Vietnamese English
Điểm tin môi trường trong tháng

8/3/2015 8:02:00 AM

Phạt 20 tỉ đồng vi phạm về môi trường; Đã có 389/413 cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; ‘Vua rác’ thực hiện hợp đồng xử lý rác hơn 1 tỉ USD; EU phạt Italia 20 triệu USD vì rác thải; Italia sẽ xét xử một loạt chính trị gia gây ô nhiễm môi trường; Người Thụy Sĩ áp dụng chế độ ăn nhiều rau để bảo vệ môi trường; … là trong số những thông tin sự kiện môi trường nổi bật trong tháng 7.

Phạt 20 tỉ đồng vi phạm về môi trường

Từ đầu năm đến nay, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên & Môi trường) đã ban hành trên 500 kết luận thanh tra đối với các cơ sở, khu công nghiệp (trên cả nước) và xử phạt hơn 200 tổ chức, cá nhân vi phạm. Tổng số tiền phạt là trên 20 tỉ đồng. Đó là thông tin đáng chú ý tại hội nghị triển khai công tác sáu tháng cuối năm của Tổng cục Môi trường ngày 28/7.
 

Ngoài ra Tổng cục Môi trường đã chủ trì, phối hợp với các địa phương thanh tra đột xuất một số cơ sở gây ô nhiễm môi trường. Trong đó, thanh tra đột xuất hai cơ sở tái chế thùng phuy gây ô nhiễm môi trường tại phường Đồng Mai (Hà Đông, Hà Nội), xử phạt hành chính với tổng số tiền trên 500 triệu đồng.

Đã có 389/413 cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

Đến nay đã có 389/413 cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng có tên trong Quyết định 64/2003/QĐ-TTg cơ bản đã hoàn thành các biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để. Thực hiện Quyết định 1788/QĐ-TTg ngày 01/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020, Tổng cục Môi trường đã phối hợp với các địa phương tích cực triển khai nhiều biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Tính đến tháng 6/2015, trong số 186 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng có thời hạn xử lý đến 31/12/2015 đã có 140 cơ sở cơ bản hoàn thành biện pháp xử lý, không còn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (chiếm tỷ lệ 75,27%). Đồng thời, hầu hết các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định 1788/ QĐ – TTg đã thực hiện ngay các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm trong thời gian xử lý để theo danh mục và biện pháp xử lý theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, qua đó góp phần giảm thiểu tác động và ô nhiễm môi trường tới cộng đồng.

‘Vua rác’ thực hiện hợp đồng xử lý rác hơn 1 tỉ USD

Ngày 1/7/2015, 70 chiếc xe mới tinh trong tổng số 90 chiếc vừa đầu tư của CWS chính thức lăn bánh quanh TP Oakland, ra quân thực hiện thu gom rác theo hợp đồng mới với số lượng thu gom khoảng 270 tấn rác/ngày. Dự kiến trong thời gian tới con số này có thể tăng lên đến 550-600 tấn/ngày.

Được biết đây đều là những xe tải mới được công ty đầu tư hàng triệu USD, sử dụng khí thiên nhiên (CNG), sạch sẽ, bảo vệ môi trường. Khả năng giảm tiếng ồn, giảm ô nhiễm của các phương tiện giúp đảm bảo công việc đạt hiệu quả nhưng vẫn không ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân. Được biết CWS sẽ thực hiện thu gom rác có thể tái chế như thủy tinh, nhôm, kim loại, nhựa, giấy, giấy in báo, pin dùng trong gia đình… Công ty có hai nhà máy tái chế được xây dựng năm 1991 và 2005 với công suất dư tải so với nhu cầu, khoảng 1.800 đến 2.000 tấn/ngày. Hiện CWS đang vận hành dự án mới để xây dựng nhà máy tái chế công suất 10.000 tấn/ngày với tổng giá trị đầu tư khoảng 87 triệu USD.

Việt Nam tham gia dự án bảo vệ môi trường quốc tế

Thủ tướng Chính phủ đồng ý Việt Nam tham gia Dự án khu vực "Trình diễn áp dụng phương pháp kỹ thuật tốt nhất hiện có (BAT) và kinh nghiệm môi trường tốt nhất (BEP) trong hoạt động đốt ngoài trời nhằm thực hiện Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP)". Dự án trên do Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) tài trợ từ nguồn viện trợ không hoàn lại của Quỹ môi trường toàn cầu (GEF).

