Vietnamese English
Điểm tin môi trường trong tuần

4/4/2015 8:04:00 AM

Cả nước tiết kiệm 850 triệu đồng trong Giờ Trái đất; Đầu tư năng lượng xanh toàn cầu tăng lên 270 tỷ USD năm 2014; Trung Quốc cấm người dân không đi xe máy để bảo vệ môi trường; … là trong số những thông tin, sự kiện diễn ra trong tuần.

VIỆT NAM

Cả nước tiết kiệm 850 triệu đồng trong Giờ Trái đất


Sau sự kiện Hà Nội tiên phong tắt đèn trong 1 giờ tối ngày 22/3, phong trào hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất đã nhanh chóng lan tỏa đến rất nhiều địa phương trong cả nước. Từ Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ đến Hải Phòng, Quảng Ninh hàng loạt hoạt động đã diễn ra sôi động. Tối 28/3, đồng loạt 63 tỉnh, thành của Việt Nam đã tắt đèn từ 20h30 đến 21h30 hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất.
 

Thông điệp “Tiết kiệm năng lượng, ứng phó biến đổi khí hậu” đã được các bạn trẻ truyền tải đến cộng đồng bằng nhiều hình thức phong phú như đạp xe cổ động, diễu hành tập thể, phát tờ rơi, poster, vận động lấy cam kết. Theo thống kê từ Trung tâm điều độ Hệ thống điện Quốc gia, tổng số điện năng tiết kiệm được tại lễ tắt đèn ngày 22/3 tại Hà Nội và ngày 28/3 tại các tỉnh, thành phố trên cả nước là 520.000 kWh tương đương tiết kiệm được khoảng 850 triệu đồng.

Đà Nẵng quản lý cây xanh bằng bản đồ điện tử

UBND thành phố Đà Nẵng vừa giao cho Sở Xây dựng nghiên cứu và triển khai phần mềm ứng dụng công nghệ GIS nhằm lập cơ sở dữ liệu quản lý cây xanh công cộng trên địa bàn thành phố với kinh phí đầu tư gần 250 triệu đồng – theo thông tin trên trang Bizlive.vn. Hệ thống này sẽ cho phép hiển thị tất cả hình ảnh của cây xanh ngay trên màn hình, cung cấp các thông tin liên quan như cây gì, ở đâu,  tình trạng sâu bệnh và hạ tầng liên quan...

Việc quản lý cây xanh bằng phần mềm đã được Công ty cây xanh Đà Nẵng thực hiện từ năm 2006. Theo đó, tất cả cây xanh đều được đánh số và toàn bộ lý lịch của từng cây xanh, như vị trí, chủng loại, thời gian trồng và chăm sóc, diện tích che phủ, tình trạng sinh trưởng... được đội ngũ kỹ sư, công nhân phụ trách các địa bàn của công ty cập nhật vào phần mềm, giúp cho công ty chủ động trong việc duy tu, bảo dưỡng.

Chính phủ Hoa Kỳ tài trợ gần 1 tỷ USD cho năng lượng gió của Việt Nam

Báo Công Lý cho biết Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Tp.HCM vừa ký kết tài trợ không hoàn lại cho công ty TNHH Xây dựng - thương mại - du lịch Công Lý 1 khoản viện trợ lên đến gần 1 tỷ USD, để thực hiện chương trình nghiên cứu khả thi phát triển nhà máy điện gió Bạc có công suất 300MW.

Theo đó, đề án nghiên cứu bao gồm việc tiến hành đánh giá về tài nguyên và năng lượng gió; xem xét lại các vấn đề cấp phép và kiểm soát đất đai; kết nối lưới điện và thiết kế nền móng; Lập dự toán chi phí xây dựng… Dự án này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và đây là dự án tư nhân đầu tiên của Việt Nam về năng lượng điện gió ngoài khơi, được hưởng lợi từ chương trình hỗ trợ của Chính phủ Hoa Kỳ dành cho Việt Nam.

Thành lập Trung tâm Đào tạo về môi trường và xã hội bền vững   

Thông tin từ Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết, ngày 2/4 tại Hà Nội, Viện Công nghệ Châu Á và các đối tác phát triển đã ký Biên bản ghi nhớ thành lập Trung tâm Đào tạo về môi trường và xã hội bền vững tại Việt Nam nhằm thúc đẩy trao đổi kiến thức và tăng cường năng lực về thực hiện các biện pháp bảo vệ, đảm bảo tiêu chuẩn môi trường và xã hội ở Việt Nam. ADB sẵn sàng hỗ trợ Trung tâm đào tạo, tin rằng trung tâm sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo các chuyên gia về an toàn môi trường và xã hội trình độ cao cho Việt Nam, góp phần giúp Việt Nam hướng tới con đường tăng trưởng bền vững về môi trường.

Trung tâm này được thành lập với hỗ trợ kinh phí ban đầu từ Chính phủ Australia, các đối tác phát triển khác đã cam kết sẽ cung cấp hỗ trợ kỹ thuật liên quan. Đây là thành quả nỗ lực của các đối tác phát triển, bao gồm Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Trung tâm Viện Công nghệ Châu Á (AIT) tại Việt Nam.

