Điểm tin môi trường trong tuần
9/27/2015 5:51:00 AM
Gần 2.000 đại biểu sẽ tham dự Hội nghị môi trường toàn quốc lần thứ 4; Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn 2015; Các nguồn khí thải phải có trạm quan trắc khí tự động; Tháng Tám trở thành tháng nóng kỷ lục trong hơn 130 năm qua; Trung Quốc chi 6.700 tỷ USD cho các ngành công nghiệp ít khí thải; Na Uy tặng Brazil 1 tỉ USD để giữ rừng Amazon; … là trong số những thông tin sự kiện môi trường nổi bật diễn ra trong tuần.
VIỆT NAM
Gần 2.000 đại biểu sẽ tham dự Hội nghị môi trường toàn quốc lần thứ 4
Chiều 25/9, Bộ Tài nguyên & Môi trường đã họp báo giới thiệu Hội nghị môi trường toàn quốc lần thứ 4, diễn ra trong hai ngày 29-30/9, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội). Đây là sự kiện lớn do ngành tài nguyên môi trường tổ chức định kỳ 5 năm/lần. Tham dự Hội nghị môi trường toàn quốc lần thứ 4 dự kiến có khoảng 2.000 đại biểu trong nước và quốc tế, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng - TTXVN đưa tin.
Hội nghị môi trường lần này nhằm đánh giá, tổng kết những kết quả đã đạt được, những mặt còn tồn tại và những bài học kinh nghiệm trong công tác quản lý, bảo vệ môi trường giai đoạn 2011-2015, xác định nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2016-2020. Nhân dịp này, Bộ Tài nguyên & Môi trường cũng tổ chức lễ tuyên dương đối với 50 tập thể, 20 cá nhân điển hình tiên tiến, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ môi trường giai đoạn 2011-2015.
Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn 2015
Sáng 19/9, tại Hưng Yên, Bộ Tài nguyên & Môi trường đã phối hợp với UBND tỉnh Hưng Yên, Đại sứ quán Australia đã tổ chức Lễ phát động quốc gia Hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn với chủ đề “Hãy hành động vì môi trường nông thôn bền vững”. Lễ phát động quốc gia hưởng ứng Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm 2015 là sự kiện quan trọng của ngành tài nguyên và môi trường, là dịp quy tụ các doanh nghiệp, nhóm cộng đồng, trường học, cá nhân và các quốc gia trên toàn cầu cùng tham gia các hoạt động cải thiện và bảo vệ môi trường, phục hồi tài nguyên, thu gom, xử lý, tái chế chất thải và tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng – theo Tổng cục Môi trường.
Với chủ đề “Hãy hành động vì môi trường nông thôn bền vững” cho thấy vai trò rất quan trọng của khu vực nông thôn Việt Nam trong công tác bảo vệ môi trường cũng như công tác xây dụng nông thôn mới hướng tới một nền sản xuất tiên tiến và bền vững. Đồng chí Chu Phạm Ngọc Hiểncho rằng đây cơ hội để chúng ta cùng nhau thống nhất hành động, chủ động khắc phục những khó khăn, thách thức về ô nhiễm môi trường tại các khu vực nông thôn, ngăn chặn sự gia tăng về tốc độ ô nhiễm, suy thoái môi trường, bảo đảm cân bằng sinh thái, bảo tồn và gìn giữ các giá trị văn hóa, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững đất nước.
Các nguồn khí thải phải có trạm quan trắc khí tự động
Theo dự thảo Quyết định về việc phê duyệt Kế hoạch hành động Quốc gia về Quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, kế hoạch có mục tiêu kiểm soát các nguồn phát sinh khí thải, cải thiện chất lượng môi trường không khí xung quanh, đảm bảo cho mọi người dân được sống và làm việc trong môi trường trong lành.
Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo về Kế hoạch hành động Quốc gia kiểm soát ô nhiễm không khí đến năm 2020 ngày 24/9 ở Hà Nội. Mục tiêu cụ thể của kế hoạch này là bảo đảm giảm 20% lượng bụi và một số chất, khí phát sinh từ các cơ sở sản xuất khác và các phương tiện giao thông vận tải… Hướng đến năm 2020, 100% các nguồn khí thải công nghiệp lớn có trạm quan trắc khí tự động, liên tục.
