Khai mạc hội nghị môi trường toàn quốc lần thứ IV; Xây nhà máy xử lý chất thải lớn nhất Đông Nam Á tại Việt Nam; Thu 777 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng; Tháng Tám trở thành tháng nóng kỷ lục trong hơn 130 năm qua; El Nino năm nay có thể dữ dội hơn đợt 1997-1998; … là trong số những thông tin sự kiện môi trường nổi bật diễn ra trong tháng.
Hội thảo
quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường sẽ được tổ chức thành hai phiên họp với năm hội thảo chuyên đề, bao gồm: Phiên thứ nhất: Môi trường Việt Nam - Những vấn đề đặt ra và hướng giải quyết, tập trung vào ba (03) chủ đề là phòng ngừa và giảm thiểu các nguồn gây ô nhiễm, tác động xấu đến môi trường; quản lý chất thải, khắc phục ô nhiễm và cải thiện chất lượng môi trường; bảo tồn đa dạng sinh học và ứng phó với các vấn đề môi trường toàn cầu của Việt Nam; Phiên thứ 2: Tăng cường quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, tập trung vào hai (02) chủ đề là hoàn thiện thể chế, pháp luật và huy động nguồn lực để bảo vệ môi trường; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật và phát huy vai trò của các tổ chức quần chúng, cộng đồng.
Xây nhà máy xử lý chất thải lớn nhất Đông Nam Á tại Việt Nam
Dự án “Khu Công nghệ môi trường xanh” có quy mô đầu tư trên 450 triệu USD, tương đương 9.656 tỷ đồng, được xây dựng trên diện tích 1.760 ha tại xã Tân Lập, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An. Trong đó, số vốn giai đoạn 1 là 150 triệu USD, tương đương 3.218 tỷ đồng. Vốn cho các giai đoạn tiếp theo là 300 triệu USD, tương đương 6.437 tỷ đồng, sẽ được phân kỳ phù hợp theo các hạng mục đầu tư. Dự án này sẽ tập trung xử lý chất thải rắn sinh hoạt cho TP.HCM và tỉnh Long An. Sau đó, mở rộng xử lý cho các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và các tỉnh thành lân cận có cự ly vận chuyển phù hợp – theo Vietnamnet.
Với công suất tiếp nhận và xử lý 40.000 tấn chất thải/ngày, khi đi vào hoạt động, dự án sẽ góp phần giải quyết tình hình ô nhiễm hiện nay ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Dự án “Khu Công nghệ môi trường xanh” nằm trong quy hoạch xây dựng khu xử lý chất thải rắn tại 3 vùng kinh tế trọng điểm đến năm 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 1440/QĐ-TTg ngày 16/10/2008.
Phát sinh 800.000 tấn chất thải nguy hại
Theo báo cáo của sở tài nguyên & môi trường các tỉnh, thành phố, lượng chất thải nguy hại phát sinh trên toàn quốc ước khoảng 800.000 tấn/năm. Con số này chất thải nguy hại này được thống kê dựa trên số lượng chất thải nguy hại tối đa dự kiến phát sinh từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và không bao gồm chất thải nguy hại phát sinh từ các hộ gia đình.
Chỉ tính riêng năm 2014, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt trên toàn quốc chiếm khoảng 23 triệu tấn, tương đương với 63.000 tấn/ngày, trong đó chất thải rắn sinh hoạt đô thị phát sinh khoảng 32.000 tấn/ngày. Riêng tại thành phố Hà Nội, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh lên tới 6.420 tấn/ngày và Thành phố Hồ Chí Minh là 6.739 tấn/ngày. Tính đến tháng 6/2015, trên toàn quốc đã có 83 doanh nghiệp với 56 đại lý thu gom rác có địa bàn hoạt động từ hai tỉnh trở lên được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép và khoảng 130 đơn vị do các địa phương cấp phép hoạt động. Trong đó, riêng công suất xử lý chất thải nguy hại được Bộ Tài nguyên & Môi trường cấp phép là khoảng 1.300 nghìn tấn/năm.
Tuyên dương 70 tập thể, cá nhân giỏi về bảo vệ môi trường
TTXVN đưa tin tối 29/9, tại Nhà hát Âu Cơ (thành phố Hà Nội) đã diễn ra Lễ tuyên dương điển hình tiên tiến về bảo vệ môi trường giai đoạn 2011-2015, nhằm tôn vinh các tập thể, tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động bảo vệ môi trường, góp phần đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia
bảo vệ môi trường, phát triển đất nước.
