TRONG NƯỚC
Việt Nam- Đài Loan hợp tác phát triển tái chế rác thải
Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Doanh nghiệp Vừa và Nhỏ 2 (SMEDEC 2) thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Việt Nam vừa hợp tác cùng Quỹ Năng suất Xanh Đài Loan (TGPF) ký thỏa thuận về đào tạo, nghiên cứu phát triển, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ và thiết bị phục vụ cho lĩnh vực năng suất xanh.
Theo thỏa thuận các chuyên gia của Đài Loan sẽ sang Việt Nam để chia sẻ với các danh nghiệp Việt cách quản lý chất thải và tái chế; công nghệ xử lý rác thải điện tử; công nghệ xử lý chất thải nhựa…
Pháp hỗ trợ Việt Nam 20 triệu Euro ứng phó biến đổi khí hậu
Ngày 30/09, ông Jean-Noël Poirier, Đại sứ Pháp tại Việt Nam cùng với ông Trương Chí Trung, Thứ trưởng Bộ Tài chính và ông Rémi Genevey, Giám đốc Văn phòng Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tại
Việt Nam ký kết thỏa ước tín dụng cho khoản vay trị giá 20 triệu Euro dành cho kỳ thứ 4 của “Chương trình Hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu”
Khoản hỗ trợ ngân sách lần thứ Tư này đưa tổng cam kết hỗ trợ ngân sách của AFD cho chương trình SPRCC lên mức 80 triệu Euro. Ứng phó với
biến đổi khí hậu là một trong những định hướng chiến lược hoạt động của AFD tại Việt Nam.
Vỡ đập chứa bùn của nhà máy tuyển quặng sắt tại Yên Bái
Khoảng 18h30 ngày 30/9, tại xã Lương Thịnh, huyện Trấn Yên (Yên Bái) đập chứa bùn số 3 Nhà máy tuyển quặng sắt của Công ty Cổ phần khoáng sản Tây Bắc bất ngờ bị vỡ.
Sự cố vỡ đập đã khiến toàn bộ số bùn thải trôi xuống hạ lưu thuộc thôn Đoàn Kết và Lương Thiện, làm nhiều lúa, hoa màu và sân chợ xã Lương Thịnh bị ngập trong bùn thải, rất may không có thiệt hại về người.
THẾ GIỚI
Trung Quốc thải khí nhiều nhất thế giới
Trong năm 2014, lượng khí thải gây ô nhiễm bầu khí quyển trên thế giới đã phá mọi kỷ lục trước đây, trong đó
Trung Quốc “đóng góp” một phần quan trọng khi phát tán vào khí quyển lượng khí carbon nhiều hơn cả Mỹ và châu Âu gộp lại.
Dự báo trong năm 2014, lượng khí carbon do Trung Quốc thải vào bầu khí quyển sẽ tăng 4,5% so với năm ngoái, đạt 10,4 tỷ tấn. Lượng phát thải khí carbon của Mỹ là hơn 5,2 tỷ tấn và của EU là 3,4 tỷ tấn. Đến năm 2019, dự báo nhân loại sẽ phát tán vào bầu khí quyển khoảng 43,2 tỷ tấn khí carbon độc hại, trong đó Trung Quốc chiếm gần 13 tỷ tấn.
Số lượng động vật hoang dã giảm hơn một nửa trong 40 năm qua
Theo báo cáo của Quỹ Bảo vệ động vật hoang dã thế giới (WWF), từ năm 1970-2010, số lượng các loài động vật sống trên cạn và dưới biển giảm 39%, trong khi các loài nước ngọt giảm 76%. Đây là kết luận của cuộc khảo sát hơn 3.000 loài động vật có xương sống, do Quỹ Bảo vệ động vật hoang dã thế giới (WWF) tiến hành và công bố ngày 29/9.
WWF cũng cảnh báo tỷ lệ giảm 52% số lượng động vật hoang dã chứng tỏ loài người đang tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên lớn hơn mức được bổ sung. Số động vật hoang dã giảm nhiều nhất ở vùng nhiệt đới với 56% so với 36% ở các khu vực ôn đới. Mỹ Latinh chịu thiệt hại lớn nhất với tổng mức suy giảm lên tới 83%.
Chile trở thành quốc gia Nam Mỹ đầu tiên đánh thuế khí thải CO2
Ngày 26/9, Tổng thống Chile Michelle Bachelet đã ký ban hành luật thuế môi trường mới, đưa Chile trở thành quốc gia Nam Mỹ đầu tiên đánh thuế khí thải carbon.
Theo luật thuế môi trường trên, thuế carbon của Chile sẽ nhằm vào lĩnh vực năng lượng, đặc biệt là các nhà máy nhiệt điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch có công suất từ 50 megawatt trở lên. Các cơ sở này sẽ phải chịu mức thuế 5 USD cho mỗi tấn CO2 thải ra.
Phát hành báo cáo Hành tinh sống 2014
Báo cáo Hành tinh sống 2014 nhấn mạnh rằng Châu Á đang tích cực thực hiện những biện pháp bảo vệ tài nguyên trong bối cảnh đa dạng sinh học toàn cầu đang suy giảm – Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) cho biết trong thông cáo báo chí phát đi ngày 30/9. Báo cáo đánh giá những giải pháp này thực sự cấp bách khi quần thể các loài hoang dã đang suy giảm nghiêm trọng.
Theo báo cáo, số lượng quần thể của các loài cá, chim, động vật có vú, các loài lưỡng cư và bò sát đã giảm 52% trong vòng 40 năm qua. Tốc độ suy giảm đa dạng sinh học của toàn khu vực châu Á Thái Bình Dương chỉ đứng sau châu Mỹ La-tinh trong cùng giai đoạn.
Thủ tướng Narendra Modi phát động chiến dịch “Làm sạch Ấn Độ”
Ngày 2/10, nhân kỷ niệm 145 ngày sinh của lãnh tụ Mahatma Gandhi, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã phát động chiến dịch giữ môi trường sạch sẽ cho Ấn Độ, với sự tham dự của nhiều chính khách, quan chức chính phủ, nhân viên nhà nước, sinh viên, học sinh và nhiều tầng lớp trong xã hội.
Phát biểu khi phát động chiến dịch “Làm sạch Ấn Độ” tại khải hoàn môn “India Gate," Thủ tướng Modi tuyên bố “Tôi sẽ giữ cam kết làm cho đất nước sạch sẽ và sẽ dành mỗi tuần 2 giờ tự nguyện tham gia
hoạt động vệ sinh môi trường. Tôi sẽ không vứt rác bừa bãi và cũng không để người khác vứt rác bừa bãi. Trước hết bản thân tôi sẽ tham gia hoạt động làm sạch, sau đó, yêu cầu gia mình, cộng đồng địa phương, làng mạc và nơi làm việc cùng tham gia công việc này."