Hà Nội đầu tư gần 630 tỷ đồng nạo vét trục chính sông Nhuệ
Nhằm phục vụ tưới tiêu và bảo vệ môi trường nước, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đề nghị các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính thẩm định nguồn vốn và cân đối vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu vốn trái phiếu Chính phủ thực hiện dự án nạo vét trục chính sông Nhuệ từ cống điều tiết hạ lưu Liên Mạc đến đường vành đai 4 của thành phố Hà Nội. Dự án có kinh phí đầu tư là gần 630 tỷ đồng, thực hiện từ trong năm năm từ năm 2016 đến 2020 – TTXVN cho biết.
Dự án nạo vét trục chính sông Nhuệ có nhiệm vụ dẫn nước tưới, tiêu cho toàn bộ hệ thống thủy lợi 21 quận, huyện của Hà Nội và tỉnh Hà Nam. Trong khi đó, trục chính sông Nhuệ lòng dẫn hiện bị bồi lắng nghiêm trọng, bờ sông một số đoạn bờ nhỏ, thấp và xung yếu, chất lượng nước ô nhiễm nặng. Các công trình thủy lợi xuống cấp, chất lượng nước bị ô nhiễm làm ảnh hưởng đến việc phục vụ sản xuất nông nghiệp, công tác phòng chống lụt bão, thoát nước, nhất là công tác chống úng ngập cho các quận nội thành thủ đô Hà Nội, cụ thể như khu Trung tâm Hội nghị quốc gia, Trung tâm Thể thao quốc gia thuộc các quận Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Tây Hồ…
Sửa đổi quy định nhập khẩu thiết bị công nghệ đã qua sử dụng
Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo về việc sửa đổi Thông tư số 20/2014/TT-BKHCN ngày 15/7/2014 quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng. Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Khoa học & Công nghệ tổng hợp, nghiên cứu kỹ ý kiến góp ý của các Bộ, ngành, các doanh nghiệp và các quy định tương tự của các nước, khẩn trương hoàn thiện dự thảo sửa đổi Thông tư số 20/2014/TT-BKHCN, sớm ban hành Thông tư mới quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng theo đúng thẩm quyền, đúng quy định pháp luật có liên quan và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ - Báo Điện tử Chinhphu.vn cho hay.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Khoa học & Công nghệ lưu ý việc quy định thời hạn sử dụng; chất lượng máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng; thẩm quyền và thủ tục xử lý thông quan, nhập khẩu phải bảo đảm tính khả thi, thuận lợi đối với các doanh nghiệp. Đặc biệt, đối với yêu cầu phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cần thực hiện theo đúng quy định của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật năm 2006. Đối với những trường hợp đặc biệt, yêu cầu quy định rõ trách nhiệm của Bộ Khoa học & Công nghệ và Bộ quản lý ngành, lĩnh vực thống nhất xem xét, quyết định.
THẾ GIỚI
Tháng Tám trở thành tháng nóng kỷ lục trong hơn 130 năm qua
Cơ quan Khí quyền và Đại dương Quốc gia (NOAA) của Mỹ vừa cho biết thời tiết nóng trên toàn cầu vẫn chưa chấm dứt và đã lập kỷ lục về nhiệt độ hàng tháng cao chưa từng thấy trong 136 năm ghi nhận dữ liệu. NOAA cho biết tháng Tám vừa qua là tháng nóng kỷ lục, cao hơn gần 1 độ C so với mức trung bình của thế kỷ 20 là 15,6 độ C – theo TTXVN.
Cũng theo tổ chức này, nhiệt độ trung bình khoảng thời gian từ tháng Sáu tới tháng Tám vừa qua là cao nhất tính từ năm 1880, khi dữ liệu lần đầu tiên được ghi nhận và cũng là cao nhất so với bất kỳ 8 tháng đầu năm nào. NOAA cũng thông báo rằng nhiệt độ cao đã khiến diện tích băng ở Bắc Cực bị thu hẹp trong tháng Tám, xuống mức thấp thứ tư kể từ cơ quan này tiến hành thu thập các dữ liệu vào năm 1979.
