VIỆT NAM
Phạt 20 tỉ đồng vi phạm về môi trường
Từ đầu năm đến nay, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên & Môi trường) đã ban hành trên 500 kết luận thanh tra đối với các cơ sở, khu công nghiệp (trên cả nước) và xử phạt hơn 200 tổ chức, cá nhân vi phạm. Tổng số tiền phạt là trên 20 tỉ đồng. Đó là thông tin đáng chú ý tại hội nghị triển khai công tác sáu tháng cuối năm của Tổng cục Môi trường ngày 28/7.
Ngoài ra Tổng cục Môi trường đã chủ trì, phối hợp với các địa phương thanh tra đột xuất một số cơ sở gây ô nhiễm môi trường. Trong đó, thanh tra đột xuất hai cơ sở tái chế thùng phuy gây
ô nhiễm môi trường tại phường Đồng Mai (Hà Đông, Hà Nội), xử phạt hành chính với tổng số tiền trên 500 triệu đồng.
Ô nhiễm gây thiệt hại 1,5% - 3% GDP
Theo kết quả nghiên cứu, tổng thiệt hại kinh tế của nước ta trong thời gian qua do
ô nhiễm môi trường gây ra chiếm tỷ lệ tối thiểu từ 1,5% - 3% GDP. Ngoài ra, mỗi năm, Việt Nam còn phải chịu thiệt hại khoảng 780 triệu USD trong các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cộng đồng do
ô nhiễm môi trường gây ra.
Đô thị của TP.HCM là nơi chịu nhiều tác động đến biến đổi khí hậu; nếu mực nước biển dâng thêm 75cm thì khu vực thành phố có trên 200km2 bị ngập, chiếm 10% tổng diện tích thành phố - theo thông tin tại Hội thảo Công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu ngày 29/7 ở TP Hồ Chí Minh. Hội thảo cũng giúp TP.HCM có thêm cơ sở khoa học trong việc nhận định, đánh giá sát thực tình hình quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đối khí hậu, góp phần bổ sung vào mục tiêu điều chỉnh, quy hoạch phát triển đô thị của TP.HCM trong thời gian tới.
Đã có 389/413 cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng
Đến nay đã có 389/413 cơ sở
ô nhiễm môi trường nghiêm trọng có tên trong Quyết định 64/2003/QĐ-TTg cơ bản đã hoàn thành các biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để. Thực hiện Quyết định 1788/QĐ-TTg ngày 01/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở
gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020, Tổng cục Môi trường đã phối hợp với các địa phương tích cực triển khai nhiều biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Tính đến tháng 6/2015, trong số 186 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng có thời hạn xử lý đến 31/12/2015 đã có 140 cơ sở cơ bản hoàn thành biện pháp xử lý, không còn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (chiếm tỷ lệ 75,27%). Đồng thời, hầu hết các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định 1788/ QĐ – TTg đã thực hiện ngay các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm trong thời gian xử lý để theo danh mục và biện pháp xử lý theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, qua đó góp phần giảm thiểu tác động và ô nhiễm môi trường tới cộng đồng.
190 triệu USD xử lý nước thải, chất thải
Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 27/7 cho biết đã cung cấp 190 triệu USD vốn từ Hiệp hội Phát triển quốc tế IDA, 4,6 triệu USD từ Quỹ tín thác và 5 triệu USD của Quỹ Môi trường toàn cầu GEF viện trợ không hoàn lại cho các dự án thoát nước, thu gom và xử lý nước thải, chất thải rắn ở một số thành phố của Việt Nam (Nha Trang, Quy Nhơn, Đồng Hới).
Sẽ có hơn 800.000 dân được hưởng lợi từ các dự án này, trong đó 250.000 người được hưởng lợi từ việc giảm nhẹ úng lụt. Trên 800.000 dân được hưởng lợi từ dịch vụ xử lý chất thải rắn, 65.000 học sinh được sử dụng công trình vệ sinh sạch đẹp hơn và 8.452 hộ gia đình được vay vốn từ quỹ quay vòng phục vụ cải tạo công trình vệ sinh trong gia đình. Hằng năm cả nước thải ra khoảng 15 triệu tấn rác thải rắn và thường không được xử lý và đổ thẳng ra các bãi rác lộ thiên, chỉ một số ít các bãi chôn lấp rác hợp vệ sinh. Công tác thu gom rác thải rắn chỉ đáp ứng 70% yêu cầu tại các thành phố.
