Vietnamese English
Điểm tin môi trường trong tuần

5/16/2015 8:17:00 AM

Hoàn tất thủ tục bình chọn Giải thưởng môi trường năm 2015; Giới thiệu hệ thống quan trắc không khí và nước tự động; Cần đầu tư "xanh" 2.500 tỷ USD/năm cho kinh tế xanh; Các đại dương mang lại hiệu quả kinh tế khoảng 2.500 tỷ USD đang bị đe dọa; … là trong số những thông tin sự kiện môi trường đáng chú ý diễn ra trong tuần.

VIỆT NAM

Hoàn tất thủ tục bình chọn Giải thưởng môi trường năm 2015


Sáng 15/5, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Bùi Cách Tuyến đã chủ trì cuộc họp của Hội đồng xét chọn giải thưởng môi trường năm 2015. Tại cuộc họp, Hội đồng đã thảo luận, thống nhất danh sách các tổ chức, cá nhân có nhiều thành tích, đóng góp cho công tác bảo vệ môi trường, được bình chọn với số điểm cao để đề nghị Chủ tịch Hội đồng trình Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, quyết định trao tặng Giải thưởng môi trường năm 2015. Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tổ chức Lễ trao giải thưởng môi trường vào ngày 04/6 tại thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc trong khuôn khổ tổ chức các hoạt động hưởng ứng ngày Môi trường thế giới 05/6 năm nay.
 

Qua tiếp nhận, phân loại, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký tham gia giải thưởng môi trường Việt Nam năm 2015, tổng số hồ sơ tiếp nhận tính đến thời điểm ngày 12/5/2015 là 226 hồ sơ, bao gồm các lĩnh vực xét tặng như: Giáo dục, đào tạo, truyền thông môi trường; quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; giải pháp bảo vệ, sử dụng hợp lý và phát triển tài nguyên thiên nhiên; bảo tồn đa dạng sinh học và an toàn sinh học; nghiên cứu và triển khai kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ vào bảo vệ môi trường; ứng phó, khắc phục sự cố, giảm thiểu ô nhiễm, phục hồi và cải tạo môi trường; quản lý, xử lý chất thải; ứng phó với biến đổi khí hậu.

Giới thiệu hệ thống quan trắc không khí và nước tự động

Ngày 12/5, tại Hà Nội, Trung tâm Quan trắc Môi trường (Tổng cục Môi trường) và Tập đoàn GAMA (Hungary) tổ chức giới thiệu Hệ thống quan trắc môi trường không khí và môi trường nước tự động tiêu chuẩn châu Âu. Hệ thống quan trắc môi trường không khí và môi trường nước tự động của Tập đoàn GAMA dùng để đo nồng độ các chất ô nhiễm tại các khu dân cư; độ bức xạ; nồng độ các khí công nghiệp và khí nguy hiểm ở các khu công nghiệp, cơ sở liên quan đến hạt nhân hoặc tại bất kỳ điểm quan trắc cố định nào.

Điểm khác biệt và ưu thế của hệ thống này là từ việc tổng hợp và lưu trữ các dữ liệu thu thập được, sẽ tính toán và cung cấp thông tin tình hình môi trường của từng khu vực dân cư, gửi cảnh báo tự động qua website, tin nhắn SMS, email…; cung cấp công cụ tương tác ngay lập tức với những người chịu ảnh hưởng bởi sự thay đổi môi trường. Cấu trúc của hệ thống quan trắc, giám sát tự động gồm có: Trung tâm bảo giữ và xử lý dữ liệu; các trạm quan trắc tự động; hệ thống cảnh báo, quảng bá thông tin.

Lãng phí gần 5.000 tỉ đồng từ các container “rác thải”

Gần 5.000 tỉ đồng bị lãng phí do chi phí kho bãi, bên cạnh đó là nguy cơ ô nhiễm môi trường từ các container chứa rác thải – theo Báo Điện tử VTV.

