Chuẩn bị xét tặng Giải thưởng Môi trường Việt Nam năm 2015; Chương trình khởi động Chiến dịch Giờ trái đất 2015 tại Hà Nội; Quản lý rừng bền vững cảnh quan Trung Trường Sơn; Việt Nam trong nhóm nước thải rác ra đại dương nhiều nhất; … là trong số những sự kiện môi trường diễn ra trong tuần.
VIỆT NAM
Chuẩn bị xét tặng Giải thưởng Môi trường Việt Nam năm 2015
Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có Công văn số 371 hướng dẫn các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và các địa phương về việc giới thiệu, đề nghị xét tặng Giải thưởng Môi trường Việt Nam năm 2015.
Thời hạn cuối cùng nhận Hồ sơ vào ngày 20/4 (tính theo dấu bưu điện) theo địa chỉ: Trung tâm Đào tạo và Truyền thông môi trường, Tổng cục Môi trường, số 556 Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên, Hà Nội. Lễ trao giải được tổ chức vào dịp Ngày Môi trường thế giới (5/6).
Chương trình khởi động Chiến dịch Giờ trái đất 2015 tại Hà Nội
Với chủ đề “Tiết kiệm năng lượng-ứng phó với biến đổi khí hậu,” chương trình khởi động Chiến dịch Giờ trái đất 2015, diễn ra ngày 7/2, tại Hà Nội. Sau sự kiện khởi động này, các hoạt động bên lề hưởng ứng Chiến dịch Giờ trái đất sẽ được tổ chức trong suốt tháng 3 trên phạm vi cả nước.
Dự kiến, nghi thức tắt đèn sẽ diễn ra từ 20 giờ 30 đến 21 giờ 30 ngày 28/3, tại quảng trường Cách mạng Tháng 8 và được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam. Chiến dịch Giờ trái đất 2015 do Bộ Công Thương chủ trì tổ chức thực hiên với sự hỗ trợ kỹ thuật của Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) và Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam. Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiếp tục là đơn vị đồng hành cùng chương trình và năm 2015 còn có thêm sự tham gia tài trợ của DAKIN VIETNAM.
4,5 triệu USD giúp quản lý rừng bền vững cảnh quan Trung Trường Sơn
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt danh mục Dự án “Lồng ghép bảo tồn đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý rừng bền vững cảnh quan Trung Trường Sơn Việt Nam”. Dự án do Quỹ môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ thông qua Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).
Kinh phí thực hiện
Dự án là 4.544.954 USD, trong đó vốn ODA do GEF tài trợ không hoàn lại thông qua ADB là 3.794.954 USD; vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 750.000 USD (của Bộ Tài nguyên và Môi trường: 100.000 USD, của Quảng Trị: 230.100 USD, của Thừa Thiên – Huế: 189.800 USD, của Quảng Nam: 230.100 USD).
THẾ GIỚI
Việt Nam trong nhóm nước thải rác ra đại dương nhiều nhất
Báo chí Mỹ ngày 12/2 dẫn một nghiên cứu cho biết
Việt Nam nằm trong nhóm 5 quốc gia xả rác ra đại dương cao nhất thế giới.
Công trình do nhóm các giáo sư môi trường tại Đại học Georgia (Mỹ) thực hiện, công bố lần đầu trên tạp chí khoa học Science. Họ ước tính hơn 190 nước đã thải ra đại dương 8,8 triệu tấn rác thải mỗi năm, gồm túi nilon, chai lọ, dao kéo, bao bì thực phẩm, bàn chải đánh răng và nhiều loại khác.
Trung Quốc đổ ra biển 2,4 triệu tấn rác thải mỗi năm
Theo phóng viên TTXVN tại London, trong nghiên cứu toàn cầu đầu tiên đánh giá về nạn rác thải nhựa được công bố trên tạp chí Khoa học ngày 12/2, các nhà khoa học cảnh báo lượng rác thải nhựa chìm nổi trên các đại dương trên thế giới có thể tăng gấp 10 lần vào năm 2020, đủ lớn để phủ kín mọi đường biển trên Trái Đất.
Trung Quốc đứng đầu thế giới về lượng rác thải nhựa đổ ra biển mỗi năm với khoảng 2,4 triệu tấn, chiếm 30% tổng lượng toàn cầu, tiếp đó là Indonesia, Philippines....Mỹ là nước công nghiệp phát triển duy nhất nằm trong danh sách 20 nước có lượng rác thải nhựa đổ ra biển nhiều nhất, trong khi các nước ven biển thuộc Liên minh châu Âu (EU) đứng thứ 18 về tổng lượng rác nhựa thải ra biển.
Nổ nhà máy hóa chất Tây Ban Nha gây ô nhiễm nghiêm trọng
Truyền thông Tây Ban Nha đưa tin đã xảy ra một vụ nổ tại một nhà máy hóa chất gần thành phố Barcelona ngày 12/2. Vụ nổ gây ra một đám mây lớn màu cam độc hại khiến người dân tại đây không thể ra ngoài trong nhiều giờ.
Vụ nổ xảy ra vào khoảng 9 giờ 45 phút (giờ địa phương) tại nhà máy hóa chất Simar ở thành phố Igualada, cách Barcelona 70km về phía Tây Bắc. Vụ nổ không những làm 8 người bị thương mà còn tạo ra một đám mây hóa chất che phủ trên diện rộng, khiến 65.000 người dân tại 6 vùng, trong đó có cả công nhân và trẻ nhỏ đang ở các trường học, buộc phải ở trong nhà và đóng kín các cửa sổ. Nhiều giờ sau vụ nổ, một số phụ nữ và trẻ em vẫn gặp phải một số vấn đề về hô hấp.