Vietnamese English
Điểm tin môi trường trong tháng

11/3/2014 9:28:00 AM

1.450 tỷ đồng thực hiện bảo vệ môi trường năm 2014; Việt Nam chi ít nhất 3.000 tỷ đồng ứng phó biến đổi khí hậu vào 2015; Trung Quốc thải khí nhiều nhất thế giới; Bị phạt tiền khi không phân loại rác; … là trong số các sự kiện môi trường đáng chú ý diễn ra trong tháng 10.


TRONG NƯỚC

Trình Quốc hội Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo


Sáng 22/10/2014, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang đã đọc Tờ trình Dự án Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang , Dự án Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo có 10 chương, 76 điều bao gồm: Quy định chung; Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo; Điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường vùng bờ; Tài nguyên hải đảo; Bảo vệ môi trường biển và hải đảo; Quan trắc, giám sát tổng hợp và hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về tài nguyên, môi trường biển và hải; Hợp tác quốc tế về tài nguyên và môi trường biển và hải đảo; Trách nhiệm quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Điều khoản thi hành.

239 tỷ đồng hỗ trợ 24 tỉnh di dân ra khỏi vùng thiên tai

Thủ tướng Chính phủ đồng ý tạm ứng từ ngân sách trung ương 239 tỷ đồng để hỗ trợ cho 24 địa phương thực hiện các dự án di dân khẩn cấp ra khỏi vùng thiên tai, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất trong năm 2014.

Theo số liệu rà soát của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, hiện nay có 45 dự án di dời khẩn cấp 7.077 hộ với trên 33.000 người sống trong vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất của 24 tỉnh cần đầu tư. Đây là các tỉnh nghèo, rất cần sự hỗ trợ của ngân sách trung ương để thực hiện.

1.450 tỷ đồng thực hiện bảo vệ môi trường năm 2014

Ngày 14/10, lãnh đạo Bộ Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) đã báo cáo về tổng chi ngân sách sự nghiệp môi trường của Bộ tại Phiên họp toàn thể lần thứ 9 do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức tại TP Hồ Chí Minh.

Theo đó, tổng ngân sách chi cho sự nghiệp môi trường trung ương năm 2014 là 1.450 tỷ đồng. Ngoài ra, Bộ TN&MT dự kiến đề nghị tổng kinh phí năm 2015 là 1.800 tỷ đồng và sẽ ưu tiên bố trí vốn đối với các dự án chuyển tiếp từ các năm trước.

Doanh nghiệp Việt Nam tốt nghiệp trại huấn luyện công nghệ sạch

Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 17/10 cho biết, lần đầu tiên ở Việt Nam, hai mươi tư doanh nghiệp khởi nghiệp đã tốt nghiệp trại huấn luyện công nghệ sạch. Trại huấn luyện này được thiết kế để giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) phát triển và mang ra thị trường các giải pháp công nghệ sạch sách tạo, hiệu quả năng lượng và công nghệ thích ứng trong lĩnh vực giao thông, nông nghiệp và quản lý nước.

Đây là sáng kiến do Chương trình Công nghệ khí hậu thuộc InfoDev/Ngân hàng Thế giới cùng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) xây dựng nhằm đẩy mạnh sự phát triển của các doanh nghiệp xanh trong vùng và giúp giảm mối đe dọa nghiêm trọng của biến đổi khí hậu. Với sự kết thúc thành công của trại huấn luyện này, chương trình sẽ tiếp tục hỗ trợ và cố vấn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các doanh nghiệp công nghệ khí hậu khác thông qua Trung tâm Sáng tạo khí hậu Việt Nam (Vietnam CIC).

Việt Nam chi ít nhất 3.000 tỷ đồng ứng phó biến đổi khí hậu vào 2015

Để giảm thiểu những thiệt hại do thiên tai gây ra, trong năm 2015, Chính phủ Việt Nam sẽ dành ít nhất 3.000 tỷ cho ứng phó với biến đổi khí hậu. Dự báo vào năm 2030, nếu không có giải pháp ứng phó quyết liệt thì khoảng 45% diện tích của khu vực này sẽ bị nhiễm mặn cục độ và gây thiệt hại về nông nghiệp nghiêm trọng do lũ lụt và ngập úng, thiệt hại ước tính sẽ khoảng 17 tỷ USD.

Đây là một trong những thông tin quan trọng, vừa được Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đưa ra chiều 8/10, tại cuộc họp giữa Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu tổ chức cuộc họp với các nhà tài trợ chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu và các đối tác phát triển tại Việt Nam.