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên & Môi trường phối hợp với UNIDO hoàn thiện, ký văn kiện Dự án với đại diện các bên tài trợ và triển khai thực hiện theo quy định. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh của Việt Nam nhằm hướng tới mục tiêu trở thành nước công nghiệp hóa vào năm 2020, việc thực hiện Dự án áp dụng kỹ thuật tốt nhất hiện có và kinh nghiệm môi trường tốt nhất để giảm phát thải các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy phát sinh không chủ định từ các ngành công nghiệp Việt Nam là hoàn toàn thiết thực.

Công bố Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo

Ngày 17/7, tại Hà Nội, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức giới thiệu nội dung Lệnh của Chủ tịch nước công bố 11 luật, 1 Pháp lệnh và 1 Nghị quyết đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII, trong đó đáng chú ý nhất là Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Luật Tài nguyên, môi trường biển và Hải đảo gồm 10 Chương, 81 điều với phạm vi điều chỉnh là quy định về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo; quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm của của cơ quan và cá nhân trong quản lý tổng hợp.

Theo phạm vi điều chỉnh, nội dung cơ bản của Luật tập trung quy định về các công cụ, cơ chế, chính sách điều phối, phối hợp liên ngành, liên vùng, nguyên tắc các nội dung phối hợp trong quản lý tổng hợp biển và hải đảo; quy định cụ thể về kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo, ứng phó sự cố tràn dầu, hóa chất trên biển… Đặc biệt, trong đó có nhiều nguyên tắc, chế định quan trọng lần đầu tiên được ghi nhận, quy định trong pháp luật nước ta như: bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển; quy định về hành lang bảo vệ bờ biển, sử dụng tài nguyên; quản lý tổng hợp phải dựa trên tiếp cận hệ sinh thái, bảo đảm tài nguyên biển và hải đảo được khai thác, sử dụng phù hợp với chức năng của từng khu vực biển và trong giới hạn chịu tải của môi trường, hệ sinh thái…

THẾ GIỚI

EU phạt Italia 20 triệu USD vì rác thải


Tòa án Liên minh Châu Âu (EU) phạt nước Ý 20 triệu euro vì hệ thống thu gom và xử lý rác thải không đạt kết quả ở vùng Campania, miền Nam nước Ý. Thêm nữa, mỗi ngày còn bị phạt thêm 120 ngàn euro, khi vấn đề xử lý rác chưa được giải quyết ổn thỏa, theo đúng tiêu chuẩn chung EU. Bộ trưởng Môi trường Ý, Gian Luca Galetti cho rằng địa phương phải tự lo ngân sách nộp phạt, bởi Campania vi phạm các tiêu chuẩn về rác thải của EU. Nhưng ông lại cho rằng “một số địa phương không đủ sức tự giải quyết”.

Mafia đã xâm nhập vào khâu thu gom rác. Năm này qua năm khác, những bãi rác độc hại bất hợp pháp tích tụ biến thành vùng “đất chết sinh thái”. Theo EU, ít nhất phải mất 15 năm mới hồi sinh lại được. Năm 2014, lính cứu hỏa phải dập 2.500 vụ bãi rác tự bốc cháy. Không chỉ là cháy mà các bãi rác thải độc này còn là ổ ung thư.

Thủ đô Ấn Độ: Mỗi ngày 80 người chết vì không khí ô nhiễm

Bộ trưởng Môi trường Ấn Độ Prakash Javadekar mới cho biết, tình trạng ô nhiễm không khí tại thủ đô New Delhi đã lên mức cao nhất với 80 người chết mỗi ngày do khói bụi từ các phương tiện giao thông hoặc sương mù. Theo số liệu đưa ra từ tháng 4 vừa qua, nồng độ hạt bụi phân tử PM 2,5 trong không khí ở New Delhi là 215 microgram/m3 - gấp 21 lần so với khuyến cáo của thế giới.

Tổ chức Y tế thế giới cho rằng, hệ quả của tình trạng này là căn bệnh ung thư phổi khiến khoảng 1,3 triệu người chết mỗi năm. Ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây tử vong lớn thứ hai tại Ấn Độ, chỉ sau bệnh tim.

