Trao tặng trạm quan trắc không khí tự động cho Việt Nam; 200 triệu USD cho chương trình nước sạch, vệ sinh môi trường; 13 triệu USD phát triển nông nghiệp thân thiện môi trường; Gần 690 triệu trẻ em bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu; Thiên tai gây thiệt hại hơn 1 nghìn tỷ USD; Nước uống dạng viên đã thành sự thật; ... là trong số những thông tin sự kiện môi trường nổi bật trong tháng 11.
Trạm TVS3 có thể sử dụng tại tất cả các vị trí như tại khu dân cư, đường phố, hay tại các khu công nghiệp cũng như trong các khu vực bị ô nhiễm nhiều, thậm chí cả ở tận vùng sâu, vùng xa. Trạm TVS3 cấu trúc gọn, cho phép việc xây dựng không yêu cầu quỹ đất lớn, đòi hỏi ít không gian. Trạm TVS3 có kết cấu chắc chắn, hoạt động được trong các hoàn cảnh khắc nghiệt của thời tiết. Hoạt động không bị ảnh hưởng do nhiệt độ hay độ ẩm cao. TVS3 được thiết kế thiết bị chống sét, cấu trúc của trạm được lắp đặt bằng các vật liệu thép chống gỉ, chống hóa chất ăn mòn chất lượng cao đảm bảo an toàn và độ bền trong điều kiện khí hậu nhiệt đới, mưa bão nhiều tại Việt Nam.
200 triệu USD cho chương trình nước sạch, vệ sinh môi trường
Ban Giám đốc Điều hành Ngân Hàng Thế Giới (WB) vừa phê duyệt khoản tín dụng trị giá 200 triệu USD nhằm nhân rộng Chương trình Nước sạnh và
Vệ sinh Môi trường tại 21 tỉnh vùng núi phía Bắc và Tây nguyên. Dự kiến trên 5 triệu người sống tại các vùng nông thôn và vùng núi nghèo nhất Việt Nam sẽ được tiếp cận với nguồn nước sạch và điều kiện vệ sinh môi trường tốt hơn. Khoản tín dụng này sẽ hỗ trợ nhân rộng Chương trình Nước sạnh và Vệ sinh Môi trường với mục tiêu tăng cường cung cấp nước sạch cho 255.000 hộ gia đình và cải thiện vệ sinh môi trường và cấp nước cho 2.720 trường học và trạm xá tại 21 tỉnh vùng núi phía Bắc và Tây nguyên.
Chương trình này nhằm hỗ trợ Chương trình Mục tiêu Quốc Gia về Nước sạch Vệ sinh Môi trường Nông thôn, và quyết tâm thực hiện Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỉ đã thực hiện từ hàng chục năm nay, cũng như các Mục tiêu Phát triển Bền vững mới – theo Dân Trí.
Thu 1.300 tỷ đồng phí dịch vụ môi trường rừng
Ngày 20/11, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn) cho biết, nguồn thu từ chi trả
dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đang trở thành một nguồn tài chính ổn định khoảng 1.000-1.300 tỷ đồng/năm. Nguồn thu này giúp giảm áp lực từ ngân sách nhà nước đầu tư cho lâm nghiệp hàng năm 22-25%.
Với mức chi trả trung bình 250.000 đồng/ha, chính sách này đã bổ sung thêm thu nhập trung bình 1,8-2 triệu đồng/hộ/năm cho gần 349.000 hộ gia đình, cùng hơn 5.700 nhóm hộ, cộng đồng tham gia quản lý, bảo vệ gần 5 triệu ha rừng trên toàn quốc. Theo Tổng cục Lâm nghiệp, tới đây sẽ có nhiều cải thiện, lồng ghép nhằm nâng cao hiệu quả, minh bạch, công bằng và bền vững trong việc trả phí DVMTR tại các địa phương – theo Tiền Phong.
13 triệu USD phát triển nông nghiệp thân thiện môi trường
Thủ tướng Canada Justin Trudeau ngày 19/11 tuyên bố chính phủ nước này sẽ hỗ trợ dự án Phát triển doanh nghiệp hợp tác xã Việt Nam (VCID) nhằm góp phần giảm nghèo và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, thông cáo báo chí của Văn phòng Thủ tướng Canada cho biết chính phủ nước này sẽ cung cấp 12,9 triệu USD trong vòng 5 năm (từ 2015 - 2020) nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và năng suất cho các hợp tác xã nông nghiệp Việt Nam - TTXVN đưa tin.
