Vietnamese English
Điểm tin môi trường trong tháng

10/6/2014 8:00:00 AM

Công bố Báo cáo môi trường quốc gia; 43 doanh nghiệp “Vì Môi trường xanh Quốc gia 2014”; Khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh Liên Hợp quốc về Biến đổi Khí hậu; Dùng vi khuẩn tạo ra năng lượng xanh… là trong số những sự kiện môi trường đáng chú ý diễn ra trong tháng.


TRONG NƯỚC

Công bố Báo cáo môi trường quốc gia


Ngày 18/9, Bộ Tài nguyên & Môi trường đã công bố Báo cáo môi trường quốc gia năm 2013. Báo cáo lần này tập trung phân tích các vấn đề liên quan đến môi trường không khí của Việt Nam trong giai đoạn 2008-2013.

Theo đó, tại Việt Nam, ô nhiễm bụi tiếp tục là vấn đề nổi cộm nhất, chưa được cải thiện so với giai đoạn 2003-2007. Bên cạnh đó, ô nhiễm tiếng ồn tại các đô thị và khu vực sản xuất đã tồn tại từ nhiều năm nay, chưa được khắc phục. Ô nhiễm mùi cũng là vấn đề bức xúc.

Phát động chiến dịch "vì môi trường không rác" tại tỉnh Thái Nguyên

Từ ngày 15-21/9, Bộ Tài nguyên     & Môi trường phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Nguyên tổ chức các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2014 với chủ đề “Hãy hành động vì một môi trường không rác."

Chủ đề của Chiến dịch năm nay nhấn mạnh vai trò của từng cá nhân trong các hoạt động chung của cộng đồng sẽ tác động lên toàn cầu, từ đó nâng cao nhận thức của cá nhân, cộng đồng về trách nhiệm đối với môi trường, góp phần vào những nỗ lực vì môi trường xanh, phát triển bền vững.

43 doanh nghiệp “Vì Môi trường xanh Quốc gia 2014”

Hội Bảo vệ Thiên nhiên & Môi trường Việt Nam (VACNE) và Tạp chí Thực phẩm & Sức khỏe vừa tổ chức trao bằng công nhận 43 doanh nghiệp được bình chọn là đơn vị “Vì Môi trường xanh Quốc gia 2014”.

Sáng 31/8/2014, Đài Truyền hình Kỹ thuật Số VTC1 đã phát sóng trực tiếp lễ trao bằng công nhận 43 doanh nghiệp, được bình chọn là đơn vị “Vì Môi trường xanh Quốc gia 2014”, do VACNE và Tạp chí Thực phẩm & Sức khỏe bình chọn.

Lồng ghép chiến lược thích ứng dựa vào hệ sinh thái tại Việt Nam

Ngày 4/9, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 1569/QĐ-TTg về việc phê duyệt danh mục dự án "Lồng ghép chiến lược thích ứng dựa vào hệ sinh thái tại Việt Nam" sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức của Chính phủ Đức.

Bộ Tài nguyên & Môi trường là cơ quan chủ quản dự án. Dự án được thực hiện trong 4 năm (2014-2019) với tổng mức đầu tư 4,4 triệu euro, trong đó vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Đức 4 triệu euro, vốn đối ứng của phía Việt Nam 400.000 euro (do Bộ Tài nguyên và Môi trường tự thu xếp trong ngân sách hàng năm).

Công bố kết quả nghiên cứu phân vùng bão thường xuyên đổ bộ

Ngày 9/9, Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố kết quả nghiên cứu phân vùng bão thường xuyên đổ bộ và xác định nguy cơ bão, nước dâng do bão ở vùng ven biển Việt Nam.

Theo đó, khu vực từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa có số cơn bão đổ bộ và ảnh hưởng nhiều nhất trong khi từ Nghệ An đến Thừa Thiên - Huế có cường độ mưa lớn nhất sau bão. Dải ven biển Phú Yên - Khánh Hòa, Ninh Thuận - Cà Mau là những vùng ít bị bão đổ bộ nhất.

