BTV của VTV nhận “Giải thưởng Dự báo Thời tiết Truyền hình EMS 2014”; Việt Nam chi ít nhất 3.000 tỷ đồng ứng phó biến đổi khí hậu vào 2015; Nhật phóng vệ tinh thời tiết có công nghệ tiên tiến nhất thế giới;… là trong số những sự kiện đáng chú ý diễn ra trong tuần.
Bản tin do BTV Trần Thảo Linh làm tổ chức sản xuất, là một trong rất nhiều bản tin được Đài Truyền hình Việt Nam phát sóng trực tiếp trên kênh VTV1 vào ngày 9/11/2013, khi siêu bão Haiyan đã đi qua Philippines và tiến gần đến Việt Nam.
Việt Nam chi ít nhất 3.000 tỷ đồng ứng phó biến đổi khí hậu vào 2015
Để giảm thiểu những thiệt hại do thiên tai gây ra, trong năm 2015, Chính phủ Việt Nam sẽ dành ít nhất
3.000 tỷ cho ứng phó với biến đổi khí hậu. Dự báo vào năm 2030, nếu không có giải pháp ứng phó quyết liệt thì khoảng 45% diện tích của khu vực này sẽ bị nhiễm mặn cục độ và gây thiệt hại về nông nghiệp nghiêm trọng do lũ lụt và ngập úng, thiệt hại ước tính sẽ khoảng 17 tỷ USD.
Đây là một trong những thông tin quan trọng, vừa được Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đưa ra chiều nay (8/10), tại cuộc họp giữa Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu tổ chức cuộc họp với các nhà tài trợ chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu và các đối tác phát triển tại Việt Nam.
Đối thoại Quốc gia về Quỹ môi trường Toàn cầu Việt Nam chu kỳ 6
Ngày 7/10, tại Hà Nội, Văn phòng Ban chỉ đạo Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) Việt Nam đã tổ chức Đối thoại Quốc gia về
Quỹ môi trường Toàn cầu Việt Nam chu kỳ 6 giai đoạn 2014-2018.
Tổng kinh phí đã nhận được từ GEF gồm 130 triệu USD tài trợ trực tiếp cho 51 dự án quốc gia và 43 dự án khu vực mà Việt Nam có tham gia. GEF cũng đã giúp đỡ Việt Nam thực hiện các nghĩa vụ quốc gia khi tham gia Công ước quốc tế, cũng như giải quyết các vấn đề môi trường đang ngày càng gia tăng về quy mô cũng như độ phức tạp.
Hà Nội đưa vào sử dụng hệ thống xử lý phân bùn bể phốt đầu tiên
Nhân kỷ niệm 60 năm Giải phóng Thủ đô, ngày 8/10, thành phố Hà Nội đã đưa vào sử dụng hệ thống xử lý phân bùn bể phốt tại Tây Mỗ, Nam Từ Liêm. Công trình có tổng diện tích 1.500m2, công suất thiết kế 300m3 mỗi ngày đêm.
Hệ thống xử lý phân bùn bể phốt được áp dụng công nghệ xử lý sinh học, đạt tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải sinh hoạt và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp.
TP.HCM đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng vào dự án vệ sinh môi trường
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Tín vừa ký quyết định phê duyệt dự án
Vệ sinh môi trường Thành phố - giai đoạn 2 với tổng mức đầu tư hơn 11.100 tỷ đồng, trong đó vốn vay ODA từ Ngân hàng Thế giới là 450 triệu USD.
Được thực hiện từ năm 2015-2020, dự án vệ sinh môi trường thành phố giai đoạn 2 có mục tiêu cải thiện, nâng cao sức khỏe đời sống của người dân Thành phố Hồ Chí Minh; khôi phục và bảo tồn hệ sinh thái sông Sài Gòn và lưu vực hạ lưu sông Đồng Nai.
THẾ GIỚI
Diễn đàn Sáng tạo Vì trái đất mát lành
Diễn ra ở Nhật Bản ngày 8/10,
Diễn đàn Sáng tạo Vì trái đất mát lành (viết tắt là ICEF) nhằm mục đích cung cấp một nền tảng kiến thức toàn cầu để thúc đẩy các cuộc thảo luận và hợp tác giữa các nhà nghiên cứu, nhà kinh doanh và các nhà hoạch định chính sách trên toàn thế giới để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu thông qua đổi mới về năng lượng và công nghệ môi trường.
