TRONG NƯỚC
Việt Nam và Đan Mạch ký kết hợp tác xây dự án điện gió
Trong khuôn khổ hội thảo “Năng lượng gió Việt Nam” do Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam tổ chức ngày 9/12 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tập đoàn Phú Cường và Tập đoàn năng lượng gió Vestas (Đan Mạch) đã ký kết bản ghi nhớ xây dựng
Dự án trại sản xuất điện gió công suất 170MW tại tỉnh Sóc Trăng.
Theo đó, Tập đoàn Vestas cam kết sẽ tham gia và hỗ trợ cho dự án điện gió của Tập đoàn Phú Cường về vay vốn, xây dựng hạ tầng, thiết bị trong suốt quá trình triển khai, từ lập dự án đến khi đi vào hoạt động. Tập đoàn đã triển khai chương trình phát triển điện gió tại đây, với tổng công suất có thể lên tới 800MW. Dự kiến đầu năm 2016, trang trại điện gió đầu tiên sẽ được triển khai xây dựng tại thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) có quy mô 170MW với tổng mức đầu tư 436 triệu USD. Trong đó, giai đoạn 1 sẽ xây dựng nhà máy có công suất 30MW với vốn đầu tư 75 triệu USD.
Đưa vào sử dụng Trung tâm phòng chống thiên tai tỉnh Thừa Thiên-Huế
Ngày 9/12, tại thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tổ chức khánh thành và đưa vào sử dụng
Trung tâm phòng chống thiên tai tỉnh Thừa Thiên-Huế. Dự án do Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ viện trợ không hoàn lại với số tiền 8,5 tỷ đồng.
Trung tâm phòng chống thiên tai tỉnh Thừa Thiên-Huế được xây dựng tại số 2B, đường Trần Cao Vân, thành phố Huế, với quy mô ba tầng, tổng diện tích sàn là 900m2, có đầy đủ các phòng chức năng.
Xử phạt 184 đối tượng vi phạm về bảo vệ môi trường
Thông tin từ Tổng cục Môi trường ngày 12/12 cho biết, từ đầu năm 2014 đến nay, Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường đã tiến hành thanh kiểm tra 606 cơ sở, cụm công nghiệp, qua đó ban hành quyết định xử phạt đối với 184/345 đối tượng vi phạm về
bảo vệ môi trường.
Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường cũng đã tạm đình chỉ hoạt động đối với 37 cơ sở/bộ phận gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
THẾ GIỚI
Trung Quốc: 23% "nước tinh khiết" bị phát hiện ô nhiễm
Gần ¼ số nước sạch được Cơ quan giám sát an toàn hàng đầu của Trung Quốc thẩm định đều không đạt tiêu chuẩn, trong đó phát hiện nhiều sản phẩm có lượng vi khuẩn vượt quá mức cho phép của một số hãng lớn ở nước này, tờ Nhật báo Thượng Hải hôm nay (8.12) đưa tin.
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Trung Quốc đã kiểm tra 2.088 lô nước tinh khiết và phát hiện 23% trong số này không đạt tiêu chuẩn, tờ Nhật báo Thượng Hải cho biết. Phần lớn các sản phẩm đều vượt quá mức độ vi khuẩn trong nước.
Singapore tăng mức phạt vứt rác bừa bãi
Với mục tiêu trở thành một đất nước không
rác thải, Singapore đã tăng mức phạt cao nhất cho người vi phạm vứt rác lần đầu lên đến 2.000 SGD. Singapore đã được mệnh danh là một trong những quốc gia sạch nhất trên thế giới. Tuy nhiên, tình trạng vứt rác ra đường vẫn còn xảy ra ở nhiều điểm công cộng tại quốc gia này.
Với quyết tâm làm sạch hơn 30 điểm nóng xả rác bừa bãi, nhằm giữ vững danh hiệu “đất nước xanh, sạch, đẹp”, Singapore đã tăng mức xử phạt cao nhất với người vi phạm lần đầu từ 1.000 lên 2.000 SGD. Đối với Chính phủ nước này, ý thức người dân mới chính là mấu chốt của việc hạn chế rác thải.
1.800 người người tuần hành vì môi trường tại Peru
Ngày 10/12, hàng nghìn người đã tổ chức một cuộc tuần hành lớn tại trung tâm thủ đô Lima của Peru, nhằm kêu gọi các bộ trưởng tham dự Hội nghị lần thứ 20 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về
biến đổi khí hậu (COP-20) nhanh chóng tiến tới một thỏa thuận khí hậu toàn cầu và hướng tới mục tiêu sử dụng 100% năng lượng sạch trước năm 2050.
Trong một diễn biến tích cực, ngày 10/12, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã lên tiếng hoan nghênh việc Quỹ khí hậu xanh (GCF) đạt được cam kết đóng góp hơn 10 tỷ USD để giúp các nước nghèo đẩy mạnh cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Ông cũng bày tỏ tin tưởng điều này sẽ giúp các bên có thêm niềm tin hướng tới việc đạt được dự thảo hiệp định biến đổi khí hậu mới vào trước năm 2015 để thay thế cho Nghị định thư Kyoto sẽ hết hạn vào năm 2020, cũng như giúp quỹ GCF đạt mục tiêu 100 tỷ USD mỗi năm từ năm 2020.
Gần 270.000 tấn nhựa đang trôi nổi trên các đại dương thế giới
Theo một nghiên cứu công bố trên tạp chí Plos One ngày 10/12, hiện có ít nhất 5.250 tỷ
mảnh nhựa với tổng trọng lượng khoảng 268.940 tấn đang trôi nổi trên các đại dương của thế giới.
Để đưa ra dự báo đúng về số lượng và trọng lượng các loại rác thải nhựa đang trôi nổi trên các đại dương, nhà khoa học Marcus Eriksen cùng các đồng nghiệp từ Viện nghiên cứu Five Gyres (5 dòng hải lưu) ở Mỹ đã sử dụng dữ liệu thu thập được từ 24 chuyến khảo sát được tiến hành trong 6 năm (từ 2007-2013) tại tất cả 5 dòng hải lưu cận nhiệt đới, vùng ven biển Australia, vịnh Bengal và biển Địa Trung Hải.