Mít tinh Ngày Môi trường Thế giới 2015; 50 tổ chức và cá nhân nhận giải thưởng môi trường Việt Nam; Ra mắt phim tài liệu giáo dục phòng tránh thiên tai tại Việt Nam; Pháp khai tử 700.000 “khóa tình yêu” vì ô nhiễm; Nước tiểu và mồ hôi trên trạm vũ trụ sẽ trở thành nước uống; … là trong số những thông tin sự kiện nổi bật diễn ra trong tuần qua.
VIỆT NAM
Mít tinh Ngày Môi trường Thế giới 2015
Sáng 5/6, tại thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, Bộ Tài nguyên & Môi trường, Trung ương Hội nông dân Việt Nam, Trung ương Hội người cao tuổi Việt Nam và UBND tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp tổ chức Lễ mít tinh Quốc gia hưởng ứng
Ngày Môi trường Thế giới 2015. Ngày Môi trường Thế giới năm nay là cơ hội để chúng ta cùng nhau thống nhất hành động, khắc phục những khó khăn thách thức trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ngăn chặn sự gia tăng về tốc độ ô nhiễm, suy thoái môi trường.
Với chủ đề “Cùng nhau tiêu dùng có trách nhiệm – Vì một Trái đất bền vững”, Ngày Môi trường thế giới năm nay kêu gọi con người hãy bảo vệ trái đất ngay từ bây giờ bằng những hành động thiết thực trong sản xuất, tiêu dùng vì đó là cách tốt nhất đảm bảo cho tương lai của chúng ta và các thế hệ mai sau. Sau lễ mít tinh, các đại biểu, tình nguyện viên và người dân địa phương cùng trồng cây xanh, tổng vệ sinh thu dọn rác, giữ gìn vệ sinh môi trường và tuyên truyền cho người dân về Ngày Môi trường Thế giới năm 2015.
50 tổ chức và cá nhân nhận giải thưởng môi trường Việt Nam
Tối 4/6, Bộ Tài nguyên & Môi trường đã trao tặng
Giải thưởng Môi trường Việt Nam 2015 cho 27 tổ chức, 21 cá nhân và hai cộng đồng trên cả nước khi đã có những cống hiến và thành tích xuất sắc trong việc bảo vệ môi trường. Giải thưởng Môi trường Việt Nam được tổ chức xét chọn và trao tặng từ năm 2001. Đến nay, đã có trên 300 tổ chức, cá nhân được tặng Giải thưởng Môi trường Việt Nam. Năm nay, Ban tổ chức đã nhận được 226 hồ sơ tham gia xét duyệt.
Giải thưởng Môi trường Việt Nam là giải thưởng chính thức và duy nhất của Bộ Tài nguyên và Môi trường trao tặng cho các tổ chức, cá nhân và cộng đồng có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp bảo vệ môi trường. Giải thưởng nhằm động viên, khuyến khích phong trào bảo vệ môi trường, góp phần phát triển kinh tế-xã hội bền vững; đồng thời tuyên truyền, giới thiệu các gương điển hình tiên tiến về bảo vệ môi trường, lan tỏa phong trào thi đua yêu nước trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Ra mắt hệ thống chứng nhận công trình xanh
Ngày 4/6, tại TPHCM, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) – thành viên của Ngân hàng Thế giới, đã chính thức giới thiệu hệ thống chứng ch
ỉ công trình sử dụng tài nguyên xanh tại Việt Nam (EDGE) nhằm khuyến khích xây dựng các công trình nhà sử dụng tài nguyên hiệu quả - Báo Điện tử Chính Phủ đưa tin. EDGE sẽ cung cấp phần mềm miễn phí cho phép người thiết kế lựa chọn các giải pháp kỹ thuật “xanh” với mức chi phí phát sinh tương ứng và thời gian hoàn vốn. Như vậy, hệ thống chứng chỉ của EDGE sẽ giúp cắt giảm mức năng lượng và mức nước tiêu thụ, từ đó giảm chi phí điện nước hàng tháng cho cả chủ công trình và người sử dụng công trình sau này.
Theo tính toán của SGS S.A tại Thụy Sỹ (tổ chức hàng đầu trong lĩnh vực hàng đầu trong lĩnh vực giám định, thử nghiệm, thẩm tra và chứng nhận), trong vòng 6 năm tới, Việt Nam sẽ có khoảng 70.000 đơn vị nhà ở được cấp chứng chỉ EDGE. Với mức độ phổ cập này, đến năm 2020, EDGE sẽ góp phần giảm 19.000 tấn khí thải nhà kính, tiết kiệm 43.500 MWh điện năng tiêu thụ mỗi năm và tiết kiệm được 8 triệu USD hằng năm.
