Vietnamese English
Điểm tin môi trường trong tuần

5/9/2015 7:49:00 AM

Nhập khẩu phế liệu phải ký qũy tới 20%; Sử dụng chất thải rắn làm nhiên liệu sản xuất xi măng; CO2 trong khí quyển cao kỷ lục; Trung Quốc: Dự báo thời tiết sai chủ trương có thể bị ngồi tù;… là trong số những thông tin, sự kiện môi trường đáng chú ý trong tuần.

VIỆT NAM

Nhập khẩu phế liệu phải ký qũy tới 20%


Quy định này nhằm bảo đảm tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu chịu trách nhiệm xử lý rủi ro, nguy cơ ô nhiễm môi trường có thể phát sinh. Nghị định 38 về quản lý chất thải phế liệu sẽ có hiệu lực từ ngày 15/6. Theo đó, tổ chức, cá nhân trực tiếp nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất phải ký quỹ, chịu trách nhiệm xử lý rủi ro, nguy cơ ô nhiễm môi trường có thể phát sinh từ lô hàng của mình.


Riêng nhập khẩu sắt, thép phế liệu từ 1.000 tấn trở lên phải ký quỹ 20% tổng giá trị lô hàng. Với giấy và nhựa phế liệu, doanh nghiệp và cá nhân cũng phải ký quỹ 20% nếu từ 500 tấn trở lên. Trong khi đó, tỷ lệ ký quỹ lần lượt là 15%, 18% nếu nhập dưới 500 tấn.

Sử dụng chất thải rắn làm nhiên liệu sản xuất xi măng

Công văn số 623/TTg-KTN của Thủ tướng Chính phủ ngày 5/5/2015 đã đồng ý chủ trương thực hiện thí điểm Dự án áp dụng "Công nghệ sử dụng chất thải rắn sinh hoạt làm nhiên liệu thay thế cho nhà máy xi măng ở Việt Nam".

Đối với ngành công nghiệp sản xuất xi măng, việc tận dụng nguồn nhiên liệu sản xuất từ rác thải đó sẽ góp một phần đáng kể vào việc thay thế một phần nhiên liệu truyền thống trong sản xuất xi măng, giải quyết vấn đề bức xúc hiện nay về nhiên liệu cho các nhà máy xi măng từ đó tiết kiệm được chi phí đầu vào, hạ giá thành sản phẩm và tạo ra sự cạnh tranh mạnh mẽ hơn trên thị trường.

Ra mắt chương trình truyền hình mới về môi trường

Trung tâm Đào tạo và Truyền thông môi trường, Tổng cục Môi trường phối hợp với Ban Khoa giáo, Đài truyền hình Việt Nam giới thiệu một chương trình mới, một diễn đàn xoay quanh các vấn đề môi trường mang tên “Góc nhìn môi trường”. “Góc nhìn môi trường” – một chương trình mới về môi trường sẽ chính thức lên sóng số đầu tiên vào 09h10 Chủ nhật ngày 10/5/2015 và phát sóng định kỳ vào 09h10 – 09h25 Chủ nhật hàng tuần trên sóng VTV2, Đài Truyền hình Việt Nam.

Với thông điệp: “Mỗi cá nhân thay đổi góc nhìn về môi trường để từ đó có những hành vi thiết thực bảo vệ môi trường, môi trường sống sẽ trở nên trong lành hơn”. Những câu chuyện này được chia sẻ bởi chính những người dân hoặc những tổ chức, cộng đồng đang có các hoạt động tích cực góp phần bảo vệ môi trường. Sự thay đổi tích cực này sẽ tạo hiệu ứng trong xã hội để mọi người cùng chung tay đóng góp cho môi trường.

90% dân số Việt Nam chịu ảnh hưởng của bão

“Có tới 80%-90% dân số Việt Nam chịu ảnh hưởng của bão. Lũ lụt, ngập úng do mưa kèm theo bão làm ách tắc giao thông, sạt lở ở các sông suối, trượt lở đồi núi… gây tổn thất lớn về tính mạng, tài sản, nhà cửa”. Tổng cục Môi trường thông tin tại hội nghị tổng kết công tác phòng, chống thiên tai của Bộ Tài nguyên & Môi trường ngày 7/5.