Trận mưa lịch sử khiến Quảng Ninh thiệt hại 112 tỉ đồng
Trận mưa “khủng khiếp” chiều 26/7 kéo dài nhiều giờ đồng hồ đã khiến tỉnh Quảng Ninh thiệt hại 112 tỉ đồng. Theo phản ánh của người dân tại các tổ dân cư 1, 2, khu 4 (phường Mông Dương, TP Cẩm Phả, Quảng Ninh), chiều 26/7, mưa lớn đã kéo theo hàng chục tấn xỉ thải, bùn đất từ bãi xỉ thải của 2 doanh nghiệp khai thác than tràn vào nhà dân và các công trình công cộng. Hầu hết cả các hộ dân đều bị bùn đất tràn vào sân, thậm chí tràn cả vào trong nhà cao đến vài chục cm. Xe máy, giường tủ, một số vật dụng khác bị bùn đất vùi lấp.
Theo báo cáo thông kê về thiệt hại do ảnh hưởng của bão gây ra, đến thời điểm 16h30 ngày 27/7, tại thành phố Cẩm Phả mưa lũ làm chết 3 người tại phường Mông Dương và làm bị thương 2 người khác. Chính quyền địa phương đã kịp thời cứu giúp gia đình tổ chức an táng và thăm hỏi, hỗ trợ động viên. Về tài sản có trên 2.260 hộ dân, trường học, bệnh xá bị ngập lụt, có nơi ngập sâu trên 2m…Nhiều nhà dân bị sập đổ, hàng chụ mét tường rào và sân vườn bị sạt lở, trên 500m tường kè bị đổ; 68,3 ha lúa và hoa màu bị ngập lụt, trong đó có 43 ha lúa bị ngập lụt và bồi lấp.
THẾ GIỚI
EU phạt Italia 20 triệu USD vì rác thải
Tòa án Liên minh Châu Âu (EU) phạt nước Ý 20 triệu euro vì hệ thống thu gom và xử lý rác thải không đạt kết quả ở vùng Campania, miền Nam nước Ý. Thêm nữa, mỗi ngày còn bị phạt thêm 120 ngàn euro, khi vấn đề xử lý rác chưa được giải quyết ổn thỏa, theo đúng tiêu chuẩn chung EU. Bộ trưởng Môi trường Ý, Gian Luca Galetti cho rằng địa phương phải tự lo ngân sách nộp phạt, bởi Campania vi phạm các tiêu chuẩn về rác thải của EU. Nhưng ông lại cho rằng “một số địa phương không đủ sức tự giải quyết”.
Mafia đã xâm nhập vào khâu thu gom rác. Năm này qua năm khác, những bãi rác độc hại bất hợp pháp tích tụ biến thành vùng “đất chết sinh thái”. Theo EU, ít nhất phải mất 15 năm mới hồi sinh lại được. Năm 2014, lính cứu hỏa phải dập 2.500 vụ bãi rác tự bốc cháy. Không chỉ là cháy mà các bãi rác thải độc này còn là ổ ung thư.
Thủ đô Ấn Độ: Mỗi ngày 80 người chết vì không khí ô nhiễm
Bộ trưởng Môi trường Ấn Độ Prakash Javadekar mới cho biết, tình trạng ô nhiễm không khí tại thủ đô New Delhi đã lên mức cao nhất với 80 người chết mỗi ngày do khói bụi từ các phương tiện giao thông hoặc sương mù. Theo số liệu đưa ra từ tháng 4 vừa qua, nồng độ hạt bụi phân tử PM 2,5 trong không khí ở New Delhi là 215 microgram/m3 - gấp 21 lần so với khuyến cáo của thế giới.
