Động thổ xây hạng mục đầu tiên của Dự án Công nghệ Xanh; WHO cảnh báo về ô nhiễm không khí trong nhà; … là trong số những sự kiện môi trường nổi bật trong tháng.
Khu này sẽ tiếp nhận và xử lý toàn bộ chất thải cho Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận trong thời gian từ 75 năm tới 100 năm tới, với khoảng từ 20.000 tấn đến 25.000 tấn rác mỗi ngày.
Tái công nhận Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn
Ngày 12/11, tại huyện Đồng Văn, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang đã tổ chức Hội nghị tổng kết 4 năm xây dựng và phát triển Công viên địa chất toàn cầu
Cao nguyên đá Đồng Văn giai đoạn 2010 - 2014, công bố tái công nhận Cao nguyên đá Đồng Văn tiếp tục là thành viên của Công viên địa chất toàn cầu giai đoạn 2015 - 2018.
Đến nay, 100% các thôn bản, trường học trên vùng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn được triển khai tuyên truyền giáo dục về công tác bảo vệ, giữ gìn di sản. Với những cố gắng đó ngày 23/9 tại Canada, UNESCO đã tiếp tục công nhận tư cách thành viên mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn.
Nghiệm thu Dự án “Giám sát tài nguyên môi trường biển, hải đảo bằng công nghệ viễn thám”
Ngày 13/11, tại Hà Nội, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Cục Viễn thám Quốc gia thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức nghiệm thu Dự án “Giám sát tài nguyên môi trường biển, hải đảo bằng công nghệ viễn thám.” Đây là một trong những Dự án trọng điểm của Đề án tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên môi trường biển nhằm tăng hiệu quả và hiệu lực quản lý Nhà nước về tài nguyên thiên nhiên và môi trường biển và hải đảo.
Dự án đã lập được 4 thiết kế kỹ thuật cho tài nguyên môi trường biển. Đó là thiết kế kỹ thuật cho bản đồ địa hình quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; thiết kế kỹ thuật cho lớp phủ bề mặt biển; thiết kế kỹ thuật kèm theo các bộ chỉ số vật lý, hóa học sinh vật biển; thiết kế kỹ thuật cho hệ thống giám sát đa thời gian tài nguyên môi trường biển.
THẾ GIỚI
WHO cảnh báo về ô nhiễm không khí trong nhà
Ngày 12/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo, mỗi năm có hàng triệu người, chủ yếu tại các nước đang phát triển chết vì
ô nhiễm không khí trong nhà, do việc sử dụng các nhiên liệu nguy hiểm như than, dầu, củi, rác thải nông nghiệp… Trước tình trạng này, WHO kêu gọi người dân sử dụng nhiên liệu sạch và thiết kế khu bếp nấu an toàn sạch sẽ.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, gần 3 tỷ người trên thế giới đang không được tiếp cận với nhiên liệu sạch và việc đảm bảo vệ sinh trong bếp núc, sưởi ấm và chiếu sáng. Mỗi năm, có hơn 7 triệu người chết vì ô nhiễm không khí. Trong số đó, có khoảng 4,3 triệu người ở các nước đang phát triển.
Biến đổi khí hậu làm tăng 50% các cơn giông sét trên thế giới
Biến đổi khí hậu sẽ làm gia tăng 50% các cơn giông sét từ nay tới cuối thế kỷ 21. Đây là cảnh báo đáng lo ngại của các nhà khoa học Mỹ đưa ra trong công trình nghiên cứu công bố trên tạp chí Science số ra ngày 13/11.
Để thực hiện nghiên cứu này, các nhà khoa học thuộc Đại học California đã phân tích số liệu sau khi đo lượng mưa và quan sát các đám mây của Cơ quan Khí tượng quốc gia Mỹ (NSW), cũng như xây dựng 11 mô hình khí hậu khác nhau để ước tính nhiệt độ của Trái Đất cho tới năm 2100.
G20 ra thông cáo về an ninh năng lượng và biến đổi khí hậu
An ninh năng lượng phải trở thành ưu tiên của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) và sự ổn định của các thị trường là yếu tố then chốt đối với tăng trưởng của nhóm. Đây là khẳng định được nêu ra trong tuyên bố chung sau phiên bế mạc của Hội nghị cấp cao G20 ngày 16/11, diễn ra tại thành phố Brisbane, bang Queensland, Australia.
Cho đến nay, các nước thành viên G20 chiếm tới hơn 80% mức tiêu thụ
năng lượng thế giới, khoảng 60% sản lượng dầu khí và hơn 90% sản lượng than đá toàn cầu. Tuyên bố chung nhấn mạnh sự ổn định lâu dài của các thị trường dầu mỏ được nhìn nhận là yếu tố cốt lõi để đảm bảo thành công của những cải cách mà các thành viên G20 đã cam kết, qua đó có thể đạt mục tiêu nâng tăng trưởng kinh tế của cả nhóm lên 2,1% trong 5 năm tới.
Mỹ-Trung Quốc thỏa thuận về khí thải
Thỏa thuận khí hậu Mỹ-Trung Quốc được ký ngày 12/11 tại Bắc Kinh được đánh giá là văn kiện đánh dấu sự đột phá trong hợp tác chống biến đổi khí hậu giữa hai nước có lượng khí thải lớn nhất thế giới, có thể tạo ra bước ngoặt tích cực cho tiến trình đàm phán quốc tế về cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Người đứng đầu Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) Christiana Figueres hoan nghênh thỏa thuận khí hậu Mỹ-Trung là động lực mở đường cho một thỏa thuận khí hậu toàn cầu tại vòng đàm phán Paris (Pháp) vào cuối năm 2015.