THẾ GIỚI

IPCC hoàn tất báo cáo tổng hợp về biến đổi khí hậu toàn cầu


Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) đã bắt đầu cuộc họp kéo dài một tuần tại Copenhagen (Đan Mạch) để hoàn tất Báo cáo tổng hợp, giúp các nhà hoạch định chính sách có được đánh giá tổng quan về những nguy cơ do biến đổi khí hậu gây ra. Cuộc họp sẽ phân tích và tổng hợp những kết quả nghiên cứu do 3 nhóm công tác của IPCC công bố trong 13 tháng qua và kết quả của hai báo cáo đặc biệt công bố năm 2011.

Chủ tịch IPCC, Rajendra K. Pachauri, cho biết báo cáo tổng hợp được công bố vào ngày 2/11 tới, sẽ vạch ra lộ trình để các nhà hoạch định chính sách đi đến một thỏa thuận toàn cầu nhằm ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay, ngoài ra nó cũng góp phần xây dựng một tương lai tươi sáng và bền vững hơn cho Trái Đất.

Trung Quốc thải khí nhiều nhất thế giới

Trong năm 2014, lượng khí thải gây ô nhiễm bầu khí quyển trên thế giới đã phá mọi kỷ lục trước đây, trong đó Trung Quốc “đóng góp” một phần quan trọng khi phát tán vào khí quyển lượng khí carbon nhiều hơn cả Mỹ và châu Âu gộp lại.

Dự báo trong năm 2014, lượng khí carbon do Trung Quốc thải vào bầu khí quyển sẽ tăng 4,5% so với năm ngoái, đạt 10,4 tỷ tấn. Lượng phát thải khí carbon của Mỹ là hơn 5,2 tỷ tấn và của EU là 3,4 tỷ tấn. Đến năm 2019, dự báo nhân loại sẽ phát tán vào bầu khí quyển khoảng 43,2 tỷ tấn khí carbon độc hại, trong đó Trung Quốc chiếm gần 13 tỷ tấn.

Chile trở thành quốc gia Nam Mỹ đầu tiên đánh thuế khí thải CO2

Ngày 26/9, Tổng thống Chile Michelle Bachelet đã ký ban hành luật thuế môi trường mới, đưa Chile trở thành quốc gia Nam Mỹ đầu tiên đánh thuế khí thải carbon.

Theo luật thuế môi trường trên, thuế carbon của Chile sẽ nhằm vào lĩnh vực năng lượng, đặc biệt là các nhà máy nhiệt điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch có công suất từ 50 megawatt trở lên. Các cơ sở này sẽ phải chịu mức thuế 5 USD cho mỗi tấn CO2 thải ra.

Bị phạt tiền khi không phân loại rác

Với chín phiếu thuận tuyệt đối, Hội đồng TP.Seattle (thành phố lớn nhất bang Washington, Mỹ) đã thông qua chương trình phạt tiền các doanh nghiệp, hộ gia đình không phân loại rác. Cụ thể là phân loại thành rác hữu cơ từ thức ăn (như trái cây hư, sữa quá hạn…) và rác có thể tái chế (như giấy).

Việc phạt tiền được áp dụng từ tháng 1/2015. Bất cứ trường hợp nào đã được cảnh báo và nhắc nhở hai lần mà vẫn vi phạm sẽ bị phạt 50 USD. Trước đó, người dân ở Seattle đã được thông báo, nếu không phân loại rác thì nhân viên vệ sinh không thu gom rác ở những hộ gia đình ấy.

Nhật phóng vệ tinh thời tiết có công nghệ tiên tiến nhất thế giới

Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) cho biết ngày 7/10, Nhật Bản đã phóng thành công vệ tinh quan sát thời tiết Himawari-8 từ trung tâm vũ trụ Tanegashima ở tỉnh Kagoshima, Tây Nam Nhật Bản. Vệ tinh Himawari-8, do hãng Mitsubishi Electric Corp. chế tạo, nặng khoảng 3.500kg (gồm cả thùng chứa đầy nhiên liệu khi đặt vào bệ phóng).

Himawari-8 cũng có thể quan sát điều kiện thời tiết ở một khu vực một cách thường xuyên, cứ 10 phút lại chụp ảnh gửi về, so với 30 phút theo quy trình của vệ tinh Himawari-7 hiện nay. Vì thế, Himawari-8 được trông đợi sẽ hỗ trợ và cải thiện các hoạt động khí tượng thủy văn trên phạm vi rộng, như dự báo thời tiết, theo dõi khí hậu, phòng ngừa thiên tai, kiểm soát không lưu. Dự kiến vệ tinh Himawari sẽ bắt đầu chính thức hoạt động từ tháng 7/2015. Nhật Bản cũng có kế hoạch phóng vệ tinh dự phòng Himawari-9 trong tài khóa 2016.

Theo Mạnh Cường (MOITRUONG.COM.VN)

Lượt xem : 2429