Các hoạt động của VCID bao gồm xây dựng các hợp tác xã nông nghiệp mới theo định hướng thị trường; tăng cường hiểu biết, kỹ năng và sức cạnh tranh cho nông dân; cải thiện cách thức quản lý hợp tác xã và phát triển môi trường chính sách - pháp luật thúc đẩy phát triển hợp tác xã. Ước tính, khoảng 10.000 hộ nông dân tại 5 tỉnh của Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ sáng kiến này.
Đại hội Biển Đông Á
Người Lao Động cho biết chiều 16/11, tại Đà Nẵng, Đại hội Biển Đông Á lần 5 do Tổ chức Đối tác về quản lý môi trường các biển Đông Á (PEMSEA) và các quốc gia thành viên tổ chức với chủ đề Mục tiêu toàn cầu, lợi ích địa phương – Thiết lập Chương trình nghị sự cho phát triển bền vững các biển Đông Á sau năm 2015 đã chính thức khai mạc. Đại hội có 3 phiên hội nghị toàn thể theo 3 nhóm chủ đề “Một thập kỷ của quan hệ đối tác trong phát triển bền vững vùng biển Đông Á: Hiệp lực và thành tựu”, “Đẩy mạnh hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển bền vững” và “Từ tầm nhìn tới thực tế: Gắn kết chương trình nghị sự toàn cầu với lợi ích địa phương”.
Đại hội Biển Đông Á lần 5 là sự kiện quan trọng của khu vực Đông Á và là diễn đàn để các nhà khoa học, các nhà quản lý biển, vùng kinh tế bờ biển và hải đảo trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm về quản lý phát triển bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường đại dương. Đây cũng là dịp để các tổ chức và các bên liên quan trong khu vực xác định mục tiêu trọng điểm, khẳng định cam kết và thiết lập chương trình nghị sự phát triển bền vững vùng biển Đông Á.
THẾ GIỚI
Gần 690 triệu trẻ em bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu
Gần 690 triệu trong tổng số 2,3 tỷ trẻ em trên thế giới đang sống ở những khu vực phải hứng chịu nhiều nhất những tác động của hiện tượng
biến đổi khí hậu, do đó phải đối mặt với nguy cơ tử vong, nghèo đói và bệnh tật cao. Trong báo cáo công bố ngày 23/11, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết gần 530 triệu trẻ em trong số trên sống tại các quốc gia thường xuyên xảy lũ lớn và bão, chủ yếu ở châu Á. Trong khi 160 triệu em còn lại phải chung sống với nạn hạn hán nghiêm trọng tại các quốc gia châu Phi – TTXVN cho biết.
Theo UNICEF, vùng duyên hải Nam Á, Mỹ Latinh và Caribe cùng với các đảo trên Thái Bình Dương, vùng Sừng châu Phi và vùng xích đạo ở châu Phi là những khu vực dễ bị tổn thương nhất. Ảnh hưởng của hạn hán đối với nông nghiệp lại dẫn tới tình trạng thiếu và suy dinh dưỡng, là những nguyên nhân gây ra cái chết của khoảng hơn một nửa số trẻ em dưới 5 tuổi tử vong trên thế giới. Theo UNICEF, trong số 160 triệu trẻ em sống tại các khu vực bị hạn hán nghiêm trọng, gần 50 triệu trẻ sống tại các quốc gia nghèo, nơi phần lớn người dân có mức sống dưới 4 USD/ngày.
Thiên tai gây thiệt hại hơn 1 nghìn tỷ USD
Kể từ năm 1990 đến nay, lũ lụt, hạn hán và lốc xoáy đã ảnh hưởng tới hơn 4 tỷ người và khiến thế giới thiệt hại hơn 1 nghìn tỷ USD. Những con số này được Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đưa ra trong cuộc thảo luận về mối liên hệ giữa quản lý nguồn nước và giảm bớt nguy cơ dịch bệnh ngày 18/11 tại trụ sở Liên Hợp quốc.
Phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc dẫn phát biểu của Tổng Thư ký Ban Ki-moon nhấn mạnh các vấn đề về nước và khắc phục
thiên tai có mối liên hệ sâu sắc. Do đó, việc đầu tư vào quản lý nguồn nước và giảm nguy cơ dịch bệnh cũng đóng góp cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, cứu được nhiều sinh mạng và bảo vệ hạ tầng cơ sở thiết yếu trước sự tàn phá của thiên tai.
Bill Gates đầu tư 2 tỷ USD chống biến đổi khí hậu
Khoản đầu tư 2 tỷ USD mà Bill Gates vừa công bố không giúp ngăn chặn được biến đổi khí hậu, nhưng có thể khiến loài người phải thay đổi cách chuẩn bị cho tương lai. Trả lời phỏng vấn tờ Atlantic, Bill Gates cho biết, việc giữ cho nhiệt độ Trái đất tăng không quá 2 độ C chỉ đạt được khi lượng khí thải carbon giảm 80% trước năm 2050 – theo Khoa Học & Phát Triển.