Tổ chức Y tế thế giới cho rằng, hệ quả của tình trạng này là căn bệnh ung thư phổi khiến khoảng 1,3 triệu người chết mỗi năm. Ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây tử vong lớn thứ hai tại Ấn Độ, chỉ sau bệnh tim. Chính phủ Ấn Độ đã cho lắp đặt nhiều thiết bị theo dõi chất lượng không khí hơn ở New Delhi, đồng thời cấm các lo
Bangkok đang chìm do nước biển dâng
Với những tòa nhà bê tông, những tháp kính cao chót vót cùng hơn 10 triệu người sinh sống đang làm Bangkok (Thái Lan) chìm dần vào lòng đất. Tất cả những khối sắt thép, vật liệu và con người đó nằm trên một nền đất yếu, nguyên là đầm lầy. Các chuyên gia về thảm họa của Thái Lan đã đưa ra lời cảnh báo Bangkok đang chìm vào lòng đất từ nhiều năm. Một trong số các chuyên gia đó đã từng nói rằng ông rất lấy làm lo ngại về chuyện “Bangkok sẽ giống như TP Atlantis cổ xưa vậy”.
Một chuyên gia khác nói rằng, vào năm 2030, thành phố này sẽ nằm dưới mực nước 5 feet - khoảng 1,5m. Các số liệu trước đây cho rằng, mỗi năm Bangkok bị chìm xuống khoảng hơn 7,6 cm. Nhưng những số liệu mới nhất cho thấy tốc độ chìm lớn hơn thế, khoảng 10 cm. Dự báo rằng đến năm 2100, Bangkok sẽ hoàn toàn chìm và dân cư không thể sống ở đây được nữa. Các chuyên gia đưa ra hai phương án ứng phó. Một là xây dựng một con đê biển lớn, chi phí khoảng 3 tỷ USD để ngăn nước biển, và hai là từ bỏ toàn bộ thành phố, di dời lên vùng đất cao hơn.
Ô nhiễm không khí làm tăng tỉ lệ bệnh thận
Một nghiên cứu mới đây cho thấy ô nhiễm không khí có thể liên quan với tăng tỉ lệ mắc bệnh thận mạn tính. Các nhà nghiên cứu thuộc trường đại học Michigan (Mỹ) phát hiện ra rằng tỉ lệ mắc bệnh thận cao hơn tại những khu vực có chất lượng không khí kém ở Mỹ.
Tác giả nghiên cứu Jennifer Bragg-Gresham nói: “Nếu ô nhiễm không khí là một yếu tố nguy cơ của bệnh thận thì tác động của nó có thể lớn hơn ở những quốc gia có mức độ ô nhiễm cao hơn ở Mỹ”. Sau khi tính đến các yếu tố nguy cơ cá nhân như độ tuổi, huyết áp, các nhà nghiên cứu phát hiện thấy mối liên quan giữa tỉ lệ bị bệnh thận mạn tính và mức độ ô nhiễm chất dạng hạt trong không khí. Tuy nhiên, họ không chứng minh mối quan hệ nhân quả.
Thái Lan:Tiết kiệm nước có thưởng
Cơ quan cấp nước thủ đô Bangkok (MWA) ở Thái Lan đang đề ra chính sách khen thưởng các hộ gia đình và cơ sở kinh doanh sử dụng ít nước nhất trong bối cảnh nước này đang chật vật trước cảnh thiếu nước vì hạn hán. Theo đó, hộ gia đình và cơ sở kinh doanh nào cắt giảm lượng nước dùng 10% hoặc 5m3 nước so với hóa đơn tháng trước sẽ nhận được phần thưởng. Ngoài ra sẽ có giải cho năm hộ gia đình và năm cơ sở kinh doanh tiết kiệm nhiều nước nhất. Tuy nhiên, ông Thanasak không tiết lộ giải thưởng và phần thưởng là gì, giá trị bao nhiêu.
Người dân Bangkok sử dụng trung bình 200 lít nước/người/ngày, bao gồm cả khối kinh doanh và các ngành công nghiệp. Nội các Thái Lan vừa phê chuẩn ngân sách 30 tỉ baht (khoảng 870 triệu USD) cho kế hoạch quản lý nước để đảm bảo đủ nước cung cấp cho người dân trong vòng 11 năm tới, bao gồm cả việc xây thêm kênh, hồ trữ nước và mở rộng các hồ hiện tại.Mỗi tỉnh ở Thái Lan sẽ được cấp 10 triệu baht (khoảng 290.000 USD) để giải quyết khẩn cấp các vấn đề liên quan đến khô hạn, trong đó có vấn đề việc làm cho nông dân bị ảnh hưởng.
Theo Mai Anh (MOITRUONG.COM.VN)