Italy sẽ xét xử một loạt chính trị gia gây ô nhiễm môi trường

Viện công tố thành phố Taranto, vùng Puglia, Italy, đã đề nghị Tòa án thành phố này mở phiên tòa xét xử 44 người và ba công ty với tội danh "gây ô nhiễm môi trường." Đây sẽ là phiên tòa lớn nhất liên quan đến môi trường ở miền Nam Italy từ trước đến nay. Những người trên bị cáo buộc đã vô trách nhiệm, làm ngơ hoặc đồng lõa, dẫn đến việc những nhà máy luyện thép của hãng Ilva đã nhiều lần thải ra môi trường một lượng khí thải độc hại quá mức cho phép.

Các nhà máy được thiết kế theo kiểu cũ và không có các hệ thống xử lý khí thải này được cho là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến việc tỷ lệ người mắc ung thư ở thành phố Taranto cao hơn bất cứ nơi nào khác của xứ Puglia và Italy. Theo cơ quan điều tra, trung bình mỗi năm ở Taranto có 30 người chết do các bệnh liên quan đến ô nhiễm, trong khi tỷ lệ trẻ em có khối u do ô nhiễm cao hơn các nơi khác ở Puglia 54%. Trong số những người bị đưa ra xét xử có rất nhiều chính trị gia của vùng Puglia, trong đó có cựu Chủ tịch vùng Puglia Nichi Vendola, hiện là người đứng đầu của một chính đảng nhỏ ở Italy.

Ma-phi-a môi trường

Hiệp hội Bảo vệ Môi trường I-ta-li-a (Legambiente) cho biết, các băng đảng ma-phi-a ở nước này đã thu những khoản lợi "kếch xù" sau khi hoành hành trong lĩnh vực liên quan môi trường, như kinh doanh các bãi rác lậu lộ thiên, buôn lậu rác độc hại hay kinh doanh thực phẩm trái phép.

Theo đó, các băng nhóm "ma-phi-a môi trường" đạt doanh thu ước tính lên tới 22 tỷ ơ-rô trong năm 2014, cao hơn bảy tỷ so với năm 2013. Bất chấp sự kiểm soát của cơ quan chức năng, ở I-ta-li-a vẫn xảy ra gần 30.000 vụ vi phạm luật môi trường trong năm 2014. Số vụ kinh doanh bãi đổ rác thải độc hại trái phép tăng 26% so với năm 2013, khi hơn 3,5 triệu tấn rác thải công nghiệp bị phát hiện. Trong đó, vùng Pu-gli-a ở miền nam I-ta-li-a là khu vực xảy ra nhiều vụ vi phạm về môi trường nhất, chiếm 28,7% tổng số vụ. Tại vùng Cam-pa-ni-a, đã phát hiện hàng loạt bãi rác lậu do ma-phi-a kiểm soát, chôn giấu hàng triệu tấn rác thải công nghiệp.

Người Thụy Sĩ áp dụng chế độ ăn nhiều rau để bảo vệ môi trường

Theo nghiên cứu mới đây của Thụy Sĩ, thời tiết khắc nghiệt như hiện nay một phần là do thói quen ăn uống của con người, nhất là thực đơn nhiều thịt của người châu Âu và Bắc Mỹ. Giới trẻ hiện nay có ý thức hơn với các vấn đề môi trường cũng như tình trạng khan hiếm các nguồn tài nguyên thiên nhiên, do đó lớp trẻ Thụy Sĩ sẵn sàng trả tiền cho những bữa ăn thân thiện với môi trường.

Công ty Thụy Sĩ Compass Group đang áp dụng cung cấp các bữa ăn "xanh" cho chuỗi 44 quán ăn khắp đất nước với mong muốn góp phần giảm khí thải độc hại. Giám đốc điều hành của Compass Frank Keller đang lên kế hoạch cho các bữa ăn giảm tối đa những thực phẩm liên quan đến khí thải CO2, đặc biệt là thực đơn "ngày Thứ Hai đầu tuần không có thịt." Hiện tại, người dân Thụy Sĩ đã bắt đầu hình thành thói quen mỗi tuần ăn ba bữa thân thiện với môi trường.

Theo Minh Cường (MOITRUONG.COM.VN)

Lượt xem : 1872