Trên cơ sở 238 hồ sơ nhận được, sau hơn 1 tháng xét chọn nghiêm túc, Hội đồng xét chọn điển hình tiên tiến về bảo vệ môi trường đã lựa chọn 50 tập thể và 20 cá nhân có nhiều cống hiến, đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ môi trường giai đoạn 2011-2015. Việc tuyên dương các tập thể, cá nhân tiên tiến về bảo vệ môi trường là việc làm cần thiết để tôn vinh những "bông hoa đẹp" về ý thức xây dựng và bảo vệ môi trường của đất nước.
Việt Nam đăng cai Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN
Tin từ Bộ tài nguyên & Môi trường cho biết, từ 26 đến 31/10, Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN chính thức lần thứ 13 (AMME 13), Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN +3 và chuỗi các hội nghị liên quan tại Hà Nội. Hội nghị AMME 13 sẽ đánh giá tình hình thực hiện các thỏa thuận hợp tác về môi trường trong khu vực kể từ hội nghị AMME 12; thảo luận về nội dung hợp tác mới, đồng thời kiến nghị, đề xuất giải pháp thúc đẩy các hoạt động hợp tác ASEAN về môi trường trong thời gian tới, đặc biệt cho giai đoạn sau 2015, khi Cộng đồng ASEAN được hình thành; thảo luận và thông qua Tuyên bố ASEAN về biến đổi khí hậu (BĐKH) chuẩn bị cho Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH (COP21) và Thông cáo chung và kết quả của Hội nghị Bộ trưởng.
Được tổ chức liền kề với Hội nghị AMME 13 là chuỗi các Hội nghị liên quan gồm: Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN+3 lần thứ 14, Hội nghị quan chức cao cấp chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng; Hội nghị Ủy ban thực hiện Hiệp định ASEAN về ô nhiễm khói mù xuyên biên giới lần thứ 11 (COM 11); Hội nghị các bên tham gia Hiệp định ASEAN về ô nhiễm khói mù xuyên biên giới lần thứ 11 (COP 11), nhằm rà soát kết quả thực hiện các chương trình, dự án thuộc 10 lĩnh vực hợp tác về môi trường trong khuôn khổ hợp tác ASEAN, ASEAN+3.
THẾ GIỚI
Tháng Tám trở thành tháng nóng kỷ lục trong hơn 130 năm qua
Cơ quan Khí quyền và Đại dương Quốc gia (NOAA) của Mỹ vừa cho biết thời tiết nóng trên toàn cầu vẫn chưa chấm dứt và đã lập kỷ lục về nhiệt độ hàng tháng cao chưa từng thấy trong 136 năm ghi nhận dữ liệu. NOAA cho biết tháng Tám vừa qua là tháng nóng kỷ lục, cao hơn gần 1 độ C so với mức trung bình của thế kỷ 20 là 15,6 độ C – theo TTXVN.
Cũng theo tổ chức này, nhiệt độ trung bình khoảng thời gian từ tháng Sáu tới tháng Tám vừa qua là cao nhất tính từ năm 1880, khi dữ liệu lần đầu tiên được ghi nhận và cũng là cao nhất so với bất kỳ 8 tháng đầu năm nào. NOAA cũng thông báo rằng nhiệt độ cao đã khiến diện tích băng ở Bắc Cực bị thu hẹp trong tháng Tám, xuống mức thấp thứ tư kể từ cơ quan này tiến hành thu thập các dữ liệu vào năm 1979.
Hơn 3 triệu người chết vì ô nhiễm không khí mỗi năm
Theo báo cáo nghiên cứu công bố ngày 16/9 của tạp chí Nature, tình trạng ô nhiễm không khí khiến hơn 3 triệu người trên thế giới tử vong mỗi năm và con số này sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050 nếu không có giải pháp hữu hiệu nào được đưa ra. Báo cáo cho rằng các quốc gia châu Á sẽ có số nạn nhân nhiều nhất do thói quen sử dụng than đá trong sinh hoạt hàng ngày như nấu ăn hoặc sưởi ấm, trong khi Mỹ và các nước châu Âu ít bị ảnh hưởng hơn – theo VietnamPlus.vn.