Ngành tài nguyên xử phạt 1.774 tổ chức, cá nhân vi phạm

Báo Kinh tế & Đô thị đưa tin ngày 2/4, Bộ Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác thanh tra năm 2014, triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2015. Theo đó, trong năm 2014, ngành đã tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với 7.800 tổ chức, cá nhân; xử phạt vi phạm hành chính 1.774 tổ chức, cá nhân với số tiền 141, 669 tỷ đồng, kiến nghị truy thu nộp ngân sách Nhà nước gần 2 tỷ đồng; kiến nghị thu hồi 1.286ha đất, 102 sổ đỏ, 5 giấy phép khai thác khoáng sản; tạm đình chỉ 37 cơ sở gây ô nhiễm môi trường…

THẾ GIỚI

Hơn 7.000 thành phố tắt đèn hưởng ứng Giờ Trái Đất


Hưởng ứng sự kiện Giờ Trái Đất 2015, từ 8 giờ 30 phút tối 28/3 (giờ địa phương), trụ sở Liên hợp quốc đặt tại thành phố New York, Mỹ, và Empire State Building - tòa nhà chọc trời biểu tượng của thành phố lớn nhất nước Mỹ này - đã cùng nhiều địa điểm nổi tiếng tại đây tắt đèn trong một giờ đồng hồ - theo TTXVN

Trong thông điệp nhân Giờ Trái Đất năm 2015 trước đó, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon nhấn mạnh rằng việc tắt bớt các thiết bị chiếu sáng trong Giờ Trái Đất không chỉ nhắc nhở nhân loại về vấn đề biến đổi khí hậu mà còn hướng đến một mục tiêu quan trọng nữa, đó là việc cung cấp năng lượng sạch cho những cộng đồng dân cư nghèo và hẻo lánh trên thế giới. Theo các nhà tổ chức, dự kiến có hơn 7.000 thành phố thuộc 172 nước trên thế giới tham gia tắt đèn từ 20 giờ 30 phút đến 21 giờ 30 tối 28/3.

Đầu tư năng lượng xanh toàn cầu tăng lên 270 tỷ USD năm 2014

Theo báo cáo của Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc (UNEP) được công bố ngày 31/3, đầu tư toàn cầu về năng lượng tái tạo đã phục hồi và tăng mạnh lên tới 270 tỷ USD trong năm qua sau hai năm suy giảm. Việc mở rộng lắp đặt thiết bị thu năng lượng Mặt Trời ở Trung Quốc và Nhật Bản cùng với các khoản đầu tư kỷ lục trong dự án điện gió ngoài khơi ở châu Âu đã giúp thúc đẩy đầu tư toàn cầu trong năm 2014, tăng 17% so với con số 232 tỷ USD trong năm 2013.

Trên toàn thế giới, công suất lắp đặt thêm trong năm 2014 là 103 GW, so với 86 GW năm 2013, 89 GW năm 2012 và 81 GW năm 2011. Trung Quốc với 83,3 tỷ USD, Brazil (7,6 tỷ USD), Ấn Độ (7,4 tỷ USD) và Nam Phi (5,5 tỷ USD) đều nằm trong nhóm 10 nước đầu tư hàng đầu, trong khi hơn 1 tỷ USD đã được đầu tư ở Indonesia, Chile, Mexico, Kenya và Thổ Nhĩ Kỳ.

Trung Quốc cấm người dân không đi xe máy để bảo vệ môi trường

Bắc Kinh đã đưa ra các biện pháp để hạn chế số lượng người lái xe máy vào những ngày bị ô nhiễm nặng, đây là động thái mới nhất của Chính quyền Trung Quốc nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường trong những năm gần đây - Theo Business Insider.

Tỷ lệ ung thư phổi đang gia tăng và đe dọa tới tính mạng của 20 triệu dân trong một thành phố lớn của Trung Quốc. Theo các quan chức y tế, Bắc Kinh là thành phố ô nhiễm nhất trên thế giới. Hồi đầu tháng này, Thủ tướng Lý Khắc Cường cam kết sẽ làm mọi thứ có thể để chống ô nhiễm, ông cho rằng: “Ô nhiễm môi trường chính là liều thuốc độc giết chết nhiều người dân Trung Quốc”.

Dừng xe ô tô không tắt máy bị phạt 650.000 đồng

Người lái xe ô tô ngồi trong xe đang dừng nhưng không tắt máy có thể bị phạt 650 nghìn đồng Tại Westminster (khu vực trung tâm London, Anh), người lái xe ô tô ngồi trong xe đang dừng nhưng không tắt máy có thể bị phạt 20 bảng Anh (gần 650.000 VND).

Quy định xử phạt này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/5 tới đây. Hội đồng TP Westminster cho rằng, đây là một trong những biện pháp để giải quyết nỗi lo về chất lượng không khí. Chính quyền sẽ triển khai một đội cảnh sát giao thông, tuần tra trên đường giám sát việc này.

Lisbon và Luxembourg chống ô nhiễm không khí kém nhất châu Âu

Thủ đô Lisbon (Bồ Đào Nha) và thủ đô Luxembourg (Đại công quốc Luxembourg) đã bị xếp cuối cùng trong danh sách các thành phố châu Âu ứng phó hiệu quả nhất với ô nhiễm không khí tại đô thị - theo TTXVN. Theo kết quả khảo sát do tổ chức môi trường "Những người bạn của Trái Đất" (Đức) với sự hỗ trợ của Cơ quan Môi trường châu Âu, tiến hành tại 23 thành phố ở Tây Âu, Zurich (Thụy Sĩ) và Copenhagen (Đan Mạch) đã chiếm hai vị trí đầu tiên trong bảng xếp hạng này.

Việc các thành phố Lisbon và Luxembourg đứng cuối bảng xếp hạng chủ yếu do hai thành phố này không tích cực thực hiện các nỗ lực giảm ô nhiễm không khí, không cấm lưu hành các phương tiện gây ô nhiễm nặng, chưa đưa vào sử dụng các loại xe buýt và các phương tiện công cộng khác chạy bằng năng lượng sạch, chưa khuyến khích người dân đi bộ và đạp xe...

Theo Minh Cường (MOITRUONG.COM.VN/TH)

Lượt xem : 2014