Vietnamese English
Điểm tin môi trường trong tháng

12/31/2015 7:49:00 AM

Phát hành bộ tem kêu gọi ứng phó với biến đổi khí hậu; Phát động cuộc thi Giải thưởng Sáng tạo xanh; NASA giúp Việt Nam bảo vệ môi trường bằng vệ tinh; 361 tỷ đồng xử lý ô nhiễm tại các địa phương; COP 21: Việt Nam đóng góp 1 triệu USD vào Quỹ Khí hậu Xanh; 10% người giàu nhất thế giới xả ra 50% lượng khí thải CO2 toàn cầu; … là trong số những thông tin sự kiện môi trường đáng chú ý diễn ra trong tháng.

VIỆT NAM


Phát hành bộ tem kêu gọi ứng phó với biến đổi khí hậu


Bộ Thông tin & Truyền thông đã ký phát hành bộ tem “Việt Nam chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu”. Bộ tem gồm 4 mẫu có các bo màu tràn lề, khuôn khổ 27x38mm, do họa sĩ Tô Minh Trang, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam thiết kế. Bộ tem dùng thủ pháp đồ họa trang trí để xây dựng những hình ảnh mang tính biểu tượng cho những nội dung cụ thể của từng mẫu tem.

 


Mẫu 1: Thể hiện mô phỏng hình tượng chiếc lá có chia gân như các không gian khác nhau, thể hiện các ý tưởng về nguyên nhân gây ra biến đối khí hậu như: Chặt cây phá rừng, phát triển công nghiệp gây ra khí thải CO2, chất thải công nghiệp đổ ra sông ngòi, môi trường sống…Mẫu 2: Thể hiện các phương tiên như: anten parabon, vệ tinh viễn thông, máy bay, tàu thủy tìm kiếm cứu nạn, nói lên ý tưởng về tác dụng của truyền thông nâng cao nhận thức, kỹ năng cho người dân và các địa phương cùng cả hệ thống chính trị chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Mẫu 3: Thể hiện ý tưởng về các giải pháp khoa học như: Xây dựng nền kinh tế các bon thấp, giảm lượng phát thải khí nhà kính, xây dựng không gian cuộc sống xanh thân thiện với môi trường, trồng cây gây rừng tạo ra năng lượng sạch. Mẫu 4: Thể hiện ý tưởng về việc Việt Nam tích cực cùng cộng đồng quốc tế chung tay ứng phó với biến đổi khí hậu bằng các hoạt động thiết thực như giờ trái đât, tiết kiệm năng lượng vì một thế giới an toàn hơn. Thể hiện hình tượng trung tâm là những chiếc kim đồng hồ chỉ đúng 20h (giờ trái đất ở Việt Nam) đặt đúng trung tâm Việt Nam thể hiện quyết tâm của chúng ta cùng thế giới bảo vệ hệ thống khí hậu toàn cầu.


Khai trương Công viên động vật hoang dã lớn nhất Việt Nam


Ngày 24/12/2015 - Công viên Chăm sóc và Bảo tồn Động vật Vinpearl Safari do Tập đoàn Vingroup đầu tư tại Gành Dầu, Phú Quốc đã chính thức khai trương với quy mô tầm cỡ khu vực.  Đây là vườn thú bán hoang dã đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam được xây dựng theo mô hình Safari thế giới. Sự kiện này nằm trong chuỗi hoạt động hướng tới “Năm Du lịch quốc gia 2016 - Phú Quốc - Đồng bằng sông Cửu Long”.


Công viên Chăm sóc và Bảo tồn Động vật Vinpearl Safari Phú Quốc có tổng diện tích gần 500ha, được xây dựng theo mô hình bán hoang dã, trong đó, các động vật quý hiếm được đảm bảo chăm sóc và bảo tồn trong môi trường thiên nhiên mở - An Ninh Tiền Tệ cho biết. Hiện Công viên đã có khoảng 3.000 cá thể thuộc 150 chủng loài, được sưu tầm, bảo tồn từ các động vật hoang dã quý hiếm địa phương, đồng thời quy tụ từ nhiều vùng địa sinh học đặc trưng trên thế giới như Nam Phi, Châu Âu, Úc, Mỹ... như Hổ Bengal, Linh dương A Rập, Linh dương sừng xoắn, Vượn cáo trắng đen… Đặc biệt, Vinpearl Safari Phú Quốc sẽ sở hữu những bộ sưu tập động vật quý hiếm với số lượng lớn hàng đầu Việt Nam như 200 cá thể Hồng hạc, 100 Tê giác, 60 hươu cao cổ...