THẾ GIỚI

Khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh Liên Hợp quốc về Biến đổi Khí hậu


Ngày 23/9, lần đầu tiên Hội nghị Thượng đỉnh Liên Hợp quốc (LHQ) về Biến đổi Khí hậu được khai mạc tại trụ sở chính của LHQ ở New York (Hoa Kỳ), với sự tham dự của nhiều nguyên thủ quốc gia, thủ tướng chính phủ, các bộ trưởng, trưởng đoàn đại biểu 193 quốc gia thành viên LHQ, trong đó có Đoàn đại biểu nước ta do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, dẫn đầu.

Ông Ban Ki-moon kêu gọi tất cả các quốc gia cùng giảm tối đa lượng chất thải gây hiệu ứng nhà kính đang làm Trái đất nóng lên và cùng tăng cường năng lực của các cá nhân cũng như các xã hội trong việc ứng phó với thiên tai, giảm thiểu những thiệt hại do tình trạng nước biển dâng, bão gió, hạn hán,... gây ra. Ông kêu gọi sức mạnh của toàn nhân loại để đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu, vì theo ông, hậu quả tai hại của tình trạng này không từ một ai, một vùng miền, hay châu lục nào trên Trái đất.

Lượng khí CO2 thải vào khí quyển tăng kỷ lục trong năm 2013

Theo báo cáo của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) công bố ngày 9/9, lượng khí điôxít cácbon (CO2) gây hiệu ứng nhà kính thải vào khí quyển đã tăng kỷ lục trong năm 2013, trong khi hầu hết bề mặt các đại dương, nơi hấp thụ lượng lớn khí thải CO2, lại đang bị axít hóa nghiêm trọng hơn bao giờ hết.

Năm 2013, lượng khí thải CO2 toàn cầu
, nguyên nhân chính gây ra sự ấm dần lên của Trái Đất, đạt mức 396 ppm, tăng 2,9 ppm so với năm 2012 và đây là mức tăng hàng năm lớn nhất trong 30 năm qua.

Thảm họa thiên nhiên gây thiệt hại hơn 40 tỷ USD

Tập đoàn tái bảo hiểm Swiss Re của Thụy Sĩ cho biết, thảm họa thiên nhiên đã gây thiệt hại kinh tế 41 tỷ USD trong sáu tháng đầu năm 2014.

Tổn thất này ít hơn nhiều so với mức 59 tỷ USD (45 tỷ euro) trong cùng kỳ năm ngoái và chỉ tương đương 50% mức thiệt hại trung bình trong 10 năm trở lại đây (94 tỷ USD). Đối với ngành bảo hiểm, thiên tai đã "ngốn" của ngành 21 tỷ USD trong thời gian trên, thấp hơn so với mức 25 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái và mức 27 tỷ USD trung bình trong 10 năm.

115 quốc gia cam kết dự hội nghị toàn cầu về khí hậu Trái Đất

Ngày 12/9, tại trụ sở chính của Liên hợp quốc ở thành phố New York (Mỹ), Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon ra thông cáo cho biết hiện đã có 115 quốc gia thành viên của tổ chức lớn nhất hành tinh này cam kết sẽ cử đoàn đại biểu do nguyên thủ quốc gia hoặc người đứng đầu chính phủ dẫn đầu, tham dự Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về khí hậu Trái Đất, dự kiến sẽ tổ chức vào ngày 23/9 tới tại New York.

Hội nghị sẽ diễn ra trước khi Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 69 bắt đầu phiên thảo luận chung, nhằm tăng cường quyết tâm chính trị ở mức cao nhất của các quốc gia, qua đó đưa ra những biện pháp thật cụ thể và hữu hiệu trong cuộc chiến chống lại tình trạng biến đổi khí hậu đang ngày càng có thêm những diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu, bất lợi cho môi trường sống của nhân loại.

Dùng vi khuẩn tạo ra năng lượng xanh

Nhưng các nhà khoa học Anh và Phần Lan mới đây đã tìm ra cách dùng vi khuẩn này để tạo ra năng lượng xanh thay thế năng lượng hóa thạch đang ngày càng cạn kiệt và gây ô nhiễm.

Theo Tech Times ngày 3-9, nhà khoa học Patrik Jones (trường Imperial College London) và các đồng nghiệp đã dùng vi khuẩn E.coli để làm gián đoạn tổng hợp axit béo, một quá trình có thể chuyển đổi các axit béo vào màng tế bào.

Theo Mạnh Cường (MOITRUONG.COM.VN)

Lượt xem : 1982