Nếu chúng ta không hành động kịp thời giảm phát thải để ổn định nồng độ khí nhà kính trong bầu khí quyển, kịch bản tồi tệ nhất sẽ xẩy ra. Sự nóng lên của Trái đất không giữ được trong giới hạn an toàn 2 độ C. Lúc đó, thảm họa rất có thể sẽ xẩy ra đe dọa sự tồn vong của tất cả quốc gia, không phân phân biệt lớn, nhỏ, giàu, nghèo.
Ô nhiễm khói mù tại Singapore tồi tệ nhất trong năm
Cơ quan quản lý môi trường quốc gia Singapore (NEA) cho hay vào lúc 19 giờ tối 6/10 chỉ số PSI dùng để đo
mức độ ô nhiễm không khí tại Singapore đã chạm mốc 153, mức cao nhất trong năm 2014. NEA cho hay tình trạng ô nhiễm không khí hôm 6/10 là do khói bụi do cháy rừng từ Sumatra, miền Trung Indonesia, bị gió Tây Nam thổi sang Singapore.
Theo phân loại của NEA, chỉ số PSI từ 101-200 được xem là có hại cho sức khỏe. Ngay lập tức, NEA đã khuyến cáo người dân tránh các hoạt động ngoài trời kéo dài. Người già, phụ nữ mang thai và trẻ em cần hạn chế tối thiểu các hoạt động như vậy, trong khi những người không khỏe hoặc có vấn đề về phổi và tim kinh niên cần tránh ra ngoài.
Người dân Nam Phi diễu hành kêu gọi bảo vệ động vật hoang dã
Ngày 4/10, hàng nghìn người dân Nam Phi tại 18 thành phố đã tham gia vào sự kiện diễu hành trên toàn cầu nhằm nâng cao hiểu biết về việc bảo vệ các loài voi, tê giác và sư tử. Năm ngoái, đã có 1.004 con tê giác bị săn bắt tại Nam Phi. Ước tính, Nam Phi sẽ mất khoảng 1.200 đến 1.300 con tê giác trong năm nay.
Ngoài Nam Phi, 36 quốc gia khác tại châu Phi và 134 nước trên thế giới cũng tham gia vào sự kiện "Diễu hành toàn cầu vì loài voi, tê giác và sư tử" này. Nhà hoạt động Dex Kotze, nhà tổ chức sự kiện diễu hành tại Nam Phi cho biết sự kiện này đặc biệt nhằm vào 19 quốc gia bị liệt vào "danh sách đen" bởi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng của Liên hợp quốc.
Bị phạt tiền khi không phân loại rác
Với chín phiếu thuận tuyệt đối, Hội đồng TP.Seattle (thành phố lớn nhất bang Washington, Mỹ) đã thông qua chương trình phạt tiền các doanh nghiệp, hộ gia đình không phân loại rác. Cụ thể là phân loại thành rác hữu cơ từ thức ăn (như trái cây hư, sữa quá hạn…) và rác có thể tái chế (như giấy).
Việc phạt tiền được áp dụng từ tháng 1/2015. Bất cứ trường hợp nào đã được cảnh báo và nhắc nhở hai lần mà vẫn vi phạm sẽ bị phạt 50 USD. Trước đó, người dân ở Seattle đã được thông báo, nếu không phân loại rác thì nhân viên vệ sinh không thu gom rác ở những hộ gia đình ấy.
Nhật phóng vệ tinh thời tiết có công nghệ tiên tiến nhất thế giới
Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) cho biết ngày 7/10, Nhật Bản đã phóng thành công vệ tinh quan sát thời tiết Himawari-8 từ trung tâm vũ trụ Tanegashima ở tỉnh Kagoshima, Tây Nam Nhật Bản. Vệ tinh Himawari-8, do hãng Mitsubishi Electric Corp. chế tạo, nặng khoảng 3.500kg (gồm cả thùng chứa đầy nhiên liệu khi đặt vào bệ phóng).
Himawari-8 cũng có thể quan sát điều kiện thời tiết ở một khu vực một cách thường xuyên, cứ 10 phút lại chụp ảnh gửi về, so với 30 phút theo quy trình của vệ tinh Himawari-7 hiện nay. Vì thế, Himawari-8 được trông đợi sẽ hỗ trợ và cải thiện các hoạt động khí tượng thủy văn trên phạm vi rộng, như dự báo thời tiết, theo dõi khí hậu, phòng ngừa thiên tai, kiểm soát không lưu. Dự kiến vệ tinh Himawari sẽ bắt đầu chính thức hoạt động từ tháng 7/2015. Nhật Bản cũng có kế hoạch phóng vệ tinh dự phòng Himawari-9 trong tài khóa 2016.