70 loài mới được phát hiện tại Việt Nam
Một loài Dơi (Hypsugo dolichodon) với cặp răng nanh mạnh khỏe, loài Bọ que (Phryganistria heusii yentuensis) có chiều dài đứng thứ hai trong nhóm côn trùng, cùng với loài Êch gai đổi màu (Graciaxal lumarius) là ba trong số
70 loài mới được tìm thấy ở Việt Nam trong năm 2014, nhiều loài trong số này đã có nguy cơ bị đe doạ - theo một báo cáo mới ra của WWF. Các loài của Việt Nam chiếm tới hơn một nửa số loài được tìm thấy tại Tiểu vùng sông Mekong Mở rộng.
Trong tổng số 139 loài động thực vật mới được phát hiện có 90 loài thực vật, 23 loài bò sát, 16 loài lưỡng cư, 9 loài cá, và 1 loài động vật có vú được tìm thấy ở các quốc gia thuộc Tiểu vùng sông Mekong Mở rộng và được mô tả trong báo cáo thường niên Mekong kỳ diệu, do WWF-Việt Nam phát hành ngày hôm nay. Như vậy, số loài mới được tìm thấy ở khu vực Tiểu vùng sông Mekong Mở rộng, bao gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam, được nâng lên tổng cộng 2.216 loài trong quãng thời gian từ 1997 đến 2014, trung bình ba loài mới được phát hiện trong một tuần.
Ra mắt phim tài liệu giáo dục phòng tránh thiên tai tại Việt Nam
Sáng 1/6, ra mắt bộ phim “Storm” – một bộ phim tài liệu truyền hình nhằm cung cấp thông tin cho trẻ em và các gia đình Việt Nam về cách tự bảo vệ bản thân trước
những thảm họa thiên nhiên như bão, lũ lụt. Phim được ra mắt trên các website vào ngày 1/6 và được trình chiếu tại các đài truyền hình địa phương.
"Storm" là bộ phim tài liệu dài 30 phút do tổ chức phi lợi nhuận World Climate Change Challenge thực hiện với sự tài trợ của Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam. Phim dự kiến sẽ được chiếu miễn phí trên các kênh truyền hình quốc gia, địa phương và trên các website cũng như những phương tiện truyền thông xã hội khác. Nội dung của bộ phim tập trung đưa ra những hướng dẫn cho các gia đình cách phòng bị và sống sót khi gặp những trận bão, lũ lụt như chuẩn bị nước sạch, dự trữ thức ăn, cách trú ấn … Đặc biệt, với những địa phương khác nhau, phim sẽ được điều chỉnh phù hợp với đặc điểm đại lý, dân cư.
THẾ GIỚI
Ấn Độ trở thành nước có số người chết cao thứ 4 vì nắng nóng
Báo Telegraph cho biết, hơn 2.500 người ở Ấn Độ đã thiệt mạng vì nhiệt độ cao gần 50 độ C ở Ấn Độ, tính đến ngày 2/6. Ấn Độ trở thành nước có số người chết cao thứ 4 vì nắng nóng trong lịch sử, sau khu vực châu Âu (71.310 người chết năm 2003 và 3.418 trường hợp năm 2006) và Nga (55.736 ca tử vong năm 2010).
Bang Andhra Pradesh ở miền Nam là vùng có nhiều người chết nhất, chiếm 2/3 tổng số người thiệt mạng trên cả nước. Theo CNN, nhiệt độ cao nhất của Ấn Độ vào ngày 1/6 là 45,4 độ C, đo tại thành phố Daltongan ở bang Jharkhand. Tại thủ đô New Delhi, nhiệt độ cao nhất là 39,9 độ C và độ ẩm tăng cao, báo Deccan Herald đưa tin sáng 3/6.