Các hiệp ước quốc tế hiện nay sẽ không đảm bảo mục tiêu này và các công nghệ hiện tại thì càng không. Vì vậy, theo Gates, chúng ta sẽ cần các khoản đầu tư cực lớn vào các công nghệ mới mà theo đánh giá của khoa học hiện tại là vô cùng xa vời. Theo tiến sỹ Dan Reicher - Giám đốc Trung tâm Chính sách và Tài chính năng lượng Steyer-Taylor của Đại học Stanford và đồng thời là nhân sự chủ chốt trong chương trình đầu tư năng lượng sạch mới của Tổng thống Mỹ Barack Obama: “Bill Gates đã khiến chính quyền của Obama phải cân nhắc đầu tư lớn hơn cho nghiên cứu năng lượng”.
Quỹ khí hậu Liên Hợp quốc bắt đầu hành động chống lại biến đổi khí hậu
Quỹ Khí hậu Xanh của Liên hợp quốc (GCF) thông báo đã phê chuẩn kinh phí cho 8 dự án đầu tiên nhằm giúp các quốc gia đang phát triển chống lại tình trạng nóng lên toàn cầu. Trong thông báo ngày 6/11, hội đồng quản trị GCF cho biết khoản kinh phí 168 triệu USD cho 8 dự án tại các quốc gia bao gồm Peru, Malawi, Senegal, Bangladesh, Fiji và Maldives – TTXVN đưa tin.
Các dự án đầu tiên được GCF hỗ trợ này tập trung giúp các quốc gia này chuyển từ nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng các nguồn năng lượng có thể tái tạo, đồng thời tăng cường khả năng ứng phó với những
hiện tượng khắc nghiệt do biến đổi khí hậu như siêu bão, hạn hán, lũ lụt và nước biển dâng. Cùng ngày, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) cảnh báo các cam kết cắt giảm khí thải của 146 quốc gia còn xa mới đủ để ngăn chặn tình trạng nóng lên toàn cầu. Báo cáo của UNEP cho biết nếu các quốc gia thực hiện đúng cam kết, lượng khí thải cắt giảm theo kế hoạch "Đóng góp quốc gia tự nguyện" (INDCs) cũng chỉ ở mức 6 tỷ tấn, bằng 1/3 so với mức cần thiết 18 tỷ tấn để Trái Đất không tiếp tục nóng lên.
Giun - "vũ khí" mới chống lại rác thải nhựa
Mới đây các nhà khoa học đã công bố phát hiện ra một cách mới, phổ biến hơn giúp có thể loại bỏ được những loại rác thải này, dùng những con giun.''Một nhóm các nhà nghiên cứu từ Mỹ và Trung Quốc đã khám phá ra một loài ấu trùng thuộc họ sâu bột (Tenebrio molitor), đồng thời cũng được biết dưới tên gọi "giun vàng". Chúng có thể tiêu hoá được các loại rác thải, bao gồm cả xốp. Vì hệ tiêu hoá của loài giun này chứa những vi sinh vật có thể biến đổi nhựa thành tổ hợp các chất dinh dưỡng nuôi dưỡng chúng.
Nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Stanford Khoa Kỹ thuật xây dựng và Môi trường đã thực hiện cuộc thí nghiệm bằng cách cho hơn 100 con giun vàng ăn 34 - 39 milligram xốp khó phân hủy. 24 giờ sau đó, chúng bắt đầu quá trình chuyển đổi hơn phân nửa lượng xốp đã ăn thành chất dinh dưỡng cho chúng, phân nửa còn lại bị thải ra như những chất thải hữu cơ thông thường. Và điều đặc biệt là loài giun này hoàn toàn khoẻ mạnh, phân được thải ra của chúng cũng rất tốt cho cây cối – theo Đời Sống & Pháp Luật.
Nước uống dạng viên đã thành sự thật
Những viên nước tưởng như chỉ có trong truyện tranh và phim hoạt hình giờ đây đã thành hiện thực, hơn nữa sản phẩm này còn rất thân thiện với môi trường. "Vỏ chai" đựng nước (được gọi là bình nước sinh học Ooho) thực chất là một lớp màng kép sử dụng chiết xuất từ tảo nâu ăn được – VTV cho biết.
Thông tin về việc sản xuất "vỏ chai" thân thiện với môi trường, chống lại sự gia tăng các vỏ chai nhựa đã được công bố từ năm 2014. Được biết, chi phí để tạo ra 1 khối nước Ooho thế này nếu tính theo tiền Việt Nam thì chỉ mất khoảng 500 đồng.