Hơn 5.000 container tồn đọng, nằm bất động tại các cảng biển trong suốt hơn 3 năm qua. Vấn đề này đã từng phản ánh trong các Bản tin Tài chính Kinh doanh trước đây, thế nhưng vẫn còn nguyên tính thời sự trước những ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế và môi trường. Ngoài việc lãng phí do chi phí kho bãi, nguy cơ ô nhiễm môi trường, liệu nền kinh tế còn đang chịu những thiệt hại gì khác?

Tập huấn sử dụng ứng dụng điện thoại WildScan về bảo vệ động vật hoang dã

Ngày 11/5/2015, tại Hà Nội, Cục Bảo tồn đa dạng sinh học (Tổng cục Môi trường) phối hợp cùng tổ chức Freeland, một tổ chức hoạt động trong lĩnh vực chống buôn bán động vật hoang dã (ĐVHD) trái phép tổ chức giới thiệu ứng dụng Wildscan, một ứng dụng trên điện thoại di dộng giúp nhận dạng các loài động vật hoang dã, được thiết kế nhằm hỗ trợ các cơ quan thực thi pháp luật kiểm soát vấn nạn tiêu thụ các loài ĐVHD trái phép.

Ứng dụng di động này có chức năng độc đáo giúp nhận dạng loài, bao gồm một thư viện lớn chứa các hình ảnh sắc nét và các thông tin quan trọng của hơn 300 loài nguy cấp và các sản phẩm làm từ ĐVHD thường được buôn bán trái phép vào và trong khu vực Đông Nam Á , cũng như cung cấp các hướng dẫn về cách chăm sóc con vật và hệ thống báo cáo đơn giản.

Việt Nam và Hoa Kỳ hợp tác phát triển năng lượng sạch

Sáng 14/5, tại TP Hồ Chí Minh đã diễn ra hội thảo về năng lượng sạch với chủ đề “Những giải pháp thông minh cho Việt Nam” do Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP Hồ Chí Minh và Báo Đầu tư (VIR) tổ chức.

Trong những năm vừa qua, Hoa Kỳ và Việt Nam đã xây dựng được sự hợp tác sâu rộng và không ngừng phát triển để mang nguồn năng lượng sạch và tái tạo đến với thị trường nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về năng lượng bền vững của Việt Nam. Đây là sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động nhân dịp kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ song phương Việt Nam - Hoa Kỳ.

THẾ GIỚI

G7 đạt thỏa thuận quan trọng về biến đổi khí hậu


Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Đức cho rằng “chưa khi nào các nước G7 lại thống nhất với nhau đến thế trong việc đưa ra các mục tiêu chung”. Hội nghị các Bộ trưởng Năng lượng G7 vừa kết thúc ở Hamburg, Đức được đánh giá là rất thành công khi thể hiện được sự đồng thuận chưa từng thấy trong cuộc chiến ngăn chặn đà nóng lên của trái đất. Cụ thể, tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 vào đầu tháng 6 tới tại Munich, Đức, các nguyên thủ G7 sẽ dành một thời lượng quan trọng để bàn về các chính sách chống biến đổi khí hậu.

Sau đó, các chính sách này sẽ được bàn thảo kỹ càng tại Hội nghị thượng đỉnh về Khí hậu diễn ra vào cuối năm nay tại Paris để hiện thực hóa một tham vọng rất lớn là đưa ra được một Thỏa thuận toàn cầu về ngăn không cho trái đất nóng lên thêm 2 độ C. Đây là các bước đi rất quan trọng và lạc quan cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu vào cuối năm nay tại Pháp. Đây là Hội nghị đặc biệt quan trọng về môi trường khi có tới trên 200 quốc gia sẽ tham dự, tại HN thượng đỉnh về khí hậu gọi tắt là COP 21 vào tháng 12 năm nay.

