Trung Quốc chủ yếu là do các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than vẫn còn phổ biến và do khí thải từ ngành công nghiệp nặng. Tình trạng ô nhiễm này khiến nhiều thành phố Trung Quốc thường xuyên chìm trong khói mù và khiến mỗi năm có hàng trăm ngàn người chết sớm. Đây là một trong những vấn đề chủ yếu khiến người dân Trung Quốc bất mãn với Đảng. Chính quyền Bắc Kinh đã loan báo nhiều biện pháp, chẳng hạn như di dời các nhà máy năng lượng, thế nhưng ít người nghĩ rằng tình hình sẽ nhanh chóng được cải thiện.
Mỹ sắp mất đứt hơn 400 thành phố và thị trấn
Telegraph dẫn một nghiên cứu mới của các nhà khoa học môi trường được công bố trên Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ (PNAS) cho biết, người Mỹ sẽ không thể làm được gì thêm để ngăn biển cả “nuốt chửng” các thành phố và thị trấn của nước này trong tương lai gần. Các nhà khoa học đã tính toán và xác định được 414 thị trấn và thành phố ở Mỹ chắc chắn sẽ bị đại dương nhấn chìm, bất kể giờ đây con người có cố gắng cắt giảm lượng khí thải carbon tới cỡ nào - Dân Việt đưa tin.
“Sự phát thải khí các carbon trong quá khứ đủ để dẫn đến sự gia tăng của mực nước biển trong tương lai, nhấn chìm tất cả những ngôi nhà ở hàng trăm thành phố và thị trấn Mỹ”, theo tuyên bố của Climate Central - một nhóm các nhà khoa học môi trường đã tiến hành nghiên cứu về vấn đề biến đổi khí hậu. Danh sách những thành phố và thị trấn Mỹ sắp đến ngày tận thế bao gồm các trung tâm dân cư đông đúc như Miami và New Orleans. Nghiên cứu không cho biết, 414 thành phố và thị trấn Mỹ còn lại bao nhiêu thời gian trước khi bị biển cả “nuốt chửng” tuy nhiên, kết luận của nó nhấn mạnh, số phận của những khu vực này chắc chắn đã được “định đoạt” như vậy.
90% loài chim biển đang phải “ăn” rác thải nhựa
Một nhóm nghiên cứu từ Úc đã cho chạy mô hình về mật độ nhựa trên các đại dương và đối chiếu với phạm vi sinh sống của 186
loài chim biển, kèm theo các tài liệu nghiên cứu phát hiện 81 loài chim biển có nhựa trong ruột tính đến nay. Theo báo cáo mới đăng trong Tuyển tập của Học viện Khoa học Quốc gia, số loài và tỷ lệ cá thể chim biển được phát hiện có nhựa bên trong cơ thể đều có xu hướng tăng theo thời gian – theo Môi trường & Đời sống.
Theo đó, các nhà khoa học kết luận trung bình 90% cá thể chim biển đang chứa chất thải nhựa trong cơ thể và dự báo chất thải nhựa sẽ có thể được tìm thấy trong 95% cá thể của tổng số 99,8% các loài chim biển cho đến năm 2050. Điều đó có nghĩa cho đến giữa thế kỷ 20, nhựa sẽ có trong gần như mọi con chim biển trên thế giới. Nhựa có thể chiếm chỗ trong dạ dày, chặn đường tiêu hóa, hoặc khiến các loài chim biển ngộ độc. Không những bản thân chứa các chất hóa học, nhựa còn có khả năng hấp thụ thêm độc tố từ nước biển và giải phóng khi đi vào cơ thể.
Các nước kêu gọi thành lập Tòa án Công lý quốc tế về môi trường
Ngày 12/10, Hội nghị thượng đỉnh chống biến đổi khí hậu lần thứ hai đã bế mạc tại Tiquipaya, miền Trung Bolivia, sau 3 ngày nhóm họp, với việc ra tuyên bố chung yêu cầu thành lập Tòa án Công lý quốc tế về môi trường. Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, Tuyên bố Tiquipaya nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thành lập một cơ quan quốc tế để xét xử các vụ vi phạm và phá hoại môi trường và khí hậu. Tòa án Công lý quốc tế về môi trường, hoạt động độc lập và tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc, sẽ xác định trách nhiệm, xử phạt và khắc phục hậu quả của các vụ phá hoại môi trường.
Tuyên bố nhấn mạnh khả năng loài người sẽ phải đương đầu với thảm họa thiên tai nếu nhiệt độ trái đất tăng thêm 1,5 độ C, đồng thời hối thúc minh bạch hóa thông tin về tình trạng khí thải gây hiệu ứng nhà kính để nâng cao nhận thức của cộng đồng, góp phần vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Phát biểu tại phiên bế mạc, Tổng thống Ecuador Correa cho rằng các nước nghèo lại là những nước bị ảnh hưởng nhiều nhất của tình trạng ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu còn các nước giàu, thủ phạm của tình trạng này lại không phải chịu bất kỳ trách nhiệm nào và đây là logic của chủ nghĩa tư bản.
Theo Minh Cường (MOITRUONG.COM.VN)