Trung Quốc chi 6.700 tỷ USD cho các ngành công nghiệp ít khí thải
Phát biểu tại Hội nghị cấp cao về Khí hậu giữa các nhà lãnh đạo về lĩnh vực này của hai nước Mỹ-Trung, kết thúc ngày 16/9, đại diện phái đoàn Trung Quốc tại Hội nghị, ông Xie Zhenhua, cho biết tổng đầu tư của Trung Quốc vào các ngành công nghiệp ít thải khí carbon đến năm 2030 dự kiến ở mức 41.000 tỷ nhân dân tệ (khoảng 6.720 tỷ USD) – TTXVN đưa tin.
Trung Quốc đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ cắt giảm khí thải nhà kính trên Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thêm 60-65% từ mức của năm 2005, phấn đấu đưa nguồn năng lượng phi hóa thạch chiếm 20% trong tổng tiêu thụ năng lượng của nước này. Ông cho hay trong vòng 10 năm qua, biến đổi khí hậu đã khiến mỗi năm có tới 2.000 người Trung Quốc bị chết và thương vong, gây thiệt hại trên 200 tỷ nhân dân tệ (31,4 tỷ USD).
Singapore đóng cửa khẩn cấp trường học vì ô nhiễm
Tối 24/9, chính quyền Singapore ra lệnh đóng cửa khẩn cấp trường học trên toàn thành phố trong ngày mai do ô nhiễm không khí đang trở nên vô cùng nghiêm trọng. Theo AFP, Bộ trưởng Giáo dục Heng Swee Keat thông báo lệnh đóng cửa vào ngày mai sẽ được áp dụng với các trường tiểu học và trung học, cũng như các trường mẫu giáo của bộ và các trường giáo dục đặc biệt.
Những phụ huynh không thể sắp xếp được thời gian vẫn có thể đưa con đến trường. Tại trường, các học sinh sẽ được đưa vào phòng có điều hòa không khí. Chất lượng không khí của Singapore hôm nay tụt xuống mức “rất có hại cho sức khỏe” do khói bụi từ các đám cháy rừng ở Indonesia. Phần lớn người dân ra đường đều đeo khẩu trang. Các công viên trong thành phố ngày thường đông đúc hôm nay vô cùng vắng vẻ.
Trung Quốc phóng thành công tên lửa sử dụng nhiên liệu sạch
Đài phát thanh quốc tế Trung Quốc đưa tin, sáng 20/9, tên lửa đẩy Trường Chinh 6 đã được phóng thành công từ Trung tâm phóng vệ tinh Thái Nguyên ở tỉnh Sơn Tây, miền bắc Trung Quốc, mang theo 20 vệ tinh siêu nhỏ vào không gian để thử nghiệm – Báo Nhân Dân đưa tin.
Giới chức Trung Quốc cho biết, đây là loại tên lửa mới, sử dụng nhiên liệu từ thuốc phóng thể lỏng gồm ô-xi lỏng và dầu hỏa, không độc hại và không gây ô nhiễm. Công nghệ mới còn giúp giảm nhiều chi phí. Tên lửa mới này do Viện Nghiên cứu công nghệ vũ trụ Thượng Hải thuộc Tập đoàn Khoa học công nghệ hàng không vũ trụ Trung Quốc nghiên cứu chế tạo.
Na Uy tặng Brazil 1 tỉ USD để giữ rừng Amazon
Từ năm 2008, khi rừng Amazon đối mặt với nguy cơ bị tàn phá nghiêm trọng, Na Uy - quốc gia giàu có nhờ thế mạnh dầu mỏ và khí đốt ở Bắc Âu - cam kết tặng Chính phủ Brazil 1 tỉ USD nếu họ có thể hãm lại tốc độ phá rừng. Theo trang QZ, kể từ đó Brazil tích cực triển khai các điều luật bảo vệ rừng nghiêm ngặt, tăng cường công tác giáo dục, nâng cao nhận thức bảo vệ rừng, hạn chế cho vay ngân sách với các địa phương có hoạt động gây ảnh hưởng nhiều tới rừng...
Nhờ các nỗ lực đó, Brazil đã giảm được 75% tỉ lệ phá rừng. Theo ước tính, các nông dân và chủ trang trại Brazil đã cứu được 53.100 km2 rừng. Trong tuần này, Chính phủ Na Uy tuyên bố tại hội nghị thượng đỉnh của Liên Hiệp Quốc tổ chức ở Paris (Pháp) vào tháng 12 tới sẽ giải ngân nốt 100 triệu USD trong lời hứa 1 tỉ USD vào năm 2008 cho Brazil.
Minh Cường (TH)
Lượt xem : 2507