Triển lãm cây ASEAN và phát động trồng cây chủ đề "Bóng mát cuộc đời"; Vận hành thành công trạm phân tích nước thải đầu tiên ở Việt Nam; Thế giới vừa trải qua tháng 10 nóng nhất trong lịch sử khí tượng; 35% dân số thế giới sử dụng nước nhiễm phân… là trong số những thông tin, sự kiện đáng chú ý trong tuần.
TRONG NƯỚC
Vận hành thành công trạm phân tích nước thải đầu tiên ở Việt Nam
Thông tin từ phó giáo sư tiến sỹ Bùi Duy Cam, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Chủ nhiệm dự án hợp tác Việt-Đức về xử lý nước thải công nghiệp, ngày 18/11 cho biết các chuyên gia nghiên cứu công nghệ đã vận hành thành công
Trạm phân tích nước thải di động tại một số nhà máy ở khu công nghiệp Trà Nóc, thành phố Cần Thơ.
Các thiết bị và mô hình trạm phân tích nước thải di dộng này đều thuộc dự án hợp tác giữa phía Việt Nam và Đức trong giai đoạn 2012-2014 với nguồn vốn hỗ trợ khoảng 2,5 triệu euro.
Triển lãm cây ASEAN và phát động trồng cây chủ đề "Bóng mát cuộc đời"
Mở đầu cho Tuần "Đại đoàn kết ASEAN - Một tầm nhìn, một bản sắc, một cộng đồng" là
triển lãm cây và phát động trồng cây “Bóng mát cuộc đời” vừa diễn ra tại làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam Đồng Mô - Sơn Tây - Hà Nội.
Ngay sau buổi lễ, các đại biểu cùng trồng 100 cây bóng mát trên đường trục chính và 1.000 cây xanh tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam như sự khởi đầu cho việc trồng 1 triệu cây xanh trên toàn quốc.
Phạt 1 công ty với số tiền kỷ lục vì gây ô nhiễm môi trường
Ngày 18/11, Văn phòng Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết Ủy ban vừa có Quyết định số 5633 /QĐ-XPVPHC về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với Công ty Cổ phần Thuộc da Hào Dương, chuyên sản xuất da tại Khu công nghiệp Hiệp Phước, huyện Nhà Bè (Thành phố Hồ Chí Minh) với tổng số tiền phải nộp hơn 6,39 tỷ đồng – mức phạt cao nhất từ trước đến nay.
Trước đó, trong nhiều năm liền, Công ty Cổ phần Thuộc da Hào Dương liên tục bị các cơ quan chức năng gồm Cục Cảnh sát điều tra về tội phạm môi trường (C49) và các sở, ngành, địa phương của Thành phố Hồ Chí Minh phát hiện và lập biên bản xử lý vi phạm hơn 10 lần do liên tục gây
ô nhiễm môi trường, xả nước thải trực tiếp ra sông Đông Điền với khối lượng hàng m3/ đêm với mức độc hại vượt hàng trăm lần cho phép.
Đức tài trợ 8 triệu Euro cho bảo vệ hệ sinh thái rừng ở Việt Nam
Thông qua ngân hàng tái thiết Đức (KfW), Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức sẽ tài trợ 8 triệu Euro cho dự án “Bảo vệ và quản lý tổng hợp hệ
sinh thái rừng ở các tỉnh Quảng Nam, Kon Tum và Gia Lai" (gọi tắt là KfW10).
Lễ ký kết tài trợ dự án vừa diễn ra sáng nay, 18/11 tại Hà Nội giữa Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Hà Công Tuấn và bà Christine Heimburger, Giám đốc của KfW phụ trách Đông Á-Thái Bình Dương. Dự án KfW10 sẽ được thực hiện trong 7 năm, với tổng số vốn là 11,29 triệu Euro; trong đó vốn ODA không hoàn lại là 8 triệu Euro và vốn đối ứng của Việt Nam là 3,29 triệu Euro.
THẾ GIỚI
35% dân số thế giới sử dụng nước nhiễm phân
Khoảng
35% dân số thế giới (tương đương 2,5 tỉ người) không được sử dụng nhà vệ sinh, theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc nhân ngày Toilet thế giới hôm 19/11.
Có 1 tỉ người thường xuyên đi vệ sinh ngoài trời, do đó dễ bị bệnh tiêu chảy. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, căn bệnh này cướp đi sinh mạng của khoảng 2.200 trẻ em mỗi ngày.
Thế giới vừa trải qua tháng 10 nóng nhất trong lịch sử khí tượng
Tháng 10/2014 đã trở thành
tháng Mười nóng nhất trong lịch sử khí tượng thế giới kể từ khi các chuyên gia bắt đầu thu thập và ghi chép dữ liệu về nhiệt độ trung bình của Trái Đất từ năm 1880.
Cơ quan Khí quyển và đại dương quốc gia của Mỹ (NOAA) ngày 20/11 cho biết nền nhiệt trung bình toàn cầu trên cả mặt đất và đại dương trong tháng Mười vừa qua đạt 14,74 độ C, cao hơn 0,01 độ C so với nhiệt độ nóng kỷ lục trước đó. Đây là tháng Mười thứ 38 liên tiếp nhiệt độ trung bình toàn cầu cao hơn mức nhiệt kỷ lục được ghi nhận ở các năm 1998 và 2010.
Liên hợp quốc kêu gọi đóng góp 10 tỷ USD cho Quỹ Khí hậu xanh
Ngày 20/11, tại Berlin của Đức đã diễn ra Hội nghị quốc tế với mục tiêu kêu gọi đóng góp cho Quỹ
Khí hậu xanh (GCF) nhằm hỗ trợ các nước nghèo cắt giảm khí thải và đối phó với tình trạng ấm lên toàn cầu. Cao ủy Liên hợp quốc phụ trách vấn đề biến đổi khí hậu Christiana Figueres kêu gọi các nhà tài trợ đóng góp tài chính để đến cuối năm, GCF có nguồn vốn ít nhất là 10 tỷ USD.
Trước hội nghị Berlin, các nước đã cam kết đóng góp khoảng 3/4 trong số tiền 10 tỷ USD trên, trong đó Mỹ tuyên bố ủng hộ 3 tỷ USD, Nhật Bản với 1,5 tỷ USD, Pháp và Đức mỗi nước 1 tỷ USD và Thụy Điển sẽ đóng góp trên 500 triệu USD. Ngoài ra, một số quốc gia khác như Thụy Sĩ, Hàn Quốc, Hà Lan, Na Uy, Mexico, Luxembourg và Cộng hòa Séc cũng cam kết hỗ trợ, với tổng số tiền gần 1 tỷ USD.
Một nửa diện tích nước Mỹ bị phủ trắng trong đợt lạnh kỷ lục
Theo giới chức, một nửa diện tích nước Mỹ đã bị phủ trắng trong đợt lạnh buốt kỷ lục kể từ năm 1976 với nhiệt độ ban đêm hạ xuống dưới -7 độ C.
Tính đến cuối ngày 19/11, đợt giá lạnh có tên Winter Storm Knife đã phủ lớp tuyết dày gần 1m tại các khu vực Đông và Đông Nam thành phố Buffalo, miền Tây bang New York. Thậm chí trong hai ngày qua có nơi tuyết rơi dày tới 1,5m.