Việt Nam nằm trong số 10 quốc gia thường xuyên bị thiên tai, phổ biến là bão, lũ, sạt lở đất, hạn hán. Theo Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, bão hoạt động nhiều nhất về số lượng và mạnh nhất về cường độ ở vùng biển Bắc Bộ, ít nhất ở các vùng bờ biển Ninh Thuận, Bình Thuận và Nam Bộ. Đặc biệt, khu vực từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa có số cơn bão đổ bộ nhiều nhất.

Việt Nam dự hội nghị các bên tham gia 3 công ước về môi trường

Ngày 4/5, Hội nghị các bên tham gia ba công ước gồm Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (lần thứ 7); Công ước Rotterdam về các thủ tục thông báo trước đối với một số hóa chất và thuốc bảo vệ thực vật nguy hại trong thương mại quốc tế (lần thứ 7) và Công ước Basel về Kiểm soát chất thải xuyên biên giới (lần thứ 12) đã khai mạc tại Geneva, Thụy Sỹ - theo Vietnam+.

Phát biểu khai mạc tại phiên họp tổng thể của ba công ước, ông Achim Steiner - Giám đốc điều hành của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), đã nhấn mạnh thế giới đang sử dụng hàng trăm nghìn loại hóa chất và thống kê cho thấy mỗi năm có hơn 1 triệu người chết do tác động bởi hóa chất. Chính vì vậy, những nội dung mà Hội nghị các bên thảo luận trong hai tuần tới sẽ có ý nghĩa quan trọng trong việc giảm thiểu ảnh hưởng của hóa chất đến môi trường và sức khỏe cộng đồng.

THẾ GIỚI

Châu Á- Thái Bình Dương hứng gần nửa thiên tai trên khắp hành tinh


Theo đánh giá của các chuyên gia Liên Hợp Quốc, trong 45 năm qua, thiên tai đã khiến 3,5 triệu người chết và tổn thất 2,8 nghìn tỷ USD. Châu Á-Thái Bình Dương là khu vực chịu ảnh hưởng lớn hơn cả. Báo cáo của Ủy ban Kinh tế Xã hội Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương (ESCAP) viết: “Trước những thảm họa thiên tai, châu Á-Thái Bình Dương là khu vực dễ bị tổn thương nhất trên toàn cầu. Từ năm 1970 đến nay, tại khu vực này đã xảy ra trên 5.000 vụ thiên tai khiến hơn 2 triệu người chết và ảnh hưởng tới khoảng 6 tỷ người…

Trong vòng 10 năm gần đây, mức độ rủi ro từ thiên tai tại khu vực này cao gấp 2 lần so với khu vực châu Phi, cao gấp 6 lần so với khu vực Mỹ La tinh- Caribe và gấp 30 lần so với khu vực Bắc Mỹ và châu Âu. Số liệu thống kê cho thấy trong tổng số các vụ thiên tai xảy ra từ năm 1970-2014 trên khắp hành tinh thì có đến 42,9% tập trung tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương và nếu quy ra tiền thì trong tổng số 2,8 nghìn tỷ USD bị tổn thất thì khu vực này chiếm 40,7% (1,15 nghìn tỷ USD).

CO2 trong khí quyển cao kỷ lục

Nồng độ khí CO2 trung bình toàn cầu đã vượt qua mức 400 phần triệu (ppm), điều chưa từng xảy ra trong hai triệu năm gần đây. Theo Cơ quan Hải dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ (NOAA), nồng độ khí cacbon dioxide (CO2) trung bình hàng tháng trên toàn cầu đạt mức kỷ lục, vượt 400 phần triệu (ppm) vào tháng 3/2015. Tốc độ tăng nồng độ CO2 trung bình trong khí quyển giai đoạn năm 2012-2014 là 2,25 ppm mỗi năm.