NASA giúp Việt Nam bảo vệ môi trường bằng vệ tinh


Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) sẽ giúp giới trẻ và các nhà khoa học Việt Nam thu thập dữ liệu nhằm nâng cao hiểu biết về môi trường Trái đất bằng việc sử dụng công nghệ vũ trụ. Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam (VAST) và Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) vừa ký thỏa thuận hợp tác Globe - chương trình học tập và quan sát toàn cầu đem lại lợi ích cho môi trường. Globe sẽ kết nối học sinh, giáo viên, nhà khoa học và cộng đồng nhằm xây dựng nhận thức về môi trường, hiểu biết về văn hóa và cộng đồng toàn cầu – theo VnExpress.


"Với việc sử dụng công nghệ vũ trụ, chương trình sẽ giúp Việt Nam cải thiện chất lượng giáo dục khoa học, nâng cao nhận thức về môi trường trong giới trẻ, xây dựng mối liên kết giữa nhà khoa học với nhà giáo dục, đóng góp các nghiên cứu có ý nghĩa về môi trường cho thế giới", giáo sư Châu Văn Minh, Chủ tịch VAST phát biểu tại lễ ký kết. Sau lễ ký kết, đầu năm 2016, VAST sẽ giao cho Trung tâm vệ tinh quốc gia là đơn vị đầu mối thực hiện chương trình, chuẩn bị nhân lực để tham gia khóa đào tào do NASA tổ chức.


361 tỷ đồng xử lý ô nhiễm tại các địa phương


Thủ tướng Chính phủ quyết định phân bổ 361,76 tỷ đồng từ nguồn chi sự nghiệp môi trường đã được bố trí trong dự toán ngân sách năm 2015 để hỗ trợ cho 27 tỉnh thực hiện các dự án xử lý ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc khu vực công ích. 27 tỉnh được hỗ trợ gồm: Hà Giang, Cao Bằng, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Phú Thọ, Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh,  Hưng Yên, Hòa Bình, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đồng Tháp, An Giang, Bến Tre, Long An,  Bạc Liêu, Quảng Ngãi, Đắk Nông, Sóc Trăng – Chinhphu cho biết.


Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm trong việc rà soát, thẩm định thủ tục, hồ sơ và số liệu báo cáo. Việc quản lý, sử dụng, thanh quyết toán số kinh phí được phân bổ thực hiện theo đúng quy định hiện hành. Đối với số kinh phí còn lại chưa phân bổ, Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát cụ thể các nhiệm vụ chi, đề xuất phương án phân bổ gửi Bộ Tài chính để thẩm định báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/11/2015.


COP 21: Việt Nam đóng góp 1 triệu USD vào Quỹ Khí hậu Xanh


Đây là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tại lễ khai mạc Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 21 (COP 21) tại Paris (Pháp) ngày 30/11. Quyết định này được xem là một nỗ lực toàn diện của Việt Nam đóng góp vào công cuộc ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu. Ngoài việc đóng góp về tài chính, Việt Nam còn cam kết cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính, chung tay cùng cộng đồng quốc tế cứu trái đất trước thảm họa tan băng, bão lũ, nước biển dâng và làn sóng di cư, nghèo đói, dịch bệnh do biến đổi khí hậu gây ra – theo Bộ Tài nguyên & Môi trường.


“Đối với giai đoạn sau năm 2020, mặc dù là một nước đang phát triển còn nhiều khó khăn, chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, Việt Nam vẫn cam kết giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 và có thể giảm đến 25% nếu nhận được hỗ trợ hiệu quả từ cộng đồng quốc tế. Việt Nam sẽ xem xét định kỳ, điều chỉnh phù hợp với điều kiện thực tiễn”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.  Thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trân trọng cảm ơn và mong tiếp tục nhận được sự hợp tác, giúp đỡ quý báu của các quốc gia, các tổ chức quốc tế dành cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam nói chung và ứng phó với biến đổi khí hậu nói riêng. “Việt Nam sẽ thực hiện tốt trách nhiệm và các cam kết quốc gia của mình”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.