Cần đầu tư "xanh" 2.500 tỷ USD/năm cho kinh tế xanh

Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) vừa công bố báo cáo "Gắn kết hệ thống tài chính trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương để phát triển bền vững". Báo cáo cho thấy việc điều chỉnh luồng tài chính hướng tới hoạt động kinh tế xanh, hiệu quả và toàn diện ở châu Á-Thái Bình Dương, tránh các hoạt động gây ô nhiễm và ngốn nhiều tài nguyên, là rất quan trọng để giúp khu vực tăng trưởng bền vững, hướng tới sự thịnh vượng trong tương lai.

Để có thể thu hẹp khoảng cách các dịch vụ, cơ sở hạ tầng cơ bản và bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu, khu vực châu Á-Thái Bình Dương cần đầu tư hàng năm 2.500 tỷ USD, chưa bằng 1/3 số tiền 8.400 tỷ USD bỏ ra để cứu trợ các công dân của khu vực này riêng trong năm 2012.

Mực nước biển tăng nhanh hơn dự báo, đang ở mức nguy hiểm

Các nhà khoa học Australia đã phát hiện thấy mực nước biển đang tăng lên nhanh hơn so với dự đoán trước đó do việc thu thập dữ liệu không chính xác. Đây là kết luận đưa ra trong công trình nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học thuộc trường Đại học Tasmania (UTAS) của Australia công bố trên tạp chí “Biến đổi khí hậu tự nhiên” số ra tuần này.

Dữ liệu vệ tinh cho thấy mực nước biển tăng nhanh trong những năm 90 của thế kỷ XX, nhưng sẽ chậm lại vào 10 năm tới. Trong khi đó, số liệu từ thiết bị đo thủy triều chỉ ra rằng tốc độ mực nước biển dâng không giảm xuống như ước tính ban đầu, mà đã tăng đều trong 20 năm qua. Từ đó, nhóm nghiên cứu đã chỉnh sửa lại số liệu lấy từ dữ liệu vệ tinh, cho thấy mực nước biển tiếp tục tăng ở mức nguy hiểm. Theo nhà khoa học John Church thuộc Tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghiệp Australia, số liệu mới ước tính mực nước biển có thể tăng thêm đến một mét trong 85 năm tới, đe dọa cuộc sống của hơn 150 triệu người.

Các đại dương mang lại hiệu quả kinh tế khoảng 2.500 tỷ USD đang bị đe dọa

Các đại dương trên thế giới tương đương với nền kinh tế lớn thứ 7 thế giới, có giá trị kinh tế lên đến 24.000 tỷ USD. Tuy nhiên, chúng đang bị đứng trước nhiều thách thức như ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu và khai thác kiểu tận thu. Đó là những nhận định trong một công trình nghiên cứu mới của Quỹ quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) vừa được công bố.

Theo ước lượng của WWF, mỗi năm các đại dương trên hành tinh mang lại hiệu quả kinh tế khoảng 2.500 tỷ USD, được xếp vào bảng danh sách các quốc gia có GDP lớn nhất trên thế giới. Hoa Kỳ (17.400 tỷ USD), Trung Quốc (10.400 tỷ USD), Nhật Bản (4.800 tỷ USD), Đức (3.800 tỷ USD), Pháp (2.900 tỷ USD), Anh (2.900 tỷ USD), Brazil (2.200 tỷ USD), Italia (2.100 tỷ USD), Nga (2.100 tỷ USD), Ấn Độ (2.000 tỷ USD). Theo đó, 2/3 lượng tài sản do đại dương tạo ra hàng năm lệ thuộc trực tiếp vào tình trạng kinh tế của các đại dương này. Hiện 1/2 lượng san hô trên toàn thế giới đã biến mất. Dự báo số san hô còn lại có thể sẽ bị hủy hoại trong vòng 35 năm tới. Sự đa dạng sinh học của các đại dương đã giảm 39% trong khoảng thời gian từ năm 1970 đến 2010.

Theo Minh Cường (MOITRUONG.COM.VN)

Lượt xem : 2315