"Đây là cột mốc thực tế cho thấy việc con người đốt cháy nhiên liệu hóa thạch đã khiến nồng độ CO2 toàn cầu tăng lên 120 ppm từ thời kỳ tiền công nghiệp", Earth Sky dẫn lời chuyên gia Pieter Tans thuộc NOAA, cho hay. Nồng độ CO2 chạm mức 400 ppm lần đầu tiên tại Bắc Cực vào mùa xuân năm 2012, và tại trạm nghiên cứu Mauna Loa đặt tại Hawaii năm 2013. Tuy nhiên, nồng độ trung bình trên toàn cầu khi đó vẫn ở dưới mức 400 ppm.

Châu Á: “Nghĩa địa” của các tàu thủy

Sau khi không thể sử dụng được nữa và đến lúc phải phá dỡ, đa số các tàu thủy trên thế giới được đưa đến khu vực Châu Á. Bởi vì nơi đây có các công xưởng giá rẻ, không quan tâm nhiều đến vấn đề môi trường và an toàn, RFI đưa tin. Theo tổ chức phi chính phủ “Hiệp sĩ rừng xanh – Robin des Bois”, mỗi tuần, có 20 tàu biển cũ được đưa đi phá dỡ, như vậy, mỗi năm có khoảng một ngàn tàu. Trong ba tháng đầu năm 2015, 257 tàu chở hàng và tàu chiến được đưa tới các công xưởng để phá dỡ, cho phép tái sử dụng 2,34 triệu tấn thép.

Nhưng Chủ tịch “Hiệp sĩ rừng xanh” Jacky Bonnemains lưu ý, số tàu phá dỡ này cũng tạo ra “100.000 tấn chất thải độc hại cần quản lý”. Thời hạn trung bình khai thác một con tàu là 28 năm. Khi phá dỡ tàu, ngoài sắt thép, còn có nhiều chất độc hại như amiante, chì, bùn cặn dầu, chất polycholorobiphényle – PVC …

Giảm mạnh đầu tư nghiên cứu công nghệ năng lượng xanh

Nghiên cứu về năng lượng xanh được xem là chìa khóa để thành công trong cắt giảm khí thải các-bon trên toàn cầu đã được cảnh báo có khả năng bị chậm lại khi số lượng bằng phát minh trong lĩnh vực này đã giảm đi 42% trong ba năm qua - Theo The Guardian.

Theo nghiên cứu mới đây của hãng EMW cho thấy số lượng đăng ký phát minh về công nghệ xanh như năng lượng trời, gió, sinh học và chất thải đã giảm từ 35.390 phát minh trong năm 2012 xuống còn 20.655 phát minh trong năm 2014. Ông James Geary, người đứng đầu về nhóm nghiên cứu năng lượng xanh của EMW, cảnh báo rằng những số liệu này có thể ảnh hưởng đến nỗ lực các nước khi muốn đạt được mục tiêu cắt giảm khí các-bon. Có thể các nước có thể sẽ phải tiếp tục tăng thêm tài chính để hỗ trợ nghiên cứu đổi mới năng lượng xanh.

Trung Quốc: Dự báo thời tiết sai chủ trương có thể bị ngồi tù

Trong tình hình ô nhiễm môi trường ngày càng nặng nề ở Trung Quốc, ngày 1/5, chính quyền đã ban hành lệnh cấm cá nhân hay các tổ chức đưa ra những dự báo thời tiết không chính thức. Như vậy, những nhà khí tượng nghiệp dư của nước này, hay những ai chỉ muốn đoán ngày mai ông trời ẩm ương thế nào cũng dễ phải vào tù.

Theo BBC, các nhà khí tượng nghiệp dư cần phải cẩn trọng lời nói khi dự đoán thời tiết. Nếu ai vi phạm luật có thể phải đối mặt với số tiền phạt khá nặng 8.000 USD, thậm chí có thể còn bị bỏ tù. Chỉ những thông tin dự báo chính thức từ Trung tâm thời tiết quốc gia mới hợp pháp. Đây là một trong những quy định khá kỳ quặc của nước này trong bối cảnh ô nhiễm không khí ngày càng nặng nề.

Theo Minh Cường (MOITRUONG.COM.VN/TH)

Lượt xem : 1942