THẾ GIỚI


Hội nghị COP21 khai mạc tại Pháp


Vào hồi 11 giờ (17 giờ Hà Nội) ngày 30/11 tại Trung tâm Hội nghị Bourget ở phía bắc Paris, Hội nghị cấp cao lần thứ 21 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP-21) chính thức được khai mạc với sự tham gia của khoảng 150 nguyên thủ, người đứng đầu chính phủ các quốc gia trên thế giới và các tổ chức, định chế tài chính quốc tế. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đoàn Việt Nam sẽ có bài phát biểu quan trọng – Báo Nhân Dân đưa tin.


Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng thống Pháp François Hollande nói: Hôm này là một ngày lịch sử. Chưa bao giờ có một hội nghị quốc nào có sự tham gia đông đảo của lãnh đạo các nước như COP21 và cũng chưa bao giờ vấn đề biến đổi khí hậu lại cấp bách như bây giờ vì đây là tương lai của hành tinh của chúng ta. Các nước và cả thế giới cần hành động ngay, cùng có quyết tâm cao, sự đồng lòng, chung sức thì mới có thể đạt được mục tiêu quan trọng nhất của COP21 là thông qua một thỏa thuận mới vào ngày 12/12. Có ba điều kiện để đạt được thành công cho COP21. Đó là xác định lộ trình cụ thể để giới hạn mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2 độ C, thậm chí 1,5 độ C; xây dựng cơ chế giám sát thực hiện cam kết của mỗi nước, đồng thời tiến hành tổng kết năm năm một lần.


85 tỷ USD giải quyết hậu quả thiên tai trong năm 2015


Con số 85 tỷ USD phải bỏ ra để giải quyết hậu quả thiên tai trong năm 2015, được Công ty Tái bảo hiểm Swiss Re của Thụy Sỹ công bố hôm 18/12 cho thấy, thảm họa thiên tai vẫn là vấn đề lớn mang tính toàn cầu. Nếu như con số 85 tỷ USD chủ yếu liên quan đến việc bồi thường do thiên tai mà các hãng bảo hiểm phải bỏ ra, thì con số thiệt hại tổng thể do thảm họa thiên tai như động đất, lũ lụt, hạn hán và lốc xoáy gây ra với nền kinh tế thế giới là từ 250-300 tỷ USD/năm. Để bù đắp những thiệt hại do thiên tai gây ra, các quốc gia cần khoản dự phòng lên tới 314 tỷ USD/năm – theo An Ninh Thủ Đô.


Theo nghiên cứu chi tiết, năm 2015, riêng bồi thường thiệt hại về thiên tai lên tới 74 tỷ USD, trong đó trận bão mùa Đông hồi tháng 2-2015 ở Mỹ chiếm kỷ lục bồi thường bảo hiểm lên tới 2,7 tỷ USD. Trong khi đó, trận động đất ở Nepal - khiến 9.000 người thiệt mạng, phá hủy 500.000 căn nhà - ước tính thiệt hại kinh tế tới 6 tỷ USD. Tuy nhiên, các hãng bảo hiểm chỉ phải bồi thường số tiền 160 triệu USD. Năm 2015 còn được xem là nóng kỷ lục khi có 5.000 người thiệt mạng trên thế giới, trong đó, riêng số người tử vong do thời tiết nóng ở Ấn Độ và Pakistan là 3.000 người khi nhiệt độ lên tới 48 độ C. Theo các nhà khoa học, đầu tư vào việc giảm bớt nguy cơ xảy ra thiên tai tuy rất tốn kém, song có thể đạt hiệu quả cao. Chẳng hạn, với khoản đầu tư 6 tỷ USD mỗi năm dành cho các biện pháp giảm thiểu thiên tai, thế giới có thể tránh được thiệt hại lên tới 360 tỷ USD trong vòng 15 năm tới.


10% người giàu nhất thế giới xả ra 50% lượng khí thải CO2 toàn cầu


Theo kết của nghiên cứu mà Tổ chức Phi chính phủ quốc tế Oxfarm công bố ngày 2/12, 10% nhóm người giàu nhất thế giới xả ra môi trường 50% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính gây biến đổi khí hậu. Về tiêu thụ các nhiên liệu hóa thạch, trung bình một người trong nhóm 1% những người giàu nhất thế giới xả ra môi trường một lượng carbon cao gấp 175 lần một người thuộc nhóm 10% những người nghèo nhất thế giới – theo TTXVN.