Khoảng 75% số nạn nhân tử vong do các bệnh liên quan đến tim mạch vì hít phải khí độc trong thời gian dài, số còn lại không thể qua khỏi do mắc ung thư phổi và các bệnh về hô hấp. Ngoài ra, báo cáo trên cũng cảnh báo nếu các nước trên thế giới không đưa ra được các quy định nghiêm ngặt liên quan đến vấn đề này thì số người tử vong do ô nhiễm không khí sẽ tăng lên 6,6 triệu người trong 35 năm tới.
El Nino năm nay có thể dữ dội hơn đợt 1997-1998
Theo Earthsky, hiện tượng El Nino năm nay dự kiến sẽ hoạt động ở mức cao nhất trong những tháng sắp tới, và trở thành một trong những đợt hoành hành dữ dội nhất lịch sử. Các chuyên gia về thời tiết nhận định rằng, El Nino 2015 thậm chí còn tạo ra nhiều dạng thời tiết cực đoan hơn so với đợt El Nino lịch sử 1997-1998 – theo TTXVN.
NCAR cho biết, hiện chưa thể khẳng định El Nino năm nay sẽ tác động đến thời tiết trên toàn thế giới giống như giai đoạn 1997-1998. Tuy nhiên, giới chuyên gia đang cân nhắc xem một El Nino mạnh có phải là nguyên nhân chính gây ra hạn hán ở California (Mỹ), những đợt nắng nóng tại Australia, làm giảm sản lượng cà phê ở Uganda hay không.
ADB tăng gấp đôi tài trợ chống biến đổi khí hậu, lên 6 tỷ USD
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ngày 25/9 thông báo sẽ tăng gấp đôi mức tài trợ chống biến đổi khí hậu hàng năm từ 3 tỷ USD hiện nay lên 6 tỷ USD vào năm 2020 nhằm giúp các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương đối phó với những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu theo mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SDGs). Phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur dẫn thông cáo báo chí của ADB cho biết 4 tỷ USD sẽ dành cho việc giảm thiểu các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu thông qua mở rộng hỗ trợ lĩnh vực năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng, giao thông vận tải bền vững và xây dựng các thành phố thông minh.
Trong khi đó, 2 tỷ USD còn lại sẽ hỗ trợ các chương trình thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua xây dựng hạ tầng cơ sở bền vững, phát triển nông nghiệp và sự chuẩn bị đối phó với các thảm họa liên quan đến khí hậu. Chủ tịch ADB Takehiko Nakao cho biết các nhà lãnh đạo thế giới họp tại New York (Mỹ) cuối tuần này cam kết đạt 17 mục tiêu SDG vào năm 2030 và ADB sẵn sàng là một phần quan trọng trong nỗ lực toàn cầu để tài trợ cho việc thực hiện các mục tiêu trên.
Thế giới đến gần hơn mục tiêu kiềm chế việc Trái Đất nóng lên
Một hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp quốc tại Copenhagen (Đan Mạch) vào năm 2009 đặt mục tiêu giữ nhiệt độ Trái Đất tăng tối đa không quá 2 độ C so với mốc thời tiền công nghiệp. Các chuyên gia cho rằng ở mức độ này, biến đổi khí hậu vẫn sẽ gây hạn hán và thảm họa song ở mức tương đối dễ quản lý. Trước đó, Climate Interactive, một nhóm phân tích trụ sở tại Washington, dự báo Trái Đất đang trên đà tăng 4,5 độ C so với mức tiền công nghiệp.
Trong chuỗi sự kiện khí hậu kéo dài một tuần tại New York, Mỹ, trước kỳ họp thường niên Đại Hội đồng Liên hợp quốc ngày 28/9, nhiều chính phủ cũng như lãnh đạo các tập đoàn trong khu vực tư nhân đã đưa ra cam kết giảm lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính, đưa thế giới đến gần hơn mục tiêu kiềm chế tốc độ và giảm tác động của tình trạng biến đổi khí hậu. Sau khi các nước đưa ra kế hoạch hạn chế khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính, nhóm trên đã giảm mức dự báo trên xuống còn 3,5 độ C, có nghĩa là thế giới chỉ còn 1,5 độ C để đạt mục tiêu của hội nghị tại Copenhagen.