Bảo vệ đại dương có thể đem lại nguồn lợi hàng trăm tỷ USD
Ngày 4/6, Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) công bố nghiên cứu cho biết việc mở rộng các Khu bảo tồn biển (MPA) có thể đem lại nguồn lợi hơn 920 tỷ USD và tạo thêm khoảng 180.000 việc làm mới từ nay đến năm 2050. Theo nghiên cứu do Đại học VU của Amsterdam (Hà Lan) thực hiện dưới sự ủy quyền của WWF, được công bố nhân Hội nghị quốc tế tại Bồ Đào Nha bàn về tương lai của các đại dương, cứ mỗi USD được đầu tư để tạo ra các MPA ước tính sẽ đem lại lợi nhuận gấp ít nhất 3 lần thông qua các yếu tố như nguồn nhân lực, bảo vệ vùng ven biển và đánh bắt cá.
Việc tích cực bảo vệ đại dương cũng sẽ tạo các lợi ích kinh tế vô cùng to lớn bởi giảm thiểu được mức độ hủy hoại môi trường biển do đánh bắt cá đến cạn kiệt, do ô nhiễm và do các yếu tố môi trường khác. Chính vì vậy, WWF đang nỗ lực thúc đẩy để tới năm 2020, khoảng 10% diện tích đại dương trên Trái Đất nằm trong danh sách được bảo tồn và tăng lên khoảng 30% vào năm 2030. Trên thực tế, hiện chỉ có chưa đầy 4% diện tích đại dương nằm trong các MPA.
Đàm phán chuẩn bị cho thỏa thuận toàn cầu về biến đổi khí hậu
Ngày 1/6, tại thành phố Bonn của Đức bắt đầu diễn ra vòng đàm phán cấp chuyên viên của đại diện các nước trên thế giới nhằm chuẩn bị cho một thoả thuận toàn cầu về biến đổi khí hậu, dự kiến sẽ được thông qua vào tháng 12 tới ở Paris, Pháp.
Phóng viên TTXVN tại Đức cho biết vòng đàm phán kéo dài trong hai tuần có ý nghĩa quan trọng khi chỉ còn khoảng sáu tháng sẽ diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu tại Paris, và đúng một tuần trước Hội nghị Thượng đỉnh nhóm bảy nước công nghiệp phát triển (G7) ở Bayern (Đức) vốn đặt chính sách khí hậu là một trọng tâm.
Pháp khai tử 700.000 “khóa tình yêu” vì ô nhiễm
Hội đồng thành phố Paris tuyên bố sẽ cắt bỏ 700.000 “khóa tình yêu” trên thành cầu để đảm bảo sức khỏe và an toàn cho người dân. Nguyên nhân khiến hội đồng thành phố đưa ra quyết định mạnh tay như vậy là vì từ lâu người dân địa phương đã kêu ca phàn nàn về việc khách du lịch để lại hàng trăm ngàn ổ khóa trên thành cầu Pont des Arts, gây nguy cơ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và tổn hại đến sức khỏe người dân.
Trong thời gian tới đây, các cặp đôi tới thành phố lãng mạn Paris của Pháp để tận hưởng tình yêu sẽ không còn được gắn ổ khóa lên chiếc “cầu tình yêu” nổi tiếng bắc qua sông Seine nữa, khi hội đồng thành phố tuyên bố sẽ mạnh tay “khai tử” toàn bộ những ổ khóa này. Ước tính hiện có tới hơn 700.000 ngàn “ổ khóa tình yêu” đã được gắn lên thành cầu Pont des Arts, khiến mỗi đoạn lan can cầu phải chịu sức nặng tới 500 kg của những ổ khóa bằng kim loại này.
Nước tiểu và mồ hôi trên trạm vũ trụ sẽ trở thành nước uống
Nước tiểu và mồ hôi bay hơi của các phi hành gia trên Trạm vũ trụ Quốc tế (ISS) sẽ được tái xử lý thành nước uống. Tuy nhiên, hiệu suất xử lý hiện chỉ đạt 75%, thấp hơn mức 85% khi thử nghiệm trên Trái Đất. Một phi hành gia ước tính sẽ sử dụng khoảng 730 lít nước tái chế từ nước tiểu và mồ hôi trong một năm làm việc trên ISS, theo BBC.
Quy trình xử lý nước thải trên ISS như sau: nước tiểu và mồ hôi sau khi thu lại sẽ được thêm vào một số hóa chất để ngăn chặn nước tiểu phân hủy và vi khuẩn sinh sôi. Đây là bước tiền xử lý. Tiếp đó nước sẽ được dẫn vào hệ thống xử lý chính, sử dụng công nghệ chưng cất chân không để có được nước tinh khiết. Đây là công nghệ chưng cất nước ở nhiệt độ thường, không cần cấp thêm nhiệt.