Oxfarm cho rằng những phân tích này cho thấy việc quy phần lớn trách nhiệm gây ra biến đổi khí hậu cho người dân ở các quốc gia đang phát triển là điều không thực tế. Tim Gorse, giám đốc chính sách khí hậu của Oxfarm, cho rằng nhóm những người giàu xả lượng khí thải cao ra môi trường cần phải thực hiện trách nhiệm của mình bất kể họ ở quốc gia nào. Các số liệu được Oxfarm công bố trong khi đại diện 195 quốc gia trên thế giới đang tham dự Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) diễn ra ở Paris (Pháp).


Thỏa thuận khí hậu Paris "bỏ sót" vấn đề ô nhiễm hàng không


Trong một phát biểu mới đây, Ủy viên châu Âu về Năng lượng và Khí hậu Miguel Arias Canete cảnh báo: việc Thỏa thuận Paris vừa đạt được tại Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) “bỏ sót” ngành hàng không có thể gây nên “một vấn đề rất lớn" nếu những cuộc đàm phán vào năm tới về kế hoạch giảm khí thải từ ngành hàng không thế giới không có tiến triển. Trước đây, những nỗ lực để giải quyết vấn đề này đã bị "sa lầy." Trước nguy cơ một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, Ấn Độ và một số nước khác, Liên minh châu Âu (EU) đã buộc phải lùi lại việc áp dụng một luật yêu cầu tất cả các hãng hàng không sử dụng sân bay của EU phải mua giấy phép phát thải qua Hệ thống Mua bán Khí thải EU (ETS).


Theo số liệu của Ủy ban châu Âu (EC), hai ngành hàng không và hàng hải hiện chiếm khoảng 5% lượng khí thải trên toàn cầu. Con số này được dự báo sẽ tăng lên mức 30% vào năm 2050 nếu không được kiểm soát chặt chẽ. Ông Arias Canete cho rằng một thỏa thuận (Thỏa thuận Paris) với gần 200 quốc gia ký kết sẽ không bao giờ hoàn hảo. Theo ông, dù EU đã đạt được phần lớn những gì mong đợi từ thỏa thuận này, song EU vẫn bị buộc phải từ bỏ các yêu cầu của mình về việc đưa ngành hàng không và hàng hải vào thỏa thuận, hai lĩnh vực mà Nghị định thư Kyoto trước đây cũng đã từng loại ra – theo TTXVN.


Thế giới cần 16.500 tỷ USD để hiện thực hóa Thỏa thuận Paris


Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ngày 13/12 công bố nghiên cứu cho rằng thế giới sẽ cần phải chi 16.500 tỷ USD trong vòng 15 năm tới để thực hiện thành công các mục tiêu khổng lồ chống biến đổi khí hậu vừa đạt được hôm 12/12 tại Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) ở Paris, Pháp. Thử thách cam go nhất của sứ mệnh chống biến đổi khí hậu xuất hiện khi các nhà phân tích bắt đầu tính toán xem các mục tiêu mới về giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính có ý nghĩa như thế nào trên thực tế - TTXVN cho biết.


Nghiên cứu của IEA cho thấy phần lớn trong số tiền chi phí "khủng" nêu trên là để thay thế các nhà máy điện sử dụng than đá và khí đốt bằng các nguồn năng lượng không phát thải CO2 như gió, Mặt Trời và hạt nhân. Một phần chi phí lớn khác cần có là để cải thiện hiệu quả năng lượng nhằm giảm tổng lượng điện sử dụng trong các hộ gia đình và doanh nghiệp trên toàn cầu. Bên cạnh cam kết giảm lượng khí thải CO2 từ hơn 175 nước trên thế giới, Thỏa thuận Paris nhằm hạn chế tình trạng nóng lên toàn cầu còn bao gồm các mục tiêu khá khó khăn, là hạn chế mức tăng nhiệt độ Trái Đất không quá 2 độ C so với thời kỳ tiền Cách mạng công nghiệp, và sẽ cố gắng đưa con số này về mức 1,5 độ C, đồng thời loại trừ khí thải CO2 một cách hiệu quả trong nửa sau của thế kỷ 21.


Theo Minh Cường (moitruong.com.vn)

Lượt xem : 1979